VĂN CHƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI TIẾP NHẬN GÌ TỪ VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975? & CHÚNG TA NỢ GÌ Ở NỀN VĂN HỌC NÀY?
2:30 giờ, 30-10-2016, số 264 Nam Kỳ Khởi Nghĩa – TPHCM
Mưa to kéo dài, nên vào cuộc muộn 30 phút: 3:00 giờ.
Khách dự: 30, trong đó có nhà thơ Ngọc Bạch và nhà phê bình Văn Giá đến từ Hà Nội.
ĐỀ DẪN
– Văn học miền Nam 1954-1975 nảy sinh nhiều trào lưu, nhóm, diễn đàn trong đó xuất hiện tác giả, tác phẩm thực sự giá trị.
– Giá trị văn bản được đánh giá qua: Giá trị truyên truyền mang tính giai đoạn, giá trị lịch sử và dấu mốc (ví dụ “Tình già” của Phan Khôi thời Thơ Mới), và giá trị thẩm mĩ.
– Nghiên cứu một hiện tương văn học (tác giả, tác phẩm, sự kiện…), cần đặt nó vào tiến trình văn học đất nước [và thế giới, nếu được].
– Văn học miền Nam để lại nhiều dấu ấn lên sáng tạo của thế hệ tiếp nối, nhưng do nó không được công chúng độc giả hôm nay biết nhiều, nên xảy ra tình trạng “vay mượn” và phi tang.
GỢI Ý:
Tiêu đề hạn định 21 năm văn học, với 2 điểm thuyết trình & 1 điểm trao đổi:
[1] các ảnh hưởng điển hình, trong đó có trường hợp trùng hợp
[2] các hiện tượng vay mượn [thuổng & luộc]
[3] thảo luận: làm gì? và làm thế nào?
DIỄN: Inrasara & Trần Hữu Dũng
S. “Vẽ núi” của Trần Ngọc Tuấn được nêu ra, để nói lên sự ảnh hưởng đậm nét của Bùi Giáng ở bài thơ này.
S. Dấu ấn thơ siêu thực miền Nam được nhận diện rõ ở thơ của Văn Cầm Hải và Mai Văn Phấn [thời mới cách tân].
Lối ngắt nhịp lục bát ở “Chia” của Nguyễn Trọng Tạo cũng đã có mặt trước đó nơi trường ca Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư.
S. Thơ Nguyễn Bình Phương có nhiều nét tương đồng với thơ hiện sinh miền Nam ở thi ảnh, dụng ngữ. Có thể NBP không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thơ hiện sinh miền Nam, ở đây chỉ muốn nói lên: 30 năm trước, miền Nam đã xuất hiện dòng thơ này.
D. Theo Huỳnh Như Phương, đến hôm nay mới có 160 tác giả miền Nam được in lại, trong khi số lượng người viết lên đến con số ngàn; nhất là các tác giả quan trọng nhất không được tái xuất hiện.
S. Ảnh hưởng bên nghiên cứu lí luận, rất dễ thấy dấu ấn đậm ở Ý Thức Mới trong Văn Nghệ Và Triết Học của Phạm Công Thiên [và…] trên Ý Hướng Tính Văn Chương của Nguyễn Hoàng Đức. Dĩ nhiên nhận ảnh hưởng, Nguyễn Hoàng Đức có kê cẩn thận ở phần tham khảo, sau đó anh mở hướng đi khác.
D. Bên văn xuôi, có vài điểm giống nhau giữa tiểu thuyết Phan Nhật Nam và Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh. Cần lưu ý: Bảo Ninh viết tiểu thuyết của mình sau 15 năm cuộc chiến kết thúc, trong khi PNN cho tác phẩm ra đời chỉ ít tháng sau trận chiến, nhưng tính nhân văn vẫn đầy tràn.
S. Trần Ngọc Thêm vay ý lớn, ý chủ đạo của Kim Định để làm nên Cơ Sở Văn hóa Việt Nam? Ông nợ Kim Định “lời nói đầu” chứ không phải đẩy xuống phần Tài liệu tham khảo, là quyết toán được nợ.
Đỗ Lai Thúy vay mượn ý và văn [Nguyễn Tôn Hiệt kêu đó thuộc trường phái luộc văn] của Đặng Tiến, Lê Huy Oanh và Nguyễn Văn Trung nhưng hoàn toàn không nhắc tên người đi trước. Ông nợ ba vị trên một bài tự kiểm.
D. Ví dụ Inrasara, thời kì đầu bước vào nghiên cứu phê bình, anh nhận ảnh hưởng Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn. Anh vừa chú thích trong sách [mà báo chí khi đăng đã cắt bỏ đi], bên cạnh nói rõ điều đó trong vài phỏng vấn của mình. Dù sau này anh tìm uống nước tận nguồn [hậu hiện đại], và có lối đi riêng, nhưng đó là thái độ SÒNG PHẲNG trong học thuật.
Chú ý:
– Ở nhiều khía cạnh, các tác giả miền Nam đi trước 20-30 năm, cần ghi nhận sự “mở đường” đó.
– Khi đã chịu ảnh hưởng hay vay mượn, nghĩa là ta công nhận các áng văn chương kia có GIÁ TRỊ.
THẢO LUẬN (xin phép không nêu tên cụ thể, và không ghi ý kiến lạc đề)
Làm gì, và làm thế nào?
– Có nợ thì phải trả. Cần thiết lập phả hệ, nêu lên những người mắc nợ và chủ nợ.
– Công nhận văn học miền Nam GIÁ TRỊ, tại sao phải miệt thị, đối xử phân biệt? Vậy việc đưa văn bản văn học phổ biến ra công chúng là cần thiết.
– Ở trường và cả ở thư viện, sinh viên và nghiên cứu sinh khá lung túng vì thiếu tư liệu gốc để tham khảo.
– Cần rời khỏi hệ qui chiếu ý hệ chính trị lâu nay gò bó chúng ta, mà chỉ nhấn vào giá trị nghệ thuật để đánh giá tác phẩm văn học.
– Tư liệu văn học miền Nam thiếu, nhưng không phải không có. Có thể tìm ở các tiệm sách cũ, Talawas, Vanviet, Thư quán Trần Hoài Thư… Đã có vài công trình tổng quan về Văn học miền Nam giai đoạn này rất đáng tin cậy được xuất bản.
– Bên cạnh tổng kiểm kê di sản VHMN, cũng nên làm bảng lược đồ và dấu mốc khởi đầu của từng hệ mĩ học, trào lưu, tác giả…
– Với người sáng tạo: Đòi hỏi lương tâm nghề nghiệp, thái độ khoa học (văn hóa chú thích); cạnh đó, yếu tố truyền thông cũng phải được tính đến.
– Với nhà phê bình: thao tác so sánh là rất cần thiết, nó buộc ta lần tìm đến cái trước đó.
– Nếu kẻ vay mượn muốn phi tang, phải lôi họ ra công luận và buộc họ “giải nợ”.
– Đừng im lặng, hãy lên tiếng.
– Nhà trường cần có nhiều luận văn về văn học, về tên tuổi nhà văn miền Nam hơn; hội thảo khoa học, phải thực sự công bằng, tránh tình trạng tự biên tập, tự kiểm duyệt.
– Chính thống thì cần, nhưng không phải nó là tất cả. Thái độ giải trung tâm, để mỗi cá nhân nói lên tiếng nói của mình, ảnh hưởng dây chuyền.
– Nên chăng cần thiết lập đường dây liên kết phát hiện hiện tượng “vay mượn” để việc đòi nợ hiệu quả hơn.
KẾT.
Cà phê Văn học không là Hội thảo khoa học mà là buổi giao lưu cùng học tập, cho những người tâm đắc với đề tài ngồi lại gợi mở cho nhau hướng suy nghĩ, hướng làm.
Tôi [Inrasara] nghĩ, hôm nay như thế là thành công.
Cà phê Văn học kết thúc lúc 5:10 giờ cùng ngày.