Thái độ một trí thức Cham hiện đại 01: Với Ahier-Awal
[dưới dấu hiệu của Ariya Glơng Anak]
Hai thái độ cần thiết dành cho trí thức Cham ngày nay.
1. Phi tâm hóa hậu hiện đại, bằng cách:
Phi tôn giáo. Tôi là đứa con Ahier-Awal, nhưng tôi có thể vào bất cứ chùa chiền, giáo đường, nhà thờ của bất kì tôn giáo nào mà không chút trở ngại. Tôi vô ngại, và họ cũng đón nhận tôi – vui vẻ.
Phi phe phái. Tôi có thể nói giúp hay phản bác bất cứ cá nhân nào ở bất kì luận điểm nào, mà không để thứ tinh thần phe phái thao túng. Cả đầu óc cục bộ địa phương cũng thế.
Tôi không đủ khiếm tốn để cho hai thứ tinh thần này chi phối mình.
2. Áp dụng 3 không:
Không chống đối Haluw janưng chức sắc tôn giáo Ahier-Awal. Thế hệ trước tôi, và trước nữa đã có không ít trí thức từng chống kịch liệt chức sắc tôn giáo Cham. Không sai, bởi các vị ấy đã có nhiều biểu hiện và hành động quá tùy tiện, sai ở đây là phương pháp làm. Thất bại là chuyện khó tránh.
Không kiếm tiền từ quê nhà. Bạn có thể pagat Ywơn pagat Lauw (“lừa người Việt, người Tàu”, thành ngữ mang ý nghĩa vui, tốt) để có tiền nuôi con cái ăn học, mang của cải về quê giúp dân làng, chứ tuyệt đối không lấy tiền từ người quê hương làm lợi riêng. Cũng không cạnh tranh với người quê nhà để đấu thầu cái gì đó.
Cạnh tranh, bạn dễ bị nghi ngài là vụ lơi. Từ đó, tiếng nói của bạn giảm đi sức nặng đáng kể.
Không chấp nhất nhỏ nhen, “palai tung tian” tránh thù vặt, vận dụng tinh thần giải sân hận của Ariya Glơng Anak vào đời sống hàng ngày.
Người từng chống bạn, rồi người thân của hắn có chuyện và khi hắn yêu cầu – bạn cởi bỏ sau lưng mấy chấp nhất nhỏ nhen, sẵn sàng đứng ra giúp họ.
Một cây bút lập FB hai tháng liên tục viết bôi nhọ tôi, tôi biết – và sapa, nhẹ nhõm.
Một ông anh viết/ đăng hơn mươi bài báo dài dặc xuyên tạc tôi rất sai, rất bậy – tôi đã trả lời anh: Ông anh lớn tuổi hơn Sara. Dù anh có xuyên tạc tôi hằng hà sa kiếp nữa, hãy tin tôi đi: tôi sẽ không bao giờ phát ra một tiếng đáp lại anh đâu!
*
Thái độ trí thức Cham hiện đại 02: Tại sao sợ phê bình?
Vừa qua, ở Stt “07. Chuyện ngoài lề mang nguy cơ đổ vỡ”, tôi rất ngạc nhiên khi có vài bạn trẻ không đồng ý với việc tôi đưa tên tuổi 2 vị Cham hoạt động xã hội lên mạng, chỉ vì sợ họ bị phê bình.
1. Tại sao sợ phê bình?
Chỉ có kẻ độc quyền hành động, hay một chế độ độc tài mới sợ phê bình. TT. Obama sang VN nói một ý đáng nhớ: “Tôi bị báo chí và trí thức Mỹ phê phán mỗi ngày, chính vì thế mà Hoa Kì lớn mạnh”.
Chế độ độc tài ngược lại, qui mọi phản biện, phê phán vào “thế lực thù địch”.
Bạn là con người hoạt động xã hội, bạn là người của cộng đồng thì bạn phải chấp nhận sự phê bình, khen chê từ cộng đồng. Không thể tránh. Càng nổi tiếng thì càng bị dư luận soi mói.
Chỉ có kẻ hoạt động dấm dúi mới sợ bị đưa ra ánh sáng để công luận phê bình.
2. Mà phê bình thì phải nêu đích danh với địa chỉ rõ ràng. Và nhất là – công khai.
Hai nhà phê bình Nguyễn Hòa và Hoài Nam từng trích văn và lấy ý của tôi để phê bình trên báo. Phê bình tôi mà không nêu tên tôi. Tôi đã buộc họ đưa tên Inrasara ra, để đối thoại. Đường đường chính chính – rất sòng phẳng!
Cây ngay không sợ chết đứng! Nếu ta đúng [hay ta chân chính], tại sao sợ phê bình?
Tôi đã nói nhiều lần, ngoài chuyện tình cảm riêng tư và cá nhân gia đình, còn lại tôi có thể đối thoại mọi vấn đề về Cham liên quan đến tôi. Và tôi đã làm đúng như vậy: chấp nhận phê bình và sẵn sàng phản biện lại sự phê bình đó.
3. Nhầm lần giữa công lao và hành động sai lầm.
Người có công với Cách mạng thường được bố trí vai trò này nọ trong chính quyền, rồi khi anh/ chị ta làm sai, ta hay châm chế. Ra tòa cũng châm chế. Chính vì thế mà VN mãi trì trệ. Khi anh/ chị ta sai cần nhận sự phê phán, thậm chí kỉ luật. Còn công trạng là chuyện khác. Nhầm lẫn 2 chuyện là hỏng to.
Ông có công “làm văn hóa Cham”, khi hoạt động xã hội ông dấm dúi, trục lợi thì ông sẽ bị công luận phê phán, cần thiết – bị loại bỏ. Không thể vì ông từng viết nhiều tác phẩm nghiên cứu văn hóa Cham tốt mà ông được châm chế hay sapa ở sai lầm này.
Và bạn, nếu bạn biết mà im lặng hay bao che là đồng lõa, là có tội.
4. Phê bình thế nào?
Thường vì định kiến [tốt/ xấu] ta phê phán hay ca tụng vô bằng cớ. Phê vô bằng cớ và nặng lời, ta thành chưởi bới; khen vô bằng cớ và quá lố thì thành a dua.
Phê bình cần dựa trên mấy yếu tố:
– Có luận điểm rõ ràng
– Có bằng chứng xác đáng, khả tín
– Lập luận vững chắc để thuyết phục người đối thoại
– Cuối cùng, ngôn từ đơn giản, dễ hiểu và văn minh.
CODA. Hãy xem PHÊ BÌNH LÀ ĐIỀU BÌNH THƯỜNG TRONG XÃ HỘI.
Cá nhân tôi nhiều lần được/ bị đưa lên công luận phê phán, thậm chí xuyên tạc. Tôi rất vui vẻ và bình tĩnh đón nhận nó. Vài thái độ:
– Thấy hay, tôi tiếp thu và karun!
– Sai và bất công, tôi cho qua hoặc tôi nói 1 lần rồi thôi, không mất thì giờ tranh cãi dây dưa.
– Nếu biết đó là thiện ý, tôi trao đổi lại.
*
Thái độ một trí thức Cham hiện đại 03: Với người ngoài
[dưới dấu hiệu của Ariya Glơng Anak]
Tranh thủ tình cảm từ “nhân dân tiến bộ” thế giới chỉ là chuyện nhỏ, điều trọng yếu ở đây là trí thức Cham hiện đại cần trang bị tinh thần tự do và công bằng ngay từ TÂM, từ đó ta xử lí vấn đề nảy sinh ở mọi tình huống.
Dưới dấu hiệu Glơng Anak sous le signe de Glơng Anak, tạm nêu “ba phi”:
1. Phi tinh thần dân tộc cực đoan
Va chạm Cham Việt trong đời sống ngày thường là điều khó tránh, ở đó vài vụ mang tính cá thể ta có xu hướng nâng cấp thành xung đột sắc tộc. Từ đó ta phê phán, nặng hơn – ta chưởi. Phê phán chính quyền, rồi lây lan sang phê phán người Việt.
Mới nhất, chuyện Patuw Kut Bauh Dana, hay Tanưh Paywa palei Thon, theo dõi các còm, tôi thấy nhiều bạn đã hành xử hệt thế: thu mình lại, và đối xử phân biệt. Vừa thiếu công bằng [mang tính nhân văn], bên cạnh hoàn toàn bất lợi trong đấu tranh. Ở đây, tại sao ta không tranh thủ tình cảm “nhân dân tiến bộ Việt”?! Họ nhiều vô số kể yuw hadơm yuw halak. Chính họ sẽ giúp ta rất nhiều, và hiệu quả nữa.
2. Phi đảng phái
Gia nhập đảng phái chính trị nào đó, là ta đã mặc áo đồng phục rồi, ta tự đóng mộc vào trán ta rồi. Qua đó, ta khó nói, càng khó nói cho công bằng. Nói, cũng ít ai tin bạn khách quan, vô tư.
Vụ Dự án ĐHN là đại sự quốc gia không Đảng viên Cham nào lên tiếng đã đành, ngay chuyện Ghur Bini bó hẹp ở cấp Tỉnh, hoặc vụ Trường nội trú Dân tộc Ninh Phước thu nhỏ trong phạm vi giáo dục, cũng chẳng thấy Đảng viên Cham nào có tiếng nói dù nhỏ nhẹ nhất. Chi bộ họp hoài, thì làm sao mà ăn nói!
Trong nước là vậy, Cham ở hải ngoại hiện vài vị vẫn còn mặc áo Việt Nam Cộng hòa, cũng mắc kẹt trong vũng lầy đảng phái.
Vậy sinh linh Cham còn biết kêu ai?
– Kêu người không đảng phái và, với Cham – kẻ không phe phái [dĩ nhiên “Không sợ điều không đáng sợ” – tên một bài phỏng vấn của Inrasara trên RFA].
3. Phi trong ngoài
Đến hôm nay, nhiều Cham vẫn còn thu mình trong thế giới Chàm mình, hay không gian nội địa [Việt Nam]. Trái đất hôm đã thành một làng – làng toàn cầu. Tại sao ta không mở rộng quan hệ, không chỉ với người Việt hải ngoại, mà còn cả ngoại nhân khác nữa?
Ta là Cham, đồng thời là công dân thế giới. Ta hành động như Cham, bên cạnh hành động như một công dân thế giới.
Không phải chỉ có vụ việc liên quan đến cộng đồng Cham, ta mới lên tiếng; ta còn phải học biết lên tiếng cho cả thế giới.
Thế giới, không chỉ khi ta bàn chuyện Trump hay Putin; khi ta biết lên tiếng cho một thiểu số có tiếng nói trên văn đàn ở một tỉnh lẻ Việt Nam, hoặc phản đối vụ giết hại một nhà thư nữ Afghanistan bị sát hại, là ta đã thế giới . Thế giới ở nơi TÂM ta: hành vi, lời nói phát ra từ tâm thức ấy, là ta đã thế giới.
Muốn thế, ta cần nâng tầm: Tầm hiểu biết, tầm suy tư, và tầm viết [nói].