(Cảm nhận khi đọc thơ của Inrasara)
“… tôi cho rằng Inrasara như một người tiên phong, một người đại diện cho dòng chảy thơ Việt không phải vì anh có nhiều giải thưởng cao quý chất lượng ở trong và ngoài nước mà ở thơ anh người ta thấy được sức sống mãnh liệt không hề bi lụy giống như tháp nắng kia có thể đổ nát theo thời gian nhưng hồn của tháp thì không thể.”
Tối qua khi cầm bút định viết ít dòng về cảm xúc của tôi khi đọc thơ Inrasara in trong tập Lễ Tẩy trần tháng Tư, trong đầu tôi bỗng vọt ra mấy câu thế này mà hoàn toàn không chuẩn bị trước. Không hiểu sao mấy câu đó cứ quẩn quanh trong đầu cho đến tận bây giờ:
Tôi không thấy Inrasara buồn
Tôi không thấy Inrasara cô đơn
Anh ấy làm thơ, hay nói đúng hơn viết sử bằng thơ
Kể về Dân Tộc mình
Một ngàn bảy trăm năm toả nắng
Và tháp Chàm vẫn ngân nga trong đêm vắng
Thầm thì với Inrasara để Inrasara làm thơ
Hồi còn nhỏ tôi nghe một bác nói thế này: Dân Tộc Cham là một dân tộc kỳ lạ, họ có nền văn minh sớm, thuyền chiến của họ đã mấy lần vào Thăng Long, tôi nghe và thấy thật ấn tượng. Năm 1977 lần đầu được đi dọc dải đất Miền Trung tôi đã đứng bên vài ngôi tháp cổ đọc thơ Chế Lan Viên. Rồi nhiều năm trôi đi kiến thức trong tôi về lịch sử Dân Tộc Cham dầy dần nhưng gần như không quen một ai đúng gốc Dân Tộc Cham và chưa biết những sáng tác văn học của người Cham hiện nay. Mấy năm gần đây thi thoảng đọc được một vài bài viết, thơ của anh Inrasara, cảm nhận đầu tiên là thấy phải lòng những toà tháp cổ .
Thơ Inrasara có chất hiện đại, hiện thực nhưng đặc biệt không ai có được trong thời buổi cắm đầu cắm cổ sống để mà sống như ngày nay đó là đậm những tư tưởng, tình cảm cổ kính, cổ như tháp quê anh, hình như tâm hồn anh quấn quýt quanh làng Cham mà nếu đưa anh sống trong thành phố làm công chức sáng đi tối về thì anh không thể.
Tôi rất sướng khi đọc bài: “Đứa con của Đất”, bài mở đầu trong tập Lễ Tẩy trần tháng Tư, anh vừa là người kể chuyện lịch sử vừa là nhà thơ:
Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn
Cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glang Anak
Ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết
Palei nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu.
Đọc những câu thơ trên tôi dám chắc một điều: không chỉ người Dân Tộc Cham thấy thân thương mà người Việt, người Lào, người Ấn Độ… cũng thấy thân thương.
Chính vì vậy tôi nói thơ Inrasara vừa cổ kính vừa hiện đại, bởi lẽ rất giản đơn lứa tuổi nào cũng hiểu, dân tộc nào cũng hiểu nhà thơ nói gì. Tôi bảo Inrasara viết sử bằng thơ cũng không quá đâu. Đọc thơ anh tôi thấy:
Tháp hoang
Người bỏ rơi – lịch sử bỏ quên
Bước chân thời gian thì nhớ.
Và:
Baranưng vỗ dội bờ dĩ vãng
Người nông dân buông mình vào mẫu số chung định phận
Trong bập bềnh những thế kỷ Ginang
Cũng không hẳn “người bỏ rơi, lịch sử bỏ quên” nhưng thật hay khi có: “bước chân thời gian thì nhớ”. Thời gian trong đó có lịch sử có muôn đôi mắt Cham. Tôi cho tư duy và tình cảm của nhà thơ thật cổ kính. Nếu có hỏi một cụ già tám, chín mươi tuổi: cụ ơi thời trẻ cụ có hay hát không? Chắc cụ sẽ trả lời như vầy: thời cụ khổ lắm làm sao có điều kiện mà hát chỉ nghe hát thôi rồi lẩm nhẩm hát theo.
Đúng rồi hát theo cũng là hát theo sau và song hành cùng thời gian là lịch sử, là Con Người có tách rời được đâu.
Bút pháp thơ Inrasara cũng không nằm ngoài tư tưởng tình cảm của anh với dân tộc mình và với các dân tộc khác. Qua đó thấy một Inrasara rất biết yêu.
Ỉnasara yêu rất yêu Dân Tộc Cham của anh, yêu đất, yêu rừng, yêu biển… Nơi Dân Tộc anh sinh sống có lẽ đã nhiều thiên niên kỷ, nhưng anh cũng yêu các Dân Tộc khác một cách chân thành không phải vì lấy lòng ai đó hay nói cho đúng đường lối. Anh viết giản dị thế này:
Rồi Người Việt từ phương Bắc tới
Lại yêu nhau nên xóm nên làng.
Lần gặp đầu tiên tôi nghe anh nói về văn hoá dân tộc Cham, anh có nhắc đến hai làng người Canh Cụ (anh giải thích tức là người Kinh Cổ) quan hệ mật thiết với Dân Tộc Cham. Tôi hiểu anh yêu văn hoá dân tộc mình sâu sắc hơn những người cùng Dân Tộc vì kho tàng kiến thức đồ sộ của văn hoá Cham thấm vào máu thịt anh tự nhiên như thể dân tộc anh chọn anh làm người nghiên cứu sử, nghiên cứu văn hoá, và viết truyện, làm thơ… Cho nên thơ anh nhiều sắc màu đời sống văn hoá và chất sử học.
Công bằng mà nói thơ Inrasara khó đọc đối với nhiều người nếu người đọc thiếu kiến thức về văn hoá dân tộc Cham và bảo thủ trong sở thích văn học.
Thơ anh ngẫu hứng, sáng tạo có tính hiện đại và hiện thực cao đôi khi phảng phất tình cảm của những người khổng lồ như Tagore tôi nói thế không có ý so sánh bởi vì đọc thơ anh tôi lại nhớ đến những câu thơ Tagore viết về các cô gái Ấn có đôi mắt đen, to trong veo.
Viết những dòng cảm nhận thơ của Inrasara thật khó trong một hai trang giấy mà nói được hết cảm nhận. Có thời gian tôi sẽ tìm hiểu thêm sâu hơn về thơ anh. Viết cho anh đọc chơi thôi, và tôi vốn không phải nhà phê bình, không phải nhà văn nhà thơ, yêu thơ anh thì viết chơi vậy thôi.
Mà này Inrasara cũng có những câu thơ của anh tôi không thích lắm đâu cũng có thể dùng tiếng Việt để chuyển tải tâm tư khó tránh khỏi lối mòn, ví dụ như anh dùng các từ: “hanh hao”, “xanh xao”… giống như bao nhà thơ Đất Bắc.
Hồi tôi còn nhỏ không hiểu sao trong nhà tôi có tập thơ: Cầu vào bản. Tập thơ này của nhiều tác giả là người của các dân tộc miền núi phía Bắc tôi nhớ vài bài, nhớ cả hoa văn trang trí trên bìa sách, dễ đến năm mươi năm ít đâu. Mấy năm gần đây đọc thơ của các nhà thơ gốc các Dân Tộc miền núi tôi thấy ít sự thay đổi cho dù cũng có nhà thơ có tài năng thật, đến khi đọc Inrasara tôi thấy dòng chảy của thơ Việt nói chung đã xuất hiện minh chủ hay nói cách khác: ĐÃ có người tiên phong trong tư duy, phong cách và thể hiện… Tôi không nghĩ Inrasara là nhà thơ chỉ của riêng Dân Tộc Cham mà anh còn là nhà thơ đại diện cho cả năm mươi tư Dân Tộc anh em sống trên dải đất hình chữ S. Có ai suy tưởng như anh thế này?
Người không học thấy tháp là tháp
Người có học thấy tháp vẫn là tháp
Thi sỹ thấy tháp là chim.
Thẳm sâu trong tôi mách bảo chim đây là linh hồn đấy nhà thơ thấy:
Thăm thẳm triệu bước chân lãng đãng vạn linh hồn
Tháp không có một linh hồn ngự trị mà có hàng vạn hàng triệu linh hồn bên tháp.
Rất thú vị khi tôi được biết Làng nơi Inrasara sinh ra có một Kut (nhà mồ) nơi chứa đựng cả hàng vạn người đã khuất chỉ trong mấy chục thước vuông đất.
Trở lại lúc nãy tôi cho rằng Inrasara như một người tiên phong, một người đại diện cho dòng chảy thơ Việt không phải vì anh có nhiều giải thưởng cao quý chất lượng ở trong và ngoài nước mà ở thơ anh người ta thấy được sức sống mãnh liệt không hề bi lụy giống như tháp nắng kia có thể đổ nát theo thời gian nhưng hồn của tháp thì không thể.