Tuyên ngôn muộn có muộn không? 1 & 2

OnggiaCham.4-Jaka
“Hãy ngưng mọi than thở, trách móc
Vứt bỏ mấy đố kị nhỏ nhoi, ném hết mấy tranh giành hèn mọn
Nhìn lại mình, dõi theo từng động tĩnh tế vi nhất diễn ra nơi tâm thức mình.”

Tuyên ngôn muộn có muộn không?
– KHÔNG! Với Cham thì không bao giờ muộn cả. Mươi năm qua:
1. Chúng ta từng than thở: khổ lắm, mình bị hiểu lầm, bị đối xử bất công ghê lắm; từ đó mình mang mặc cảm yếu kém và bất lực…
2. Chúng ta từng trách móc và tố cáo: người nọ phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc, kẻ này hèn nhát và nịnh bợ, anh kia là chó săn…
3. Chúng ta từng có tâm lí đố kị, ta nói xấu kẻ có vẻ giỏi hơn ta, ta tranh giành ngôi vị số 1, ta chê bai và ta xuyên tạc ai đó…
HÃY NGƯNG LẠI – NHÌN SÂU VÀO TÂM THỨC MÌNH. Và hỏi…
Ta có từng hèn nhát và đố kị không? – Có!
Ta có từng nói xấu sau lưng người thành công hơn ta không? – Có.
Ta có lần xuyên tạc kẻ tài hơn ta không? – Có.
Vậy, hãy ngưng lại ngay tức thời – nhìn sâu vào tâm thức mình. Đừng phê phán đó là thứ tâm lí xấu xa đáng bị loại bỏ. Cũng đừng đàn áp nó. Chỉ NHÌN nó thôi. Dõi theo từng động tĩnh của nó.
THẤY & HIỂU, nó sẽ vong bặt, biến mất ngay tức thời.
Pabak Sang-40
*
“Môi trường nông thôn Cham đang bị đô thị hóa, nếp sống truyền thống sắp nghiêng đổ
Nam nữ thanh niên Cham tản mác vào thành phố, hiện tượng tha hóa là không thể tránh
Dự án Nhà máy Điện hạt nhân ở hai đầu Ninh Thuận nguy cơ xóa sổ sinh linh từng cư trú trên vùng đất văn hóa ngàn năm này
Đâu là lối thoát?”

Tuyên ngôn muộn có muộn không? – KHÔNG.
Sáng nay 9-2-2015, VTV1 đưa tin vài năm qua, 38.000 người dân tộc thiểu số [chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc] tràn vào/ lên Tây Nguyên, con số di dân hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch. Họ chủ yếu sống ven rừng, hay trong mảnh rừng vừa bị tàn phá. Môi trường buôn làng dân tộc thiểu số Tây Nguyên từng bị phá vỡ nát bấy vài thập niên qua, qua số dân di cư tùy nghi này, nó rách bươm không cơ cứu chữa. Văn hóa truyền thống các dân tộc về đâu?
Môi trường nông thôn Cham hôm nay cũng chẳng hơn gì.
Nam nữ thanh niên Cham tràn vào thành phố lớn kiếm sống, là điều không thể tránh. Tốt nữa. Nhưng họ đã chuẩn bị gì? Về tri thức khoa học kĩ thuật, về văn hóa thành thị, về cộng đồng mới… Rồi khi họ mang mấy nếp sống xa lạ thâm nhiễm được từ vùng đất xa lạ ấy về palei, mâu thuẫn và đối kháng thế hệ và văn hóa là khó tránh. Làm sao hóa giải và hòa giải? Còn không, nếp văn hóa truyền thống?
Rồi thế hệ đứa con lai [chủ yếu là Kinh – Cham] ra đời. Đâu là căn cước của bọn trẻ văn hóa thứ ba ấy (Third Culture Kids)? Lớn lên khi đủ hiểu biết, đại bộ phận họ xu hướng hướng tâm (khai dân tộc Kinh); và có thể trong đấu tranh sinh tồn, họ tạm quên đi nguồn cội; nhưng trong giây phút chểnh mảng giữa khoảng sống, họ sực nhớ. Và nghĩ… họ là ai? Họ về đâu? Họ sẽ chìm, chênh vênh giữa vùng sương mù mặc cảm, hay sẽ trồi lên, ai biết được?
Cuối cùng Dự án Nhà máy Điện hạt nhân? Tất bật cuộc sống thường nhật, Cham có quên đi. [Hay cố quên đi?] Làm sao mà quên? Khi nỗi đe dọa sờ sờ đó…
Đâu là lối thoát?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *