1. Châu Văn Kên
Giữa thế kỉ XX, sau những biến động lớn của lịch sử xã hội, cộng đồng Chăm đã ổn định trở lại. Ngoài giải quyết vấn đề sinh nhai và đời sống thường nhật, quần chúng cũng cần đến nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật. Về thơ, đã có các Akayet và các Ariya cổ điển, sau đó thời cận đại các nhà thơ Chăm cũng đã sáng tạo tác phẩm mới; riêng nhu cầu âm nhạc, các dân ca cổ chưa thể đáp ứng được.
Jaya Mrang, Đàng Năng Quạ, Châu Văn Kên xuất hiện trong khí quyển xã hội đó.
Ở buổi đầu, do sang tác mang tính nghiệp dư, các “nhạc sĩ” chỉ dùng lời Chăm “phổ nhạc” Việt, ở đó lối làm của Jaya Mrang (Chakleng) là rất điển hình. Các ca khúc như “Mưlơm jwa” (Đêm vắng), “Jalan dwa gah” (Đường hai ngả), “Harei taum bbauk” (Ngày gặp mặt), “Lơy abih drei” (Ơi anh em ta)… được giới trẻ lúc đó ưa chuộng. Ca từ của ông giàu chất thơ, trữ tình và tha thiết.
Cùng thế hệ, Châu Văn Kên quê ở Rơm Văn Lâm đã tiến thêm một bước quan trọng. Khác với Jaya Mrang, ông chỉ phổ ca khúc Việt, ông còn tìm cách phối dân ca Chăm vào các sáng tác của mình bên cạnh những ca khúc riêng.
Và khác với người bạn thân là nhạc sĩ Đàng Năng Quạ, chủ đề của các ca khúc của Châu Văn Kên thường nhấn về thế thái nhân tình, vừa sâu sắc ở suy tư, vừa ý vị ở nhận định. trong đó bài “Jien” (Tiền) là đáng kể nhất.
2. Đàng Năng Quạ
Sau đó ít lâu, Đàng Năng Quạ nổi lên như một hiện tượng. Ông viết vừa tình khúc vừa bài ca cộng đồng. Bhum adei gồm mười bốn ca khúc, toàn bằng tiếng Chăm vừa được NXB Thanh niên in năm 2008. Trong đó có nhiều sáng tác nổi tiếng như “Xa-ai Cam adei Bini” (Anh Chăm em Bàni), “Bhum adei” (Quê em), “Palei dahlak” (Làng tôi), “Karei jalan” (Không cùng chung lối). Bài hát của Đàng Năng Quạ xoay quanh hai đề tài muôn thuở của con người: tình yêu lứa đôi và tình yêu quê hương. Bằng ca từ dung dị nhưng khá độc đáo, âm nhạc ông đi sâu vào tâm hồn của nhiều lứa tuổi, mọi tầng lớp quần chúng Chăm.
Trong số lượng ca khúc chưa nhiều của mình, có thể nói Bhum Adei của Đàng Năng Quạ là ca khúc sống trọn vẹn giữa lòng Chăm. Bhum Adei được phổ biến nhất. Trên sân khấu đơn sơ của trường trung học hay dưới trăm ngọn đèn màu sang trọng tại các nhà hát thành phố, góc ruộng nương quê nghèo hay trên màn hình tivi, được trình diễn hoành tráng trước đám đông hay chỉ hát thì thầm một mình trên bước đường cô độc, hát cho người yêu hay hát ru em,… Từ lúc ra đời vào giữa thập niên 60 của thế kỉ trước, đã hơn bốn thế hệ Chăm hát nó. Và họ còn tiếp tục hát, có lẽ.
Bằng sự mộc mạc của ca từ: habei bhong/ khoai lang, tamưkai/ dưa hấu, ia tanưh ghur/ nước uống miền đất cát… với hình ảnh sinh hoạt rất đời thường của miền quê nghèo: adei đwa padơng cang/ em đội (nước) đứng chờ, tuk ka ai bbơng/luộc đãi anh, sang taik/ nhà rách, rup liwang/ thân gầy… hay qua tâm tư, lối suy nghĩ bình dị: kathaut – mưda/ nghèo – giàu, Cam – Bini/ Chăm – Bà-ni, ngap jalan tagok – trun/ mở ngõ lên – xuống… cả lối tổ chức giai điệu, tiết tấu khá đơn giản của ca khúc nữa, nhưng với giai điệu nhẹ nhàng, êm mượt người nghệ sĩ đã ban hồn vía vào Bhum Adei, tạo cho nó một sức lôi cuốn kì lạ.
