Thầy Jay Scarborough, mà bọn trẻ chúng tôi thường kêu “Mỹ Jay”, hay “Thầy Jay” – thầy dạy tiếng Anh chúng tôi thuở Pô-Klong, đã để lại cho thế hệ chúng tôi nhiều ấn tượng và kỉ niệm đẹp.
Có kẻ nhớ thầy, vì lần đầu tiên trong đời được nhận quà Noel, tôi nhớ đó là năm 1969.
Có bạn học mang ơn thầy Jay, chính Thầy biết Việt Cộng sắp pháo kích Trại Huấn luyện Nghĩa quân nằm cạnh Trường, nên đã cho đào và dựng 2 hầm trú, cứu mạng học sinh và giáo viên Cham.
Có người nhớ Thầy, khi Trường An Phước dời xuống Phan Rang còn khó khăn, chính Thầy đã vào Phi trường Thành Sơn xin ván, xi măng, giường nệm lính Mỹ vân vân thứ, giúp chúng tôi có được nơi ở, phòng học tương đối.
Có người nhớ thầy Jay, bởi thầy rất trung thành (tiếng Cham: that tiak) với mươi học trò [đa phần là nghèo khó] đồng thời là “bạn” của Thầy, để đến hôm nay Thầy vẫn còn giữ quan hệ tốt, là điều hiếm trong cộng đồng Cham trong quan hệ với người ngoại quốc.
Riêng tôi, tôi nhớ thầy Jay nhất ở 2 chuyện:
1. LƯỢM RÁC. Bon trẻ chúng tôi ăn kem bị đụng đâu ném đó. Từ phòng ở sang phòng dạy, thấy rác là Thầy lượm. Cắm cúi lượm. Miệt mài như thế. Có hôm tôi bắt chước Thầy lượm, bị mấy bạn cười “học theo Mỹ Jay điên”, thế là bỏ. Dẫu sao thói quen lượm rác của Thầy Jay vẫn ảnh hưởng tới tôi. Ở quê hay khi vào thành phố, dĩ nhiên không thể chơi ngoài phố sá, gặp rác đâu trong sân, trong nhà là: tôi lượm. Không lượm không chịu nổi.
2. ĐỌC SÁCH. Tôi con nông dân, nên ngoài các bản chữ Cham chép tay trong ciet sách cha, còn thì: nhà vắng sách. Học sinh nghèo dù dành dum tới đâu, mỗi năm tôi cũng chỉ mua được dăm mười cuốn, May có Thầy Jay. Thầy lập Tủ Sách Trường: khoảng 500 cuốn đủ loại, có không ít cuốn được bọc gáy da. Tôi 2 năm phụ trách Thư viện, và ĐỌC. Tôi lớn lên, từ đó.
Thế nên, hôm nay xin nói lời: CẢM ƠN KARUN Thầy Jay Ross Scarborough.