“Cham không cần đẻ cho thật nhiều, mà cần sản sinh con người như là con người
Con người Cham với: Thân thể khang kiện – Trí tuệ minh mẫn – Tinh thần mạnh mẽ – Tâm hồn hòa ái
Ta là Cham, đồng thời là công dân thế giới. Ta là sinh thể mang tên Con Người – ở đây trên mảnh đất này giữa vũ trụ.”
Ở phạm vi Đông Nam Á, định mệnh Cham không khác gì Do Thái. Có điểm chung giống nhau, đặt cạnh nhau để đối sánh, là cần thiết. Vả lại Cham cũng hơi… thông minh, chỉ thua kém Do Thái chút chút.
Hãy nhìn dân tộc Do Thái, họ có nhiều đâu! Vậy mà…
Tính riêng thế kỉ XIX-XX thôi: Einstein, Freud, Marx tác động đến lịch sử thế giới bằng chính trí tuệ của mình thế nào, chú tâm xíu không ai không biết. H. Bergson, “một trong những nhà triết học có ảnh hưởng nhất trong thời đại của ông”. E. Durkheim, cha đẻ của ngành xã hội học hiện đại. C. Funk, người khám phá ra các vitamin. Levi Strauss, người tạo nhãn hiệu Levi’s, biểu tượng của địa vị và tự do.
Ở lĩnh vực văn học, không kể các văn hào tầm Franz Kafka, Marcel Proust, chỉ tính các nhà văn Nobel cỡ Salinger, Pasternak Do Thái sở hữu đến chục người! Bên thơ ca, H. Heine là “nhà thơ trữ tình vĩ đại nhất của Đức thời kì Lãng mạn”.
Không ở đâu mà trí tuệ Do Thái không có mặt, họ luôn luôn nghĩ ra cái mới cho thế giới.
W. Steinitz, đấu thủ cờ vua đầu tiên được công nhận là nhà vô địch thế giới, nhà sáng lập ra các nguyên lí chơi cờ hiện đại. D. Mendoza là nhân vật có ảnh hưởng sâu xa trong sự phát triển của môn Quyền Anh khoa học. E. Goldman phát triển thuyết nữ quyền đạt đến sự “giải phóng thực sự”. S. Spielberg làm “những bộ phim thu hút được nhiều khán giả hơn các bộ phim của bất cứ đạo diễn nào khác trên thế giới”. S. Koufax là ngôi sao bóng chày đưa ra những cú ném bóng đường cong độc nhất vô nhị.
B. Berenson, là “nhà phê bình nghệ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử và chắc chắn là người quan trọng nhất trong việc đánh thức nhận thức về thời kì Phục hưng Ý”. Đôi bạn J. Siegel và J. Shusste tạo ra nhân vật hư cấu nổi tiếng: Siêu nhân, đồng khai trương ngành công nghiệp mới trong thể loại văn học mới: truyện tranh.
Còn danh họa Chagall, vượt ngoài những cấm đoán trong Kinh Thánh về nghệ thuật diễn tả [nghĩa là bứt ra khỏi áp lực của taboo thâm căn cố đế từ truyền thống cộng đông], thời kì đầu của ông tạo ấn tượng phi thường, độc nhất vô nhị trong sự truyền cảm hứng, nó còn hơn cả nghệ thuật đơn thuần. Riêng Sarah Bernhardt với biệt danh “Sarah thần thánh”, trong thời đại bà chắc chắn có nhiều nhân vật sân khấu vĩ đại, nhưng không một ai trong số họ có ảnh hưởng rộng rãi trên thế giới như bà”. (trích dẫn và tham khảo từ Micheal, 2000, 100 người Do Thái nổi tiếng, NXB Lao Động).
Danh sách nhân vật và thống kê về sáng tạo của Do Thái đóng góp cho phồn vinh thế giới dài đến… vô tận. Họ Do Thái, và họ thế giới.
Cham, tại sao không?