Tâm tình & Con người trong Tháp nắng

Tc.Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, số 04.1998.

Năm qua Hội Nhà văn Việt Nam chưa chọn được tác phẩm văn học nào (ấn hành năm 1996) để trao giải A. Nhưng vẫn có thể coi là năm được mùa của Văn học Dân tộc và Miền núi: Tập thơ Tháp nắng của Inrasara (dân tộc Chăm) đạt giải B, tập thơ Lều nương của Lò Văn Sủn (dân tộc Dáy) và tập truyện ngắn Những chuyện ở lũng Cô Sầu của Cao Duy Sơn (dân tộc Tày) được nhận tặng thưởng…

Sinh ra trong một nhà nông dân nghèo nhưng hiếu học, con đường học vấn của Phú Trạm – Inrasara rất suôn sẻ. Thế rồi giữa năm thứ hai Đại học Sư phạm, anh đột ngột bỏ về với thần khí phờ phạc. Những tưởng cuộc đời anh chim nghỉm ở đây. Nhưng, như loài cây xương rồng của quê hương, anh đã gượng dậy:

Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên

Rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ.

Nắng quê hương đã vực anh dậy. Làm đủ nghề để sống, đi khắp các làng Chăm để sưu tầm các bản chép tay, đọc cả ngàn cuốn sách để dựng nên toà lâu đài Văn học Chăm (3 tập) tôn nghiêm và quý giá, một công trình mà giáo sư Lafont (Đại học Sorbonne) đánh giá là “có giá trị lớn về mặt khoa học”, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu văn hoá cổ Champa nói chung.

Một dòng ca dao một câu tục ngữ

Nửa bài đồng dao, một trang thơ cổ

Tôi tìm và nhặt như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ

Tâm tình Chăm ở Inrasara thể hiện ngay trong việc làm của anh. Trên những nẻo đường dẫn đến quê hương, anh đau đớn cái đau đớn của ngôi tháp hoang, phế tích một thời huy hoàng:

Tháp hoang

Khi bất chợt bác tiều phu nhớ

Dân buôn lậu, nhà viết sử nhớ

Hồn tháp đã bay xa

Trong hiện đại cuộc sống quê hương, anh càng đau đáu. Yêu quê hương yêu đến từng con người, từng cảnh ngộ nên mỗi lầm lạc của người anh em luôn khiến anh bị dằn vặt:

Hành nghề thầy lang dạo cùng quê khắp chợ

Mình cầu hên mà ai phải gặp xui

Buồn tẻ, đớn hèn, khốn khổ… Inrasara dám chấp nhận và biết chấp nhận. Để từ đó vượt qua định phận. Đoạn đầu bài “Ngụ ngôn của Đất”:

Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm

Có bao lăm, kẻ đọc, rồi sẽ còn ai nhớ?

Nhưng tôi muốn phí cả đời mình cho nó

Dù chỉ còn dăm ba người, dù chỉ còn một người

Hay ngay cả chẳng còn ai

Hơn ai hết Inrasara ý thức cái xuẩn động của tinh thần dân tộc hẹp hòi: “Ta không thể bay cao khi lòng ta còn trì nặng sâu mọt căm thù”. Như có lần anh nói với tôi là người Chăm không biết căm thù. Giận thì có nhưng không căm thù. Không một dòng thơ nào trong văn chưưng Chăm mang tâm thức căm thù hận. Do vậy nghiên cứu tinh hoa cha ông mà không để “hố hang quá khứ” cản bước tiến của mình là cái mâu thuận của anh.

Po Klong, Xah Bin xin tháp ngọn nến, nén nhang

Hãy canh chừng hai buồng phổi ta thiếu ôxi bởi khói.

Và hình tượng đẹp nhất trong thơ:

Năm mươi tư đứa con, năm mươi tư khuôn mặt, năm mươi tư nỗi đời

Như năm ngón tay trên bàn tay có ngón ngắn, ngón dài…

Năm ngón thu vào tạo sức mạnh nắm tay…

Không phải đợi đến khi Tháp nắng được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam người Chăm mới tìm đọc nó. Chúng tôi đã đón nhận ngay khi nó vừa ra khỏi nhà in, và có người còn thuộc nó từ trong bản thảo.

Tôi chỉ là một người bình thường với những hiểu biết bình thường về văn chương chữ nghĩa, thế nhưng loạt công trình nghiên cứu và sáng tác của Inrasara đã đánh động tâm thức của tôi. Dù Tháp nắng vượt ra khỏi sự hiểu của vài đối tượng, nhưng tất cả đều nhận từ nó một sức lôi cuốn không thể cưỡng. Một giọng thơ riêng, một hơi thơ như cơn giông miền duyên hải cuốn hút ta.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *