Inrasara: VĂN CHƯƠNG, ĐẠO VÀ KHÔNG ĐẠO

Tiền Phong Chủ nhật, 25-10-2015
1. Đạo văn gần như là thuộc tính của văn chương, ở mọi nơi và mọi thời. Đời viết, không nhà văn nào dám tự nhận không đạo văn. Đạo từ hay cụm từ, đạo câu đến đạo nguyên đoạn hay cả trang, thậm chí đạo trọn một tác phẩm. Từ chôm ý, nhịp điệu hay thi ảnh một bài thơ tới mượn chi tiết, mô-típ, cốt truyện cũng là đạo. Ngay cả cái ý vừa diễn tả dài dòng ở trên đây cũng là một cách đạo: đạo từ đạo từ đạo… Không phải sao?
Khi Th.S. Eliot viết: “Thi sĩ non tay thì bắt chước; thi sĩ lão luyện thì ăn cắp” là đạo từ O. Wilde: “Nhà văn giỏi thì vay mượn, nhà văn vĩ đại thì ăn cắp.” Ý này cũng bị P. Picasso chôm lại với phát ngôn nổi tiếng của ông: “Hoạ sĩ giỏi thì sao chép, hoạ sĩ vĩ đại thì ăn cắp.”
Có kẻ đạo rồi xé lẻ ra, bồi đắp thêm, tiếp thu và sáng tạo – như chúng ta quen nói, hay nói theo kiểu Xuân Diệu: ăn cắp và phi tang. Nhà thơ, nhà văn hơn thua nhau là ở chỗ đó.

2. Thế giới từng xảy ra mênh mông chuyện đạo văn với kiện cáo liên quan đến vụ đạo văn, có kể cả ngày không hết. Việt Nam ta cũng không thiếu truyền thống đạo văn. “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”, Nguyễn Du dịch mà không chú thích, là đạo văn. Trịnh Công Sơn đạo câu thơ Bùi Giáng: “Còn hai con mắt khóc người một con”. “Yêu là chết trong lòng một ít” là Xuân Diệu đạo thơ Pháp, đạo nguyên câu thơ chỉ thay “đi” bằng “yêu”, là xong. Chẳng có ai làm rùm beng cả!
Giới âm nhạc thời gian qua có cả đống nhạc sĩ với khối ca khúc nảy ra từ ca dao, dân ca; họ vô tư cóp từ giai điệu đến tận ý thơ lẫn ca từ; nói chung là ăn cắp chính hiệu. Thế mà ta vẫn ca ngợi là biết tiếp thu và sáng tạo từ kho tàng văn hóa ông bà, rồi tặng giải thưởng, rồi ban danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân. Có sao đâu!

3. Thế giới văn chương nhỏ bé của Việt Nam mấy thập niên qua xuất hiện không ít điển hình, trong đó có vài tác phẩm nổi tiếng bị phanh phui. Nhưng tại sao chúng chìm? Có thể ở mức độ: ăn cắp mấy cái nhỏ lẻ chẳng hạn, mượn vài câu và khéo xào nấu; còn ăn cắp ở mức độ lớn hơn, nhưng vì là nhân vật vô danh, mà chuyện xảy ra ở tỉnh lẻ, nơi vùng sâu vùng xa ở một tạp chí ít ai biết tới, nên dư luận cho qua; hoặc giả người có vai vế rành nhiều mánh khóe biết dìm hàng; cũng có thể do kẻ đạo văn lấy cắp của tác giả nước ngoài, người ta không biết để mà tranh chấp.
Ngược lại, nếu đụng phải tranh chấp về bản quyền, nhất là khi kẻ cắp là nhân vật có tiếng, khi tác phẩm ăn cắp kia giật giải thưởng danh giá, vấn đề sẽ nổ bùng ra. Như chuyện liên quan giữa hai bài thơ “Bạch lộ” của Phan Huyền Thư và “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan, mấy ngày qua.

4. Đâu là nguyên do?
Chắc chắn nó nảy sinh từ nghi án do hai người viết còn vô danh tố cáo bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai đạo đến 70-80% thơ mình. Hai người còn ít, chớ trăm người vẫn có thể kêu mình là tác giả “Tổ quốc gọi tên” cũng chẳng sai. Bạt ngàn cụm từ làm sẵn được dùng đến sáo mòn như: Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ, thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã, dẫm đạp lên dáng hình đất nước, lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng, giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố, Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa… thì bất cứ nhà thơ trung bình nào cũng có thể nhặt ra đâu đó, để sáng tác ra một bài thơ như thế kia, chớ gì phải đạo.
Điều đáng nói ở đây, là Phan Huyền Thư chả liên can, lại nhảy vào. Và dính đòn tận… “Nếu tôi chết hãy mang tôi ra biển” từ blog Lê Thiếu Nhơn. Thư cãi, còn người phơi chuyện bị cánh bênh vực Thư xúm vào đánh. Thế là: nhà thơ này ra tối hậu thư (ngày 16-10): “Tôi chính thức tuyên bố với Phan Huyền Thư: Trong vòng 24 h, nếu chị xóa ngay những ngôn từ miệt thị tôi trên Facebook của chị, thì tôi cũng sẽ thiện chí xóa luôn status này. Bằng không, đừng trách tôi hạ thủ không lưu tình!”
Tối hậu thư như báo hiệu chuyện chẳng lành sắp tới. Và nó xảy ra thiệt…

