Inrasara: BÀN TRÒN VĂN CHƯƠNG [biên bản lập chậm]

Thơ Dân tộc Thiểu số và Miền núi đường đại, khác biệt mang tính vùng miền
Trại Sáng tác Vũng Tàu, 28-5-2015
Thuyết trình 1: Bùi Tuyết Mai: “Tổng quan thơ Dân tộc Thiểu số và Miền núi”.
Thuyết trình 2, Inrasara: “Thơ Dân tộc Thiểu số và Miền núi đương đại, khác biệt mang tính vùng miền”.
Chủ trì: nhà thơ Mai Liễu, MC: nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa.
Tham dự Bàn tròn có nhà văn Cao Duy Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, khách mời: nhà thơ Kiều Maily và Chánh Văn phòng Hội VHNT Bà Rịa – Vũng Tàu cùng 30 Trại viên của Hội, thuộc nhiều dân tộc: Tày, Mường, Padí, Chăm, Thái, Việt, Vân Kiều, Hơrê…
2015-5-DTTS-06

2015-5-DTTS-11
I. GIỚI THIỆU VÀ KHAI MẠC
Cao Duy Sơn
Từ thời kì đầu cách mạng cho đến 10 năm sau thế kỉ XXI, các thế hệ nhà thơ Dân tộc Thiểu số làm nên dòng thơ riêng, đóng góp quan trọng vào nền văn học đa dân tộc Việt Nam. Các thành tựu đã được ghi nhân, thế nhưng không thể dừng lại ở đó, các nhà thơ đương thời cần tìm giọng mới, tìm hướng đi mới và khác hơn.
Có thể nói, Bàn tròn Văn chương hôm nay là chuyên thơ có tính cách quy mô đầu tiên.
Mai Liễu
70 năm thơ Dân tộc Thiểu số và Miền núi, dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng nó đã ghi dấu ấn quan trọng, đó là các nhà thơ tách khỏi hệ hình văn học dân gian, viết khác đi, dần dần từng bước đưa thơ tiếng Việt của người Dân tộc Thiểu số hội nhập vào trào lưu thơ Việt Nam. Bàn tròn Văn chương hôm nay, ngoài hai phát biểu mang tính gợi ý của Bùi Tuyết Mai và Inrasara, chúng ta vẫn có thể bàn rộng ra về nhiều khía cạnh của thơ Dân tộc Thiểu số và Miền núi, kinh nghiệm sáng tác hay vấn đề đổi mới thơ, việc đưa thơ ra công chúng hay công tác xuất bản… Bởi có mặt ở đây gồm không ít nhà thơ đã thành danh thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba và cả các khuôn mặt thơ trẻ thế hệ 8X, 9X.

II. TRÌNH BÀY
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai
Văn học Dân tộc Thiểu số và Miền núi thười gian qua đã có những thành tựu lớn. Có tác giả đạt Giải thưởng Nhà nước, hai tác giả đạt Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, và rất nhiều nhà văn nhà thơ với những tác phẩm giá trị. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh sáng tác văn học của người Dân tộc Thiểu số.
Năm cửa làm nên thành tích lớn của văn học là, biết làm nên kiệt tác, đó là nỗ lực lâu dài của từng tác giả. Cửa thứ hai là tuyển, tuyển thế nào để người đọc nhận diện được một giai đoạn thơ, hay một vài khuôn mặt thơ mang tính đại diện; khía cạnh này lâu nay chúng ta chưa thật chuẩn mực cho lắm. Cửa thứ ba là việc nghiên cứu và lí luận phê bình, đẩy mạnh lĩnh vực này là điều cấp thiết, vì lí luận phê bình liên quan mật thiết với sáng tác, là bạn đồng hành của sáng tạo văn học. Cửa thứ tư là phát triển khuynh hướng mới, nghĩa là sự đổi mới văn học. Cuối cùng là việc in ấn xuất bản và phát hành, để làm sao tác phẩm tốt, hay đến với người đọc vùng sâu vùng xa nhất, làm sao tác phẩm của các nhà thơ Dân tộc Thiểu số và Miền núi được công chúng cả nước biết đến.

Inrasara
Tôi xin nói ngay là, người thuyết trình ở Bàn tròn Văn chương không phải là kẻ biết nhiều nói với người biết ít hơn, mà là nêu vấn đề để cùng thảo luận, tương tác. Nêu lên sự khác biệt không phải so đo hơn kém, hay dở mà là cái KHÁC. Khác với những gì quen thuộc ta từng biết, từng làm, từng bàn. Tôi xin đi thẳng vào vấn đề.
Từ khi nhập cuộc văn chương tiếng Việt, các thế hệ thơ người Dân tộc Thiểu số liên tục xuất hiện, thuộc nhiều dân tộc và ở nhiều vùng miền khác nhau. Họ nói lên tiếng nói dân tộc và tâm cảm dân tộc mình, qua đó họ thể hiện bản sắc dân tộc và bản sắc vùng miền. Ở đó không ít tác giả sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ: thơ tiếng Tày, Thái, Khmer, Cham… Tất cả làm giàu sang nền thơ Việt Nam đa dân tộc, với những cái khác lạ, độc đáo.
Đó là điểm chung. Từ điểm chung đó nảy sinh sự khác biệt mang tính dân tộc và vùng miền riêng. Đâu là khác biệt?

1. Trước hết, các nhà thơ người Dân tộc Thiểu số luôn khẳng định cá nhân qua bản thể dân tộc. Vương Anh với “Hoa trong Mường”, Lương Định là “Lời người cha lũng núi”, Pờ Sảo Mìn con trai người Padí qua “Cây hai ngàn lá”… Nhất là Dương Thuấn với Bản Hon và sông Năng của anh. Trần Wũ Khang ở miền Trung thì khác, nếu có đề cập gốc gác, anh nêu nó lên để đùa nghịch: “Thằng con hai dòng máu” [Cham Việt] (Quà tặng của Quỷ sứ, 2009).
Cạnh đó, sự khẳng định dân tộc và bản sắc còn được thể hiện rõ qua tên bài thơ ở các nhà thơ thuộc vùng miền khác nhau.

2. Lối nói dân dã và hiện đại. Thử phân tích giữa Bùi Tuyết Mai qua bài “Lưu khách” và Kiều Maily qua bài “Nhảy” (tác giả đọc):
Hãy dừng chân nhà em một đêm
Chỉ một đêm thôi
Cho con ngựa anh nghỉ ngơi

Hãy nán lại nhà em một đêm
Chỉ một đêm thôi
Cho con ngựa anh uống nước

Hãy nghỉ lại nhà em một đêm
Chỉ một đêm thôi
Cho con ngựa anh ăn vài đấu ngô thơm

Hãy ở lại nhà với em một đêm
Một đêm thôi…
Ta thấy nhà thơ nữ ở cực Nam Trung Bộ khác hẳn, rất hiện đại:
Giữa anh và em là vực thẳm
mấy lần số cát bãi Nam Kương kia không thể lấp đầy

giữa đôi mắt chúng ta là vực thẳm
đắm đuối đến đâu cũng không thể đầy

giữa thân thể chúng ta là vực thẳm
ngàn nụ hôn cũng không thể làm đầy

anh có muốn cùng em nhảy không?

3. Lối suy nghĩ và nhịp điệu. Nhiều nhà thơ có lối suy nghĩ rất mới, nhưng nhịp điệu thơ truyền thống vẫn được giữ lại. Hoàng Chiến Thắng:
Đứa trẻ bưng tuổi thơ
chạy ngược
Tiếng rao vỡ vào phố đêm
… Người đàn bà cõng mưa
Che con
Tiếng đàn rong va vào ngõ phố (“Phố đêm”)
Tuệ Nguyên ở thành phố HCM, cùng thế hệ với Hoàng Chiến Thắng, thể hiện khác:
– Tôi đang sống cùng thời đại với họ,
nhưng khi họ cứ mải mê dò từng bước để đi thì tôi lại nằm một xó tập bay
– Tôi đi vào con đường không có bảng chỉ dẫn
mỗi lần lầm lạc tôi bắt đầu đánh dấu. (Những giấc mơ đa chiều)

4. Và, trong khi tuyệt đại đa số nhà thơ dân tộc thiểu số vận dụng mọi thể thơ để sáng tác, từ lục bát đến ngũ ngôn, từ tám chữ đến thơ tự dọ, thậm chí có người còn vận dụng cả các thủ pháp hậu hiện đại, thì nhà thơ Thạch Đờ-ni ở miền Tây Nam Bộ vẫn còn sáng tác thơ bằng thể thơ “lục bát” Khmer. Đó là cái hay riêng của nhà thơ người Khmer này.

5. Sự khác biệt còn thể hiện ngay trong rất nhiều biện pháp tu từ, ở đó thủ pháp so sánh là một phần nhỏ. Htrem K’nul dân tộc Êđê ở Tây Nguyên so sánh đơn, gần và cụ thể:
Giọng già như gió cuốn bụi bay
Giọng già như hổ gầm buổi tối
Giọng già như suối chảy đầu hôm (Htrem K’nul, “Người kể khan”)
Còn Inrasara có lối so sánh phức hợp, đa tầng:
Cây xương rồng như nhà sư khất thực theo vết chân gió trái mùa lang thang
Lạc bước qua triền đồi quê tôi để bị chịu cầm tù trong cát…
Như ẩn sĩ cô đơn – yêu thương mà không cần nước mắt
Sẵn lòng cho nụ cười khinh bạc của lùm cỏ dại hay cụm mây hoang
(“Sinh nhật cây xương rồng”, Sinh nhật cây xương rồng, 1997)

6. Ngôn ngữ thơ. Ở Tuệ Nguyên, ngôn ngữ đường phố xuất hiện dày đặc: thế hệ già bảo thủ, những đứa con hư hỏng nổi loạn và bất trị, những đứa con yêu cuồng dại tự do. Rồi thơ tiếng Cham độn tiếng Việt, tiếng Anh không phải là hiếm ở Jalau Anưk. Ngôn ngữ thơ nói lên cái nhìn phản tỉnh, quyết liệt.

7. Cuối cùng là tâm thế sáng tác. Hội nhập, hay cụ thể hơn, cả khi xuống phố, nhiều nhà thơ Dân tộc Thiểu số ở miền Bắc vẫn giữ tâm thế hướng quê với một ít hoài niệm:
Tôi đi trên nền làng xưa
Cúi nhặt vài mảnh vỡ
Rạn nâu
Lạnh tanh như dạ cụ cố
Đâu rồi làng một thuở… (Y Phương, “Làng hoang”)
Trần Wũ Khang cắt đứt tâm thế đó. Anh nhập cuộc làng văn Việt Nam, và đùa nghịch nó với giọng thơ bỡn cợt rất hậu hiện đại. Bài thơ “Nỗi niềm phê bình” nói lên tinh thần đó.
Có lẽ những giọt nước mắt đã khóc vào khẩu hiệu
vào trăn trở của nỗi niềm phê bình
là những giọt nước mắt phim bộ
có lẽ

từ đại hội năm ngoái khóc
sang tập áp cuối
năm nay

khóc chuyền tay như thể đội vận động viên 1000m X 4
có lẽ
vòng đầu ta may mắn hơn
kẻ kế bên – Thái Lan chẳng hạn
hay người chạy ở đường line số 4, 5
Nhật hay Hàn quốc

vô tư vòng hai
ta yên tâm số một, đinh ninh vô địch

vòng ba ta dồn sức
mồ hôi ta làm nên tất cả
có lẽ là những giọt mồ hôi được làm giả
như mồ hôi trong phòng massage
làm ta đuối sức

cũng có thể ta đã trục trặc khâu nào đó
chỗ đưa-nhận gậy chẳng hạn
ta đổ lỗi cho nhau
đổ qua lại như các bà nhà quê đổ thóc giống ra phơi
vẫn chừng ấy thóc giống cho cả mùa vụ
cho suốt mùa khẩu hiệu
cũng có thể là những hạt thóc đã ẩm, mốc

ta đại hi vọng vòng cuối cùng
có lẽ lại là hi vọng giả
như nước mắt phim bộ
như mồ hôi trong phòng massage. (Trần Wũ Khang, “Nỗi niềm phê bình”, 2009)

*
Riêng thơ Miền núi, thơ của người Việt sống ở vùng miền núi ở phía Bắc và Tây Nguyên vẫn khác. Đinh Thị Như Thúy và Đỗ Thị Tấc: có sự khác biệt lớn về giọng thơ, cách thể hiện. Đậm nổi nhất là thơ người Việt sống ở Tây Nguyên bám sát sườn thời sự xã hội. Lê Vĩnh Tài là tiêu biểu. Lê Vĩnh Tài nhìn vào tận cùng hiện trạng xã hội và hiện thực đất nước. Hiện thực lồ lộ trước mặt và xung quanh:
rừng thành chật chội bước chân của người…
rừng bỏ chúng ta đi…
nỗi buồn tro than nỗi buồn của lửa
nỗi buồn di dân chật cả giấc mơ (Vỡ ra mưa ấm, 2005)
Khi thơ “không còn đòi nói dối/ không còn nói câu này quên mất câu kia/ không còn những lời hứa nước bọt”, nhà thơ “bắt đầu tập nói”, tập nói lại.
dường như chiều nay
chúng ta quên mất cuộc đời nhiều cánh cửa
cùng đóng lại ước mơ
với một ly cà phê Highland bốn mươi ngàn
khuyến mãi máy lạnh
quên mất ở Tây Nguyên bảy năm rồi cà phê bốn ngàn một ký
khuyến mãi mồ hôi (Đêm và những khúc rời của Vũ, 2008)

III. THẢO LUẬN
Pờ Sào Mìn
Thơ Dân tộc Thiểu số ít được phổ biến, đó là điều đáng lưu ý trước hết đối với tôi, cho dù thơ Dân tộc Thiểu số không phải không có tác giả đáng đọc. Vấn đề sáng tác song ngữ cũng cần phải được đặt ra, bởi hiện tại thế hệ con em chúng ta đang đánh mất dần tiếng mẹ đẻ. Riêng với công việc sáng tác theo quan niệm riêng của tôi, là người cầm bút chân chính, anh phải lao động cật lực mới mong có tác phẩm giá trị.
Cao Xuân Thái
Đổi mới thơ là sự sống còn, đổi mới thế nào cho công chúng chấp nhận được. Thời gian qua theo tôi, chúng ta còn chưa bình tâm nhìn nhận sâu sắc về đổi mới thơ, đánh giá cái được và cái chưa được của nó.
Vũ Xuân Tửu
Tôi thấy tiêu đề bàn tròn nên xem lại cách phân kì văn học. Thế nào là đương đại hay hiện đại, cần có cách phân loại khác, mà không nên lệ thuộc vào mốc lịch sử. Có thể phân kì lịch sử văn học theo thời điểm ra đời của tác phẩm văn học lớn.
Riêng với ý kiến của nhà thơ Pờ Sảo Mìn, qua hơn nửa thời gian diễn ra ở Trại này, vẫn còn quá ít thơ song ngữ.
Nông Thị Ngọc Hòa
Tại sao người ta sợ đọc thơ, sợ bị tặng thơ, bởi thơ dở quá nhiều. Đâu đâu cũng có thơ, ai cũng nhận là nhà thơ, trong khi những cây bút đó chỉ đẻ ra những bài thơ quá dở khiến người đọc ngán thơ. Vậy làm sao để có thơ thật hay, đó chính là trách nhiệm của nhà thơ.
Đoàn Hữu Nam
Nhà thơ chúng ta rất ít hiểu về thơ, cho nên cần mở lớp về thơ, vừa để nâng cao sự hiểu biết nghề nghiệp, giao lưu hiểu biết về nhau.
Inrasara
Xin nhắc nhở các bạn rằng, ở đây tôi nêu lên sự khác biệt về giọng, ngôn từ thơ, lối nói với những khác biệt mang tính vùng miền. Chúng ta hãy bám vào gợi ý đó để trao đổi, đừng đi quá xa chủ đề đang bàn. Khác biệt đó rất cần tham chiếu, rằng tại sao ta không thử nghiệm các công cụ mới, như tân hình thức hay các thủ pháp hậu hiện đại chẳng hạn? Tại sao ta không thử đưa ngôn từ đường phố vào thơ?
Bùi Thị Như Lan
Thơ cần bám sát thực tế. Xưa nay rất nhiều bài thơ bám sát thực tế cuộc sống từ đó thơ đi vào lòng người. Độc giả đọc và thuộc lòng. Không cần phải hậu hiện đại, mà chỉ cần bám vào thực tế cuộc sống. Thơ ta không bán được do quá xa lạ với người đọc, cách tân mà không làm rung động người đọc, nên người đọc xa lánh.
Lộc Bích Kiệm
Tôi không đồng ý với nhà văn Vũ Xuân Tửu, phân kì văn học cần theo sát với thời kì lịch sử, như vậy chúng tôi mới có thể dạy văn trong nhà trường được. Điều nữa là chúng ta cần vẽ lên được diện mạo thơ Dân tộc Thiểu số, một diện mao đích thực để giới thiệu nó đến với công chúng.
Hàn Kỳ
Tôi chỉ muốn phát biểu ngắn gọn: Thơ hay thì luôn mới: do đó cần đổi mới thơ.
Vũ Xuân Tửu
Tại sao chúng ta cứ thù ghét hậu hiện đại. Hậu hiện đại có tội lỗi gì đâu, đó là phương cách tiếp cận thế giới thực, là một công cụ mới cho chúng ta sáng tạo.
Mai Liễu
Các nhà thơ sống ở miền núi khi về thành phố viết về quê cũ, về cái đẹp quê hương chưa hẳn là thơ hoài niệm như Inrasara nói đâu. Theo tôi dù cách tân cỡ nào, nhưng thơ phải gây xúc động lòng người. Inrasara cho thơ Lê Vĩnh Tài hay, rất độc đáo chứ riêng tôi thì tôi không thấy nó gây cho tôi điều gì đáng kể.
Nông Thị Ngọc Hòa
Đừng bắt chúng tôi theo khuôn mẫu nào đó. Tại sao thơ cứ phải theo khuôn mẫu dù là mới tới đâu, thơ sẽ thành đồng bộ thì chán lắm.
Inrasara
Xin đính chính hai ý. Về ý Bùi Thị Như Lan, hậu hiện đại không liên quan gì đến chuyện bám sát thực tế cuộc sống của thơ cả. Rất nhiều nhà thơ hậu hiện đại sáng tác ngồn ngộn thực tế nóng bỏng của xã hội đương thời. Riêng ý kiến của Ngọc Hòa, khi giới thiệu sự khác biệt, không phải tôi đòi hỏi mọi người hãy làm thơ kiểu đó, mà là đưa ra nhiều chọn lựa. Ví như mọi nhà thơ Việt Nam làm thơ hậu hiện đại cả thì thơ ca tiêu rồi còn gì.
Bùi Tuyết Mai
Anh Inrasara chê bài thơ em không hay chớ đó là giọng nói của riêng em. Còn anh bảo đó là lối nói dân dã thì em rất đồng ý.
Cao Duy Sơn
Không phải Inrasara chê thơ Bùi Tuyết Mai dở đâu, mà là đưa hai bài đặt cạnh nhau để tìm ra sự khác biệt giữa lối nói của Bùi Tuyết Mai và Kiều Maily.
Phạm Mai Chiên
Tôi không thấy sự khác biệt mang tính vùng miền nhiều, ở Nghệ An chẳng hạn, gần như các nhà thơ dân tộc thiểu số làm thơ theo thơ người Việt. Cho nên vấn đề này cần bàn bạc sâu và toàn diện hơn.
Nguyễn Mạnh Tấn
Nhiều bài thơ giản dị mà đi sâu vào lòng người khiến đến trẻ con cũng thuộc, ví dụ như bài thơ “Thăm lúa” hay các bài thơ của Tố Hữu. Tôi nghĩ có cần thiết phải đặt vấn đề đổi mới thơ không, mà là mối nhà thơ cần nỗ lực làm cho thơ hay hơn, lời thơ giản dị mà sâu sắc hơn thôi.

IV. TỔNG KẾT
Inrasara kết luận
Nói về sự khác biệt không phải so sánh hơn kém, hay dở mà là đưa ra những cái KHÁC. những cái khác này làm nên sự đa dạng để người làm thơ rộng đường chọn lựa cho mình phương thức sáng tạo. Tinh thần hậu hiện đại nhìn nhận và chấp nhận những cái khác này như là một phần của đời sống [văn chương]. Chúng làm phong phú một nền văn học, rộng hơn làm giàu sang một nền văn hóa – nhất là với đất nước đa dân tộc như Việt Nam hôm nay.
Cá nhân tôi, tôi xiển dương tinh thần khái phá, dám thử nghiệm loại thơ mới, khác từ đó chinh phục bộ phận người đọc mới, khác.

Nhà văn Cao Duy Sơn tổng kết Bàn tròn Văn chương
Thơ Dân tộc Thiểu số không phải chỉ mang giọng chung chung, là đậm đà bản sắc, nó còn là tổng hòa nhiều giọng điệu khác nhau thể hiện qua nhiều thủ pháp và phương thức nghệ thuật khác nhau của nhiều nhà thơ thuộc vùng miền khác nhau. Sự khác biệt mang tính vùng miền là có thực, vì mỗi dân tộc có ngôn ngữ riêng, từ đó có lối tư duy riêng và cách thể hiện riêng – nhất là với thể loại thơ. Hôm nay chúng ta chỉ bàn lướt qua những sự khác biệt đó, hi vọng tương lai không xa, Bàn tròn Văn chương khác sẽ có dịp mổ xẻ sâu hơn.
Thơ Dân tộc Thiểu số và Miền núi đã có thành tựu, trước mắt sự đổi mới vẫn là đòi hỏi cấp thiết đối với mỗi người viết, vấn đề là đổi mới thế nào, để chúng ta có thể hội nhập thời đại mà không đánh mất bản sắc vẫn dân tộc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *