[hay KHUYẾT TINH THẦN THỦ KHO CHAM]
Cham không quen ghi chép, không quen cất tư liệu, rất thiếu tinh thần thủ kho – là thiệt thòi cho sinh hoạt đời sống thực tiễn.
Vừa qua về quê ghé nhà anh M ở Cwah Patih. Anh kể chuyện bao đồng liên quan đến mảnh đất thờ Po Riyak ở Vĩnh Trường nơi Dự án Nhà máy Điện Hạt Nhân Ninh Thuận 1 sắp xây dựng. Sau Rija Nưgar 2015, bà con xuống Vĩnh Trường sớm để phát quang khoảnh chùm-lé nơi có Hòn Đá Linga tượng Po Riyak; được một hồi mà chẳng thấy chi. Thế là bà con đành “thỉnh” hòn đá tạm về cạnh đường mòn, hành lễ.
Đó là chuyện thực, chuyện đời mới gay.
Kể rằng một số người Việt địa phương bảo mình đã từng thờ Cá Ông sát cạnh nơi bà con Cham thờ Po Riyak. Có vị còn nói như đinh đóng cột rằng, mảnh đất đó thuộc của mình, chớ riêng gì của Cham. Cắc cớ và tréo ngoe thế chứ. Cả mẫu đất nay bị ép chỉ còn chưa đầy sào. 100% người Cham biết chắc mảnh đất đó là sở hữu của mình, cả hơn chục palei Cham liên quan đều đến mảnh đất thiêng cúng kiếng mỗi năm, ai cũng biết thế. Nhưng, làm sao cãi? Và lấy gì chứng thực?
Sử liệu – không, chuyện kể – không, hồ sơ (sử liệu hiện đại) cũng không tuốt.
Trong khi để chứng thực một vùng [mảnh] đất nào đó thuộc về mình, cần:
1. Sử liệu, nghĩa là tài liệu cổ, của mình và người ngoài viết về nó. Ở đây, Po Riyak không có được đặc ân đó.
2. Chuyện kể, bởi nếu chỉ biết bám vào sử liệu, ta thành duy sử mất; thế một dân tộc chưa có chữ viết hay chưa có truyền thống chép sử thì sao? Chuyện kể cần thiết là vậy. Mảnh đất sở hữu càng nhiều câu chuyện kể về mình càng tốt. Từ người già đến trẻ con đều biết đến chúng. Po Riyak ở Vĩnh Trường khuyết chuyện kể của/ về mình.
3. Hồ sơ hiện tại như ảnh chụp hay các ghi chép những buổi hành lễ từ mấy chục năm trước, ngay ghi chép mấy năm qua cũng không có, mới lạ.
Ba yếu tố, ta thiếu cả ba! NHƯNG NÓ VẪN LÀ CỦA CHAM, AI CŨNG HIỂU THẾ.
Vậy, làm gì? – Từ bỏ truyền thống? Học tập làm khoa học? Hay kết hợp cả hai?
[Biết thêm:
Chuyện Po Riyak trong Damnưy Po Riyak ở Pacam có gì liên quan không?
Mấy chục năm qua, Po Riyak ở Vĩnh Trường được palei Chakleng thỉnh về cúng kiếng tại làng mình, và được dân làng xem như Thần Tri Thức, nên dân Chakleng không còn xuống nơi cũ hành lễ nữa.
Hiện tại, sau khi đồng ý dời Po Riyak đi để dành đất cho Dự án ĐHN, các vị chức sắc Văn Lâm muốn Po về Bàu Ngứ, còn Cwah Patih và palei khác thì quyết dời Po về cạnh làng Hòa Thủy, thích ứng với tinh thần biển của Po hơn.
Buồn không? Và làm gì?!].