CẦN NHÌN LỊCH SỬ CHAMPA MỘT CÁCH TOÀN VẸN HƠN

Inrasara trả lời phỏng vấn RFA, 26-5-2015
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nee-a-view-integra-ab-cham-his-05262015072610.html
[Nhà thơ Inrasara:
“… nền hải sử của Champa đã bổ khuyết vào lịch sử Việt Nam. Hoặc là văn hóa biển của Champa nó làm đầy nền văn hóa Việt Nam. Văn học của Cham cũng vậy, có nhiều điều mà văn học Việt Nam không có. Ngoài ra còn các đặc trưng văn hóa khác như giếng vuông Cham… Tất cả đóng góp vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam.
… Tại sao lại sợ sự thật lịch sử? Lịch sử đã qua rồi, và khi Việt Nam bây giờ tạo thành một đất nước thống nhất như thế này, thì chúng ta học quá khứ để có thể nhận diện được thực tại hôm nay nó chính xác hơn và nó toàn vẹn hơn. Đó là tâm lý sợ hãi, một sự sợ hãi hoàn toàn không cần thiết. Nếu chúng ta giấu đi sự thật lịch sử, đừng nói là sự thật hôm nay, mà là sự thật hôm qua, nếu thế thì thì chỉ thiệt hại cho chúng ta. Chẳng những con cháu chúng ta không nhận diện được sự thật toàn vẹn mà chúng ta còn lừa dối thế hệ trẻ, theo tôi đó là điều đáng tiếc”]
*
Ngày 13 tháng 5/2015 tại Đại sứ quán Thụy sĩ ở Hà nội có diễn ra một cuộc hội thảo về văn hóa và lịch sử Champa do nhà thơ Inrasara trình bày. Kết thúc buổi hội thảo nhà thơ dành cho Kính Hòa buổi phỏng vấn sau đây. Đầu tiên ông nói về buổi hội thảo.

Nhà thơ Inrasara: Có thể nói là buổi nói chuyện thành công. Thứ nhất là lượng người tham dự, phòng họp nhỏ chỉ khoảng 60 người mà hết chổ, có người phải đứng bên ngoài. Thứ hai là đề tài hấp dẫn đối với các nhà văn, nhà báo, những vị đại sứ, những nhà trí thức ở Hà nội, về những điều mới, những điều chưa biết. Thứ ba nữa là những câu hỏi người ta đặt ra rất trí tuệ.

Kính Hòa: Những điều mà nhà thơ nói là chưa được biết là những điều gì ạ?
Nhà thơ Inrasara: Tôi đặt tên cho buổi nói chuyện là: “Người Cham đóng góp gì vào nền văn hóa đa dân tộc Việt nam?” Đó là đề tài mà ít được sách báo nhắc đến, nhất là sách báo chính thống. Ví dụ như nền hải sử của Champa đã bổ khuyết vào lịch sử Việt Nam. Hoặc là văn hóa biển của Champa nó làm đầy nền văn hóa Việt Nam. Văn học của Cham cũng vậy, có nhiều điều mà văn học Việt Nam không có. Ngoài ra còn các đặc trưng văn hóa khác như giếng vuông Cham, gốm Cham, ngôn ngữ, thổ cẩm, đương nhiên không thể không nhắc tới các đền tháp, các lễ hội và điệu múa, đóng góp vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam.

Kính Hòa: Theo chiều hướng đó thì nhà thơ có thấy rằng việc học lịch sử Cham, đặc biệt là lịch sử biển của dân tộc Cham ở Việt nam hiện nay là chưa đầy đủ không ạ?
Nhà thơ Inrasara: Đúng rồi, lịch sử chính thống ở Việt Nam chưa nhắc nhiều về người Cham. Chưa in sách nhiều về lịch sử Cham, nhất là nền hải sử của Champa xưa cũ. Người Cham đi biển sớm và đi xa, trong khi người Việt chưa có truyền thống viễn dương. Cho nên điều đó rất là cần thiết đối với lịch sử Việt Nam. Theo tôi biết thì những trí thức lớn, những chuyên gia cũng chưa nhận diện được hết sự đóng góp của nền hải sử Champa đóng góp vào sự toàn vẹn của lịch sử Việt Nam. Đó là một điều đáng tiếc.
Kính Hòa: Cũng có ý kiến cho rằng là thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay nên học ngoài các triều đại ở Thăng Long cũng nên học về các triều đại ở Đồng Dương, Bình định…
Nhà thơ Inrasara: Cái đó là hoàn toàn đúng vì nước Việt Nam ngày nay được hình thành từ hai Vương quốc cổ là Đại Việt và Champa, và một phần Thủy Chân lạp. Và mỗi Vương quốc có một nền văn minh riêng, chính điều đó làm cho nền văn minh của Việt nam nó giàu sang hơn. Cho nên nếu học lịch sử Việt Nam mà chỉ học các triều đại ở đồng bằng Bắc bộ, của Đại Việt, thì không đầy đủ và có thiếu sót rất lớn. Nếu thế, sinh viên Việt Nam sẽ hỏi là nước Việt nam hiện hình chữ S đầy như hôm nay, từ đâu ra, thì giáo sư sẽ trả lời như thế nào? Nếu mà trong sách giáo khoa, trong giáo trình không có những triều đại ở miền Trung như Đồng Dương, Vijaya, hoặc các triều đại ở miền Nam, thì nền sử học đó thiếu sót rất là lớn. Và nó tạo một lỗ hổng về sự nhận diện của thực tại Việt nam hôm nay.

Kính Hòa: Thế thì cái gì trở ngại làm cho chương trình sử Việt Nam chưa bao gồm các triều đại Champa hay [Thủy] Chân Lạp?
Nhà thơ Inrasara: Thứ nhất, quan trọng nhất là người ta sợ sự thật. Đó là một điều rất quan trọng. Tại sao lại sợ sự thật lịch sử? Lịch sử đã qua rồi, và khi Việt nam bây giờ tạo thành một đất nước thống nhất như thế này, thì chúng ta học quá khứ để có thể nhận diện được thực tại hôm nay nó chính xác hơn và nó toàn vẹn hơn. Đó là tâm lý sợ hãi, một sự sợ hãi hoàn toàn không cần thiết. Nếu chúng ta giấu đi sự thật lịch sử, đừng nói là sự thật hôm nay, mà là sự thật hôm qua, thì chỉ thiệt hại cho chúng ta. Chẳng những con cháu
chúng ta không nhận diện được sự thật toàn vẹn mà chúng ta còn lừa dối thế hệ trẻ, theo tôi đó là điều đáng tiếc.

Kính Hòa: Vài ngày tới đây tại California sẽ diễn ra một cuộc hội thảo về cộng đồng Champa trên toàn thế giới, trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Với tư cách một thành viên của cộng đồng Champa trong nước, nhà thơ nhận xét như thế nào về sự phát triển và sức sống của cộng đồng Cham trên toàn thế giới?
Nhà thơ Inrasara: Cộng đồng người Cham lưu vong là có suốt trong quá trình lịch sử, đi rất xa. Người Cham có sống ở Hải Nam bên Trung quốc, ở Thái Lan, Campuchia, Mã Lai, và sau 75 thì còn sống ở Mỹ và các quốc gia Tây phương, Người Cham vẫn nhớ về cội nguồn, vẫn tổ chức được đại hội toàn thế giới thì đó là một điều đáng mừng. Tôi có theo dõi nhiều đại hội khác nhau, mặc dầu ở những đại hội trước có nhiều trục trặc không nên, nhưng điều mà người Cham vẫn nhớ về nhau, để đoàn kết, để tạo thành một đại hội, hướng về nơi mà họ từng ra đi thì đó là điều rất vui sướng đối với tôi.

Kính Hòa: Cám ơn nhà thơ đã giành cho chúng tôi thời gian tực hiện cuộc phỏng vấn này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *