Nhân vụ đồng loạt nhà văn rời khỏi Hội Nhà văn Việt Nam, vài bạn FB và thi hữu nhắn tin cho tôi, thật lòng có, xách mé hay khiêu khích cũng có, rằng Inrasara xiển dương tinh thần hậu hiện đại, sao lại cứ bám vào cái Hội này. Tôi không ngạc nhiên lắm.
5 năm trước, tin “chức” Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam vừa bay ra, tôi nhận bao nhiêu là tin nhắn: “Rất hãnh diện, chúc mừng anh!”. “Rất công bằng và xứng đáng”. “Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam còn chưa làm hư nổi Sara, huống hồ…”. “Khổ thế chứ! Xin chia buồn cùng ngài tân phó Chủ tịch”. Vân vân…
Trong số đó, dịch giả, nhà phê bình thời danh ở về phía bất thuận. Tôi tiếp nhận không chút phản ứng, lặng lẽ nhậm “chức”, và… làm việc. Sáng 2-6-2015 trước khi về quê, ghé anh hỏi mượn sách photo, thấy ông anh có vẻ mở lòng, tôi mới ướm hỏi:
– Năm năm nắng nung mảnh đất hạn Phan Rang rồi, sắp hết nhiệm kì ngồi chức Phó chông chênh kia, ông anh thấy Sara có cái gì sai trái, tác hại đến văn học [lớn hơn – nhân dân] Việt Nam không? Chỉ nêu những cái sai, điều dở thôi…
– Chẳng thấy gì lạ cả, chỉ có mỗi chuyện Sara phản ứng hơi quá với cánh NĐB…
– Anh thấy hơi quá ở khoản nào?
– Sara nên hiểu là họ chỉ muốn qua Sara để tấn công Hội Nhà văn thôi…
– Hiểu quá đi chứ, nhưng sao không đốp chát ô Thỉnh, ô Thiều đi, mà lại nhè Sara vừa không ghế vừa phi bổng lộc mà oánh. Xét riêng cái vụ Hội Nhà văn, Sara chỉ hỏi gặng họ: Bạn cho là tôi ở trong Hội Nhà văn ăn tiền nhân dân, tin cho bạn hay rằng, mỗi năm tôi ra Hà Nội xét kết nạp hội viên và xét giải thưởng một lần (3 ngày), bỏ túi đúng 2 triệu. Đó là phía chính thống, nghĩa là tiền thuế nhân dân – không sai. Trong lúc hàng năm tôi tham gia mươi lần chấm giải, thuyết trình ở các tổ chức phi chính thống, phi chính phủ khác, và họ đã trả công cho tôi hơn thế; hỏi tôi ăn tiền của ai đây? Còn ở các cơ quan nước ngoài, tiền bao thư sau buổi thuyết trình của tôi gấp 5-10 lần, chớ người của đất nước kia có ai tố cáo Inrasara ăn tiền nhân dân họ không? Giải thích đơn giản thế, chứ thằng em “phản ứng hơi quá” ở đâu mô…
– [Im lặng].
– Sara có nói mạnh là về vụ NĐB kêu: “chế độ mị dân này mới cho anh mấy giải thưởng chỉ vì cái tên Chăm của Inrasara thôi…”. Khi tôi hỏi: “15 năm nhập cuộc chữ nghĩa, bạn biết tôi đã giật bao nhiêu giải thưởng không?”, ông bảo “có biết đâu” – Đấy không biết mà nói, mới lạ. Này nhé, tôi nói: “20 cái đấy”. Thêm đây: chúng từ 4 nước khác nhau do các loại tổ chức khác nhau (chính thống, phi chính thống, và cả “phản động”) về vài thể loại khác nhau (thơ, nghiên cứu, phê bình, báo chí, nhân vật…). Ông biết mình sai, nhưng không chịu xin lỗi, nên tôi cắt – cắt đầu tiên và duy nhất của tôi. Sắc tộc, giới tính và khuyết tật thân thể là ba khu vực nhân loại văn minh tối kị.
– Người như Sara thì làm đâu mà chẳng được, miễn sao mang lại hiệu quả cho văn học là tốt rồi…
Đối thoại đại khái thế.
Nay xin tin thêm, không chỉ là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn, mà 2 nhiệm kì trước, tôi còn đóng vai [phi lương bổng] khác ít bị soi hơn: Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học Dân tộc (Y Phương là chủ tịch, Dương Thuấn Phó CT thứ hai).
Giữ chức PHÓ kia, tôi làm được gì?
1. Về Cham, đơn cử trường hợp duy nhất: Tagalau. Cầm cái thẻ Hội Nhà văn, tôi mới ra được đặc san này ở đầu thế kỉ XXI. Nhớ, Cham – tôi là hội viên HNVVN duy nhất, và Tagalau là duy nhất trong 54 DTTS. Và nếu không cậy đến “uy” 2 Phó kia (nhập “gia” VN thì tôi phải tùy “tục” mà hành xử), Tagalau đã chết từ sinh nhật thứ 2 rồi! Sau một sự cố, mọi nhà xuất bản quay lưng lại nó. Khi tôi chạy được, 4 kì liên tục sau đó, tên Tagalau phải chịu bị thiến, để đến Tagalau 7, nó mới khai sinh lần hai. Rồi “sự cố” Tagalau 8 còn ghê hơn nữa. Và khi Tagalau được chuyển giao cho thế hệ trẻ, ngay hàng chữ Akhar thrah ở trang bìa Tagalau 16 cũng bị cắt, tôi phải tìm giúp các bạn phục hồi. Có Cham nào hay mấy nỗi đó? Tôi không than thở với bất kì ai, ngay cả vài kẻ thân cận. Không la lối om xòm, càng không chửi bới, bởi tôi biết làm thế không giải quyết được gì cả. Mọi trắc trở, tôi đơn độc chèo chống, trì trì gỡ rối. Để được việc chung.
Nỗi Tagalau có thể làm nên trường thiên tiểu thuyết bi hài, là vậy.
Ngoài Tagalau, còn mênh mông thứ khác nữa, ai có dõi theo bước chân chữ nghĩa của tôi đều biết qua…
2. Về văn học Việt Nam.
Bỏ túi thẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có ai thấy tôi làm theo chỉ đạo của bất kì ai ở đâu không? Có vị trên nào áp đặt lên tôi ý tưởng nào của họ không? Ngược lại là khác… Tạm kê khai hầu bà con, anh chị em.
Chủ trì Bàn tròn Văn chương là một tổ chức ngoại biên của HNVVN: 8 kì tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, 3 kì ở Hà Nội. Tại đó, người tham dự tự do, đề tài tự do, thảo luận tự do – là chuyện chưa nhà văn nào làm trước đó. Mỗi kì, BCH Hội cho BTVC đúng 300.000 đồng tiền trà nước.
Tôi đấu tranh liên tục cho công bằng và công khai về xét kết nạp hội viên, buộc BCH Hội Nhà văn chuyển đổi, dù họ chỉ thay đổi một lần (2013) rồi nghỉ.
Tôi phản đối thành viên Hội đồng dự giải thưởng thường niên, dù đơn độc và không kết quả, nhưng đó là tiếng nói phản biện cần thiết.
Tôi phê phán không khoan nhượng và nhiều lần các cuộc tổ chức rềnh rang nhưng thiếu hiệu quả của HNV: Festival Thơ, hội thảo với hội nghị các loại… là điều hiếm nhà văn của Hội làm.
Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, tôi nhiệt nồng giới thiệu các khuôn mặt thơ văn ngoại biên trên diễn đàn và báo chí chính thống, cả trong tác phẩm lí luận phê bình của tôi. Giới thiệu sòng phẳng, nhiều lần và nhất là, không tránh né. Về Ngựa Trời, Mở Miệng, Nhã Thuyên… tôi đấu tranh bảo vệ công bằng cho mọi trào lưu nghệ thuật, đấu tranh cho quan niệm nghệ thuật phi chính thống có mặt. Vân vân.
Thế thôi, cũng đủ lãng quên đời…
3. Cuối cùng, khi nhận thấy mình không thể làm gì hơn, qua hai phần ba chặng đường (cuối năm 2013), tôi thông báo trước trên website sẽ từ bỏ tất cả: Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam ở đó tôi là Trưởng Ban Lí luận Phê bình.
VÀ TÔI ĐÃ LÀM ĐÚNG NHƯ THẾ. Chứ không như vài bạn văn của tôi “em chả, em chả, kì này em xin rút nhường cho cánh trẻ”, nhưng khi “nhân dân” yêu cầu, đã ở lại – bám ghế.
Phan Rang, 4-6-2015