Bàn tròn văn chương Ban văn học dân tộc, kì 1.

Inrasara
Hội Nhà văn Việt Nam – Ban văn học Dân tộc

BÀN TRÒN VĂN CHƯƠNG
KÌ 1

Hà Nội, 4-11-2008
Ban văn học Dân tộc gồm 7 thành viên:
Y Phương: Trưởng Ban.
Inrasara và Dương Thuấn: Phó ban.
Thành viên: Cao Duy Sơn, Vương Trung, Lò Cao Nhum.
Vắng mặt: Đỗ Thị Tấc.

Thảo luận xung quanh các vấn đề về văn học dân tộc thiểu số Việt Nam năm qua.

Dương Thuấn: Đây là cuộc gặp mặt hàng năm của Ban văn học Dân tộc chúng ta, để nhìn lại và đánh giá tình hình văn học dân tộc thiểu số năm qua. Theo tôi nhận thấy văn học dân tộc thiểu số năm qua vẫn chưa có cái gì nổi bật. Vẫn là những tên tuổi cũ, chỉ lác đác có vài tên tuổi mới xuất hiện, nhưng để có tác phẩm gây chú ý dư luận thì ta chưa có. Năm nay, Cao Duy Sơn có tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối vào chung khảo Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, là một tin mừng.

Y Phương: Cũng như văn học chung của cả nước, tình hình văn học dân tộc thiểu số vẫn quá bình lặng. Đã vậy, nó còn bị nhìn một cách thiếu công bằng. Vẫn còn vách ngăn văn học dân tộc với văn học dân tộc số đông là người Kinh. Nếu có tác phẩm sáng giá, bộ phận văn học này vẫn còn chưa được nhìn nhận đúng mức, báo chí ít đề cập đến nó. Cũng có thể do lỗi chúng ta chưa giới thiệu được khuôn mặt nào mới xuất sắc. Do đó, khi Inrasara đề cập đến hậu hiện đại, tôi rất muốn anh trình bày mĩ học này đến với văn học dân tộc. Để anh chị em ta biết mình đang đứng ở đâu, thiên hạ đã đi đến đâu.

Inrasara: Về hậu hiện đại, tôi sẽ đề cập vào dịp khác. Đúng, báo chí ít quan tâm đến sáng tác dân tộc thiểu số. Năm 2006, Đàn trời của Cao Duy Sơn và Chân dung Cát của tôi mặc dù được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng báo chí rất hờ hững. Hi vọng năm nay, với Giải thưởng cho tâp truyện ngắn của Cao Duy Sơn và nhất là qua Chăm H’ri của Trà Vigia một cây viết mới đáng chú ý, văn học dân tộc thiểu số sẽ có bước chuyển mới.

Vương Trung: Hội ta vừa là của dân tộc thiểu số vừa là của cả miền núi nên khó rạch ròi. Tôi thấy sáng tác bằng tiếng dân tộc rất yếu. Một bài thơ bằng tiếng dân tộc, có thể người dân tộc rất thích nhưng khi được dịch ra tiếng Việt thì người Kinh lại không thích. Đó là vấn đề tư duy lẫn cảm thụ tiếng mẹ đẻ. Bởi đó là vấn đề đó động cập đến cuộc sống hiện thực của bà con, nên bà con dễ chấp nhận. Một vấn đề khác tôi muốn nhấn mạnh là để Ban chúng ta hoạt động có hiệu quả, Hội Nhà văn Việt Nam cần dành một khoản tiền cho anh em Ban Văn học Dân tộc.

Y Phương: Có nhiều chuyện rất khó nói. Và có nói cũng không được, nên đồng bào dân tộc không muốn nói. Cả tôi cũng vậy, có khi rất chán nản.

Inrasara: Tôi cho rằng nhà văn vừa viết văn vừa phải là tiếng nói trí thức. Tôi đã nhiều lần phát biểu về vấn đề văn hóa – xã hội dân tộc Chăm. Và không phải không tác dụng. Nhà văn cần khuyến khích đồng bào phát biểu ý kiến, dám và biết phát biểu ý kiến của mình. Chỉ khi có sự đối thoại cởi mở, chúng ta mới giúp chính quyền các cấp hiểu và hỗ trợ chúng ta.

Cao Duy Sơn: Tôi đồng ý là nhà văn dân tộc cần biết thể hiện vừa tiếng nói đồng thời khả năng văn chương của mình. Lâu nay, chúng ta luôn bị nhìn như một sự ban ân, chiếu cố và có thể cả xoa đầu nữa. Nhà văn chúng ta không cần như thế. Hãy đối xử với nhau công bằng và lành mạnh. Do đó, theo tôi, Ban văn học dân tộc và Hội Văn học – nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cần kết hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa. Cần thiết lập một diễn đàn, như diễn đàn hôm nay. Chỉ thảo luận và trao đổi thẳng thắn nhà văn mới có thể hiểu nhau và giúp nhau tiến bộ trong chuyên môn lẫn giải quyết chuyện bên lề. Gặp mặt không chỉ chúng ta với nhau không thôi mà nên có vài tác giả uy tín khác, đã và đang hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc như: Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Trung Trung Đỉnh cùng tham dự.
Tại sao có tác giả vừa có vài truyện ngắn hay tập thơ đáng chú ý lại đi xuống ngay sau đó, là câu hỏi rất cần được bàn luận rốt ráo?

Lò Cao Nhum: Tôi là người mối vào Ban văn học dân tộc thiểu số, nên chưa nắm nhiều tình hình. Tôi chỉ muốn phát biểu qua cảm nhân riêng của mình. Thật sự chúng ta chưa có phê bình văn học dân tộc thiểu số. Lâm Tiến, Hoàng Văn An rồi Inrasara sau này. Ta cần giới thiệu nhau và giới thiệu ra bên ngoài. Tìm khám phá và bổ sung tài năng trẻ và mới và lực lượng văn học dân tộc thiểu số, để vực dậy lại phong trào.

Y Phương: Hội thảo về văn học dân tộc thiểu số cũng rất cần thiết. Nhưng phải chuyên sâu hơn, đi vào tính chuyên nghiệp để nêu bật các vấn đề cốt lõi của nó.

Inrasara: Tôi chỉ muốn thông tin ngoài lề. Tôi đang làm Thơ dân tộc thiểu số Việt Nam, từ đổi mới đến hậu đổi mới, gồm ba phần là: tổng luận – phê bình – tuyển thơ. Hi vọng nó sẽ giúp người đọc và giới chuyên môn nhận diện toàn cảnh văn học dân tộc thiểu số (tập 1. THƠ) thời gian qua. Để tránh sự hẫng, như nghiên cứu sinh Mỹ đã hẫng như thể vào năm 2006, khi muốn làm luận án tiến sĩ về thơ dân tộc thiểu số Việt Nam.

Dương Thuấn: Tạm tổng kết như thế này: Văn học dân tộc thiểu số vẫn còn thấp so với mặt bằng chung. Vài khuôn mặt trẻ xuất hiện nhưng chưa có tác phẩm nổi bật. Văn học viết bằng tiếng dân tộc thì yếu dần theo thời gian. Các báo và tạp chí cả tạp chí về dân tộc vẫn chưa chú ý giới thiệu sáng tác của anh chị em. Song song với việc mở hội thảo về văn học dân tộc thiểu số mang tính chuyên sâu, nhà văn dân tộc thiểu số nên có sự gặp mặt hàng năm. Muốn thế, Hội Nhà văn Việt Nam cần hỗ trợ một khoản kinh phí cho Ban văn học dân tộc hoạt động. Bên cạnh là Ban cần có một diễn đàn để nói lên tiếng nói của mình. Công tác phê bình cũng rất đáng được đẩy mạnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *