URANG CHAM 21. INRAHANI THUẬN THỊ TRỤ

1971-Hani
1. Thuận Thị Trụ & Cty TNHH Dệt may Thổ cẩm Cham Inrahani

Dệt thổ cẩm Cham có mặt từ rất lâu đời, hiện vẫn được truyền lưu ở nhiều vùng miền, trong đó Mỹ Nghiệp Chakleng ở Ninh Thuận là làng dệt thổ cẩm lớn và nổi tiếng nhất.
Xưa nay, các sản phẩm thổ cẩm làm ra để phục vụ cho phong tục tập quán, một ít để dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Từ năm 1975, nghề này có nguy cơ thất truyền, mãi đầu những năm 80 của thế kỉ XX, dệt thổ cẩm Cham mới có dấu hiệu phục hồi. Thế nhưng, hàng sản xuất chủ yếu là hàng thô với số lượng rất nhỏ, tự cung tự cấp là chính, số còn lại được mang bán cho đồng bào Tây nguyên. Từ khi mở cơ sở, Thuận Thị Trụ nghiên cứu chế tác các mẫu mã phục vụ nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước, thổ cẩm Chăm mới phát triển mạnh mẽ.

Thuận Thị Trụ (1948) tức Inrahani, sinh ra và lớn lên ở làng dệt Chakleng.
18 tuổi, Trụ lên Ban Mê Thuột, sau đó sang Campuchia “làm Fulro”. Năm 1971, Hanifiah (tên Islam của Thuận Thị Trụ) qua Pháp sống với chồng (Yang Neh) đang học ở Sorbonne. Năm 1973 chống mất, chị trở về Việt Nam với gia đình.
Năm 1976, cô Trụ (tên thường gọi lúc này) nhận đứng chân giáo viên Mẫu giáo ở Hiếu Lễ, sau đó làm Hiệu trưởng Mẫu giáo Phước Hậu, đến năm 1982 chuyển về Phòng giáo dục huyện Ninh Phước – Ninh Thuận làm cán bộ chuyên trách Giáo dục mầm non, cuối cùng năm 1988 thì xin thôi việc.
Từ quê cha Hiếu Lễ chuyển về quê mẹ Chakleng sống là một bước ngoặt mang tính quyết định với cô Trụ. Bà phát hiện ra tiềm năng thổ cẩm dân tộc mình. Thổ cẩm lúc đó chỉ có bà Phú Thị Mở đang nắm độc quyền hàng “cao cấp” phục vụ cho khách từ Sài Gòn, còn Hợp tác xã Mỹ Nghiệp mãi loay hoay chưa tìm thấy đầu ra cho mặt hàng này.
Năm 1991, Hani thành lập Cơ sở dệt thổ cẩm Cham tại Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, với 10 công nhân, đã tạo cho thổ cẩm một sức bật mới. Khi vào tháng 3-1993, theo chồng vào Sài Gòn, chị mở Quầy bán lẻ tại Thương xá TAX, TP Hồ Chí Minh. Đến tháng 11-2000 thì Cty TNHH Dệt may Thổ cẩm Cham INRAHANI được thành lập, mở rộng sản xuất và buôn bán: dệt tại quê, may tại Sài Gòn, từ đó hàng thổ cẩm Inrahani có mặt khắp thị trường trong nước, và cả xuất ra nước ngoài.
Bên cạnh kinh doanh, Inrahani vẫn không quên chữ nghĩa. Với sự giúp sức của chồng là nhà văn Inrasara, Trà Ma Hani (bút hiệu của Thuận Thị Trụ) đã ra 2 tác phẩm:
Em, hoa xương rồng và nắng, thơ thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2009 – tập thơ đoạt giải nhì (2001-2012) của Quỹ Nhi đồng Đan Mạch.
Ngày xưa, có chú Thỏ…, truyện cổ Cham, NXB Kim Đồng, 2013.
2010-KGVH-03
2. Thuận Thị Trụ làm được gì cho thổ cẩm?
Từ giã nghề giáo ưa thích để dấn mình trọn vẹn vào phát triển ngành nghề truyền thống dân tộc, Thuận Thị Trụ đã làm vài cải cách quan trọng. Có thể kể:
Bà công đầu trong sưu tầm hoa văn Cham truyền thống [trong dân và được lưu ở bảo tàng Pháp], từ đó cách điệu hơn 50 hoa văn khác, đồng thời chuyển hoa văn từ Khung Jih Dalah sang hoa văn Khung Aban Khan, tăng năng suất sản xuất lên nhiều lần.
Từ năm 1998, Hani là người đầu tiên nghiên cứu cải tạo cách dệt truyền thống của Cham từ lối dệt thủ công thành bán công nghiệp, nhanh hơn, hiện đại hơn. Bảy năm sau, lối dệt này phát triển đại trà ở Mỹ Nghiệp. Nâng cấp kĩ thuật dệt, nhưng Hani vẫn bảo lưu và duy trì sản xuất thổ cẩm theo lối cổ truyền.
Từ vải thô, bà nghiên cứu chế tác gần 300 mẫu mã các loại, và là người đầu tiên mở quầy bán Thổ cẩm tại Trung tâm Thương mại Sài Gòn (TAX) vào năm 1993. Từ đó cơ sở của bà tạo công ăn việc làm cho 200 phụ nữ nghèo có thu nhập ổn định.
Bà là người đầu tiên tham dự rất nhiều hội chợ triển lãm lớn trong nước: Hội chợ Quang Trung (tháng 8-1996), Hội chợ Giảng Võ (tháng 9-1996), Dinh Thống Nhất (tháng 10-1997), Triển lãm Hàng Việt nam chất lượng cao do Sài Gòn Tiếp thị tổ chức (2-1998)… Sau đó bà là người công đầu giới thiệu Thổ cẩm Cham ra nước ngoài qua các Hội chợ triển lãm quốc tế: Thụy Sỹ (3-1998 và 3-2000); Pháp (3-2000); Nhật Bản (5-2000 và 6-2001), Singapore (1-2002), Bỉ (2007), Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia…
Thuận Thị Trụ là người đầu tiên và duy nhất đoạt 4 Huy chương vàng và Huy hiệu Bàn tay vàng do Hội đồng Trung ương Liên minh HTX Việt Nam cấp ngày 3-9-1996 tại Hà Nội.
Cuối cùng, từ thu nhập Thổ cẩm, bà Thuận Thị Trụ lập Quỹ INRAHANI, làm công ích xã hội.

3. Dư luận về Inrahani
Saigon Times Daily, 30-8-1996
Hàng thổ cẩm INRAHANI không chỉ lôi cuốn khách hàng ở sự tinh tế của hoa văn mà còn ở sự đa dạng của hàng trăm mẫu mã hợp thị hiếu qua chế tác đầy sáng tạo của nghệ nhân Bàn tay vàng Thuận Thị Trụ.

Lê Thị Nhâm Tuyết, Giám đốc CGFED, Thời báo Kinh tế Việt Nam, 9-1-1997
INRAHANI chính là câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc. Tức là tạo ra những sản phẩm đáp ứng thị hiếu của khách hàng, mà không làm mất đi vai trò quan trọng của nó trong việc giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhật Lệ: “Đưa Thổ cẩm ra thế giới”, báo Lao Động, 29-9-2007.
Trong tuần văn hóa Việt Nam tại Bỉ 2007, có một người phụ nữ lên diễn đàn nói về thân phận của người phụ nữ Chăm từ chiến tranh đến thời bình. Câu chuyện của chị đã làm cử tọa bật khóc. Chị đến từ làng thổ cẩm nổi tiếng Mỹ Nghiệp – Ninh Thuận, giới thiệu văn hóa Chăm và dệt vải cho người nước ngoài xem. Tới nay, chị đã có 20 chuyến đi đến hơn mười quốc gia. Tên chị là Thuận Thị Trụ, nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng, người đầu tiên xuất khẩu thổ cẩm của mọi miền đất nước ra nước ngoài.

Phương Trang: “Người mang hồn Chăm về phố”, Người Lao động, 29-2-2008.
Bằng quyết tâm và nghị lực, bà vượt qua được mọi khó khăn. Không dừng lại ở các màu cơ bản, không hài lòng với các sản phẩm thô, nhờ sự tìm tòi của bà, sản phẩm thổ cẩm thương hiệu Inrahani giờ có thể đáp ứng các yêu cầu của khách hàng về màu sắc, chất lượng lẫn kiểu dáng. Từ 30 mẫu hoa văn truyền thống, sau nhiều năm tìm tòi, Bàn tay vàng Thổ cẩm đã phát triển thêm trên 50 mẫu họa tiết mới. Quần áo, ví, ba lô, túi xách… thổ cẩm của Inrahani không chỉ xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà còn vượt biên giới sang tận Pháp, Nhật, Bỉ, Canada…
Không ích kỷ giấu nghề, bà tận tình truyền dạy những kiến thức cho bất kỳ ai yêu nghề.

Nguyễn Lự: “Bàn tay vàng dệt Thổ cẩm”, tạp chí Tia sáng, số 19, 5-10-2006.
Thổ cẩm mang thương hiệu Inrahani không chỉ khẳng định được vị trí ở thị trường trong nước mà còn được người dân quốc tế biết đến tại các Hội chợ triển lãm lớn: Thụy Sỹ (3-1998 và 3-2000), Pháp (3-2000), Nhật Bản (5-2000 và 6-2001), Bỉ (cuối 2001), Singapore (1-2002)…
Sản phẩm của Công ty đoạt 4 Huy chương vàng Hội chợ triển lãm trong nước, và nhất là Huy hiệu Bàn tay vàng do Hội đồng Trung ương Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cấp, là bằng chứng xác minh cho tài năng và nỗ lực không biết mệt mỏi của cô gái vàng Chăm ngày xưa.

Thanh Phong: “Người đàn bà Chăm & giấc mơ thổ cẩm”, báo Xây dựng & Pháp luật, 15-12-2010
Các con giờ đã trưởng thành, Inrahani có được những phút giây để có thể làm thơ, viết văn hay đơn giản chỉ là thư thái hưởng thụ nhịp sống bình yên. Mới đây, Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani vừa được xây dựng xong ở quê nhà, thêm một lần nữa ước mơ của bà đã trở thành hiện thực. Nơi đây chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần của người Chăm bao đời, từ đồ dùng hàng ngày, sách cổ, trang phục cho đến tượng sao, ảnh tháp các loại… Đặc biệt có một chiếc xe trâu cổ, là một trong 3 chiếc còn lại ở Việt Nam. Danh tiếng chỉ là phù hoa với người phụ nữ ấy. Inrahani muốn làm nhiều việc hơn nữa để giới thiệu văn hóa Chăm đến với mọi người, với bà đó chính là bổn phận, trách nhiệm thiêng liêng và cả một niềm tự hào.
Cuộc đời của Inrahani quá đủ để viết nên một cuốn sách mà tôi tin bất cứ ai khi đọc nó đều phải nể trọng hành trình một người phụ nữ Chăm vượt lên định kiến xã hội và đi đến thành công. Người phụ nữ nhỏ bé, dịu dàng đã mang cả mùa xuân đến thổ cẩm Chăm hôm nay.

One thought on “URANG CHAM 21. INRAHANI THUẬN THỊ TRỤ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *