Phong tục ăn trầu đã có từ lâu đời trong đời sống văn hoá tinh thần của người Chăm. Xưa kia, người Chăm có hai bộ tộc lớn là bộ tộc Dừa (Li-u) và bộ tộc Cau (Pinâng), sự liên minh giữa hai bộ tộc Dừa và Cau hình thành nên dân tộc Chăm cho đến ngày nay.
Việc ăn trầu không phải là nhu cầu như thực phẩm mà nó thể hiện nhiều giá trị văn hoá trong ứng xử với cộng đồng. Trong đời sống ngày thường, tục ăn trầu đa phần dành cho những người đã trưởng thành. Đối với người Chăm, cả người đàn ông và đàn bà đều biết ăn trầu. Trầu cau tuy là chỉ là thứ ăn để giải trí nhưng không thể thiếu khi tiếp khách quý, dùng trong các nghi lễ và dâng cúng cho thần linh.
Nói tới tục ăn trầu không thể không nhắc đến các dụng cụ dùng để đựng và dùng để ăn trầu cau như cái khay đựng trầu, cơi trầu, cái hộp đựng miếng cau, thuốc rê, cái bình vôi, con dao nhỏ để cắt trái cau tươi, ống ngoáy, chìa ngoáy và ống nhổ để đựng bã trầu.
Miếng trầu còn là biểu tượng cho tình yêu, khi đôi trai gái Chăm đã trao cho nhau những miếng trầu cau là họ đã thề nguyện son sắc, nên vợ nên chồng thuỷ chung.
Tục ăn trầu là thói quen phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội không phân biệt giàu nghèo hay sang hèn. Và khi ăn trầu, người ta thường chọn một không gian thoáng mát, để vừa thưởng thức vị cay, nồng, chát của miếng trầu vừa trò chuyện thân mật với nhau.
Để có miếng trầu vừa ngon và vừa đẹp đòi hỏi sự khéo tay và trao chuốt của người têm trầu. Bởi vậy, việc têm trầu cau cũng là một tiêu chí để đánh giá phẩm hạnh của người con gái, sự đảm đang của người phụ nữ. Từ một lá trầu tươi, quẹt vôi, một miếng cau khô, người Chăm có nhiều cách têm khác nhau tuỳ vào mục đích sử dụng. Nhưng, phổ biến nhất là loại trầu têm “ Hala Dam Dara và Hala Kapu” dùng để đãi khách quý, dùng trong cưới hỏi và dâng cúng cho thần linh. Miếng trầu sau khi đã được têm xong đựng trong cơi trầu đến khi cần dùng thì lấy ra ăn, hoặc để mời khách quý. Khi dâng cúng, thì miếng trầu têm phải để trên mâm cổ bồng trầu, đặt trong cơi trầu.
Trầu cau là một món ăn chơi, giải trí phổ biến ở các dân tộc Đông Nam Á. Mỗi dân tộc có kỹ thuật têm khác nhau và mang những ý nghĩa riêng. Tục ăn trầu thể nhiều giá trị văn hoá trong đời sống tinh thần. Những người ăn trầu thâm niên, có làn môi hồng như tô son, hàm răng đen óng ánh đặc trưng.
Tục ăn trầu còn biểu tượng cho tình yêu, tình bạn và sự hoà hiếu trong giao tiếp đời thường./.