[Đọc đọc tùy bút của Inrasara]
Báo Bình Thuận Cuối tuần, 20-11-2015
“Tôi không hiểu sao dòng họ Kut Gađak nhà tôi thuở ấy có dúm mạng mà sinh ra lắm nhân vật lỳ lạ thế. Chakleng đất văn vật thì miễn nói rồi, Chakleng làng cổ nhất Cham cũng miễn luôn, nhưng tại sao?”
Raxun Gamzatop, tác giả Đaghextan của tôi?(1) Không phải. Tác giả là Inrasara, một nhà thơ hiện đại của dân tộc Chăm. Lúc này tôi nghĩ: dường như những nhà thơ, đặc biệt là những nhà thơ có tài khi viết về quê hương, về dân tộc mình, dù là thơ hay thơ văn xuôi thì những câu thơ, câu văn đều có cánh, thấm đẫm tình yêu và nỗi nhớ trong từng con chữ. Với Inrasara, tôi đọc văn anh gần như hàng tuần, song lần này với tập tùy bút: Những cuộc đi và cái Nhà(2), anh thật sự đưa đến những điều mới lạ.
Mới lạ đầu tiên là qua tập tùy bút này, người đọc (như tôi) hiểu thêm về cuộc sống, con người, phong tục tập quán của người Chăm mà tác giả là đại diện. Tuy nhiên, khác với nhiều bài văn, bài báo nặng chất phản ánh, kể lể, tác giả của tập tùy bút là nhà thơ, là nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn học hiện đại nên gần như những gì tác giả viết ra được lồng trong câu chuyện kể, đầy tình tiết nên rất sống động, lôi cuốn. Lôi cuốn theo kiểu một cuốn sách kể về phong tục tập quán, tình đời, tình người nhưng giàu chất thơ, chất suy tưởng và triết lý.
Tập tùy bút của Inrasara không buộc người đọc một mạch như tiểu thuyết mà đọc từng tác phẩm riêng biệt (đây cũng là điểm giống Đaghextan của tôi). Những tác phẩm riêng biệt, đều có tiếng nói riêng, chủ đề riêng không dám nói là tuyệt hay song thu hút người đọc. Người đọc, vì thế có thể bất ngờ khi tác giả trở lại với câu hỏi rất cũ: “Chăm hay Chàm?”; ngạc nhiên vì “Nhiêu khê họ của người Chăm”; hoặc cảm thương cho số phận của những người đàn ông trong “Những người đàn ông ngoại hạng của tôi”; chia sẻ và đồng cảm với người Chăm, dân tộc Chăm trong “Người Chăm và những cuộc ra đi”. Những người mà bằng những cuộc ra đi đã làm nên kinh tế thị trường hàng đầu Đông Nam Á thời xưa ấy. Những người góp phần không nhỏ trong việc tạo nên những trang vàng hải sử Việt Nam vì thông qua con đường buôn bán đã lên thuyền dong buồm ra khơi đi rất xa về phía Bắc, kể cả sang các nước thuộc Asean ngày nay. Điều này từng được Nguyễn Đức Hiệp đề cập trong bài viết: “Lâm Ấp, Chămpa và di sản”, năm 2006, Vanchuongviet.org:
“Cư dân Chăm cổ thường xuyên có mặt ngoài khơi, ngoài đảo xa. Vì thế họ đã có sự giao lưu kinh tế văn hóa với thế giới hải đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.
Có thể nói với 21 tác phẩm gộp thành tập sách có rất nhiều điều đáng đọc, đáng tìm hiểu. Đặc biệt, từ lâu người đọc có dịp đọc tùy bút Nguyễn Tuân, tùy bút Hoàng Phủ Ngọc Tường, tùy bút của Tràng Thiên và nhiều tác giả khác, thì nay có dịp làm quen với tùy bút của Inrasara. Qua đó có thể nhận ra mỗi tác giả viết tùy bút đều đưa vào tác phẩm của mình một vốn sống phong phú, tích lũy bởi sự đi, sự đọc. Với tôi, khi đọc những câu này của Inrasara viết trong bài “Chăm hay Chàm?” mở đầu cuốn sách:
“Người Pangdurangga vẫn ở lại. Ở lại chịu đựng và dung nạp tất cả cư dân các nơi khác chạy loạn thiên di tới, thổi vào họ tinh thần Pangdurangga tạo nên một cộng đồng cố kết, vừa đậm chất dân tộc vừa mang đậm đặc trưng vùng miền. Quyết liệt mà bao dung, ngang bướng nhưng vẫn nhún nhường, chính người Pangdurangga đã hóa giải và hòa giải hai tôn giáo từng đối kháng là Ấn Độ giáo và Islam để tạo nên “đạo Bà ni” có một không hai trong lịch sử loài người”…
thì tôi biết rằng mình khó cưỡng lại cuốn sách.
_________
Chú thích:
(1) Đaghextan của tôi xuất bản lần đầu tiên tại Liên Bang Nga vào năm 1984 do nhà xuất bản Cầu Vồng ấn hành. Đaghextan, xứ sở trên vùng núi Kapkazơ, nơi có 36 dân tộc của Liên Xô (cũ) cùng sinh sống. Toàn bộ tác phẩm là cuốn thơ văn xuôi, được viết một cách tự do, phóng túng về phong tục tập quán của Đaghextan cùng tình yêu thiên nhiên. Tác phẩm được dịch sang tiếng Việt bởi Phan Hồng Giang.
(2) Những cuộc đi và cái Nhà, Inrasara, NXB Hội Nhà văn & Công ty Sách Phương Nam, 2015, 276 trang. Sách hiện bán tại các các nhà sách Phương Nam trong toàn quốc.