Câu chuyện văn học Việt Nam 21. Văn chương dẫm đạp… đạo đức

Trên Website Vanchuongviet, nhà văn MVL tố cáo tôi: “khinh thường”, “dẫm đạp”, “nặng lời”, “vô ơn” với quá khứ, khi phê phán một đoạn trong tiểu luận “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần” rất nhiều tạp chí và website đăng trước đó.

Tôi trả lời dài (trích đoạn):

Trong “Sẽ không có cuộc…”, ở phần 2, tôi nêu: Còn hôm nay? Vài năm qua, có thể dễ dàng nhận thấy thơ trẻ Việt Nam phát triển theo 4 dòng chính… Riêng dòng sáng tác theo “truyền thống”, tôi nhận định:

Những kẻ sáng tác theo “truyền thống” với lối suy nghĩ đầy tai hại rằng thơ không phải cách tân chi chi cả mà chỉ cần viết sao cho hay. Đáng buồn là những tưởng hôm nay, loại thơ cũ mèm kia hết ghế ngồi rồi, không ngờ chúng cứ chễm chệ đầy trang trọng tại các trang đinh của nhiều tờ báo, cả báo chuyện nữa, mới phiền. Chuyện dễ hiểu đến đau lòng: đại đa số người trực trang thơ các loại báo không ưa thơ khuynh hướng cách tân; họ là các nhà thơ tự hưu non, vậy nếu đăng sáng tác mới, lạ (mà chắc chi họ phân biệt được đâu là thơ cách tân hay với cách tân dở) thì các tác phẩm của họ hết chỗ đứng. Và, viễn tượng mất ghế biên tập không tránh khỏi!

Ví mà câu chuyện ngưng tại đó thì còn may. Đằng này, loại thơ đồng phục này đang đầu độc khí quyển thơ mà không tự biết. Kẻ mới vào làng thơ ngộ nhận rằng thế mới là thơ, thơ đích thực. Bộ phận không nhỏ người làm thơ, biết đó là đồ rởm nhưng muốn sáng tác của mình được đăng nên, rắp tâm đẻ hàng loạt thơ nhàn nhạt cùng kiểu; để rồi sau nửa đời hư, đường đường lên chức “nhà thơ”. Hậu quả thế nào thì người đọc lãnh đủ. Và – nền thơ Việt Nam lãnh đủ”.

MVL phê phán tôi chủ yếu là ở phần này. Nhưng hãy thử xem Inrasara có “khinh thường”, “dẫm đạp”, “nặng lời”, “vô ơn” với quá khứ không? Thử phân tích. Tạm chia đoạn trên làm 3 lô:

[1]. Nhà thơ [đang] sáng tác theo “truyền thống”.

[2]. “Truyền thống”, tức cái gì thuộc quá khứ.

[3]. Thơ đang thống ngự mặt bằng báo chí chính thống hôm nay thuộc dòng này.

– Đố ai tìm ra từ/ câu nào trong bài “Sẽ không có cuộc…” phê phán nhằm vào phần [2], nghĩa là vào chính quá khứ! Nên, bảo “vô ơn” với quá khứ tại khu vực này là rất TRẬT!

– Phiền trách nếu có là ở phần [1], nghĩa là nhà thơ sáng tác theo truyền thống. Nhưng ngay lô đất này nữa, cũng không nốt. Ở phần kết của tiểu luận, tôi viết: Mỗi nhà thơ có quyền làm thơ theo kiểu của mình. Còn chuyện ơn nghĩa, họ là người sáng tác trẻ nhưng sáng tác theo hệ mĩ học cũ, tôi không học gì ở họ nên chẳng việc gì phải mang ơn họ cả, do vậy – càng không có chuyện “vô ơn” tại đây.

– Mục tiêu phê phán mà tôi nhằm vào chính là phần [3], nghĩa là các dạng thơ “ăn theo” quá khứ đang “dọc ngang độc quyền mặt bằng thơ đất Việt”.

Do đó, nếu vị nào muốn trao đổi, thì chỉ nhấn vào chính điểm này, thì bài viết khả dĩ có giá trị và ý nghĩa, qua đó hi vọng mang lại lợi ích nào đó cho người đọc. Chứ nhè vào chuyện đạo đức như: “khinh thường”, “dẫm đạp”, “nặng lời”, “vô ơn” thì rất ư là… lạc đề. Lạc đề và vô bổ.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *