Ghi chép tháng 4-2011: Bàn tròn Văn chương ở Hà Nội & bạn thơ Quảng Ninh

1. Khám sức khỏe tổng quát. Bác sĩ kết luận: Ông tuy là nhà văn nhưng mà sức khỏe rất tốt. Buồn cười ở chữ “nhưng mà”. Nhà văn hay văn nghệ sĩ thường bị định kiến yếu sức khỏe, tôi thì ngược lại. Đây là châm ngôn của tôi ngay thời Trung học: “Mi không được quyền bệnh tật!”. Ra Hà Nội ngồi với nhà thơ Khuất Bình Nguyên và Lê Mạnh Tuấn cũng “trông Sara  khỏe thiệt nhỉ”. Tôi ậm ừ cho qua: mình Yoga từ tuổi hai mươi mà.

Nói chớ, vài tháng nay tôi nghe sức khỏe hơi bị… yếu. Yếu, nên mới đi hỏi thăm bác sĩ.

2. 21-4 bay ra Hà Nội.

Chiều 22 nói chuyện với Lớp Bồi dưỡng sáng tác trẻ Dân tộc Thiểu số Việt Nam, tại Văn phòng Cơ quan Hội. Nghe nói khóa có 15 người, nhưng chỉ còn 12 bạn ngồi lớp. Inrasara chung với Mã A Lềnh một buổi. Nhường cho nhà văn “già làng” người Mông này nói trước.

Tôi không nói về kinh nghiệm – tôi chẳng có kinh nghiệm nào để truyền lại cho các bạn cả. Tôi cũng không có cái gì để dạy ai cả. Tôi nói xung quanh 5 điểm chính:

– Thơ là gì? – Cả mấy ngàn năm rồi nhân loại cãi nhau về thơ. Họ sẽ cãi nhau đến muôn đời, có khi không trên nền tảng nào cả! Vậy làm thế nào để họ hết cãi nhau?

– Vấn đề thứ hai phải được đặt ra là: Có mấy loại nhà thơ? Có 3 loại: nhà thơ câu lạc bộ, nhà thơ tiếp hiện và nhà thơ sáng tạo. Phân biệt rạch ròi như thế, và khi các nhà thơ thuộc ba khu vực này không giẫm đạp lên nhau, không ngộ nhận ta đang ở lô khác trong khi ta đang cư trú tại lô này, thì hết còn cãi nhau. Mạnh ai nấy sống và viết. Còn tranh cãi nếu có, thì nó mang tính mĩ học ở cấp độ khác. Chúng thúc đẩy văn học đi lên.

– Về 5 trào lưu thơ Việt đương đại. Dường như các bạn trẻ (có người 30 rồi là gì) khá ngơ ngác về mấy vấn đề Inrasara đề cập. Tôi cảm giác đang nói với khoảng trống. Cũng không trách: có 90 phút để tôi thuyết thôi mà.

– Thơ trẻ Chăm so với các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam: mấy khác biệt chính. Lại là khía cạnh hoàn toàn còn quá mới và xa lạ với Lớp Bồi dưỡng này.

 

Nhưng buồn hơn cả là, ở đó quá ít câu hỏi. Ông Inrasara gần như nói một chiều, độc thoại, điều tôi vốn rất sợ. Trong khi tôi luôn sôi động và đầy hưng phấn, và tìm mọi cách gợi mở cho các cây bút trẻ dân tộc thiểu số học phản biện và tranh luận. Không sinh động như ở Khoa Sáng tác và Phê bình ở Đại học Văn Hóa – Hà Nội năm trước, càng kém sôi động so với không khí thơ Sài Gòn.

 

3. Sáng 23-4, làm Tọa đàm về tiểu thuyết Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam.

Tưởng chỉ có mỗi vụ này, ai dè Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam lèn thêm Văn học trẻ dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại.

Ừa, cũng tùy tình hình mà lo liệu.

Bên BCH Hội, Nông Quốc Bình vắng do chuyện họp hành, nhà văn Cao Duy Sơn ngồi chủ tọa. Còn thì Inrasara chủ trì và điều tiết chương trình.

Người tham dự nhiều thành phần đến khá hứng khởi, làm chật phòng họp chứa vừa đủ 30 người. Nhà văn Lê Minh Thảo, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Tỉnh Lào Cai, các nhà văn, nhà phê bình: Mã A Lềnh, Hoàng Quảng Uyên, Lâm Tiến, Trung Trung Đỉnh, Sương Nguyệt Minh, Phạm Duy Nghĩa, Đoàn Minh Tâm, Đoàn Hữu Nam… Rồi Đài Truyền hình Trung ương VTV cùng 12 anh chị em học viên Lớp Bồi dưỡng Sáng tác VHNT dành cho các tác giả trẻ dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Vào cuộc, tôi đề nghị Ba không: – Không đọc tham luận – Không nói lạc đề và ngoài lề – Không khen chê mà hãy định tính, định danh và nói có luận chứng để thuyết phục người nghe.

Mọi người hơi bất ngờ, vì lâu nay có ai làm thế đâu! Hội Nhà văn Việt Nam cứ như làm theo kiểu cổ điển, người này lên đọc rồi xuống rồi người khác lên – chán hết biết.

Tôi nói: – Chúng ta hay tập làm Bàn tròn, học làm việc theo cách mới…

Chính bởi quy ước “Không ngoài đề” mà tôi đã làm cụt hứng vài bạn văn. Đại đa số nhà văn Việt Nam muôn năm nói lung, mất 3-4 phút đồng hồ chỉ để… lạc đề. Trong khi chủ trì chỉ phân phối 5 phút cho nói, 7 phút cho thảo luận.

Rôi chuyện “Không đọc” nữa thế nào cũng có vấn đề! Bởi dù gì cũng có người cương quyết đọc tham luận cho bằng được. Như để mọi người thưởng thức văn chương của mình vậy. Có vị tiếc quá nên đã đọc không cho sót một chữ vàng ngọc do mình viết ra. Thế là tôi nói: – Bạn đã quá hạn quy định, thôi thì tiết mục này coi như là “độc thoại”. Và Bàn tròn chúng ta xin bỏ qua phần thảo luận. Thảo luận sao được, khi người tham luận chỉ muốn một chiều nói và nói.

Sao lại không thể tóm lược được ý mình nhỉ? Nhấn vào vài ý chính thôi, để mọi người còn nhớ và tập trung trao đổi.

Hội thảo Khoa học vào đầu thiên niên kỉ do Trung tâm Quốc học tổ chức tại Sài Gòn, gồm toàn nhà văn lớn, giáo sư, tiến sĩ nhưng cả 30 tham luận hầu như không ai không quá giờ đến nỗi chủ trì phải gõ mõ! Đến phiên tôi, vị chủ trì nhắc:

– Inrasara là nhà thơ, trẻ nữa, hãy thật ngắn gọn nhé.

– Lí công bằng, tôi cũng phải được dành 15 phút đồng đều như mọi người, tôi nói. Nhưng ngài miễn lo, tôi sẽ không quá 5 phút đâu. Mà đúng thật.

 

Cuối cùng, Tọa đàm cũng thành công ngoài mong đợi, – nghe đồn thế. Quan trọng nhất – Tất cả đều vui vẻ. Tiệc trưa, vài bạn văn đến bắt tay ông Sara đã bày ra trò này, và mong tương lai sẽ có nhiều cuộc như thế này hơn nữa.

Amen!

 

4. Cùng nhà thơ Vũ Bình Lục xuống Quảng Ninh với nhà thơ Trịnh Công Lộc. Con người ở đây làm cuộc dời non lấp biển lấn vào Vịnh Hạ Long tạo nên đường phố đẹp và thơ mộng. Sáng 26, anh Lộc đưa hai người qua huyện đảo Vân Đồn, Bái Tử Long. Trưa, ngài quan lớn ở Huyện đãi khách văn miền xa. Đậm tình. Anh vui tính giải thích món lạ: Xá sùng (giun biển).

Nhà thơ Vũ Bình Lục kể chuyện làng Phương Man, xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình – là làng Chăm. Anh giải thích “phương” là cỏ thơm, tốt; “man” trong nghĩa man [di], là làng có công với nhà Trần (Trần Hưng Đạo): đào giếng cổ, đắp thành lũy, và các công tác hậu cần… Con gái ở đây có đôi mắt ướt.

Anh dẫn câu ca dao:

Khi đi thì gió nồm nam

Khi về gió bấc cho cam tấm lòng

“Mắt ướt”, à mình nhớ ra rồi, đoạn thơ đầu trong bài thơ “Vô đề” của Tuệ Sỹ:

Đôi mắt ướt

tuổi vàng

khung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang…

 

Chiều 27-4 bay vào Sài Gòn. Chuẩn bị tham luận cho Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn tại Hải Phòng vào giữa tháng 5-2011 tới.

 

Sài Gòn, 2-5-2011

 

7 thoughts on “Ghi chép tháng 4-2011: Bàn tròn Văn chương ở Hà Nội & bạn thơ Quảng Ninh

  1. Anh Sara đưa ra “Ba không: – Không đọc tham luận – Không nói lạc đề và ngoài lề – Không khen chê mà hãy định tính, định danh và nói có luận chứng để thuyết phục người nghe” như vậy đúng là cá biệt.
    Ai mà chịu cho thấu. Nhà văn VN quen rồi. Lên đọc tham luận, ra ngoài lấy bìa thư rồi về. Đâu cần nghe ai nói. Mình nói xong rồi nghỉ thôi. Ai thích tiệc tùng thì ở lại.
    Người ta làm giả hết có mỗi anh ngây thơ làm… thiệt!!!

  2. “Cam kadop biak min”!, anh Nguyentho dùng từ rất rất hay!
    Đó mới là chất Cam drei!!! Tôi ủng hộ chủ nghĩa kadop.
    Bởi vì chỉ khi KADOP Chăm mình mới làm nên việc. Miễn là anh ta đừng làm hại ai. Đọc bài này tôi cứ tủm tỉm cười một mình. Một ông Chăm giữa đám ba quân mà đã thể hiện mình một cách kiêu ngạo như thế thì đúng là kadop. Chăm thường thì hay nói “likuk nha la bàng”, hay chỉ nói oai khí ở bàn nhậu. Vậy mà có ông Chăm kadop như ông Inrasara giữa sĩ phu Bắc Hà thì phải nói là hiện tượng chưa có. Và thành công nữa mới lạ chớ!
    Cám ơn Nguyentho

  3. Cả 3 ý kiến của bạn Nguyễn Anh Thy, Nguyen Tho, Người Quan Sát đều rất hay.

  4. Tôi không hiểu chữ “kadop” là gì, bạn Chăm nào có thể giải thích không?
    Theo ý các bạn, “người mở đầu” là kadop chăng?

    – Lâu nay báo VN hay “biên tập” bài, sửa ý tác giả mà không xin phép. Nhiều nhà văn chỉ than phiền, nhà thơ Inrasara là người đầu tiên lên tiếng rất mạnh mẽ về vấn nạn này.
    (Nguyễn Lệ Quyên (Bordeaux, Pháp) viết trên Tienve.org, 22-5-2007: “Hiện tượng này có lẽ đã xảy ra từ lâu và với nhiều người nhưng nay Inrasara mới lên tiếng. Chúng ta có nên hy vọng là việc lên tiếng của ông sẽ ngăn chận hay giảm bớt việc vi phạm lên “nhân quyền” ấy không? Có lẽ còn phải chờ xem mới biết được”)

    – Về việc xét kết nạp Hội viên vào Hội Nhà văn Việt Nam, lâu nay mọi người cứ làm, dư luận cứ lên tiếng. Đến nhà thơ Inrasara vào ngồi Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, lần đầu tiên anh lên tiếng rất mạnh mẽ, và đòi thay đổi cách làm.
    (Trần Đình Thu viết trên nhiều mạng khác nhau: “Trong nỗi dằn vặt lương tâm, nhà thơ dũng cảm Inrasara đã gián tiếp đặt câu hỏi cho quý Ban chấp hành rằng bao giờ thì chấm dứt thực trạng vớ vẩn này?”)

    – Hội nghị hay hội thảo, bàn tròn hay tọa đàm lâu nay nhà văn thường đọc tham luận (có hội mà không có thảo), nhà thơ Inrasara lần đầu tiên đề nghị và quyết thay đổi tình trạng này bằng hành động.

    Nếu đó có nghĩa là “kadop” thì chữ này hay quá.

  5. Anti-Inrasara
    Ông Lý Minh Tâm nói nghe được lắm. Inrasara nhiều “đầu tiên”, tôi biết quá đi chớ. Nhiều khám phá độc đáo về mặt văn học, ai mà không công nhận được. Ông còn là nhà phê bình hậu hiện đại đầu tiên nữa. Đâu đâu cũng nên cơm nên cháo cả, đáng nể nang cả. Đồng bào Chăm hãnh diễn lắm chớ! Nhưng bà con Chăm đang rất cần ông Inrasara nhiệt tình hơn với cộng đồng, tích cực hơn về nhiều mặt văn hóa Chăm mà tài năng trời phú cho ông. Tôi rất mong ông Inrasara để tâm nhiều hơn đến lợi ích thiết thực của cộng đồng. Chớ tài năng thiên phú ông dồn cả vào sáng tác văn học thì hơi phí. Ông Inrasara làm được nhiều việc cho dân tộc Chăm rồi, nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ đâu.

  6. Than ôi! Đọc các còm này tui thấy ai cũng có lý cả.
    Mà ông Sara làm như vậy, làm như ông từng làm cũng trúng nốt. Thế mới hay!
    Ông Sara làm nhiều việc chớ đâu ít ỏi gì. Nội chủ biên thành công Tagalau đến số 11 thì theo tui cũng là ký công rồi, chớ có đùa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *