CÂU CHUYỆN TAGALAU

1. Trước & quanh Tagalau 01
Chắc chắn người có công dắt tay tôi vào hội hè chánh thống chính là Phú Văn Hẳn. Đó là năm 1993, tôi vừa làm dân thành phố đúng một năm. Hẳn mời một lô anh chị em Cham quen biết đang ở Sài Gòn tụ hội trong hội trường Viện Khoa học Xã hội TPHCM, nơi anh đang làm việc. Đủ thành phần. Có cả cháu gái vào ôn thi, cả ông anh đang làm việc tại công ty kinh doanh. Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số TPHCM, tôi mù tịt về Hội này. Thấy mọi người vào thì vào.
Xướng tên nhận thẻ, một cháu gái dân Chakleng quay sang tôi:
– Sao con lại đứng chung hàng với chú Trạm nhỉ?
– Có sao đâu, cứ nhận đại đi, – tôi đùa.
Chính tại đây, Nông Quốc Chấn biết tôi, và chúng tôi gắn bó từ đó.
Từ thế hệ này sang thế hệ khác, trí thức Cham luôn cố gắng có được tập san của cộng đồng. Trước 1975, sự xuất hiện của nội san Panrang do Thiên Sanh Cảnh chủ bút cùng sự cộng tác đắc lực của Đàng Cải, Nại Thành Viết, Jalau… tạo dấu ấn lớn. Ngay Trường Trung học Pô-Klong cũng ra được tập san Ước Vọng (Caung Tagok) của mình.
Năm 1977, anh em sinh viên Sài Gòn rủ nhau ra đặc san Vijaya. Tôi có bài thơ dài “Jalan tơl Vijaya” rất oách, oách đến nỗi nó được các bạn dùng làm tựa. Tôi chưa nhìn thấy mặt mũi nó, bởi sau đó không lâu tôi bỏ học với nổi hứng cạo đầu ra Nha Trang tu rồi.

Năm 1996, dự Trại Sáng tác ở Đại Lải, gặp Đăng Bẩy, tôi nói: Anh cho tôi làm số đặc biệt về Cham trên Văn nghệ Dân tộc & Miền núi nhé. Anh kêu cần báo cáo sếp đã. Lúc đó người phụ trách tạp chí là Nguyễn Khắc Trường, trên nữa là Hữu Thỉnh. Đăng Bẩy bảo, sếp nhắn Trạm cứ gửi trước để xem bài vở anh chị em Cham ra sao đã. Tôi lúc đó vô danh tiểu tốt, có ma mới tin.
– Tôi nhận phát hành ngàn số… – tôi nói.
– Nếu tốt, Hội Nhà văn biếu vài trăm bản cho bà con thôi, – anh Bẩy nói.
Tôi bảo: – Không.
Đúng hẹn, báo ra – rất đáo để. Đăng Bẩy lên tàu lửa vào Phan Rang ghé Ban Biên soạn sách chữ Chăm. Quang Cẩn phân công mấy cháu bán hết vèo 800 bản ngay buổi sáng trên tháp! Đăng Bẩy hết việc làm, cả tuần sau đó mặc sức “ăn cỗ” mùa Katê.

Thế như nước lũ xuống, tôi làm tiếp. Gợi ý Văn nghệ Ninh Thuận bị từ chối, Katê 97, tôi chuyển chuyên đề về tạp chí Văn nghệ Bình Thuận. Năm 98, tôi tiếp tục bê nguyên mẫu qua tạp chí Văn hóa Dân tộc. Ba kì liên tù tì như thế Tagalau mới ra số đầu tiên để đón Katê đầu thế kỉ XXI. Ba kì khởi động do tôi tổ chức bài vở, tạm kết:
Inrasara [và bút danh khác]: 9 văn xuôi, 10 bài nghiên cứu, 8 bài thơ; Trà Ma Hani: 6 bài thơ, Nguyễn Văn Tỷ 2 bài nghiên cứu. Văn xuôi 1 bài có: Quang Cẩn, Phutra Noroya, Jalau Anưk, Son Putra, Thạch Giáng Hạ, Trà Thy Mưlan. Thơ: Trà Vigia 4, Kahat 3, Quảng Ngũ, Bá Minh Trí 2 bài, còn Son Putra, Trầm Ngọc Lan và Đồng Chuông Tử mỗi người 1 bài.

Mùa xuân 1999, nhân chuyến công tác chung tại Hà Nội, tôi mang ý định làm tuyển tập Tagalau trao đổi với thầy Bá, thầy Tỷ. Quý thầy rất thích nhưng cũng khuyến cáo Sara nên dè dặt. Nhớ là lúc đó tôi vừa vào Hội Nhà văn Việt Nam, và tập thơ Tháp nắng đoạt giải của Hội đang rất nổi tiếng. Không tháng nào báo chí không có bài về Inrasara. Uy tín đó giúp Tagalau được xúc tiến nhanh chóng.
Xuống xe đò ở Phan Rang, tôi thử khua chiêng. Anh chị em sau thành công ở Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, ra mòi hào hứng. Vào Sài Gòn, tôi đợi. Một, hai, ba tháng vắng hoe. Không xong rồi.Vài bận tôi nhắc Trà Vigia và Trầm Ngọc Lan. Hứa, và hẹn. Thế là tôi hú hai yut vào. Họ chấp hành nghiêm. Lên xe đò, còn xách theo cặp gà vườn nữa. Tôi nói:
– Một tuần, mỗi yut phải nộp cho mình 2 truyện ngắn với 5 bài thơ. Xong mới được về. Cơm nước, bia bọt, cà phê cà pháo miễn phí. Tên TAGALAU là do Trà đặt ngay sáng hôm đó! Tôi và Trầm giơ tay nhất trí cao. Rồi tôi phone thêm cho thầy Tỷ… Chơi vậy mà nên việc. Tagalau oe oe cất tiếng khóc chào đời đúng tuần lễ bà con Cham chuẩn bị lên tháp vui hưởng Katê.

2. Trước & quanh Tagalau 03
Nguyên do nào tôi dám làm Tagalau?
Dù không ít trí thức Cham cảnh giác về nhiều thứ, và không hi vọng về tuổi thọ của đặc san, nhưng qua 3 kì tạp chí ở ba nơi khác nhau, tôi nhìn ra lối đi. Tôi biết Cham có người viết, có người đọc, có cái để viết, và tôi tự tin có thể thu hút các cây bút Cham, lẫn ngoài Cham viết cho Tagalau. Còn tiền bạc ư? – không là vấn đề.
Xin nói ngay là, toàn bộ bài vở từ Tagalau 1 cho đến Tagalau 14 đều do tôi tổ chức, chọn, biên tập, sắp xếp; sau đó – lắng nghe dư luận bà con, anh chị em mà điều tiết, chớ hoàn toàn không ai can thiệp. Cũng có vài bài của tác giả lạ do Trà Vigia, Nguyễn Văn Tỷ biên tập và gửi đến tôi, nhưng tôi là người quyết tất cả. Do đó, nếu có trắc trở gì, tôi là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Chỉ thời gian gần đây, nhà xuất bản có vài ý kiến, hay cắt bài này bài nọ, rất ít; còn lại 99% bài vở đều OK.
Tôi đã làm tất tần tật: từ thu gom bài vở [đánh máy, mấy số đầu tiên] cho đến lo tiền, từ chạy giấy phép cho chí in ấn và phát hành, từ A đến Z như thiên hạ nói, thế nhưng tại sao tôi lại tránh né cái tên “chủ biên”? – Đơn giản, tôi hiểu cơ chế này, núp bóng danh nghĩa một cơ quan chủ quản, hi vọng nó thọ hơn. Cho nên mới có hàng chữ HỘI VĂN HỌC – NGHỆ THUẬT CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM án ngữ trên cùng.
Biết điều là vậy!
1.000 đứa con Tagalau 1 ra đời, thêm buổi ra mắt sách tại quê nhà giản đơn mà ấm áp, bà con nhận và nhìn nó như “người lạ mà ta quen biết”. Vui sướng ngại ngùng trộn lẫn!
Ngon lành thế, nhưng tôi không cho đó là đặc san “của” Cham, “đại diện cho” Cham. Chọn cái tên “Tagalau” thôi cũng đã rất nhỏ con đầy khiêm tốn rồi. Người đứng chịu trách nhiệm lại là ông nhà thơ Tày: Nông Quốc Chấn. Nhớ là Tày, chứ không phải Cham!
Thêm món khiêm tốn nữa. Ngay vào Tagalau 2, tôi mời hai vị uy tín trả lời phỏng vấn: Nông Quốc Chấn và Bùi Khánh Thế, như là cách “đảm bảo chất lượng” ISO-tư tưởng chánh trị. Vậy mà đùng cái: sự cố “Mĩ Sơn đường về” ở Tagalau 2, khiến nó liểng xiểng.
Hội VHNT-DTTS không còn chịu cho đứng tên, nghĩa là từ đây trở đi Hội miễn bảo kê. Thế là tôi phải è cổ ra “Chịu trách nhiệm bản thảo: Inrasara”.
Katê Mới (tagalau 3) in cận ngày Katê. Vừa ra lò, buổi sáng tôi chuyển nhanh trăm cuốn về Phan Rang, tính chiều tối chuyển hết số còn lại, thì ngay trưa nắng, anh đầu nậu hớt hải chạy qua nhà tôi lúc đó luân lạc ở Quận 1: “Thu lại, thu lại gấp anh ơi. Phải có người chủ biên mới đặng”. Thế là hè nhau xé bỏ tờ đầu tiên, in tờ mới dán vào: “Chủ biên: Inrasara”.
Cũng từ đó tên TAGALAU hết đứng một mình một cõi nữa, mà buộc phải đứng khép nép trong ngoặc đơn dưới một tên mới: Katê Mới (tagalau 3), Núi Trắng (tagalau 4), Nắng Panduranga (tagalau 5), Kraung Dung (tagalau 6). Cả hàng chữ Akhar thrah “tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Cham” cũng bị cho ra rìa.
Mãi đến Tagalau 7, chúng mới được quy hồi cố quận. Quy hồi cả tên TAGALAU lẫn hàng chữ con giun tội nghiệp đó. Còn vụ chúng biến mất ở Tagalau 9 là do tôi lú lẩn bỏ rơi, chớ không ai đả động gì nó cả. Nó cứ kéo dài tuổi thọ đến Tagalau 15, thì có chuyện. Nhà xuất bản khi duyệt in cũng có kêu tôi cắt nó đi, và tôi cũng dạ vâng. Dẫu sao tính “mát” tôi không chừa: tôi vẫn giữ nguyên hiện trường.
Cho đến Tagalau 16

3. Chủ biên & Cộng tác viên
Ngay từ số đầu tiên, tôi đã cố ý tránh “chủ biên” Tagalau, mà đùn qua nhà thơ Nông Quốc Chấn. Từ Tagalau 3, tôi nhận, là do thế buộc như đã kể. Rồi sau 6 kì, tôi đã đánh tiếng ới hỡi để làm cuộc chia li màu xám. Ở bài trả lời phỏng vấn: “Tagalau, 7 năm nhọc nhằn và kiêu hãnh”, tôi nói rõ ý đó:
“Còn chuyển giao, nếu được – sau 10 kì thì tốt, nhưng tôi không thích con số tròn, số 9 hay hơn. Ai sẽ nhận lãnh gánh vác Tagalau? Tôi đã đánh tiếng hơn năm nay rồi, vẫn chưa có động tĩnh gì. Đó là điều đáng lo hơn cả. Mỗi thế hệ đối mặt với vấn đề mới, riêng; và Tagalau sau sinh nhật lần thứ mười, đã đủ lớn khôn, nên chủ biên và Ban biên tập ngày mai sẽ có chương trình và mục đích mới, khác, thích ứng với đòi hỏi của bối cảnh xã hội mới.”
Tôi hú, và hú lặp đi lặp lại mấy bận. Khản cổ vậy, mãi sau Tagalau 13 khi tôi hù “bỏ”, mới có Jalau Anưk xung phong lãnh ấn.

Trích đoạn: “Tagalau, 10 năm hành trình” (Văn Học Cham, Khái luận, tái bản):
Tagalau ra đời là do nỗ lực của một số anh em trí thức Cham: Inrasara, Nguyễn Văn Tỷ, Thành Phú Bá, Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan, Phutra Noroya, từ nhu cầu thực tế của bà con… Cộng tác viên chủ yếu là các tay viết Cham ở tất cả khu vực, nhưng phần nhiều là ở Ninh Thuận. Để nâng cao chất lượng tuyển tập, mỗi số Tagalau đều có bài vở đóng góp của nhà văn, nhà nghiên cứu các dân tộc có uy tín (do tôi trực tiếp mời). Tuy vậy, vì đây là tuyển tập mang tính chất địa phương, nên Tagalau vẫn dành một số trang ưu tiên cho cây bút mới dù đó chưa là các sáng tác thật sự giá trị.”
Làm Tagalau, tôi mời tất tần tật không chừa ai, từ dân tập tò viết đến các anh đã đút túi học vị học hàm, từ Ninh Thuận cho đến An Giang, trong nước lẫn hải ngoại, nhập cuộc. Không ít bà con hỏi, sao Tagalau không có tên các vị khoa bảng Cham? Tôi có thanh nga rằng: tôi hai bận mời, còn cớ làm sao họ ngoảnh đi thì cứ hỏi các vị ấy. Riêng tôi, vô phân biệt. Ai vui vẻ thì – mại dzô!
May, sau mấy gập ghềnh, Tagalau gần như hội đủ anh hào và không anh hào. Góp mặt nhiều nhất cho Tagalau theo thứ tự số lượng là: Inrasara, Trà Vigia, Nguyễn Văn Tỷ… Đến Tagalau 14, đã có gần 300 tác giả [80% là Cham] có mặt. Với cộng tác viên, tôi ít khi gặp tập thể mà tiếp xúc riêng và đều xem họ “quan trọng” không kém gì tác giả khác. Từ đó họ mới tự tin nhập cuộc.
Làm Tagalau, ngoài buổi ra mắt lần đầu và hôm tổ chức “Kỉ niệm 10 năm Tagalau” ở Chakleng, tôi chưa bao giờ họp. Khi cần, tôi trực tiếp với từng cộng tác viên, hỏi han, lắng nghe và xin bài. Có bạn bước vài chặng đầu, mệt, rồi nghỉ, thì đã có ngay anh chị mới xuất hiện, cầm cây gậy tiếp sức; cũng có không ít người chạy ma-ra-tông suốt hành trình Tagalau.
Không vui sao?

4. “Không ai có thể hát thay chúng ta”
Bài “Mĩ Sơn đường về” đăng Tagalau 2 đã gây cho cá nhân tôi và Tagalau bao nỗi.
Dự hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam mở rộng cuối năm 2001 ở Hà Nội, nhà văn Đỗ Kim Cuông gặp tôi, chào:
– Ông viết gì mà thiên hạ kêu thế?
– Năm nay Sara có in gì đâu!
– Cái in chung các tác giả Cham ông đó…
– À, nó là bên nhà bác Chấn anh à, – tôi thoái thác.
Sau đó, thư đi tin lại, điện thoại tới lui Hà Nội – Sài Gòn… với bao nhiêu câu chuyện phía sau thế nào ấy, để Hội VHNT các DTTS Việt Nam cắt khoản bảo hộ cho Tagalau. Trong cộng đồng Cham, tiếng đồn Tagalau bị thu hồi râm ran đến nỗi có người phải đợi tối mới giăng mùng đọc.
Glơng anak linhaiy likuk jang o hu
Nhìn trước ngó sau chẳng thấy ai người
.
Tôi nghe mình cô đơn biết bao, như ông Glơng Anak khi xưa trên bãi cát bồi giữa biển khơi cô đơn. Bài thơ “Không ai có thể hát thay chúng ta” được làm trong hoàn cảnh đen ấy. Khi “bóng tối mang khuôn mặt đồng lõa”… Tagalau nguy cơ dẹp tiệm tới nơi, tôi đinh ninh thế. Không thể cậy nhờ ai, tôi quyết tự bươn chải. Không ai có thể chạy thay tôi. Bản thảo bị ngâm hết nhà xuất bản này đến nhà xuất bản khác. Ngâm từ Tết 2002 ngâm qua Rija Nưgar cho đến Katê, sang Tết năm sau. Tôi miệt mài hỏi thăm sức khỏe, rồi nó cứ bị nay lần mai lữa.
Tôi chạy qua nhạc sĩ Tantu “mư-ung” cầu cứu:
– Chắc phải lội ra Hà Nội quá, anh ơi. Tôi sẽ cầm theo bản thảo Tagalau 3 với thẻ Hội Nhà văn Việt Nam gặp riêng Hữu Thỉnh, đặt lên bàn ông chủ tịch lá bài “hoặc anh in Tagaglau, hoặc tôi trả lại anh cái thẻ”.
Cũng anh hùng chớ bộ! Có lẽ bản mặt tôi lúc đó méo chả kém khỉ bóc phải cứt gà, mắc cười hết biết, nên anh nhạc sĩ này mới chộp ngay cơ hội mà lên lớp:
– Hehe… lần đầu tiên trong đời ông anh được thưởng thức sắc mặt thảm thương của thằng em. Nhưng huỡn đã. Này nhé, Cham mà bỏ túi thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã khó, có được vị thế như thằng em bây giờ càng khó bội phần. Anh thấy Trạm thừa trình độ “mát” để giải bài toán này mà…
Công án âm âm u u vậy mà làm tôi đốn ngộ.

Katê 2003 đang cận kề. Không thể để bà con mỏi cổ đợi lâu hơn nữa, tôi tìm đầu nậu… chạy. Việt Nam truyền thống văn hóa chạy, nên ải này không thể không vượt. Nhà xuất bản đòi “tuyển tập” có tên khai sinh mới, Tagalau chỉ chịu phận núp bóng thôi, tôi ừ. Cả hàng chữ con giun cũng cho nghỉ chơi, tôi chịu luôn.
Như thể ăn trừ bữa, tôi quyết tăng trang, in màu cả 4 bìa, và… làm phép tính. Cầm giấy phép trong tay, khoái quá, tôi quên bẵng luôn cơ sự “đầu tiên” ấy. Trong khi giá thành nhảy vọt lên gấp đôi, kể cả phí cho đầu nậu. Tôi đã nghỉ bên Cty Inrahani, và tôi không muốn ngửa tay xin bà xã.
Tiền đâu? May, thầy Lưu Quang Sang có mặt và ứng cứu. Ông kêu gọi, và bà con một tay một chân góp vào. Tiền EURO, USD, Việt Nam đồng… đủ cả. Trọn gói hơn mười triệu. Định mệnh vẫn chưa thôi chơi khăm Tagalau: Tháp tùng Hani ra Đà Nẵng, về, tất cả rủ nhau cùng samsonite hàng hiệu với bao nhiêu tư liệu quý bay theo tay tài xế taxi tham lam. Tôi cười mếu. Lại phải một thân một ngựa, chạy.
Tôi đánh bài liều. Lần đầu tiên [và cuối cùng] trong đời, tôi vay tiền.
Katê mới (tagalau 3) chào đời nhọc nhằn như định mệnh chìm nổi của nó.
Bài thơ “Không ai có thể hát thay chúng ta” tôi cho in ngay trang đầu. Để kỉ niệm, và như một cách hạ quyết tâm. Tôi biết, sau 2 năm Tagalau ngưng trệ, bài thơ kia mang tính quyết định để vực dậy tinh thần anh em đang kì rệu rã.

KHÔNG AI CÓ THỂ HÁT THAY CHÚNG TA

Không ai có thể hát thay chúng ta
nơi đây và lúc này
cả hôm sau, có lẽ

Ngày sắp lật sang trang
đêm xô ngã dáng nắng cuối cùng
bóng tối mang khuôn mặt đồng loã

Không ai
tim dễ tổn thương hơn trái tim chúng ta
phía mất mát

Ngày mai đã chắc chi vang vọng
hơn lúc này, hôm nay

Tiếng hát
vòng xoáy áo cơm
có lẽ là tột cùng vinh dự

Bởi
không còn ai đến thay chúng ta
.

6. Buồn vui chuyện tiền nong Tagalau
Dù tôi coi đây chỉ là “tuyển tập”, và không muốn Tagalau thành một tổ chức (sống trong chế độ này, tôi quá hiểu điều đó), dù gì thì gì, Tagalau vẫn mặc nhiên được/ bị xem là đặc san chung của Cham. Nó tồn tại được đến hôm nay là một… phép lạ, bà con kêu thế. Không cơ quan Nhà nước tài trợ, Mạnh Thường Quân đỡ đầu toàn phần: không, quảng cáo: không, bán: èo uột, vậy mà nó sống nhăn!
Qua 15 kì, FAN Tagalau dù có trồi sụt, nhưng hôm nay hầu hết bà con Cham chấp nhận nó, lại là phép lạ khác nữa. Riêng tôi, tôi nghĩ đơn giản: nhờ ơn trời. Hơn nữa, tôi với tư cách kẻ đầu têu luôn là người may mắn! Giờ chót là… may mắn.
Vài đại gia Cham không dám ủng hộ Tagalau, do ngại Tagalau “phản động”. Một đại gia Kinh dù hâm mộ thơ Inrasara và sẵn sàng “tài trợ” riêng cho cá nhân Sara, nhưng khi tôi gợi ý hỗ trợ tài chính cho Tagalau 10 thì: “Thôi đi ông, mình rất ngại Tagalau không thân chính quyền”! Đủ hiểu sinh mệnh Tagalau bấp bênh thế nào. Khi biết từ năm 2011, tôi bị ung thư màng… túi, vài bạn có vẻ lo. Tôi nói: Mình sinh ra dưới ngôi sao may mắn, phép mầu luôn hiện đến vào giờ thứ 25.
Đến hôm nay, tôi chưa bao giờ xin cá nhân hay tập thể nào để làm Tagalau. Bà con hoặc Mạnh Thường Quân hiểu, thương Tagalau, và cho. Thiếu, tôi bù. Nhiều lần tôi, hoặc Cty Thổ cẩm Inrahani bù. Sau này có vài MTQ Cham góp sức, là điều may mắn nữa.
Tagalau tiêu thụ tạm được, tặng cũng khá chạy, còn thu hồi vốn thì gay. Do Cham sống phân tán, thêm vụ thu bạc lẻ. Tính khí Cham đậm nghệ sĩ nữa! Ví dụ Tagalau 5, có bạn ở Hội Đồng hương mang bán phục vụ 600 cuốn, hỏi tiền Tagalau đâu, dạ cháu tiêu cho tập thể hết rồi. Do đó, mỗi kì Tagalau cứ bù lỗ 7-8 triệu. Sang kì 7-8 mới hết lỗ, do bạn thơ Chế Mỹ Lan xung phong. Số 9-10, tôi lại nhờ vả Cty Inrahani tiếp. Mãi kì 11 trở đi mới hết… bù, do có anh Ysa Cosiem và bạn trẻ Cham nữa đỡ đần.
Lỗ như thế, nhưng Tagalau vẫn sống khỏe, từ đó gây hồ nghi rằng ông Inrasara nhận tiền Nhà nước mỗi số 23 triệu! (khéo tìm ra số 23). Chớ ai thời buổi bây giờ lại đi làm không công. Với lại hắn thiếu “tiếng tăm” đâu mà bảo làm để lấy tiếng! Nghĩa là cái lí rất đáng tin.

7. Tagalau & chuyện họp hành
Khởi động làm Tagalau, tôi đến gặp và tham khảo từng người một – khoảng 20 người, chứ không “họp”. Họp thế nào cũng hỏng. Chín người mười một ý, ở đó có cả khối ý kiến lãng hết chịu nổi. Song thoại là hay nhất. Khi có đủ 7 người HAIY, tôi quyết.
Tagalau 1 ra mắt ở nhà tôi tại Chakleng, chỉ hơn phân nửa tác giả tham dự, còn lại, anh em đang làm ở các cơ quan Nhà nước: bận. Tôi hiểu, và cảm thông. Sau Tagalau 2, một lần anh chị em Sài Gòn gặp mặt lai rai ở quán bên hông Sở Thú, tôi thử đưa Tagalau ra bàn, mọi người lơ là, tôi im. Tôi lòng hứa với lòng đây là lần cuối cùng. Từ đó tôi không bao giờ nói về Tagalau trước đông người nữa.
Có lần sau buổi bảo vệ Luận án Tiến sĩ của Phú Văn Hẳn, Quang Dũng kéo anh chị em qua nhà Dũng ở Quận 8, Hani nhắc qua Tagalau, 1-2 người có ý kiến này nọ, tôi vội gạt đi. Lần nữa, nhà thầy Lưu Quang Sang ở Tân Bình, không hỏi ý kiến tôi, anh Phutra Noroya bất ngờ đưa Tagalau ra bàn, và có vẻ trách vài người đã không ủng hộ tuyển tập. Ngây thơ thế chứ! Vậy là có sự cố. Tôi đã kể vụ này trong Hàng mã kí ức, miễn nhắc lại.
Vậy đó, mỗi bận chường mặt ra ngoài đám đông là mỗi bận hỏng.
“10 năm Hành trình Tagalau” ở Chakleng chỉ là tổng kết, chứ không phải họp. Tổng kết, tiệc tùng, và vui. Còn lại – trước/ trong quá trình làm Tagalau, tôi đến gặp từng người, và song thoại. Tôi chủ động tất cả. Có khi người này không cần biết ý kiến người kia. Tôi hiếm khi bình luận về Tagalau, tôi càng không bình luận về những bình luận. Tôi im lặng nghe, thấu hiểu, và làm.
Dĩ nhiên thái độ quá quắt kia mấy bận khiến anh chị em phiền lòng, nhưng chịu. Buổi sơ kết bàn giao cho thế hệ mới, tôi cũng “trốn”, bởi trước đó tôi đã gặp “riêng” Jalau Anưk, và công việc bàn giao đã đâu vào đấy.
Thế mà lại hay!

8. Sự cố…
Từ “Mĩ Sơn đường về” đến “Thực trạng xã hội Chăm”
Nếu “Mĩ Sơn đường về” của Trà Vigia ở Tagalau 2 làm cho Tagalau điêu đứng, thì “Thực trạng xã hội Chăm, một số giải pháp chính” của Nguyễn Văn Tỷ đăng trên Tagalau 4 làm cho chính bản thân chủ biên khốn đốn.
Đây là hai cây bút hỗ trợ tôi nhiều nhất. Thầy Tỷ: về kinh nghiệm xã hội, Trà về thông tin ngoài lề. Nhưng chính họ lại là người khiến tôi gồng mình tháo gỡ rắc rối để cứu Tagalau. Website Chamyouth.com trang mạng thanh niên Cham tôi góp bài nhiều nhất và là nơi tôi trách nhiệm điều tiết bài vở trong một thời gian – liên tục nhận phản hồi gay gắt với tác giả. Có bạn còn kêu chủ biên phải chịu trách nhiệm về vụ ông Tỷ đăt điều “nói xấu” Cham.
Xưa nay để vuốt ve lòng tự hào dân tộc, ta hay thói quen viết về cái hay, cái đẹp của dân tộc mình, ai lại làm như ông Tỷ đi “chê bai” dân tộc mình? Kí ức ta dễ nhạt khi trước đó không lâu, ở Văn nghệ Dân tộc & Miền núi năm 1996, Nguyễn Văn Tỷ có bài viết rất hay để ca ngợi và nêu đức tính tốt Cham: “Ngõ vào plây Chăm”. Chẳng ai khen ông một tiếng cả; vậy mà nay ông thử nêu các điểm không hay của cộng đồng thì bị tố cáo khắp nơi. Tôi nhận và trả lời cả trăm thư phản hồi. Nhà trí thức phản biện xã hội chịu thiệt thòi là vậy. Lẽ nào xã hội Cham toàn ngon lành! Và lẽ nào một trí thức có trách nhiệm với cộng đồng lại không nên nêu khuyết tật xã hội ra để sửa?
Tất cả những nỗi ấy, tôi hiểu, vì tôi từng chịu trận qua tiểu luận: “Điểm danh 10 khuyết tật Cham” in trong Văn Hóa – Xã Hội Cham, Nghiên Cứu & Đối Thoại, 2002. Từ kinh nghiệm đó, tôi trả lời email bạn đọc, minh giải những comments trên Chamyouth, và cuối cùng có bài tổng kết: “Trao đổi xung quanh bài ‘Thực trạng xã hội Chăm’ của Nguyễn Văn Tỷ” đăng ở Tagalau 5. Mới yên!
Hai năm liền Tagalau thất thu khoản tài trợ, ở đó thầy Tỷ là người góp công lớn!

Tagalau 8 & Ariya Cham
Dân tộc Cham nắm kỉ lục về “chữ bản địa sớm nhất Đông Nam Á”: cuối thế kỉ thứ IV, kéo theo hệ quả là dân tộc “lắm chữ”. Lắm chữ thành lắm chuyện. Đến định mệnh Akhar thrah song hành cùng định mệnh Cham: lắm chuyện, tan tác, nguy cơ tiêu mất nhưng vẫn cứ tồn tại.
Lắm chuyện thì không ai không biết: cứ tour phim xem “Chiến trường Akhar thrah” thì đủ biết. Tan tác cũng rõ nữa: trôi giạt và khác biệt, khác biệt xa xứ, khác biệt trong một vùng, trong một palei, và ngay trong một Gru! Khiến nó cứ muốn biến tiêu, biến tiêu như định mệnh Cham: trôi giạt qua Hải Nam, Thái Lan, Cam Bốt, Malaysia… rồi Mỹ, Canada, Pháp…
[rồi tha hương ngút mắt tha hương/ rồi thiểu số giữa lòng thiểu số – thơ Inrasara]
Vậy mà nó cứ tồn tại, mới lạ. Phép lạ, đúng hơn
[xưa/ dưới cái rây lịch sử khổng lồ/ cha lọt sàng sống sót/ lổm ngổm bò dậy làm người/ một phép lạ – thơ Inrasara].
Akhar thrah Cham, người giỏi chữ bảo vệ, người mới biết đọc biết viết bảo vệ, ngay cả người không biết chữ K cũng bảo vệ nó, quyết liệt. Đố ai dám La-tinh hóa chữ Cham? Đố ai không cho Cham dạy chữ Cham trong nhà trường! Không cho, Cham mở lớp dạy chui. Không lạ, thế hệ cha ông tôi, palei Chakleng không có ông Cham nào mù chữ Cham!

Ở đặc san Tagalau cũng thế, Cham đòi hỏi nó phải có hàng Akhar thrah: “Tuyển tập sáng tác– sưu tầm – nghiên cứu Cham”. Đơn giản vậy thôi. Có thể nói, vô cùng khiêm cung nữa. Vậy mà nó cứ đầy định mệnh! Như Cham…
Tagalau luân lạc suốt 4 kì, mãi Tagalau 7 mới được phục hồi tên TAGALAU với hàng chữ, thì sang Tagalau 8 lại có chuyện. Tôi làm việc với “tỉnh, tòa” để giải trình về bản đồ “Hành trình Xah Pakei – Mưh Rat trong trường ca Ariya Xah Pakei” (NXB Văn nghệ TP, 2006) , kèm tiểu luận “Văn học Champa ở đâu?” của Nguyễn Phạm Hùng trên Tagalau 8. Tôi nghĩ tiêu rồi: Không dưng ông Inrasara ngồi cùng lúc giữa hai tên tội phạm!
Nỗi bản đồ thì dễ vượt. Đó là tác phẩm khoa học, bản đồ cần có mặt để thêm chứng từ thuyết phục, vả lại đó chỉ là bản đồ hành trình của cặp tình nhân khốn khổ đi qua làng mạc, sông suối, núi đồi. Ariya Xah Pakei là tác phẩm cổ điển, bộ không ưng bảo tồn bản sắc hay sao đây. Hai năm trước, công trình Ariya Trường Ca Cham đã được Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận bằng Giải thưởng cao rồi, không tin Hội chuyên thì còn tin ai. Thế là, đóng phí – mời qua.
Còn “Văn học Champa ở đâu?”. Hỏi thế là thế nào? Tại sao trong bài có đến 3 lượt nhắc “thôn tính”? Tôi nói, đó là tiểu luận một giáo sư Đại học Hà Nội viết, Ban biên tập nhà xuất bản duyệt nội dung, và văn học Cham, một nền văn học không phải không ngon lành cần có mặt ít nhất một chương trong văn học sử đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam. Bài này chỉ mang tính đánh động. Tại sao không?
Thế là: tới luôn bác tài.
Và hàng chữ Akhar thrah tiếp tục tồn tại cùng mệnh dân tộc Cham nổi trôi…

9. Đối thoại ngắn: Tagalau có ngon không?
Cận Tết 2005, với bạn thân lâu ngày gặp lại trong một quán bia hơi, tôi thao thao về Tagalau. Về những cây bút đầy triển vọng của Tagalau và về tôi. Hi vọng Cham và kì vọng tôi. Chìm dưới tuyệt vọng đen rồi trồi lên đầy dũng mãnh, tiếng xấu và lời khen tặng, văn chương và văn hóa, hiện tại với tương lại… Đột ngột, anh bạn ngắt lời tôi:
– Mầy chớ tưởng mình ngon, Tagalau không có gì ghê gớm lắm đâu!
– Không có gì ghê gớm còn đỡ, mình thấy nó chả là gì cả!
– Không là gì cả à? Mầy nói thật?
– Ừ… thì mình có nói giả bao giờ đâu!
– Tao không hiểu quái mầy cả! Không là gì sao mầy bỏ cả công sức hay tiền bạc ra làm?
– Đấy, phi lí vậy đó. Cứ sống cho hết nỗi sự phi lí ấy, rồi hiểu!
Vậy thôi, anh bạn nín thinh. Anh bạn không chịu nổi giọng kể khoái hoạt của tôi. “Khi thắng không khoe khoang, khi thua luôn luôn vui vẻ”, – bài học lớp Tư, tôi nhớ. Nhưng tôi khác. Thua thì dễ thương, thắng lại rất dễ ghét! Thua, tôi kêu lên: ông thật cừ, có tầm lắm; thắng, tôi gáy: mới vận dụng nửa công lực thôi mà bồ liểng xiểng rồi thì chơi thế nào mà chơi!
Khác với anh bạn tôi khi xưa ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm, thua ba ván cờ tướng mà đắng cơm chiều đến chập chờn giấc ngủ tối. Khổ thế!

10. Cuối cùng, Tagalau là CỦA ai?
Một câu hỏi hơi… buồn cười. Vì nó không LÀ của ai cả.
Trong vốn từ Cham không có tiếng “của”. Tôi từng đùa nghịch “của” trong vài bài thơ, và dùng ngữ pháp tiếng Cham “phá” cấu trúc tiếng Việt, qua đó gây dị ứng nhỏ nhắn xinh xinh.
Gầy dựng công việc mang tính tập thể nào bất kì [ở đây là Tagalau] luôn có:
1. Người nghĩ ra, lập nên, đứng mũi chịu sào (Inrasara: ý tưởng, sáng lập, chủ biên);
2. Tiếp đến là thành phần cốt cán (Nguyễn Văn Tỷ, Trà Vigia, Phutra Noroya, Jalau Anưk, Tuệ Nguyên, Đồng Chuông Tử, Jaya Hamu Tanran, Phú Đạm, Jaya Thuksiam, Diễm Sơn: cây bút chủ lực);
3. Cuối cùng là công chúng rộng lớn (Mạnh thường quân, nhà phân phối, độc giả).
Tổng kết “Hành trình 10 năm Tagalau” tôi viết: Nếu Cham không có người viết, không có độc giả, không có Mạnh thường quân thì tôi không thể làm nên Tagalau.
Tagalau sinh ra và sống với/ vì/ qua các yếu tố đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *