HỒ SƠ BIÊN BẢN SO SÁNH 19. Lê Vĩnh Tài & những trò diễn của thơ

Có nhà thơ làm thơ mà không cần suy nghĩ về thơ, không có bất kì quan niệm nào dù mơ hồ nhất về thơ, không cần biết thơ là gì, tại sao làm thơ, thơ viết cho ai, vân vân. Họ làm thơ, thế thôi.
Có nhà thơ nói, bàn về thơ và nghề thơ. Bằng nhiều hình thức khác nhau. Khi có cơ hội, điều kiện. Qua các bài, tập sách lí luận – phê bình hoặc qua phát biểu cảm tưởng hay trả lời phỏng vấn, qua phát động một trào lưu, một trường phái hay chỉ rải rác qua thư từ, bằng công trình hàn lâm hay dẫu ngẫu hứng bình một bài thơ hay, bằng văn xuôi hay chỉ gửi ý tưởng mình trên đôi cánh thi ca.
Xưa thế, nay cũng vậy. Đông hay Tây. Các nhà thơ này đều từng một/ nhiều lần nỗ lực nói lên quan điểm về nghề, phương pháp sáng tác cũng như hệ mĩ học của mình. Nhất là nhà thơ Tây phương, các nhà thơ chuyên nghiệp. Từ Thomas Stearns Eliot đến Octavio Paz, từ Guillaume Apollinaire đến Jorge Louis L. Borges, từ Yves Bonnefoy đến Dana Gioia… Đôi khi thành tựu về “nói” của họ còn xuất sắc hơn, đồ sộ hơn sáng tác của họ nữa.
Việt Nam đâu là đứng ngoài, nhất là từ Thơ Mới. Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Thanh Tâm Tuyền… là các khuôn mặt nổi bật. Thời gian gần đây: Vũ Quần Phương, Trần Mạnh Hảo, Trúc Thông, Khế Iêm, Đỗ Minh Tuấn… mỗi người mỗi vẻ, tuỳ cá tính, mức độ quan tâm ít/ nhiều, cũng đã góp vào thơ Việt hiện đại tiếng nói khác nhau.
Bằng văn xuôi như: lí luận, phê bình, hay chỉ là cảm nhận về một bài/ tập thơ.
Cả bằng thơ.
Gán cho thi sĩ một cái nghĩa có: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” (Xuân Diệu); phát ngôn mang tính đại diện cho cả tập thể có: “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/ Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh” (Vũ Hoàng Chương), hay tuyên bố riêng cho cá nhân mình cũng có: “Tôi là con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hát chơi” (Xuân Diệu). Nhà thơ đòi hỏi tinh thần phản kháng ở thơ (Trần Tiến Dũng)(1), hay muốn thi sĩ phải biết xô ngôn từ thơ vào cuộc chiến: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” (Sóng Hồng), thậm chí đẩy chính nhà thơ vào cuộc bạo động đổ máu: “Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Hồ Chí Minh).
Bàn về người làm thơ và về bản thân thơ. Về chức năng của thơ. Thơ và các yếu tố làm nên thơ hay. Đủ cả. Thế nhưng tất cả ở đó, thơ như thể đứng ngoài. Nói khác đi: thơ là một đối thể để người làm thơ bàn về.
Lê Vĩnh Tài thì khác.

Thơ là một sinh thể, đúng hơn – một Tự Thể Thơ Việt với mấy phụ tùng cùng phái sinh và biến tướng của nó.
Có thể đó là một cá thể hay tập thể, một nhà thơ hay một nền thơ, một tổ chức [thơ ca] hay một nạn nhân của tổ chức kia hoặc là nạn nhân chính ảo tưởng của mình, cũng có thể là một bài thơ hay một trào lưu thơ [ca] cùng bạt ngàn hành vi, dáng điệu, tính cách, tâm trạng.

Cái thế giới đầy những từ ngữ: Đất Nước, Nhân Dân, Nhiệm vụ, Ngang Tầm Thời Đại… bắt đầu làm ù tai Thơ. Thơ đứng trên sân khấu, cười khóc và cúi chào mãi cho đến khi những tiếng vỗ tay làm Thơ biến mất vào giấc mơ. Người ta đã biến mọi thứ thành tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất thì làm gì còn con người. Không còn thần thánh, không còn tình yêu thì Thơ không biết mình sẽ diễn trên sân khấu vai gì?(2)

Không biết diễn vai gì, nhưng thơ vẫn cứ diễn. Thơ diễn thơ hú họa, thơ hưu trí, thơ báo tường, thơ thương nhớ lũy tre làng, thơ cách mạng, thơ lãng mạn hậu thời, thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, thơ cụ thể, thơ tục và dâm, thơ biết sợ, thơ vô sinh, thơ dựa hơi, thơ chạy sô, thơ siêu hình và siêu thực, thơ tắc tị, thơ hậu hiện đại, thơ trình diễn…

thơ cũng leo lên sân khấu => xé giấy & trình diễn
ảo giác, nhảy múa, mở nhạc… và lên cơn đấm luôn vào mặt bạn (diễn)
và lần này thơ khóc hu hu
sau đó hắn hiền, nghe nói bài thơ đang đi tu

(“Thơ 3”, Thơ hỏi thơ, NXB Thanh Niên, 2008)
Bắt đầu bằng “có một bài thơ…”, Lê Vĩnh Tài cùng thơ đi suốt 50 thơ hỏi thơ, như thể cuộc ma-ra-tông tự thức, tự tri, tự ngộ với những tinh nghịch chua chát. Ở nơi ấy, thơ, nhà thơ, nền thơ đã chịu khom lưng hay ưỡn ngực diễn trò. Trong lúc nơi xa kia:

Bài thơ nghe kể:
“người nông dân 1: cống hiến nhiều nhất
người nông dân 2: hy sinh lớn nhất
người nông dân 3: hưởng thụ ít nhất
người nông dân 4: được giúp đỡ ít nhất
người nông dân 5: đè nén thảm nhất
người nông dân 6: bị tước đoạt nặng nề nhất
người nông dân 7: cam chịu lâu nhất
người nông dân 8, (đến đây bài thơ mệt quá, xin thôi nghe nhưng không được): là người tha thứ cao cả nhất…”
nghe xong bài thơ càng stress thêm. Vì thế sau đó bài thơ cũng ít về làng chơi, mỗi lần muốn xả stress bài thơ đi mát xa đâu đó ở gần nhà, xong xoa tí dầu Con Ó xanh rồi về với vợ

(“Thơ 32”, Thơ hỏi thơ, NXB Thanh Niên, 2008))
Hay một cách khác:

đất nước là khoa Sản
mọi người đang mang thai

cơ thể đang mang thai
linh hồn đang mang thai

ôi làm thế nào chúng ta chỉ sinh ra
toàn bọ chét
nếu không
những con bọ chét đến từ đâu?

chẳng lẽ
chúng xuất hiện bất ngờ từ trên trời?
như mưa rơi?
như nước mắt?

đất nước đang mang thai
vào mỗi đêm, khi mẹ mang chúng ta vào giấc ngủ
là những bữa tiệc của lũ bọ chét
bắt đầu

sau khi uống rượu như hút máu
chúng nói về tình yêu…

Nhìn từ phía cá thể là thế, còn khi thơ là một tổ chức, hay đại diện của một tổ chức thơ, thơ biết quan tâm và sợ giùm cho bạn diễn cùng hội cùng thuyền:

Thơ muốn bạn của thơ sẽ không cho thơ ăn hai cái tát
Sau khi tặng thơ chai rượu
Thơ muốn bạn của thơ sẽ không rút điện micro
Khi thơ xin phát biểu
Thơ muốn bạn của thơ sẽ không bới móc đời tư của thơ

Lúc ấy thơ hòa cùng đám đông thơ, để được nổi tiếng hay chấp nhận tai tiếng.

Thơ mềm như dải lụa được thả cùng bong bóng lên trời, gặp phải mưa xuân mọi thứ ảm đạm như giấc mơ. Giấc mơ về một cánh đồng úa vàng như cỏ. Nhưng cánh đồng giờ đã hoá sân golf, quên mất cái thời khốn khổ…

Nhưng thật ra, thơ cần:

Thơ sẽ không
Nhún nhảy theo điệu múa của bạn
Thơ sẽ
Không cho bạn mượn linh hồn
Của thơ
Để nhảy múa trong mưa. Thơ sẽ
Không nảy lên theo dùi cui của bạn. Thơ biết
Không thể đánh bại được ngôn ngữ
Và vần điệu của giấc mơ. Vì như thế thơ
Sẽ thiếu sức sống. Cũng như thơ biết
Da thịt có thể bị bầm
Và đau nhức
Nếu nhảy múa quá mức

Nên thơ sẽ
Không hùa theo điệu múa của bạn
Lên da thịt người ta. Thơ bao giờ cũng
Xót xa. Và thơ cũng sẽ không
Ghét bạn. Thơ sẽ
Không giết bạn. Nhưng thơ sẽ không chết
Cho bạn. Thơ sẽ không thương tiếc
Bạn. Thơ sẽ không
Ở bên cạnh
Bạn. Thơ sẽ không nói theo bạn. Bởi vì
Tất cả mọi người có quyền được
Đau Đớn và Câm. Giống như quyền thế chấp tài sản để vay tiền. Vì
Thơ thiếu nợ thường xuyên

Nhưng thơ không cho ai vay cái Tên Của Thơ. Điệu
Múa của thơ không phải để hoà nhịp với bạn. Thơ
Chống lại những kiểu nhảy múa để lùa
Người dân vào chỗ sẽ không còn được nhảy múa
Bị đánh đau. Nhịp tim của thơ sẽ
Nhanh hơn
Hơi thở. Thơ vang lên như tiếng trống
Dưới ngọn cờ
Không thể là cái chết. Vì thơ biết
Trái tim của bạn, hơi thở của bạn, nụ cười của bạn
Cũng là nụ cười
Cũng là hơi thở
Cũng là… t-r-á-i + t-i-m…

Thơ biết
Bạn cũng ghét cầm cọ vẽ lên
Thịt da đàn bà
Màu sơn đỏ nhúng từ lọ máu

Qua đó thơ mang ảo tưởng như thể mình vừa gửi đi một thông điệp – thông điệp quan trọng. Quan trọng và to tát và nhếch nhác và vô bổ như “Tâm thư gửi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raúl Castro” được soạn thảo và hơn nửa ngàn nhà thơ kí tên gửi đi từ Hà Nội vào ngày 7 tháng 3 năm 2015(3). Còn hơn thế,

Thông điệp không bao giờ còn được gởi đi
Thơ chém bao nhiêu nhát dao vào gió
Rồi cố chống lại sự lãng quên
Bằng cách đánh vần từng âm tiết
Lúng liếng ngọng nghịu
Vẫn không dám mở miệng
Vì sợ bị tiện
Vỡ đôi…

Trong khi đó ở phía ngoài kia, bài thơ/ tập thơ bị cấm xuất bản, được đăng lên rồi bị gỡ xuống, được in ra để bị thu hồi, bị đốt; nhà thơ được mời uống cà-phê, được cho ăn dùi cui, bị áp tải lên xe buýt, bị đấy vào trại cải tạo.
Đó là những bài thơ chịu chung số phận với những trang web bị đánh sập. Như những xác người bị mặt đất nuốt chửng. Không dấu vết. Cái chết đã thay bằng sự mất tích. Đỡ đau đớn hơn.

Thơ hỏi thơ, thơ hỏi thở, thơ thờ ơ hay vô số bài thơ hậu hiện đại đăng trên Facebook sau này, Lê Vĩnh Tài biến thơ thành một biểu trưng. Biểu trưng thơ của một thời đại thiếu vắng thơ [nhà thơ và nền thơ] đích thực. Để mọi loại thơ diễn lên ngôi. Diễn, nguyên do phát sinh từ nỗi sợ sự thật – Sự Thật viết hoa và in đậm. Mà khi “những câu thơ biết sợ sự thật”, thì mọi thủ thuật uốn éo ngôn từ, mọi ẩn dụ, ám chỉ, cách tân, làm mới, vắt dòng với giễu nhại chỉ là trò diễn ma mị và lố bịch.

Chúng ta sẽ thành kẻ bất thường nếu chúng ta muốn thành người can đảm
Chúng ta phải cô đơn nếu chúng ta muốn vào một ngôi đền

Khi nhà thơ nói: chúng ta chỉ bàn về cái đẹp
Cái đẹp im lặng cô đơn

Nhưng cái đẹp như thế nào nếu người ta khiêng bạn lên xe buýt như một con vật
Và bạn phải tự đập mặt vào đế giày của người khác bốn hay năm lần
Vì người ta không thích đạp vào mặt kẻ khác
Ngại mang tiếng sẽ làm bạn giập sống mũi hay gãy răng

Bạn vẫn phải đi tìm cái đẹp
Vì cái đẹp sẽ cứu cả thế giới

Giống như cô gái nửa nhút nhát nửa vinh quang đang đi giữa cuộc tụ tập đông người
Cô gái ấy giống như Mẹ của chúng ta ngày xưa
Mẹ vừa mới mất
Nhưng Mẹ vẫn nói: cái đẹp cũng có thể là sự sợ hãi

Giống như cơn bão, nó có thể chỉ lúc lắc trên đầu chúng ta những giọt nước
Mong manh như nước mắt
Nhưng trong tinh thần chúng ta, sự gầm thét của sư tử hống trên đỉnh núi
Sự im lặng của tiếng khóc những người vợ mất chồng
Những người đàn ông đã ngã xuống trước họng đại liên của một lũ đang phát điên
Thành một Vòng Tròn Bất Tử
Đảo Gạc-Ma thêm những bóng ma
Đang nhảy múa trong chiếc khăn tang trên mái tóc xoã xuống vai người goá phụ
Đêm đêm âm u thánh ca
Chỉ nói về cái đẹp

Cái đẹp không chỉ là bức ảnh chụp bạn cầm tấm poster cắt bỏ lưỡi bò
Cái đẹp không chỉ là lúc bạn vừa uống cà phê vừa yêu nước

Cái đẹp không chỉ là những hình ảnh bạn có thể nhìn thấy
Những tấm bia ở nghĩa trang Liệt Sĩ không cần một tấm ảnh nào cả
Danh sách những người ngã xuống không cần một ánh sáng nào cả
Nó vẫn được nhìn thấy ngay cả trong bóng đêm
Bằng đốm lửa khi bạn hút thuốc

Cả khi bạn cố gắng đứng về phe nước mắt
Họ cũng không cần một phe nào cả
Họ chỉ có một quốc gia
Với những đứa con mồ côi cha
Đang đứng nhìn nghĩa trang cỏ xanh nhức mắt

Cái đẹp không phải những bài báo của các học giả
Ba hoa về điểm thi môn Lịch Sử
Lịch sử là một chiếc phong bì dính máu
Gửi cho bạn những ngày tháng cha anh giữ nước
Bi kịch đau đớn của dân tộc không phải là thứ để trang trí
Như chiếc tủ rượu câm miệng trong phòng khách nhà bạn

Cái đẹp không phải là những cái bạn đang không hài lòng
Về sự mục nát đã lan đến cả học đường, bệnh viện và nhà chùa
Không phải là sự a-dua
Cái đẹp bật máu từ số phận không thể lụi tàn của bạn
Kết tụ từ giọt máu mẹ cho
Một cuộc sống tự do

Không phải thứ tự do xin vào đồn công an tự tử
Không phải thứ tự do xin đập mặt vào đế giày
Không phải thứ tự do xin làm người có vẻ đang lương thiện
Không phải thứ tự do xin văng tục
Vào những bài thơ cách tân vô hại
Nhận mấy đồng tài trợ bố thí khi người ta giả vờ trao cho bạn cái giải
Sau khi chọc ngoáy cho bạn và bạn bè của bạn đánh nhau ngắc ngoải
Mi có giải sao tao không có giải
Lải nhải
Rồi nhân danh cái đẹp thăng hoa

Không phải thứ tự do nhân danh rối mù rồi kiểm duyệt bạn
Không phải thứ tự do nhân danh đủ thứ tuyên ngôn nhân quyền rồi mang bạn ra toà
Không phải thứ tự do nhân danh đủ thứ luật lệ rồi biến bạn thành một tên tội phạm
Không phải thứ tự do dùng bao cao su đóng kịch nên bạn phải phá thai
Bạn muốn nói bất cứ điều gì đều phải giả vờ giễu nhại
Nhưng người ta lại mắng bạn học đòi cặn bã Hậu Hiện Đại
Bạn không thể Mở Miệng và bạn phải dối trá
Nếu bạn không Ngậm Miệng bạn sẽ tá hoả

Cái đẹp muốn bạn phải lật tung tấm chăn
Đắp lên bệnh nhân
Vừa ung thư vừa da liễu
Nhìn thẳng vào những con rận
Trốn tránh trong bóng tối
Giả vờ ăn năn
Để hút máu bệnh nhân
Khốn nạn
Như những bài thơ vừa cách vừa tân múa lân của bạn

Từ đó,
Vô ích những buổi ra mắt sách, dù được quảng bá rộng rãi nhất.
Vô ích Bàn tròn Văn chương, dù mang vẻ tự do nhất.
Vô ích các cuộc hội thảo thơ Việt đương đại, dù được tổ chức rềnh rang và hao tốn nhất.
Thế nên tội nghiệp biết bao các Trại viết thơ trẻ(4) cùng Đại hội các nhà văn trẻ cứ đến hẹn lại lên…

LeVinhTai01
(“Thơ hậu hiện đại: Các em dự Trại viết văn trẻ”)

Thơ dối lừa nhau, dối mình và dối người, kéo theo cả toa xe thơ cùng lỉnh kỉnh phụ kiện làm cuộc dối lừa khổng lồ đi về phía vô tận. Phê bình dối lừa, hội thảo dối lừa, diễn văn khai mạc và bế mạc dối lừa, tham luận và vỗ tay dối lừa, ca tụng hay phê bình và tự phê bình dối lừa. Dối lừa được đẩy lên đến đỉnh điểm, để rốt cùng khi,

Thơ muốn viết một câu thật bí ẩn
Nhưng Thơ không có sự bí ẩn nào cả
Thơ muốn viết một câu thật dễ hiểu
Nhưng Thơ không có sự dễ hiểu nào cả
Thơ hứa hẹn nửa vời
Ví như sau khi nhà máy điện hạt nhân hoạt động?
Sau khi đường cao tốc chạy rong?
Sau khi bauxite lãi ròng?
Thơ cứ chờ và hẹn…

Thơ phản ứng lại thơ.
Nguyễn Hoàng Nam đòi “quyền làm thơ dở”. Dở, để chống lại cái “hay” của truyền thống diễn kia.
Thơ buộc chối bỏ thơ: “Chúng tôi không làm thơ”, Lý Đợi tuyên bố rành rọt thế, như một cách phản ứng quá khích nhất có thể.
Ở Lê Vĩnh Tài, thơ nhập cuộc theo một cách lạ lung chưa từng có: không thơ cũng là thơ, một loại thơ hậu hiện đại kiểu mới, có hình, không hình hay toàn chữ xuất hiện cấp tập ngày qua ngày trên facebook. Với mục đích duy nhất: phơi bày mọi ngóc nhách các trò diễn ma mị và lố bịch kia.
Bởi sợ sự thật, mọi trò diễn chỉ dẫn đến thứ ảo tưởng của ảo tưởng: ảo tưởng về tự do. “Sinh ra là tự do” hời hợt đã đành, sáng tạo tự do với xuất bản hay phê bình tự do, là một ảo tưởng tự đánh lừa(5). Thơ “được quyền nghĩ những điều đã ước” (Mai Văn Phấn), nhưng thơ chưa dấn lên một bước: dám nói lên những điều đã nghĩ kia. Thơ tự bịt mắt và bó tay để hạn định mình làm ra thứ chữ nghĩa có thể được đăng, được in, để được đăng đàn diễn các loại. Tất cả dẫn đến hệ quả tệ hại mà cả nhà phê bình lẫn người đọc đang lên tiếng báo động, rằng: thơ nhàn nhạt, thơ đang bế tắc, thơ xa rời hiện thực, thơ có mặt bằng mà không có đỉnh cao, vân vân… Vẫn chỉ là những báo động diễn. Bởi cả người làm thơ lẫn cơ quan trách nhiệm đều giả vờ không nhìn ra điều thật nhất trong các điều thật: thơ đang né tránh sự thật. Thế nên, cho dù có bao nhiêu hội thảo – từ địa phương, khu vực cho đến trung ương – bày ra, vẫn là những hội thảo và luận bàn vô bổ.
Rốt cục, đâu lại vào đấy. Thơ [cùng phái sinh thơ và bao bộ môn ăn theo thơ] muôn năm vẫn là trò diễn.
Không thể khác.

Chakleng, 5-2-2016
________

(1) Hội thảo Thơ Việt Nam đương đại, những xu hướng mới tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 19-2-2008, nhà thơ Trần Tiến Dũng phát biểu: “Tinh thần thơ ca đương đại là tinh thần phản kháng. Tôi không nói nội dung mà là tinh thần phản kháng. Nếu không có nó thì thơ không nói được gì cả”.
(2) Các bài thơ không ghi nguồn được trích từ Tienve.org.
(3) Xem http://inrasara.com/2015/04/29/inrasara-thu-gui-tong-thong-barack-obama-va-chu-tich-raul-castro-la-bai-tho-hau-hien-dai-lon/
(4) Facebook Lê Vĩnh Tài: “Thơ hậu hiện đại: Các em dự Trại viết văn trẻ”.
(5) Về “tự do”, xem Nguyễn Đức Tùng, “Đinh Thị Như Thúy: Sinh ra là tự do”, (Talawas.org, 1-8-2010); Vi Thùy Linh: “Sức sống và tín hiệu Việt Nam trong thơ tôi”, do Phạm Xuân Nguyên dẫn lại trong bài “Phê bình văn học hiện nay: cái thiếu và cái yếu”, tham luận tại buổi toạ đàm ở Viện Văn Học: “Phê bình văn học – Bản chất và đối tượng”, Hà Nội, 27-5-2004); và Nguyễn Thanh Sơn: báo Thể thao & Văn hóa, 8-2-2011.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *