KÊU Ở ĐÂU? VỚI AI? KÊU TỚI ĐÂU?

[về Kêu oan, Giới hạn của trí thức & Tôi]

Ngày 10-11 vừa qua, tôi nhận email kí tên congly bức thư viêt tay của 4 em học sinh trường Dân tộc Nội trú Ninh Phước – Ninh Thuận phản ánh về Hiệu phó Trần Đình Toản thêm tội “bao che cho chủ tịch Công đoàn trường là Đậu Văn Hạnh xúc phạm đến nhân phẩm các em học sinh dân tộc”. Anh/ chị yêu cầu tôi lên tiếng, và…
Về các vụ tương tự, tôi xin nêu rõ mấy điểm sau:

1. Kêu oan ở đâu?
– Rất nhiều chuyện oan bà con nhờ tôi lên tiếng: Ghur Bini, Kut Boh Dana, thanh niên Cham “tự thiêu”, vân vân… dù cá nhân Inrasara chỉ là nhà văn. Nhưng tôi hiểu tâm lí của bà con: Do không biết kêu ở đâu khi, Đại biểu Quốc hội chỉ được dựng lên cho có, cô chú ở Ban Dân tộc muốn yên thân, còn các vị khoa bảng [cố lắm cũng] chỉ lên tiếng về chuyên môn.
– Không biết kêu ai, thế là bà con nhè vào người “nổi tiếng” và người hay lên tiếng.
– Vụ trường Dân tộc Nội trú Ninh Phước tôi đã lên tiếng, và ít nhiều có tác dụng. Sau đó tôi có nói rõ: tiếng nói của trí thức chỉ dừng ở đó, mà không thể làm gì hơn.
– Còn bà con làm gì, sẽ bàn ở mục [3].

2. Giới hạn của tôi [trí thức]
Để bà con hiểu cùng đả thông nhau, tôi xin nêu rõ quan điểm và hành động xuyên suốt cuộc đời trí thức của tôi.
– Đầu tiên, lên tiếng và hoạt động của tôi chỉ với tư cách trí thức đơn lẻ, mà không mang tính tổ chức. Ngay cả khi chủ biên Tagalau, tôi cũng không cho đó là 1 tổ chức, thế nên tôi gọi Tagalau là “tuyển tập”.
– Vì hoạt động đơn lẻ, nên tôi không lôi kéo ai làm cái gì đó, dù tốt hay xấu.
TỐT: ví dụ kí tên Phản đối Dự án Điện Hạt nhân, tôi biết tôi kí, mà không rủ rê bất kì ai làm theo, dù là bạn hữu hay con cháu trong nhà.
XẤU: ví dụ nhiều lần 1 Cơ quan Ngôn luận Cham (?) xuyên tạc cá nhân tôi, dù con cháu tôi vài người đủ khả năng trao đổi, nhưng tuyệt đối không ai viết biện minh cho tôi, vì đơn giản: tôi không khuyến khích họ làm thế.
– Cá nhân tôi không ăn lương ở đâu cả. Hoạt động xã hội, tôi CHO tiền, chứ tuyệt không XIN tiền. Thấy tôi làm việc có lợi cho cộng đồng, vị nào đó biết, họ tin tôi và cho. Vô tư, không ai mắc nợ ai. Tôi muốn mình có bàn tay sạch.
– Tuyệt đối tôi không phê phán ai đó sau lưng; có vấn đề, tôi nói trực tiếp họ, hoặc tôi viết.
– Và đây là điểm quan trọng nhất, tôi CHỈ là nhà văn, hoàn toàn không vai trò trong chính quyền hay tổ chức. Tôi quan niệm, nhà văn là kẻ tay không TỰ VỆ. Không đảng viên, không tổ chức, không phe phái, không tài sản. Hắn chỉ có chữ để bảo vệ mình.

3. Làm gì?
Cham không có NHÀ BÁO đúng nghĩa, là một thiệt thòi lớn. Thiếu sót này tôi đã nêu ra hơn 10 năm trước rồi, bây giờ không có gì sáng hơn.
– Nhà văn [hay trí thức] chỉ lên tiếng chứ không làm. Ví dụ khi xong cuộc Ghur Bini, tôi nói với bà con: xin đừng kể công Sara, tất cả là thuộc về bà con. Tôi chỉ lên tiếng cảnh báo Trung ương, chính quyền địa phương, và cả cộng đồng Cham biết và HIỂU vấn đề. Còn làm là ở bà con hay bộ phận khác. Vụ Kut Boh Dana, tôi dấn hơi sâu, nhưng đã biết dừng lại ở “giới hạn” của mình.
– Vụ trường Dân tộc Nội trú Ninh Phước, sau khi trí thức lên tiếng đánh động, cần có nhà báo để sâu sát vấn đề hơn; còn nếu ở các nước tự do, thám tử tư sẽ vào cuộc, hiệu quả thấy rõ.
– Lúc này bà con nên làm gì? Nếu THẬT SỰ bất công và oan ức, hãy nắm rõ bằng chứng, viết thẳng lên cơ quan trách nhiệm, sao nhiều bản gửi cho báo chí, gửi cho các trí thức… Tôi tin, chính quyền địa phương sẽ làm việc.

Thuk siam! Inrasara.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *