[Tư liệu Đông La: về Bảo Ninh mất giải thưởng Nhà nước – phê bình chỉ điểm – HNVVN không làm gì ra hồn – nhiều nhà văn bất hảo, thoái hóa nhân tính – vỗ tay loạn…]
Trong ý hướng tìm hiểu tâm hồn “nhà văn” VN, tôi dõi theo không chừa thứ gì. Đọc cả chuyện ngoài lề, cả cái bị cho là vặt vãnh, nhảm nhí. Đọc các blog nhà văn, trong đó có blog Đông La. Chuyện về Hội nghị LLPB của HNV ở Tam Đảo, đăng ở blog cá nhân anh trong ba ngày: 3, 7 & 13-7-2016, có giá trị “tư liệu” đáng kể. Trích, không để phê bình hay tranh luận với ĐL, mà là để hiểu thêm nhà văn VN hôm nay.
Lắm chuyện, chỉ xin lẩy ra 6, và “trích” những gì liên quan đến nhà văn VN, còn chi tiết riêng về cá nhân ĐL xin miễn.
1. Không biết Hội Nhà văn đã làm được gì, chỉ thấy quấy rối, mất ổn định
“… người ta hoàn toàn không biết Hội Nhà Văn đã làm được những gì. Ngược lại, chỉ thấy trên tuyến đầu của sự quấy rối, gây mất ổn định xã hội, còn chống lại cả chính HNV, lại là những nhà văn tên tuổi: Nguyên Ngọc, Dương Thu Hương, Nguyễn Huệ Chi, Trần Mạnh Hảo, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Lập, Phạm Viết Đào, v.v… Trong đó có những người còn bị “tóm”!”
2. Đổi mới rất cũ
“… đổi mới thơ ca của Trần Dần, Lê Đạt, về thời gian đã là rất cũ. Như Siêu thực đã khoảng 100 năm, Hậu hiện đại khoảng 50 năm, Tân hình thức khoảng 40 năm, v.v… Vậy mới thì mới cái gì?”
[Sara bình luận: cả 3 “thời gian” đều sai.
– Tuyên ngôn Siêu thực ra đời năm 1924; dấu ấn siêu thực có mặt trong thơ Trần Dần, Lê Đạt là từ thập niên 60, có cũ lắm cũng khoảng 40 năm.
– Cao trào sáng tác HHĐ thế giới là giữa thập niên 80 của tk XX; vào những năm cuối thế kỉ trước, người Việt đã có nhiều thơ văn HHĐ rồi, chứng tỏ văn chương HHĐ Việt chỉ đi sau thế giới khoảng 10-15 năm.
– Tân hình thức, thì càng sớm hơn nữa: 5-7 năm.
Còn nếu tính từ thời điểm Siêu thực, HHĐ ra đời đến… Tam Đảo, thì vô nghĩa. Bởi ngay phong trào Tân hình thức, nhiều nhà thơ THT cũng đã từ bỏ lối viết này từ 10 năm trước].
3. Bất hảo, thoái hóa nhân tính
“Luận văn của cô Nhã Thuyên có quan điểm sai trái tất về văn chương, chính trị và thẩm mỹ lại được hội đồng giám khảo cho điểm 10, khi bị thu hồi, trong đó có nhiều trí thức danh tiếng, [nó] phản ánh một sự thoái hóa nhân tính khi người ta ủng hộ một điều bất hảo!”.
4. Bị vỗ tay đuổi xuống không chừa ai
“Tôi giơ lên nói: – Đây, tôi mới viết xong “Chân dung những nhà lật pháp”. Lật pháp tức là lật đổ Hiến pháp đó. Tôi thiết kế cái bìa, đây là hình ông Phạm Xuân Nguyên biểu tình, bị cuốn Hiến pháp nó đè lên đầu. Trong cuốn sách có Trần Độ, Trần Xuân Bách, ông GS Trần Phương; các nhà văn nổi tiếng như Nguyên Ngọc, Huệ Chi, Trần Mạnh Hảo, Phạm Xuân Nguyên; đến các cô Từ Huy, Nhã Thuyên, v.v…
… thấy ở dưới vỗ tay “đuổi” như đuổi các diễn giả khác, tôi nghĩ, ý chính mình đã nói ra rồi, cũng cóc cần nói thêm gì nữa, nên nói: – Không cho nói nữa thì thôi, tôi xuống.”
5. Lại là phê bình chỉ điểm
“Sương Nguyệt Minh lên diễn đàn phản bác Nguyễn Văn Lưu phê phán cuốn tiểu thuyết của mình, cho NVL viết sai; và cũng như Phạm Xuân Nguyên, một lần nữa SNM cho NVL là “phê bình chỉ điểm”.
6. Bảo Ninh mất Giải thưởng Nhà nước, có phải lỗi ở Hữu Thỉnh?
“Ông Lại Nguyên Ân cho Nỗi Buồn Chiến Tranh là thành tựu của đổi mới. Khi các nhà văn phê phán Nguyễn Huy Thiệp, ông Ân từng bảo: “Đọc văn phải khác đọc sử”. Tôi bảo, văn khác sử đúng rồi, nhưng văn làm sử cuốn hút hơn mới là văn chân chính, còn văn bôi đen lịch sử là thứ văn mất dạy!
NBCT của Bảo Ninh được lãnh đạo HNV đề cử Giải thưởng Nhà nước 2016. [Về NBCT]
– “Trách nhiệm lương tâm” (ý Nguyên Ngọc) đã chỉ ra sự hy sinh của mình và bao đồng đội trong cuộc chiến là vô nghĩa.
– Phạm Xuân Nguyên cho biết: “Dennis Mansker viết: “Đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc về bi kịch của một người lính Bắc Việt bị tê liệt hết nhân tính của mình sau mười năm tham chiến”.
Một cuốn sách viết sai sự thật về cuộc kháng chiến giành độc lập vĩ đại của dân tộc như vậy sao lại được HNVVN đề nghị trao giải thưởng Nhà nước?… Ở Tam Đảo tôi nghe đồn hình như NBCT bị “trên” “xem xét”… Hình như lãnh đạo Hội còn có kế hoạch “đấu tranh” để NBCT được giải thưởng!”
[PS.
Cuối Hội thảo của Hội đồng LLPB VHNT Trung ương tại TPHCM năm 2013, ngồi bàn tiệc 10 người toàn nhà xịn, tôi có đề nghị anh Đông La:
– Mấy tháng nay ông múa gậy vườn hoang trên Văn nghệ TP, đánh hết ông trí thức này đến nhà văn kia, mỗi tuần chiếm hết 3-4 trang to cồ; còn ở ngoài Hà Nội ngày qua ngày, nhà thơ Nguyễn Hoàng Đức một mình một cõi công phá “văn học quốc doanh” trên một trang web. Thử đề nghị vậy nhé: Tôi sẽ tổ chức bàn tròn, Sài Gòn hay Hà Nội cũng được miễn là sân trung lập cho 2 ông tranh luận, trước bàn dân thiên hạ: 60 sinh viên và trí thức. Tôi đứng chủ trì cho 2 ông tranh luận từng luận điểm một, sòng phẳng.
– Không, tôi chỉ trao đổi trên mặt giấy thôi… – Đông La trả lời.
– Mặt giấy, vậy nếu có người phản biện, hỏi có báo giấy nào chịu đăng không?
Một hồi vậy thôi, Đông La đánh trống lảng, bỏ đồng đội đi qua bàn khác… ngồi.
Vậy mà hôm nay, vừa vào Hội Nhà văn VN năm ngoái, tại diễn đàn lớn này, mà ĐL đã dũng cảm nhảy lên “cướp diễn đàn” (chữ của anh), đủ biết thế ĐL cứng cỡ nào, và biết kẻ chống lưng mình To cỡ nào!]