THƯ MỜI CÀ PHÊ VĂN HỌC

[Vào cửa TỰ DO]

Status của Inrasara:
Văn học miền Nam 1954-1975 là một hiện thực đầy mơ hồ. Nó lù lù đó nhưng lại lẩn khuất như thứ bóng ma ám ảnh.
Nó ám người viết và người đọc Việt Nam không thua kém gì Bách gia Chư Tử và Nho giáo ám tâm hồn kẻ sĩ thời nhà Tần, sau trận “đốt sách, chôn nho”.
Nó như một khối nợ, không thể dứt bỏ.

Sau khi đất nước làm một, người Việt làm phê bình không thể không nhớ đến Khảo luận Văn học, Nhận định, Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học, Hố thẳm Tư tưởng [và…] của những Nguyễn Văn Trung, Phạm Công Thiện…
Viết văn xuôi, bóng dáng Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, Nguyễn Thị Hoàng, Duyên Anh, Phan Nhật Nam… chốc chốc cứ hiện về.
Đọc thơ và làm thơ, ta không thể không bị ám bởi “bóng ma” Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Thiên Thư, Nguyên Sa…
Vậy mà ta không được quyền/ không dám nhắc đến họ một cách chính thống. Để rồi dù không ưng, ta đành phải mang nợ.

Không dừng lại ở đó.
Ta vay mượn, ta tạm ứng, ta chôm, ta luộc, hay nhẹ hơn – ta nhận ảnh hưởng từ họ, mà ta cứ muốn phi tang, thành ra nợ chồng chất nợ. Làm sao để giải [ngân cái của] nợ [tưởng dễ nhưng cực kì] khó trả này?
Cà phê Văn học thử khởi động vài thao tác cần thiết cho công cuộc đó.

Anh chị và các bạn thân mến!
Vào 14h30 chiều chủ nhật, ngày 30-10-2016, tại SALON VĂN HÓA
quán CÀ PHÊ THỨ BẢY, Lầu 1, 264 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3
sẽ diễn ra buổi cà phê CÀ PHÊ VĂN HỌC
Chuyên đề: VĂN CHƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI TIẾP NHẬN GÌ TỪ VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975?
Diễn giả: Nhà phê bình Văn học, Nhà thơ Inrasara & Trần Hữu Dũng nhà thơ sống và viết ở giữa hai thế hệ.
Rất mong anh chị và các bạn đến tham dự. Hân hạnh được đón tiếp.
GĐ.CPTB – Dương Thụ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *