(sinh viên Nhật thăm Nhà Trưng bày VH Cham Inrahani – Chakleng, 2013)
[Thà đốt lên một ngọn nến nhỏ hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng đêm – Better to light one small candle than to curse the darkness]
“Bị đè nén, bị đối xử bất công – ta dũng cảm phản kháng, nhưng phải thật thông minh và trí tuệ
Chớ tin vào bạo lực dưới bất kì hình thức nào
Ta quyết liệt, nhưng ta không cực đoan
Ta sử dụng bản thân, chứ không hi sinh tánh mạng người khác để chứng thực chân lí
Căm thù chỉ vẫy gọi căm thù.”
Tuyên ngôn muộn có muộn không? – KHÔNG.
Nhóm Hồi giáo cực đoan nghĩ họ nắm chân lí. OK, không ai cãi lại bạn cả. Nhưng nếu bạn giết hàng loạt sinh linh để chứng thực chân lí đó, là bạn chống nhân loại rồi. Các nhà sư Tây Tạng ngược lại, họ cương quyết chống nhà cầm quyền Trung Quốc, họ nghĩ họ ở về phía chân lí. Để đánh thức lương tâm nhân loại, họ tự thiêu như là cách sử dụng chính tính mạng mình để chứng thực chân lí đó.
Bạo lực chỉ kêu đòi bạo lực. Căm thù chỉ vẫy gọi căm thù.
Glơng Anak nói: Drei tacei wơk ka drei (Ta chỉ chỏ vào chính ta), nghĩa là khi ta đưa một ngón tay chỏ vào người, thì sẽ có ba ngón tay còn lại của chính ta đâm thẳng vào ta [các bạn làm thử đi!].
Bị đè nén, bị đối xử bất công mà cứ ngậm tăm, là nhát. Nhát quá thành hèn.
Cần phản kháng. Phải phản kháng. Vậy đâu là biết “dũng cảm phản kháng, nhưng phải thật thông minh và trí tuệ”?
Tuyên ngôn muộn có muộn không? 4
“Vô ích, chúng ta mãi phát tán ý tưởng qua mênh mông trận tán gẫu, cãi cọ
Thậm vô ích, chúng ta đang hủy hoại năng lượng tuổi trẻ vào bạt ngàn rượu bia, hàng ngày.”
Báo Thể thao & Văn hóa ngày 10-2-2015: “Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á, thứ 3 châu Á và là một trong 25 nước uống bia nhiều nhất thế giới. Một cường quốc bia…”. Lưu ý thêm: nhà báo còn chưa làm đối sánh về trọng lượng cơ thể người Việt Nam với dân châu Âu, để xếp hạng.
Tuyên ngôn muộn có muộn không? – vẫn KHÔNG.
Thời tôi thiếu niên, cả palei Chakleng chưa có tới 5 ông uống rượu, trong 5 ông này có mỗi ông say xỉn. Nay thì khác: cả làng tìm 5 ông không biết tới rượu bia, thì hơi khó. Lớn lên, chiều tối sau trận bóng đá, đám con gái nấu cho chúng tôi xoong chè. Ăn với hát hò, là xong. Nay, sau trận đấu, là thùng bia, hẻo lắm thì chai rượu. Còn lực đâu mà đấu với đá.
Còn tán gẫu với cãi cọ thì chúng ta mênh mông rồi. Trên facebook, và trên bàn… nhậu.
Đâu là học biết “nhịn” để tạo và tăng năng lượng? Đâu, giú mình trong bóng tối vô danh để bật lên vào ngày mai?
Xin trích lại đoạn văn viết thuở 20 (không phải đóng thùng dạy dỗ anh chị em hôm nay, mà viết, như để răn đe chính mình thời chưa xa ấy):
“Chúng ta đang tàn phá sinh lực tinh túy nhất của chúng ta, hằng ngày!
Thật hiếm hoi con người tuổi trẻ hôm nay chịu nghe trong im lặng hơn là ba hoa ồn ào. Càng hiếm hoi hơn nữa con người tuổi trẻ của ngày hôm nay chịu suy tư trong cô độc hơn là thích làm nổi bật mình nơi đám đông.
Nếu có con người tuổi trẻ như thế, chắc chắn hắn không phải là quái thai của tuổi trẻ mà là tuổi trẻ cư trú trong chiều kích sâu thẳm hơn.”