Năm ngoái đang hứng về loạt bài URANG CHAM, được 28 nhân vật, gặp chuyện ông anh Phú Đạm, tôi đã phải ngưng thì hẳn rồi. Cạnh đó còn có nguyên do khác khiến công cuộc đình trệ: từ chính Urang Cham. Nỗi này khiến tôi cụt hứng chút đỉnh.
Người thì bài xong vừa đưa lên web, vội nhắn tin bảo tôi “giấu” đi: ngại người ta nói lắm!
Người thì không chịu trả lời phỏng vấn, cho rằng: cái tôi đáng ghét; Sara chịu khó tìm tài liệu viết đi.
Tôi nghe lạ. Tôi bảo, bác đã là “nhân vật”, nếu tôi không viết thì người khác viết; và nếu bác không cộng tác, nhỡ tôi viết sai thì càng phiền. Vậy mà các vị cứ… sợ. Sợ chi không biết.
Tôi gặp rất nhiều người, ngoài đời thì oang oang cái tôi, tôi thế này tôi thế nọ, tôi ưa ông này ghét thậm tệ tay kia, vân vân nhưng lại rất ngại cho cái tôi của mình lộ diện trong chữ. Ta vẫn còn mang thành kiến tôn thờ chữ, nên cứ bị chữ ám là vậy.
Tôi cá biệt chăng?
Ngoài đời tôi hiếm khi nói về cái tôi của mình; đối thoại, tôi nói đầy hào hứng về nghề [văn chương] và nghiệp [văn hóa Cham]; cái tôi của tôi ẩn sau và trong đó.
Với chữ viết ngược lại, tôi thoải mái thể hiện mình.
Ngoại trừ chuyện gia đình và tình cảm riêng tư [có lẽ do truyền thống giáo dục], còn lại tôi nói [viết] không chừa góc khuất nào về mình, thoải mái và vô ngại. Tôi học, tôi bán cà-rem, tôi làm ruộng, tôi buôn bán, tôi chích heo và tôi dạy học, tôi với văn chương và chữ nghĩa, tôi với người Cham và văn hóa Cham, tôi diễn thuyết, tôi lên tiếng về những vấn đề xã hội cộng đồng, tôi với tôi và tôi với xung quanh, vân vân. Chữ nghĩa xô đẩy nhau tuôn tràn trên mặt giấy, trước màn hình vi tính – chả ngán!
Nói như Henry Miller, đến lúc nào đó tôi chỉ viết về tôi, đó mới là sự thật, là thực tại, thực tại thế giới từ tôi trong tôi và qua tôi, chính là những điều tôi rành hơn cả. Còn lại chỉ là văn chương.