3. Tantu Quảng Đại Tựu
Mười năm sau khi đất nước thống nhất, các nghệ sĩ Chăm hoàn toàn im ắng, mãi khi Tantu xuất hiện với ca khúc “Kak tian raung anưk nau bac” (Thắt lưng nuôi con đi học) được truyền bá rộng đến nỗi không người Chăm nào là không biết đến bài hát này.
Tantu Quảng Đại Tựu quê ở Bauh Bini Hoài Trung, từ tấm bé đã vào Sài Gòn sinh sống, và xây dựng gia đình ở đây.
Ngoài năm ca khúc được đăng trên Tagalau, Tantu có cả tập nhạc mười hai bài thuần tiếng Chăm chưa in, trong đó có những bài đã được truyền tụng như: “Bwei harung” (Chung vui), Hala bhang jruh (Lá vàng rơi), Dauh ru (Hát ru)…
Trở lại với ca khúc “Kak tian raung anưk nau bac”, nếu “Bhum adei” của Đàng Năng Quạ đề cập đến quê nghèo với những hình ảnh đặc thù, thì “Kak tian raung anưk nau bac” đi vào hoàn cảnh cụ thể hơn của cái nghèo đặc trưng của gia đình Chăm. Với những tấm long tần tảo của người cha: Hajan bilan li-wa rup chrơm ia amư li-an ruh ruh (Mùa xuống cày, suốt ngày dầm mưa, thân cha lạnh run run); của bà mẹ: Pađiak bilan ywak amaik nau maut aw khơn o angwei thir (Nắng mùa gặt, đi mót lúa, áo không đủ che thân mẹ)… thế nhưng song thân vẫn vượt qua bao nỗi cơ khổ ấy, miễn sao cho con cái được học hành nên người. Đó chính là ước mơ của bao gia đình Chăm thuở ấy, và cả lúc này.
4. Amư Nhân Lộ Minh Nóc
Nếu nói Đàng Năng Quạ là hiện tượng trước 75, thì Amư Nhân chính là nhạc sĩ Chăm nổi tiếng nhất của giai đoạn sau đó. Tiếc là đại đa số người Chăm và ngoài Chăm biết Amư Nhân qua các ca khúc Việt phổ thông của anh, mà ít chú ý đến phần ca từ tiếng Chăm của chúng. Công bằng mà nói, với tình trạng còn chưa thật sáng sủa của sáng tác Chăm hiện đại, các ca khúc này có một vị trí khá quan trọng. Sự chưa ghi nhận đúng mức đóng góp của Amư Nhân ở mặt này là một thiếu sót lớn của nhà nghiên cứu về Chăm. Âu cũng là mặt trái của sự nổi tiếng.
Amư Nhân là con dân palei Bauh Dơng, nổi lên từ phong trào văn nghệ quần chúng thập niên 80. Khác với vài tay viết nghiệp dư thi thoảng có vài ca khúc lẻ và không thể nói là không đặc sắc, nhưng nhìn chung họ thiếu sự trường sức; Amư Nhân ngược lại, anh là nhạc sĩ có sức sáng tạo lớn với số lượng ca khúc vượt trội. Thế nên không có gì là làm lạ. khi mỗi đêm văn nghệ quê nhà, ca khúc Amư Nhân gần như là độc diễn. Mừng cho anh, cạnh đó cũng cần đặt câu hỏi cho thế hệ kế cận.
Ca khúc Amư Nhân động cập đến mọi vấn đề của cộng đồng Chăm. Từ các lễ hội lớn như Katê, Ramưwan cho đến ngợi ca một vùng đất hay con sông quê hương, hay nét đẹp của văn hóa dân tộc như tháp Chàm, vũ nữ Apsara; đề tài nào anh cũng có cái nhìn riêng thể hiện qua giai điệu thích hợp.
Chắc chắn Amư Nhân là nhạc sĩ thành công nhất trong sự kết hợp truyền thống và hiện đại. Dựa theo âm hưởng và tiết tấu của dân ca, dân nhạc Chăm, anh phát triển thành ca khúc riêng, lạ biệt. “Làng Chăm ơn Bác” dựa trên giọng Cei Tathun, “Tiếng trống hội Katê” dựa vào giọng Pwơc Jal, “Sợi chỉ đủ màu” là biến thái từ dân ca Thei mai… Bên cạnh đó, trong các tác phẩm khí nhạc, anh còn biết phát triển từ nhạc lễ hội và tiết tấu các nhạc cụ của dân tộc mình.
5. Từ Công Phụng
Từ Công Phụng là “đứa con của Đất” Rơm Văn Lâm, nhưng lại thành danh như một nhạc sĩ Việt Nam. Cùng thời với Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương…, anh là tác giả của các ca khúc trữ tình được nhiều người biết đến như “Bây giờ tháng mấy”, “Trên ngọn tình sầu”, “Mắt lệ cho người”, “Giọt lệ cho ngàn sau”…
Đa phần ca khúc của Từ Công Phụng là phổ thơ, nhất là thơ Du Tử Lê. Và không thể không nói, là nhạc của anh không liên quan đến đề tài và vấn đề của cộng đồng Chăm. Ở anh tất cả dành cho nhạc, chỉ có âm nhạc.
Và chính âm nhạc Từ Công Phụng chinh phục lớp trí thức Chăm, lôi cuốn họ đến với anh. Và ở lại, mãi mãi. Thế đó, nghệ sĩ tính của Chăm đã sản sinh không ít hiện tượng: có kẻ biết hát trước khi biết đọc và, không thiếu nữ Chăm nào là không biết múa.
Nổi tiếng từ trong nước, rồi sau khi ra sinh sống ở nước ngoài, anh vẫn còn viết, sức sáng tạo vẫn tràn đầy. Không nghi ngờ gì nữa: Từ Công Phụng là một nghệ sĩ lớn với cá tính sáng tạo độc đáo mà dân tộc Chăm đã sinh ra. Bất kể anh sử dụng tiếng Việt để thể hiện tâm tình hay chuyển tải suy tưởng, âm nhạc anh vượt mọi bất đồng ngôn ngữ, vượt không gian và, vượt cả thời gian. Chúng có chiều kích nhân loại và ở bề sâu thẳm, mang chở tâm hồn Chăm.
Mặc dù ở thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại, do hoàn cảnh chính trị xã hội đặc thù, rất ít người biết đến Từ Công Phụng, nói chi hát nhạc anh. Họ càng ngạc nhiên hơn nữa khi bất ngờ được biết: Từ Công Phụng là Chăm xịn! Vậy mà, không ít người Chăm thuộc thế hệ mới còn nhớ anh là Chăm, hát nhạc anh, mê nhạc anh. Như một người thưởng thức sành điệu. Đấy là phần thưởng xứng đáng mà công chúng dành cho một nghệ sĩ đúng nghĩa.
Và, cộng đồng Chăm ở bất kì đâu cũng có thể hãnh diện về đứa con đất nắng này!
Cám ơn người nghệ sĩ tài hoa, đã đến và, đã làm đẹp cuộc đời.
6. Chế Linh
Chế Linh và Từ Công Phụng đồng hương, cùng thời nhưng lại khác nhau một trời một vực về tính cách và con người. Thế nhưng đây là hai đứa con ưu tú đã làm cho Chăm mở mặt mở mày với đời, đã mang danh từ Champa vang khắp nơi. Nhất là trước 75.
Thủ đô Sài Gòn ngày xưa, thống kê sơ bộ cho biết ảnh Chế Linh chiếm hơn phân nửa bìa ngoài các tờ nhạc cánh bướm. Một sự xuất hiện ào ạt như vậy không phải ca sĩ nào cũng làm được. Chỉ có ở Chế Linh, lại là con dân Chăm.
Chế Linh, quê Hamu Tanran, hiện sống tại Torento – Canada, một ca sĩ-nhạc sĩ nổi tiếng, là điều không thể chối cãi. Nhưng nếu chỉ nhìn Chế Linh như thế là còn rất phiến diện bởi, anh còn là một trí thức với nhiều ưu tư về đất nước Việt Nam, về văn hóa-xã hội Chăm, về sáng tạo và trình diễn nghệ thuật. Website Binguchampa.org do anh chủ biên nói lên đầy đủ tư thế trí thức đó.
Đa diện như vậy, nhắc đến Chế Linh, công chúng luôn nhớ Chế Linh-ca sĩ.
Đấy là giọng ca của con dân mất nước. Nhiều người Việt nghĩ vậy. Và có lẽ đúng như vậy! Giọng ca được truyền từ đời này sang đời khác, và hôm nay đọng tụ lại trong anh. Nguyễn Hữu Liêm, giáo sư triết học người Việt viết thế trên mạng Talawas. Không hẳn ông này đã đúng, nhưng nhận định này nói lên hiện tượng rằng đại đa số người Việt nghĩ giọng ca Chế Linh đích thị là giọng của người dân mất nước, không sai.
Chế Linh về Việt Nam trình diễn, có người cho anh đầu hàng: sai!
Chế Linh quan hệ với quan chức cao cấp Nhà nước Việt Nam, có kẻ cho anh quỵ lụy, càng sai. Từng mang “tiếng Champa” vang đi khắp nơi, nhưng anh chưa làm được gì nhiều cho quê mẹ Anh biết mình cần, và thực tế anh đang tìm cách để cống hiến phần đời còn lại cho cộng đồng. Không đáng trân trọng sao?!