Người Việt kêu: “trời đất ơi”; còn Cham thì: “trời biển ơi” (lingik tathik lơy). Ngôn ngữ luôn bị quy định bởi đời sống văn hóa, xã hội của một cộng đồng. Đời sống Cham đa phần gắn liền với biển cả, nhìn lên thấy trời, cúi xuống thấy biển, nên thành ra thế.
Chuyện ngày xưa sao thì chịu vậy, chứ thời hiện đại, khi ý thức đã sáng rỡ, ngôn ngữ vẫn đánh lừa ta, và chơi ta. Thế nên lắm lúc ngôn ngữ cáo giác bất công của ta, mà ta không biết. Hoặc biết, mà ta không chịu sửa sai.
Nhiều người viết hôm nay [cả cánh nữ] ưa nói: “Là nhà phê bình, anh phải…”. Thế chỉ có ông mới làm phê bình sao? Vậy là ta phân biệt đối xử cả trong cách dùng từ rồi.
Người Việt nói: truyền thống cha ông; Cham thì khác: truyền thống ông bà (muk kei: bà + ông). Lẽ nào trong lịch sử văn hóa dân tộc, có mỗi quý ông làm nên truyền thống?
[Đâu đó, cũng có người viết: “truyền thống ông bà tổ tiên”, nhưng cách nói này yếu thế hẳn so với “truyền thống cha ông”: Google: 1.790/24.700].
Biết, ta sửa không? Và sửa thế nào?