09. Tại sao không dám tự quảng cáo?
[nhà thơ Lê Hải & bạn đọc Cham Jayang phát biểu tại buổi Ra mắt Hàng mã kí ức, 2011 – Photo INrajaya]
Bạn thơ Trầm Ngọc Lan có lần còm trên FB tôi kêu tôi là “nhà tự quảng cáo” với ý mỉa mai. Đó là lối nghĩ nhà quê, và hơi bị… lạc hậu.
Chúng ta cứ bị nếp nghĩ cũ kĩ qui định: “Gahluw thơl hapak jang bbuw: Trầm hương ở đâu cũng tỏa mùi hương”. Đúng, nhưng nếu không được đốt lên hay tự cháy, thì cái trầm kia làm sao mà tỏa?
T. Harv Eker nêu: “17 khác biệt trong tư duy của người giàu/ người nghèo”, trong đó khác biệt thứ 7 là: “Người giàu sẵn sàng tôn vinh bản thân và giá trị của mình; còn người nghèo lại ác cảm với người bán hàng và quảng bá”.
Không kể các nghệ sĩ trình diễn không thể không quảng bá, và tự [tổ chức] quảng bá chương trình, album hay tác phẩm mình; thế giới hiện đại, ngay nhà văn, nhà nghiên cứu cũng phải nhập cuộc PR.
Nghệ sĩ sân cỏ Beckham quảng cáo cho mặt hàng của các hãng, đòi giá càng cao càng tốt. Michael Jackson dành thời gian, tiền bạc và lập chương trình PR rất kĩ trước khi cho Album mới nhất ra thị trường. Các nghệ sĩ ngôn từ (nhà văn, nhà thơ…) hành xử với “đứa con tinh thần” cũng không khác.
Người nữ hiện đại tự cởi càng nhiều càng tốt để quảng bá thể hình mình, và đại bộ phận nhân loại thấy nó đẹp.
Xưa, giai thoại quảng bá thơ của Trần Tử Ngang qua vụ đập cây đàn Hồ cầm để biếu tặng sách, qua đó nổi tiếng thì ai cũng biết. Nay, thi sĩ lại càng. Nhà thơ in tập thơ rồi tự ra mắt sách, trả lời phỏng vấn, tiếp xúc độc giả cũng là một cách PR tác phẩm.
Báo Tuổi trẻ, 18-10-2015 đưa tin:
Bà Mairy, 55 tuổi, người Cameroon, là một phụ nữ da đen đang sinh sống tại Mỹ. Bà tự thuê gian hàng ở hội chợ sách lớn nhất thế giới Frankfurt để tiếp thị sách của mình.
Bà Mairy dành 3 năm để viết 2 cuốn tiểu thuyết: The never ending love và The hidden hatred. Hỏi tại sao bà lại viết chuyện tình, bà trả lời: Các nhà văn châu Phi thường viết đề tài về thiên nhiên, động vật hoang dã hoặc phân biệt chủng tộc. Bà muốn khác đi. Việc bà thuê gian hàng ở hội chợ sách này với giá khá đắt, cũng là nhằm giới thiệu văn học châu Phi đến thế giới.
Một nhà văn lớn tuổi châu Phi còn dám làm thế để tiếp thị sản phẩm của mình thì tại sao những người viết Việt Nam không thể làm tương tự? – Nhà báo đặt câu hỏi.
Còn ta, tại sao ta không thể thay đổi tư duy, từ đó thay đổi truyền thống lạc hậu?