Con người bất toàn. Sai lầm, là chuyện bình thường. Vậy, khi sai – làm gì?
1. Mình sai
Biết mình sai, hãy cứ thật đơn giản: chấp nhận mình sai, xin lỗi, sửa sai và cảm ơn.
Tôi đã nhiều lần làm như thế. Ngay tức thì. Với người lạ, người quen… Và nhẹ nhõm.
Với bạn thân, yut Lưu Văn Đảo, tháng 9 vừa qua bạn phát hiện tôi có chi tiết sai ở 1 Status, tôi nhận lỗi, cảm ơn, và sửa sai. Mới nhất, với người [trẻ, có lẽ] chưa từng gặp mặt: Malayu Champa, khi bạn FB nghi ngờ về năm xảy ra 1 sự cố, tôi xem lại và thấy mình sai. Tôi xin lỗi bạn đọc, sửa sai, và cảm ơn người đã nhắc mình. Cứ tạm cho đó là thái độ văn minh phong vận [tranh thủ tự khen mình xíu].
2. Bạn sai
Cách nay vài tháng, bạn FB Ja Gahlau khi không nổi hứng tố cáo tôi bóp méo văn hóa Cham để kiếm sống, chỉ vì hiểu trật một vấn đề. Khi tôi chứng minh bạn ấy sai, bạn này không chấp nhận sai đã đành, không chịu sửa, và càng không có lời nhận lỗi. Bạn FB khác: Tan Lam đưa 1 thông tin về buổi nói chuyện của tôi, có 1 câu mà sai đến 3 lỗi: 1. Sara thuyết trình bằng tiếng Cham [là chuyện tôi chưa hề làm], 2. có 1 cậu người Kinh dịch ra tiếng Việt [không có người Việt nào khả năng dịch trực tiếp như thế], 3. một cô [chứ không phải cậu] ứng khẩu dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Có thế mà không chịu nhận mình sai!
Ở Facebook là vậy. Trên 1 website Cham, Ban Biên tập CPK vừa qua tố giác tôi “bịa đặt và chế biến” mấy sự kiện lịch sử Cham trên BBC, khi tôi chỉ ra họ sai thế nào, họ biết nhưng tuyệt đối không một lời xin lỗi.
Chuyện Cham là vậy. Ngoài Cham…
Đầu năm, facebooker Nguyễn Đình Bổn tố cáo tôi 2 chuyện: “ăn tiền nhân dân Việt Nam”, và “Sara được nhà nước mị dân này cho giải thưởng vì ông là Cham”. Tôi nói nếu được mời chấm giải, dự hội thảo, nhận đầu tư là “ăn tiền dân dân”, hoặc ở đâu trao cho tôi giải thưởng là “mị dân” thì tôi ăn cả tiền nhân dân Pháp, Nhật, Thái, Úc, Thụy Sĩ… mà ăn đậm nữa, chớ gì Việt Nam! Và tất tần tật chính phủ [hay phi chính phủ] các nước đó đều mị dân nốt. Bị đẩy vào thế túng, ông im lặng, nhưng hoàn toàn không có một lời xin lỗi dù là qua loa. Ẹ thế!
3. Họ sai, thì sao?
Báo chí viết sai về tôi, về Cham và văn hóa Cham, nếu nhẹ thì tôi chỉ nhắc, còn cái sai tác hại nặng đến cộng đồng, tôi có thái độ ngay:
1. Chỉ ra những cái sai đó,
2. Gửi nó đến tác giả và cơ quan chủ quản,
3. Đề nghị họ xin lỗi và cải chính.
20 bận đến 19 lần báo chí “nghiêm chính chấp hành”, ngoại trừ trường hợp duy nhất: báo Văn nghệ của Hội Nhà văn VN. Và tôi phản ứng như vầy ở Tienve.org, 5-2007: “Chuyện buồn [Hết]… Cười [Nổi]: Về bài “Văn chương mạng” của Inrasara trên báo Văn nghệ số 20, 19-5-2007”.
Bài viết được Nguyễn Lệ Quyên (Bordeaux, Pháp) bình:
“Về bài Văn chương mạng của Inrasara, theo tôi nghĩ đó cũng là vấn đề “nhân quyền”. Nó là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng từ phía các biên tập viên và các tờ báo đối với đồng nghiệp của họ. Hiện tượng này có lẽ đã xảy ra từ lâu và với nhiều người nhưng nay Inrasara mới lên tiếng. Chúng ta có nên hy vọng là việc lên tiếng của ông sẽ ngăn chận hay giảm bớt việc vi phạm lên “nhân quyền” ấy không? Có lẽ còn phải chờ xem mới biết được”.