Inrasara: KHÔNG ĐỌC, KHÔNG THẤY, hay NỊNH BỢ?

Ở “Diễn đàn Lý luận Phê bình Văn học”, để “Nhìn lại 30 năm đổi mới văn học”, Nguyễn Vũ Tiềm có bài viết “Chuyển đổi hệ thi pháp thơ” in nguyên trang 17 trên báo Văn nghệ ngày 12-3-2016. Bài viết không có gì đáng đọc, ngoài 2 điểm sai bậy nổi lên.

1. “Chuyển đổi hệ thi pháp thơ” vắng bóng hoàn toàn nhà thơ miền Nam.
Trước 75, các tên tuổi Tố Hữu, Phạm Tiến Duật, Chế Lan Viên… thì không bàn.
30 năm đổi mới, ông kể [và dẫn chứng thơ]: Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Thi Hoàng, Trần Quang Quý, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương; miền Trung có Thanh Thảo và Hoàng Vũ Thuật; còn miền Nam thì có mỗi Từ Quốc Hoài bị bỏ vào ngoặc, rồi mãi tận thế hệ @ mới nảy ra: Ly Hoàng Ly và Trịnh Sơn!
Thế Hoàng Hưng, Trần Mạnh Hảo, Phan Đan, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng đâu rồi? Ừ, thì đó là các tên tuổi nhạy cảm. Vậy, Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang hay gần hơn: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Trung Thành ở đâu?
Ông không đọc thơ miền Nam? Không đọc sao liều tổng kết? Hoặc có đọc mà chả nhìn thấy họ “chuyển đổi”? Giá như ông viết về MỘT MẢNG, MỘT THẾ HỆ, MỘT TRÀO LƯU nào đó đi, thì còn thể tất, ở đây: “Chuyển đổi hệ thi pháp thơ” cả 30 năm cơ mà!
Nữa, nếu ông có hẳn một CHỦ KIẾN, một THÁI ĐỘ rõ ràng đi, đằng này…

2. Trích đoạn tùy tiện, nhận định may rủi với ba phải sao cũng được
Về Nguyễn Quang Thiều, là: “Tác giả đặt ra tình huống giả tưởng để chuyển đến người đọc THÔNG ĐIỆP GÌ ĐÓ”
Nguyễn Bình Phương, thì: “Nhà thơ không suy luận với một ý tưởng cụ thể mà suy tưởng về ĐIỀU GÌ ĐÓ khá trừu tượng”
Đặng Huy Giang: “đằng sau hình ảnh trực tiếp ấy ẩn hiện ĐIỀU GÌ [ĐÓ] khác lạ”, rồi là “mong mỏi một ĐIỀU GÌ ĐÓ mà biết trước bất thành!”
Ly Hoàng Ly: “nghĩ về ĐIỀU GÌ ĐÓ thẳm sâu, xa xôi hơn là hình ảnh đang hiện hữu”.
Nghĩa là hoàn toàn không hiểu mô tê gì thơ cả! Toàn mấy “điều gì đó” thì chọn ai mà chả được. Thế là ông chọn…
Văn chương thì vô phân biệt, nhưng đây là thái độ sai bậy của người làm phê bình cần bị phơi bày.

*
Lẽ ra phải viết nguyên bài phản bác sự sai bậy này, nhưng không. Tôi từng có 2 kinh nghiệm: Năm 2008, bài nói lại về Văn chương mạng không được hồi đáp. Năm 2014, bài phản biện Vụ Nhã Thuyên bị chìm. Quá tam ba bận, có khờ mới tiếp tục.
Vả lại đây là bài viết kém. Cái tít cố đặt cho to để cứ “điều gì đó” mà tán, mới tội. Chưa nói hay dở, “chuyển đổi hệ thi pháp thơ” mà không đề cập đến Lê Đạt, 15 năm qua không nhắc tới Hậu hiện đại với Tân hình thức là 2 phong trào thơ phát triển mạnh, càng không có mống nhà thơ Dân tộc thiểu số hay thơ Việt hải ngoại nào, thì chuyển đổi cái nỗi gì.
Vậy nên, chỉ cần 2 chú thích ngắn như trên cũng đủ.

PS: Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn VN mãi đăng mấy bài tổng kết bá vơ như thế, không ế mới lạ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *