Inrasara: 1 XIN LỐI 2 CẢI CHÍNH & 2 NHẮC NHỞ

Tienve.org, 5-7-2015
Khánh Phương hơi lan man rồi, ví dụ như bạn lan man sang nhận định của tôi về Vi Thùy Linh ở đây, và… Nếu thế, thì trao đổi biết thuở nào cho xong. Ta đang nói về nguyên tắc mà. Xin kéo lại cụ thể như sau nhé.

1. Xin lỗi
Tập tiểu luận.phê bình Thơ nữ trong hành trình cắt đuổi hậu tố ‘nữ’ trong đó có bài tôi bàn về Khánh Phương rất mực là hoa cười ngọc thốt, dự tính phát hành sáng ngày 4-7-2015 ở buổi nói chuyện về các trào lưu thơ Việt đươmg đại tại Cà phê Văn học, TPHCM, thì tối ngày 2-7-2015, mừng húm – Khánh Phương có bài về nó, nên tôi cứ tưởng bạn “quảng cáo”, té ra là bạn “trao đổi” thiệt. Tôi bự cái nhầm!
Tôi thành thật xin lỗi bạn ở đây (các bạn hậu hiện đại Việt Nam chớ cho tôi đang giễu nhại… hậu hiện đại nhé).

2. Cải chính 1. Lấy cái nớ để bàn về cái ni
Tiểu luận Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix “nữ” đăng Talawas.org, tháng 12-2005; bài viết Khánh Phương dẫn lại để trao đổi với tôi là bài đăng ở Inrasara.com ngày 10-9-2007 chính là văn bản trên.
Còn bên dưới bài tiểu luận trong tác phẩm Thơ nữ trong hành trình cắt đuổi hậu tố ‘nữ’ tôi ghi rõ ràng: “Sài Gòn, tháng 12-2005; viết lại 3-2015”. Nghĩa là 9 năm 3 tháng nước đã chảy qua cầu, văn bản kia đã thay màu đổi chữ với tăng số đếm khá nhiều, vậy mà Khánh Phương đã dùng cái nớ để bàn về cái ni, hỏi có trật không, bà con?
Tang chứng: trong 20 bạn thơ nữ được bàn trong tập sách, chỉ 9 nhà thơ là xuất hiện trước 2005, còn lại 11 nhà vừa được nhận diện [như là nhà thơ] sau 2005, là: Phan Thị Vàng Anh (2006), Tiểu Anh, Lam Hạnh, Đoàn Minh Châu (2008), Phạm Tường Vân (2009), Khánh Phương (2010), Lưu Mêlan, Du Nguyên (2011), … thậm chí có khuôn mặt rất mới là Vũ Thiên Kiều, Kiều Maily, Phan Quỳnh Trâm…

3. Cải chính 2. Khi nào có Ngày Đàn Ông Thế giới, tôi sẽ…
Riêng mục KP hỏi [và vẫn tiếp tục kiên trì lập trường quan điểm]: “Tại sao lại không đọc “đàn ông – thơ” nhỉ?”, thì như thế này.
Đã lâu và vài lần, tôi có viết đại loại: “Một nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu tư tưởng mới nhất trên thế giới đồng thời sẵn sàng đi vào miền xa vùng sâu điều tra nạn mất cắp gà để ổn định làng xóm”. Nhập cuộc văn chương chữ nghĩa, tôi làm đúng tinh thần đó (như ở thời điểm này tôi đang lao vào cộng đồng Cham giải quyết vụ việc nhỏ mà to).
Tôi là dân ngoại vi: Cham – thiểu số – xuất thân ở tỉnh lẻ, dù đang danh vị Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ HNVVN nhưng tôi chuyên hoạt động ngoại vi, nên tôi hiểu nỗi ngoại vi rất là được. Đính kèm tinh thần hậu hiện đại với món giải trung tâm, thế nên hầu hết nghiên cứu – phê bình của tôi tập trung vào ngoại vi: thơ Dân tộc Thiểu số, thơ Cham, thơ người Việt ở hải ngoại, thơ nhà thơ vỉa hè in photocopy, thơ mạng, thơ nữ, thơ nhà thơ chưa là [không muốn là] Hội viên HNVVN, thơ phản kháng [như thơ về sự kiện HS-TS].
Đa số nhà phê bình Việt Nam ưa sợ: sợ nhạy cảm [với văn chương ngoại vi], sợ sai [với khuôn mặt mới, phong trào mới lạ huơ lạ hoắc]. Còn tôi lao bừa vào chúng…
“Tại sao lại không đọc “đàn ông – thơ” nhỉ?”, ừ, phải lắm. Tôi nói rồi, sở hữu lí tưởng vô phân biệt kia ai mà chả ham, nhưng sự thế và nỗi văn chương hôm nay đâu đã dễ. Có lẽ Khánh Phương đã đáo bỉ ngạn, đã ở tít bờ bên kia rồi, nên bạn không quan tâm. Tôi ngược lại, vẫn là còn thử bơi, tập bơi, cố bơi.
Bởi, bỡn cợt theo bạn thơ Lê Vĩnh Tài, khi nào có Ngày Văn Xuôi Việt Nam, có Ngày Đàn Ông Thế giới, hay nước ta có Hội VHNT các Dân tộc Đa Số VN… là tôi sẽ quay về viết về họ, hoặc tôi bỏ bàn vi tính ngay, để khỏi phiền bạn.

Nhắc nhở 1. Ở trong nước vài năm qua, các nhà văn DTTS than sáng tác của mình đang bị bỏ rơi; riêng thơ của người Cham thì không nhà phê bình nào để mắt tới, ngay vụ TS-HS qua 2 kì với những sáng tác rất nóng, vậy mà có nhà phê bình nào tổng kết đâu, ngoài cái tay… Inrasara-dân-đường-biên-điếc-không-sợ-đạn viết bài ở tận Tiền VệBBC. Đã bàn về thơ DTTS (5 bài), về thơ Cham (4), cũng như rất nhiều về thơ photocopy, thơ phản kháng, thờ người Việt hải ngoại… lẽ nào tôi chừa món “thơ nữ”?!].
Nhắc nhở 2: chữ “phê bình thực hành” không phải của tôi, mà là của nhà lí luận – phê bình Nguyễn Hưng Quốc, tôi nhiều lần xài lại và có ghi địa chỉ hẳn hoi.

Kết [thúc]
Riêng đoạn KP viết: “Lấy lại tất cả cơ sở lý thuyết trong sách vở của các thời kỳ 1949, 1968, 1980 làm chỗ dựa cho khảo luận của mình mà không có bất cứ một chủ kiến nào khác, bạn Inrasara rất liều lĩnh khi phủ nhận sạch trơn tất cả thành quả của 3 cuộc cách mạng nữ quyền trên toàn thế giới.”
Ai hiểu chết liền!

Sài Gòn, 4:32 giờ, sáng 5-7-2015

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *