ĐI TÌM SINH LỘ CHO AHIER-AWAL 3&4

03. Palei Pabblap Biruw đi đầu phong trào cải cách

Tôn giáo tín ngưỡng Cham dù đóng tới đâu, cũng biết tùy thời…
Ngày mai là lễ Xuk Yơng (Lễ Thứ Sáu xoay vòng) ở palei Bauh Dơng, palei nửa Ahier nửa Awal. Xin kể vài chuyện xung quanh cuộc cải cách tập quán Cham Awal hầu bà con:

Po Gru Dương Kế – bố Imưm Dương Điệp – được xem là nhà cải cách tôn giáo. Sinh thời, ông đã có nhiều quyết định dũng cảm thay đổi nề nếp sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng Phước Nhơn, từ đó ảnh hưởng qua các vùng lân cận. Tạm nêu 4 điểm cải cách:

1. Thường một làng Cham Bà-ni chỉ có quyền làm một Kajang cho Lễ tẩy uế (Mưroy tanưh). Nếu cứ giữ tập tục cũ, sẽ không đáp ứng nhu cầu chung. Để giải quyết sự trương nở của dân số làng, ông quyết làm 2-3 Kajang một lúc – là một cái quyết mang tính cách mạng.

2. Harei Ikak được xem là ngày kiêng kị, người mất hay có việc hệ trọng gặp phải ngày đó, đành chịu: không được hưởng các nghi thức tôn giáo chính thức. Gru Dương Kế đã giải thích là mọi người đều bình đẳng, chuyện bất trắc có xảy ra với họ là mệnh trời, các luật lệ đều do con người đặt định, vậy từ nay [năm 1995] ta đặt định điều lệ mới: tất cả tín đồ Bà-ni khi mất đi, không phân biệt lành dữ, đều được hưởng tập tục như nhau.

3. Với lễ Karơh dành cho các cháu gái nhập đạo Bà-ni. Cũng với tinh thần bình đẳng giữa bé gái xuất thân từ gia đình Bini harat (thuần) và bé gái bị cho là “lai căng”: đứa con của người Bà-ni lấy chồng ngoại đạo hay dân tộc khác, và cả bé gái “thuần Bini” đã “quá đát” (có tháng trước thời điểm hành lễ), Gru Dương Kế có cách giải quyết rất độc đáo. Ông đề nghị nghi thức Karơh Chrauk, nghĩa đen là “lễ Karơh ghép” vào. Khi gia đình các cháu gái “thuần” làm lễ này, các cháu gái “không thuần” có thể ăn theo để làm lễ ghép vào: cũng xong một nghi thức tôn giáo dành cho đời người Bà-ni.

4. Chuyện làm nhà vệ sinh ngay trong khuôn viên Sang Mưgik cũng xuất phát từ quyết định của Gru Dương Kế. Khuôn viên nhỏ có tất lại thiếu nhà vệ sinh để giải quyết nhu cầu thường tình, là điều ai cũng thấy và bức xúc, nhưng cứ để nó râm ran mà không tìm hướng giải quyết.
Khi Imưm Đạo Văn Tý đưa kiến nghị, Gru nói:
– Tốt lắm, miễn là ta có cách nói sao cho 6 Haluw khác khi về hành lễ palei ta nghe thuận tai, là được.
Imưm Tý giải thích, và Gru thuận. Từ đó các Sang Mưgik còn lại đều có nhà vệ sinh ngay trong khuôn viên thánh đường.

04. Tại sao Ông Glơng Anak không vượt biên?

“Tại sao Ông Glơng Anak không vượt biên?” chỉ là cách nói. Đúng hơn: Tại sao Ông Glơng Anak không đi, mà trở về?
Câu 63 trong trường ca Ariya Glơng Anak:
Dauk sa drei sa nưgơr di krưh hanrai
Di krưh tathik cwah hajai, halei nưgơr drei xathuw
Ngồi một mình một vùng giữa cồn xa
Giữa biển cát bồi, biết đâu xứ sở ta [đi]
!

Đó là chuyện xảy ra ở đầu thế kỉ XIX. Đại biến động ập tới. Cả dân tộc chạy tìm thoát thân. Lên núi cao, qua Cambodia, Thái Lan, hay vượt biển sang tận Malaysia. Hòa cùng dòng người, tác giả Ariya Glơng Anak cũng đã đi, theo đường biển, như ta biết. Nửa chừng, ông dừng lại.
Đến giữa biển cả cát bồi, ông đứng đó – suy tư về thân phận ông, về sinh phận dân tộc ông. Và ông có cái quyết định chết người: ta phải trở lại. Chấp nhận sự tủi nhục của con dân mất nước, để được sống giữa lòng dân tộc.
Chúng ta không trách người đã bỏ xứ sở ra đi. Bởi không thể trách.
Hãy yêu hãy yêu như ta chưa từng
Đứa con đi hoang bỏ xa làng mạc
Mang bụi đất quê hương về miền xứ khác
Và hãy yêu hơn con người chân chất
Sống một đời ôm mang đất – phù du

(Inrasara, Tháp nắng, 1996)
Chính giây phút ông đưa ra quyết định ấy đã cứu sống sinh mạng chính trị ông, qua đó – cứu chuộc cả một dân tộc: Giữa bóng tối đen mò của lịch sử, một sinh lộ vừa hé mở cho con dân Cham.

Tôi nhớ, nhân vụ Cù Huy Hà Vũ sau thời gian cầm tù bị đẩy qua Mỹ, Nguyễn Hưng Quốc có viết đâu đó trên Blog VOA tiếng Việt, rằng phần nào Hà Vũ đã khép lại sinh mệnh chính trị của mình. Tiếng nói của anh ít được lắng nghe hơn. Bởi cũng hành vi ấy, phát ngôn ấy, nếu ở trong nước, đó là anh hùng; còn ở hải ngoại, sức nặng đã giảm đi nhiều.
So sánh hai sự việc/ con người ở đây, không gì khập khiểng hơn.
Nêu nó lên, tôi chỉ muốn nhấn rằng, tác giả Ariya Glơng Anak đã chấp nhận trở lại, và ở lại trong bóng tối vô danh và ô nhục, để rồi trở thành một trí thức lớn nhất của thời đại ông.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *