Vào những năm đầu thế kỉ XX những ghi chép về làng quê Chăm bằng văn bản Akhar Thrah rất hiếm thấy. Nếu như văn bản Ariya Po Pareng cung cấp những thông tin thú vị về cuộc hành trình một nhóm người Chăm đi tìm kiếm, nghiên cứu và sưu tầm hiện vật thuộc nền văn minh Champa ở khắp miền Trung Việt Nam thì văn bản dưới đây là một sử ký ghi nhận những sự kiện đã từng xảy ra ở các làng Chăm và Raglai thuộc tỉnh Ninh Thuận. Tư liệu phản ánh bối cảnh xã hội Chăm thời kỳ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, với sự xuất hiện của các lực lượng quân sự Pháp, Nhật và Việt Minh. Nguồn tư liệu này, do ông Quảng Văn Đại ở thôn Chất Thường, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận sưu tầm và lưu trữ. Nội dung chính của sử ký gồm có 32 trang, viết trên giấy gió, mực Tàu, không có ghi tên tựa đề và tác giả.
Xin chân thành cảm ơn ông Quảng Văn Đại đã hiệu đính phần chữ Chăm và nghĩa tiếng Việt, ông Bá Văn Thứ ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước đã tham gia đọc văn bản tiếng Chăm, giải thích những địa danh và sự kiện lịch sử. Trong phần dịch sang tiếng Việt, chúng tôi cố gắng dịch đúng với văn phong tiếng Chăm mà vẫn đảm bảo sự trong sáng nghĩa tiếng Việt, những đoạn chữ Chăm bị mờ, mất nét hoặc không đọc được sẽ được để thành 3 dấu chấm […].
*
Vào năm con Gà các làng Chăm ở vùng Prang Darang xảy ra tình trạng bất ổn. Trong suốt thời kỳ còn là thuộc địa của Pháp, Prang Darang có được không khí hoà bình. Nhật Bản đến tranh giành thuộc địa với Pháp, bất ngờ bắt người Pháp sai chở cơm nước mà không cho ăn cơm, bắt cởi quần áo rồi đuổi về nước. Nhật tịch thu hết vũ khí, trục xuất người Pháp phải trở về nước gây nên cảnh vợ chồng li biệt. Người Pháp tức giận nhưng vẫn để trong lòng vì đã đánh nhau mấy tháng trời. Máy bay trực thăng bay tràn đầy bầu trời của thành phố, những đóm hoả châu cháy rực sáng trên trời. Nhật Bản thua trí tức giận người Pháp, nên đi cầu viện nước khác đến đánh chiếm để lấy lại thuộc địa cho bằng được.
Pháp tức giận vì đã bỏ nhiều công sức xây dựng hệ thống thuộc địa, nếu không giữ nổi thì đốt phá bỏ, Nhật Bản chiếm giữ không nổi nó chịu thua, hai bên đánh nhau nẩy lửa. Cuộc chiến đấu trên không trung, một nửa lửa một nửa nước đánh nhau ở tại mũi Cà Ná. Máy bay trực thăng rượt đuổi nhau bắn, máy bay Hoa Kỳ bay không nổi bị bắn rơi tại Kuar Gamam. Pháp đốt phá các trung tâm hành chính Việt Nam, công trình Pháp xây dựng ở nước thuộc địa mà tranh chấp thì Pháp không chấp nhận. Nhật Bản thu vũ khí bàn giao cho Việt Nam, rồi rút hết quân về nước. Nhật mang theo xe rất nhiều, bắn máy bay trực thăng, bắn tan nát những hàng tre ở đập Padan, người Việt vui mừng vì đã giành được nền độc lập. Hai nước Pháp và Nhật rút quân trong hoà bình bàn giao lại đất nước cho Việt Nam. Binh lính Nhật bị thất lạc còn ở lại Việt Nam, vũ khí họ vẫn còn giữ, người Việt đòi tước đoạt họ cũng không cho. Người Việt ra thông báo khắp các làng không được phép bán lúa gạo cho người Nhật, nếu bắt được thì giết chết. Nhật Bản thấy như vậy để trong lòng, nếu người Việt mà giết chết người Nhật thì họ cũng không kháng cự. Người Việt tiến hành bao vay, súng bạn bắn rền vang, Nhật đang trú ẩn trong hầm, súng cối thì đặt chờ sẵn.
Người Nhật thật mưu trí, họ làm hình nộm người đặt tại đó, rồi triệt thoái hết lực lượng. Hàng ngàn người Việt bao vay chặn đánh, binh lính Nhật rút lên vùng đồi núi, ăn cơm ở đầu làng Hữu Đức. Người Việt chạy đến vay bắt, trai gái mai phục sẵn mà chẳng sợ hại ai, súng cối thì đã đặt sẵn. Nhật ăn cơm xong thoải mái, họ rút lui một lần nữa, đến nghỉ ngơi và đóng quân tại Paplah Bung. Người Việt sai nấu cơm hành quân băng qua cánh đồng đi đến Paplah Bung mới ăn cơm để vay bắt Nhật cho được. Một số người thì bò đến gần trại lính Nhật ném lựu đạn, chỉ có lính Nhật chết không có người Việt chết. Người chết đứt đầu lìa khỏi mình như người ta xé xát. Sau đó, Nhật rút lui bỏ chảy đến Bầu Bèo. Người Việt vẫn chịu khó truy đuổi theo, thấy lính Nhật cởi áo bắt heo.
Lính Nhật dừng chân ở Bầu Bèo ăn cơm xong mới rút lui, họ ăn cơm không hết họ mang theo lên núi Aia Talai. Người Việt chặn đánh ở Tân Mỹ, Nhật đánh trả giữ chân bắn chết rất nhiều người Việt. Nhật nhìn ống nhòm thấy cánh đồng Ma Nới ở ngã 3 sông và chọn làm nơi nghỉ ngơi. Người Việt biết nên bám theo nhưng cũng chẳng làm gì được, họ thông báo và ra lệnh khắp làng Chăm, Churu, Kinh, Raglai. Vận động gìn giữ […] Lính Nhật ở tại nhà làng không lúc nào là không có. Họ ra lệnh xây dựng chợ ở làng Như ngọc để buôn bán, ở Nhà thương (Trạm y tế) thì có dầu, thuốc men. Người thì bệnh người thì bị gãy chân được mang đi chăm sóc, người bị trúng đạn thì mang đến để Nhật điều trị, thật là mệt nhọc với công việc gánh nước và khiêng người bị thương, nghĩ lại mà đau đớn tận tim gan […] Làng thì ra lệnh bắt con gái đi xay gạo, nhìn cảnh đời thê thảm quá Po Nai!
Ôi Po ! (Trời ơi) vừa quyên góp trái cây, bắp, mía, trái ổi, trái lựu. Tất cả trời ơi! từ cái chén, cái tô cũng giao cho Việt Minh mà chẳng dám nói một lời nào. Việt Minh bảo rằng, quyên góp tấm thổ cẩm phụ nữ, tiền, lúa, đậu để làm tài sản chung. Thật là hoang mang hỡi trời! Đâu có ai muốn mang tiền, lúa nộp làm của chung, Việt Minh đếm trên đầu người rồi thu thuế. Không một ai dám lên tiếng cả chỉ để trong lòng rồi buồn rầu chẳng biết làm sao. Ôi trời ơi! Vừa làm vừa khóc trong nghẹn ngào, gánh nước rửa ghẻ Nhật sai làm mệt đừ người. Người Việt và người Nhật sai đi bắt ngựa đeo lục lạc cho chắc để sẵn cho nó, […] lên xuống […] Mặt trận thì có nhiều trên Patuw Gilung. Trong lúc đang ngủ Pháp nó đến ầm ầm, người Việt thì chạy vào chiếm lấy tỉnh, người Việt làm như người trà trộn.
Người Việt xét thấy, trong làng này có 3 người con của Po Lầu (biệt danh của một quan huyện người Chăm thời Pháp thuộc), là thành phần trí thức. Người Việt rũ đi rồi nó bắt bịt mắt, thật khổ sở cho người cha già không dám đến thăm con. Người cha chỉ biết khóc than thở chẳng biết làm gì nữa, […] chắc có lẽ đứa con tên Dũng và Thành đã bị giết chết. Người Việt bắt trói anh Dũng và anh Thành vào cột, đến nửa đêm mang đi thủ tiêu, họ vang xin cầu cứu nhưng chẳng ai thấy. Họ bị trói vào cây me chẳng cựa quẫy được, giết người anh xong rồi giết người em. Sau đó, kéo chôn vào chung một hang. Lúc đầu Po Lầu chưa tin, nên dẫn theo một số người nữa đi xem tận nơi hành hình. Đến nơi thì thấy 3 cái xác chết đang vùi dưới cát, áo quần thì bị lột sạch. Khi đó, Po Lầu mới tin là sự thật, và than trời đó là những quý tử của mình. Việt Minh mổ tim gan, cái chết của 3 trí thức trẻ làm cho cả làng rơi vào khung cảnh điêu tàn.
Po Lầu không nói năng gì được bị ngất xỉu tại chỗ, dân làng đỡ và dìu hai vợ chồng. Tử thi được đưa lên cho bác sĩ khám […]. Nuôi dưỡng con từ nhỏ, tiêu tốn biết bao nhiêu tiền bạc cho con đi học. Trong lòng thầm nghĩ sẽ cậy nhờ được vào con sau này. Vợ chồng ôm đứa cháu mà cắn móng chân, móng tay việc ăn cơm cũng chẳng màng tới thật tủi thân con lắm trời ơi! Bồng bế cháu chạy Pháp, vừa xây xát vừa khóc đến tận cuối con đường, ngủ trong rừng như thân phận con bò rừng, con nai, nhà cửa thì bỏ hoang vắng, trong lòng chẳng tiếc nuối gì. Việt Minh thì đeo bám sát bên, sợ cho mình ăn ở hai lòng chạy theo làm việc cho Pháp. Bỏ đứa cháu đi trốn khắp các làng, nghe tiếng súng Pháp nổ chạy ra lên vùng rừng núi ở Phước đồng, Chất Thường, Bình Chữ, Như Ngọc, đi trên trục lộ liên làng Hữu Đức.
Mặt trận nó mưu mẹo, đào hầm sâu ở trong làng Phất Thế, Hữu Đức, Bình Chữ Như Ngọc và đồi Trang cộng với phần đất Panlinya là của Pháp và xóm Choá cũng có Việt Minh ở. Bởi vậy, tại chân đồi núi Kalew thứ gì Pháp cũng không cho, oán hờn người Pháp đến đây gây chiến để đô hộ. Làng Như Ngọc bỏ ruộng lúa theo Pháp, nhờ vậy để khỏi người Việt giết chết được. Đến khi có giặc đánh tới, gây tổn thất, chết chóc người Pháp bỏ chảy đi hết. Người Chăm bị tổn thất nặng nề, khắp làng nhà nào cũng có người chết. Tình trạng li tán anh lạc em, công việc làm ăn cũng đổ vỡ, vợ thì lìa xa chồng. Hoàn cảnh li tán mẹ ở bắc con ở nam, khi mẹ chết chẳng có mặt con cái, họ hàng cũng không hay biết, một gia đình chết đến 3-5 người, cha mẹ li tán con dâu, con rể li tán cha mẹ. Mẹ chết bỏ lại con thơ khóc, bao nhiêu âm thầm, lặng lẽ theo cổng rào đi tả tơi lắm trời ơi. Trời ơi! Sao không làm nước biển dâng để được chết chung với nhau.
Thượng đế hỡi! Hãy lấy đi hết luôn. Bao nhiêu mù mịt ngậm đắng nuốt cay, cầu cứu, khóc than, vái lậy khắp các đền tháp. Lúc đó, thật chột dạ, ngồi một mình chẳng nói năng gì, tay chóng cầm mà cắn móng tay, tháng giêng năm con Chó bất ổn kéo dài đến tháng 7. Tình trạng chiến tranh kéo dài triền miên. Trên đời nhiều chuyện thấy kì lạ, không bao giờ nói ra hết những chuyện đắng cay, một thân phải làm tôi tớ đến 3-4 nơi, chạy nắng thì gặp gió, chạy gió thì gặp bão. Đời mình không biết ra sao. Nếu chạy lên rừng thì gặp đồi núi, đi xuống đồng bằng thì gặp biển. Người Việt thì đông như hạt cát, người Chăm thì thưa và ít thì ở bên dưới. Trông nhờ vào hồng phúc, làm cho Pháp mát lòng mà can thiệp cứu giúp.
Khi Pháp đến thật khổ sở, ban đêm không ngủ được thường hay bắt lính. Người Chăm theo nương dựa. Người Kinh bao dòm ngó đầy con mắt, nó tình nghi bắt được cắt cổ, những người nào lắm miệng, bịt mắt đưa đi lên rừng. Người Pháp và người Kinh đánh nhau tranh giành xứ sở người Chăm ngồi yên, không bao giờ tranh giành với ai. Người Chăm không thấy ở đâu, phong tục tập quán tổ tiên không giám bỏ. Lễ Cambur, Katé ở đền tháp vẫn gìn giữ, những vật dụng vẫn bảo quản, lễ nghi Yuer Yang Palao Kasah, người Chăm vẫn còn giữ thờ phượng, đền đài ngài Aluah được thờ cúng ngày đêm. Chết hết thì còn ai bảo tồn, lịch pháp ai gìn giữ, êm lòng mát dạ thì muốn đứt hơi. Thượng đế hỡi! Hãy ngước nhìn chắc chẳng còn gì đọng lại.
Nửa đêm Việt Minh tiến công đánh, đứng chặn khắp ngỏ đường, bắn súng bao vay. Lo sợ chạy cũng không kịp, nó bắn vợ thầy Cửu, bác, cháu chết tại chỗ. Việt Minh cướp lấy chén, đĩa, quần áo, bắt bác trai làm con tin. Thật tội nghiệp! hai người lính cũng phải bỏ mẹ cha, khóc than cầu cứu khắp nơi, để cho con họ được trở về nhà […] làm việc thiện cầu xin thần yang được đoàn tụ gia đình. Từ đó, đến bây giờ vẫn biệt tâm âm tính, […] không thấy về. Mẹ cha khóc nhói tim, mong đợi chẳng thấy con về, mẹ này cũng […] Nhiều đêm ngậm đắng nuốt cay, cầu cứu với Patri và Patra làm cho người Kinh nguôi ngoai mà thả người. Nếu biết con ở đâu mẹ cũng đến tìm. Người Kinh có bắn cũng chịu. Con ở đâu hỡi! để mẹ cha đi chuộc về. Nếu may mắn bị bệnh chết mẹ còn tìm thấy xác, nếu chết bởi súng đạn mẹ còn tìm xương cốt.
Con ơi! Nếu ở nhà bị bệnh đau mà chết thì mẹ không tiếc nuối. Con ơi! Khổ cực ba đã chân yếu mắt mờ, trông mong vào con cái chăm sóc, chưa được bao nhiêu mà lại chết, mẹ cha đi vay mượn khắp nơi, tiền bạc tốn kém hàng trăm ngàn cũng cam lòng. Nếu phạm thượng thần linh […] ôm đầu chết nửa đường. Chủ nhà cũng bỏ nhà cửa, thầy Cửu khóc lóc mang con đi hết. Bỏ ruộng đồng bỏ đàn trâu. Để ông chồng, vợ con không biết là ai, chỉ xin một thân li khai. May mắn Pháp đến kịp thời, họ nói chuyện thoả mãn. Rồi Pháp đến đóng đồn ở làng Như Ngọc, tháp canh cao một tầng làm nơi canh gác. Ngày đêm quan sát ống nhòm, nhìn tứ phía nơi nào cũng nhìn thấy. Vợ chồng thầy mang tâm trạng nặng trĩu rầu rỉ, nguyên cái căn nhà lầu quân Pháp tá túc hết. Vợ chồng không biết làm sao, nằm mà cứ suy nghĩ vu vơ, thân phận nhỏ bé không dám nói gì, vào nhà lấy […] cho mau như đá lăng trên cát.
Pháp chủ động tiến công trước, lợi dụng lúc trời sáng mờ tinh Pháp đưa binh lính đến gây chiến. Quân Pháp nằm phòng ngự để cho bên Việt Minh nổ súng. Chỉ có lính Việt Minh nổ súng vào làng, họ bắn dưới đất trên trời, trực thăng bay thả bom vào làng, khói lửa mù mịt bao trùm trong làng Như Ngọc. Tiếng khóc lóc dắt nhau chạy vào hầm núp, phía quân Pháp thì đánh chặn, bao vây bắt đem đi bắn bỏ. Sau đó, Pháp kêu gọi người Chăm quay trở lại, từ đó mới hết thất thỏm trong lòng. Pháp bắt hết người Kinh ở làng Như Ngọc, họ lựa chọn những người già, đàn bà và con nít đuổi đi hết. Họ xếp đứng thành một hàng rồi bắn, người chết xếp chồng như đống củi dân làng Như Ngọc mang đi chôn. Sau đó, kéo quân đi trong đêm khuya dừng chân tại làng Panlinya. Làng Panlinya nó dừng tại đó, người Kinh bắn trả ầm ầm. Pháp ngủ mà không hề sợ hại, bắn xong xác nằm tại chỗ […] nó chết.
Việt Minh bắn trả, đạn bay như rải, trực thăng đến bắn rớt tan nát hết. Lúc đó thật uổng những đồ quý giá. Pháp chạy tán loạn mẹ con chẳng nhận ra nhau. Vừa chạy vừa bế con thơ, những đứa lớn không ai dắt thất lạc nhiều lắm trời ơi! Lúc đó mẹ chạy không biết đến con, phía trước phía sau ngó tìm chẳng thấy ai. Thật tội nghiệp cho Chăm, Kahaow, Cru, Raglai, Kinh, Randaiy và cả nước. Vận động nhau cùng chung lòng, xem họ hành động thế nào để chỉ đạo […] ở khắp các làng, hội nghị đồng bào nghe cho rõ. Việt Nam […] phải một lòng, một bữa nấu cơm hãy dành một nắm gạo, tiếp tế bộ đội, dê, gà, heo, trâu của đồng bào ở khắp thôn làng.
[…] Ở bên ngoài, đội thông tin khắp cả làng, hội nghị cho biết. Lúc đó đang bối rối và rầu rĩ, mang gùi đi xin gạo bơ trong làng. Đi chưa xin được bao nhiêu, nhóm Nam phần thì họ bắt lính Pháp đem nhốt trong nhà làng, số khác ra phát động làm đường xá […] ./.