[Để thay đổi bầu không khí, xin trở lại quá khứ xa]
1. Vấn đề tương quan lục bát Cham Việt được Võ Phiến đặt ra đầu tiên trong tùy bút “Thơ lục bát Chàm”(1). Ông viết một đoạn đáng chú ý:
“Một thể thơ phổ biến khắp hang cùng ngỏ hẻm, đã được mọi tầng lớp dân gian ngâm nga, đã làm cơ sở cho các điệu dân ca v.v…, một thể thơ như thế không thể được vay mượn, không thể du nhập từ ngoài vào. Nó phải bắt nguồn từ đầu ngay trong cuộc sống dân tộc. Do đó, giữa câu thơ Việt và câu thơ Chàm hẳn không phải có tương quan ảnh hưởng, mà có mối tương quan về nguồn gốc”.
Tôi rất muốn tô đậm mệnh đề: “mối tương quan về nguồn gốc”. Bởi từ mệnh đề này, sự mới sanh. Võ Phiến đã có gợi ý quan trọng, tiếc là chưa có nhà khoa học nào để tâm vào phát kiến đó. Bởi người ta cứ đinh ninh lục bát là thể thơ thuần Việt. Đinh ninh đến tận thế kỉ XXI, một vị vẫn còn khẳng định chắc nịch: “lục bát, song thất lục bát… là bản sắc độc đáo riêng của người Việt ta”(2). Khổ thế chứ!
Cho dù trước đó, giữa thập niên 60, Jaya Panrang (Lưu Quý Tân) sưu tầm và dịch ca dao Cham có cấu trúc tương tự lục bát đăng rải rác ở tạp chí Phổ thông, Thời nay. Ví như:
Jwai jiong di jơk lo đei
Jiong di kamei jơk siam binai
Jwai jiong di jơk lo tra
Jiong di dara jơk siam binai
2. “Lục bát Cham” do tôi phỏng dịch từ chữ ariya Cham. Chữ ariya có ba nghĩa: Trường ca. Ariya Cam – Bini (Trường ca Cham – Bà-ni); Thơ, Sa kadha ariya (một bài thơ); và Thể thơ, Cwak twei ariya (sáng tác theo thể thơ).
Vấn đề “lục bát Cham” được bàn sơ bộ ở “Phần dẫn nhập” trong cuốn Văn học Cham I, khái luận(3), sau đó nó được bàn mở rộng ở vài nơi nữa(4). Bài viết hoàn chỉnh và in lại nhiều lần trong sách, tạp chí và trang mạng các nơi.
Lục bát Việt cố và ariya Cham giống nhau ở vần: gieo cả vần bằng lẫn vần trắc, cách gieo vần: gieo cả ở chữ thứ tư dòng bát, và nhất là lượng chữ [hay âm tiết trong ariya Cham]: không nhất thiết 6-8, mà đối lúc nhiều hơn. Chính ở điểm này, do khác biệt về ngôn ngữ [Cham đa âm tiết] mà lục bát Cham có hai biến thái: dạng đếm âm tiết, và dạng đếm trọng âm [bằng cách nuốt âm](5).
Bác bỏ “gợi ý” của tôi, một tác giả Việt cho rằng lục bát Cham (nếu có thể gọi như thế) “chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thể thơ lục bát của người Việt”, bởi “dân tộc Việt có đủ mọi điều kiện để tạo nên hai thể thơ đó mà không cần phải vay mượn từ một dân tộc nào khác”(6). Khẳng định khơi khơi vậy thôi, còn chứng minh để chỉ ra nỗi “chịu ảnh hưởng trực tiếp” đó thì… không! Tác giả này còn chưa có cái nhìn đủ đầy từ hai phía, nên phán xét hơi nghiêng lệch, là vậy.
Ở hướng ngược lại, cũng để phản bác gợi ý đó, một tác giả Cham trong bài viết liên quan vấn đề, đã tạt sang va quẹt tôi rằng “không nên và cũng chẳng cần thiết xếp nó vào thể thơ của Trung Quốc và Việt Nam”. Vì “”nói một cách khái quát, trong ariya Cham có những loại câu ngắn và dài khác nhau” (Abdul Karim, Champaka, 2002). Phán khơi khơi vậy thôi, chẳng thấy đâu thao tác phân tích với chứng minh cần thiết nữa.
Có nên vì lí do đặc trưng hay bản sắc mà chối bỏ khách quan khoa học không? Đối chiếu sự tương đồng và dị biệt giữa lục bát Việt và ariya Cham là nỗ lực đi tìm cấu trúc nội tại (hay một quy luật phát triển – nếu có thể nói thế) của hai thể thơ trên, từ đó mở ra nhiều hướng nghiên cứu khác. Còn trong nghiên cứu khoa học, mặc cảm cả tự ti lẫn tự tôn “độc sáng” thì chẳng giải quyết được gì cả!
3. Vậy đó! Tương quan lục bát Việt – Cham đã được gợi mở [từ năm 1971] và được đặt ra một cách khoa học từ khá lâu (1992), ít nhiều gây chú ý đến giới chuyên môn, trong đó không ít vị lên tiếng tán đồng, Trần Quốc Vượng là một trong những (2002). Nhưng mãi khi Tiền phong cuối tuần số Xuân 2010 in bài của tôi trong mục Viết ngắn: “Lục bát có phải là thơ thuần Việt?”, nó mới đánh động dư luận. Nói thế, vì đây đó vẫn thấy nhan nhản phát ngôn “lục bát là thể thơ thuần Việt”.
Cũng đã có vài tác giả quyết “trao đổi” với tôi về lục bát. Là thiện ý, tốt – nhưng sai. Trao đổi lại thì chẳng có gì để mà trao đổi cả! Thứ nhất, bài viết của tôi chỉ mang tính gợi ý. Thứ hai: Tôi chưa khẳng định ở đâu là Cham vay mượn Việt hay ngược lại, mà là tìm nét tương đồng giữa lục bát Việt và ariya Cham (mà tôi tạm dịch là lục bát Cham), với hi vọng mở ra vài khoảng sáng khiêm tốn nào đó cho nghiên cứu khoa học chiều sâu ở thì tương lai. Tôi còn chưa khẳng định như Trần Ngọc Ninh, rằng lục bát xuất từ Cham mà!(7).
Còn “thuần Việt”, ai biết thế nào là thuần với chả thuần?
Trong bài tiểu luận trên tạp chí Thơ trên kia, Trịnh Đạt viết thế này, mới lạ: “Dân tộc ta (mà có lẽ không chỉ riêng dân tộc ta) đã giao tiếp bằng lối nói có Vần. Đây có thể là phát minh vĩ đại về ngôn ngữ của dân tộc Việt”. Mèng ơi, nếu “không chỉ riêng” dân tộc Việt thì đâu có gì đáng nói; còn nếu nó “là phát minh vĩ đại về ngôn ngữ của dân tộc Việt”, thì đích thị là cảm tính rồi.
Còn đỡ, ông tiếp: Lục bát, song thất lục bát là “bản sắc độc đáo riêng của người Việt ta”. Có một cõi đi về đâu chớ! Lối gieo vần kiểu lục bát, song thất lục bát là truyền thống chung Đông Nam Á chứ đâu riêng gì Việt. Ngôn ngữ mỗi dân tộc cấu trúc mỗi khác nhau (đa âm/ đơn âm tiết là một trong những) từ đó cô nàng lục bát có lối đi yểu điệu thục nữ mỗi lúc mỗi nơi mỗi khác.
Thế thôi!
________
Chú thích
(1) Đất nước quê hương, Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973, tr. 135-139.
(2) Trịnh Đạt, “Thơ có vần liệu đã lỗi thời?”, tạp chí Thơ, số 9, 2007.
(3) Inrasara, Văn học Chăm I, khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, 1994, tr. 21-23.
(4) Tham luận “Văn học Chăm – Việt, vài điểm nhìn tham chiếu”, do Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật tổ chức vào tháng 10-2001, in đồng thời ở hai tạp chí Văn nghệ Dân tộc & Miền núi và Văn hóa – nghệ thuật, số 9, 2001, có tên là “So sánh lục bát Chăm – Việt, vài gợi ý bước đầu”.
(5) Xem thêm: Inrasara, “So sánh lục bát Chăm – Việt, vài gợi ý bước đầu”, Văn hóa – Xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, NXB Kho học Xã hội, 2011, tr. 243-253.
(6) Phan Diễm Phương, Lục bát và Song thất lục bát, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 85-91
(7) Trần Ngọc Ninh giới thiệu, Một cõi tỉnh mê, Viện Việt học, California, Hoa Kì, 2015, tr. 37.