5. “Nếu tôi chết…” qua rồi tưởng đã yên, đột nhiên lộ ra “Bạch lộ”, thế là người thiên hạ làm ỏm tỏi lên. Phản ứng thế nào là chuyện dư luận, chứ kẻ trong cuộc với người có trách nhiệm lên tiếng lạc điệu, mới kì.
Đầu tiên (tối 18-10), Phan Huyền Thư nhờ Phan Ngọc Thường Đoan “im lặng giúp”, để mai “bay vào Sài Gòn gặp trực tiếp”, với hi vọng sự vụ chìm xuồng. Không trách nhà thơ này, Thư chỉ học cách làm của các quan tham thời nay. Để rồi khi bị phanh phui (ngày 19-10), cũng hệt phong cách thường gặp ở quan tham ta, Thư quanh co bao biện. Dẫu sao hành xử và lời lẽ của Phan Huyền Thư đã tự khai báo: Lạy ông tôi ở bụi này rồi còn gì.
Nguyễn Việt Chiến (21-10) thấy: “đặt hai bài cạnh nhau, không cần xác minh cũng nhận ra một vụ đạo thơ trắng trợn”. BCH Hội Nhà văn Hà Nội (21-10) cũng nhận thấy vậy, nên kí “quyết định thu hồi giải thưởng” mà chả chút run tay.
Thế nên, khi Nguyễn Quang Thiều (21-10) cho rằng Hội Nhà văn Hà Nội “thu hồi giải thưởng là chưa hợp tình hợp lý bởi chưa xác định được cô có đạo thơ hay không”, như thể đổ thêm dầu vào lửa. Phan Ngọc Thường Đoan quyết làm cho ra chuyện: ai đạo thơ ai?
Hội Nhà văn Hà Nội đúng, chứ khi Nguyễn Việt Chiến (21-10) tuyên: “Thực ra tôi đã thấy gợn từ năm ngoái khi được Phan Huyền Thư tặng tập Sẹo độc lập chứ không chờ đến vụ này”, tưởng ngon lành, thật ra là khá hố. Anh ở trong BCH, anh kiêm luôn người chấm giải, 9/9 phiếu trong đó có anh, anh thấy “gợn từ năm ngoái” mà cất lá phiếu, phải kêu bằng gì, nếu không là tắc trách?
Còn nhà thơ Hữu Thỉnh (22-10) cho rằng: “Vụ đạo thơ, tôi coi như Phan Huyền Thư nghịch dại”. Hay! Nhưng dí dỏm thế ở trong nội bộ Hội Nhà văn Việt Nam thì được, chứ Phan Huyền Thư là người của công chúng, và sự vụ đang bị bày ra trước công luận, thì nó hơi bị… dí dỏm.
Cuối cùng (22-10), sau hai ngày hai đêm bay đi Âu Mỹ truy tìm “Bạch lộ” chả thấy tăm hơi đâu, Phan Huyền Thư mới “có bức thư thứ hai xin lỗi Phan Ngọc Thường Đoan, thừa nhận bài “Bạch lộ” viết sau bài “Buổi sáng”. “Viết sau” thôi, chứ không phải “đạo” – cũng thương cho Thư: Việt Nam không có thói quen dám nhận/ dám kêu tên thật hành vi sai trái của mình; càng chưa có văn hóa xin lỗi, nên nhà thơ này xin lỗi hai lần vẫn không ra xin lỗi, cũng bởi thế. Lỗi hệ thống – Tội!
Nhưng Phan Ngọc Thường Đoan đã tạm chấp nhận lời xin lỗi này. Rất đúng mực.
Màn hạ!

Coda. Trước khi màn hạ, (21-10) Vi Thùy Linh nhào vô. Nào bức thư kia “là một trò trí trá của con buôn”, nào là Phan Huyền Thư “lươn lẹo và trơ trẽn”, “quanh co bịp bợm”… Thêm món đề nghị: “giới truyền thông và các đồng nghiệp, khi điểm danh thế hệ nhà thơ nữ trưởng thành sau năm 1975, làm ơn đừng nhắc tên tôi chung với Phan Huyền Thư”.
Nhảm!

6. Tường Linh (22-10): “Văn chương là hành động ăn cắp” – nhà báo Mỹ James Atlas từng tuyên bố như thế. Ông ấy đã đúng. Lịch sử các cuốn sách và hoạt động viết lách đã ủng hộ quan điểm có vẻ khó nghe này của ông”.
Chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời, các nhà hậu hiện đại hiểu rõ chuyện này hơn ai hết, thế nên họ mới bày ra trò nhại văn. Mươi năm qua, thi đàn Việt đã xuất hiện nhiều bài thơ nhại cực kì, thế nhưng ở đó không ít vị không chịu, cứ cho nó là “đạo”. Thì cũng do cảm thức sáng tác và tiếp nhận mà ra. Phan Huyền Thư không là nhà thơ hậu hiện đại, chưa xài tới thủ pháp kia, nên “Bạch lộ” là đạo, đúng nghĩa đen của từ.
Thế thôi, chấm hết!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *