Inrasara: NHÀ VĂN BÁN SÁCH, TẠI SAO KHÔNG?

báo Tuổi trẻ, 18-9-2014

Ban Sach qua Mang01Nhà văn làm ra một tác phẩm, không khó. Mở cửa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xin được cái giấy phép càng không khó, nếu bản thảo kia không vấn đề. Vấn đề gây cấn nhất, không phải là in, mà là bán được sách.

In sách không khó, nhất là với tác giả đã nổi tiếng. Tác phẩm luôn được công ty sách chờ đợi với khoản nhuận bút hậu hĩ: 10-12% giá bìa ở lần in đầu tiên. Sách bán hết, hai bên thương thảo về số lượng in cùng nhuận bút kì tới. Cứ thế…

Còn tác giả không hay chưa nổi tiếng, có thể tự bỏ tiền ra in. “Đứa con tinh thần” vẫn có mặt trên trần đời. Sống khỏe hay chết yểu tùy thuộc vào sức khỏe của nó. 1.000 bản, 500 hay thậm chí – chỉ cần 200 bản tặng bạn bè. Không vấn đề gì cả. Câu chuyện ở đây là làm sao có thể thu hồi vốn, nếu tác giả tự bỏ tiền ra in sách mình? Chuyện nhà văn đi bán sách nảy ra từ đó, với những biến tướng thú vị lẫn não lòng.

Các nhà văn có tiếng với quan hệ rộng, chỉ cần vận dụng sự quen biết, là sách dễ dàng đến tay bạn đọc, việc thu hồi vốn không khó. Nhà văn chưa tên tuổi thì đi gõ cửa các nhà sách, thậm chí các đại lí sách báo vỉa hè để kí gửi tác phẩm với giá chiết khấu trên trời: 40-50% giá bìa, có đau tới đâu cũng chịu. Trong khi đó, “đứa con” rút ruột ấy phải chịu nằm lẫn lộn với hàng trăm tác giả khác, còn bán được hay chăng cứ phó mặc cho duyên phần.

In tập thơ Hành hương em (1999), tôi đã từng làm như vậy. Nhờ bạn văn mang 50 bản kí gửi ở nhà sách thành phố nọ, ba năm sau tôi ghé hiệu sách quyết toán. Cô nàng phụ trách nhoẻn miệng cười thật tươi: – Thơ anh bán được lắm.

Tôi cũng nhe răng cười đáp lại: – Hay quá!

Đến mục quyết toán, cô nàng tính: 50 cuốn, bán được 34, còn 16 anh kí gửi tiếp hay lấy về?

– Bấy nhiêu thôi à? – Tôi hỏi. Có lẽ giọng tôi khá lạ, nên cô nàng mới ngớ người ra:

– Ôi ông anh ơi, có nhà thơ kí 30 cuốn, cả năm vẫn nằm nguyên cục, ông anh được như thế là nhất rồi đó.

Và tôi hiểu ra.

Hoàn cảnh là thế, cho nên có bộ phận nhà văn thông qua kênh bạn văn để lưu hành sách. Rất tiện: sách đến đúng địa chỉ cần đến, lợi mọi bề. Dẫu sao, lối làm này cũng đã xảy ra nhiều sự cố tréo ngoe: đại đa số bạn văn tâm lí thích được tặng hơn bỏ tiền ra mua sách. Câu chuyện một nhà thơ nữ ôm thơ đi bán dạo, đã trở thành giai thoại cười ra nước mắt. In tập thơ, nhà thơ nữ này nhờ ông Đại biểu Quốc hội nọ viết Lời giới thiệu in trang trọng ngay ba trang đầu. Tưởng thế là có được điểm “tựa” ngon lành, ai dè rủi thay, đi phát hành đụng phải ông bạn văn khó tính:

– “Tôi sẽ mua giá bìa 20 cuốn, nếu cô chịu xé bỏ đi “lời tựa” nhếch nhác kia”.

Nhưng làm sao mà xé?! Yêu nhau thế bằng mười phụ nhau rồi là gì.

Đó là mấy cách làm cổ điển. Thời đại văn hóa internet có khác. Không riêng gì người làm kinh tế, mà cả kẻ mang danh sáng tạo văn chương cũng biết vận dụng triệt để phương tiện này để bán hàng. Nhà thơ mới trình làng Nguyễn Phong Việt nhờ tiếp cận trước đó với độc giả trên Facebook, mà thi phẩm đầu tay Đi qua thương nhớ (Nhà xuất bản Văn học & Cty Sách Phương Nam, 2013) 10.000 bản đã bán hết veo chỉ trong 50 ngày phát hành, là sự kiện gây chấn động dư luận văn giới. Chưa đề cập đến chất lượng, mà chỉ nhấn vào “nhà văn bán sách”, thì ta thấy đó là cách làm kinh tế rất đáng nể của nhà văn hôm nay.

Thơ mà đạt đến con số đó, phải công nhận là… kỉ lục!

Vừa qua, tôi cũng đã thử học đòi cách làm này của thế hệ @. Không phải với thơ, mà là tác phẩm nghiên cứu – phê bình, là thể loại cứng đầu mươi lần hơn. Lạ, kết quả rất khả quan! Bỏ tiền ra in 2 cuốn Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say (Nhà xuất bản Thanh niên, 2014) và Nhập cuộc về hướng mở (Nhà xuất bản Văn học, 2014) với 600 trang in, tôi bố cáo trên Facebook rằng: độc giả nào có nhu cầu, xin chuyển tiền vào tài khoản…, sách sẽ được gửi đến tận địa chỉ… Và, chỉ trong 15 ngày, hơn 300 bộ sách đã được phát hành qua bưu điện. Không tiện sao? Số sách còn lại, với độc giả không sử dụng internet, chúng được kí gửi ở nhà sách, theo cách thức truyền thống. Tân cổ giao duyên như vậy, là một kinh nghiệm không phải không đáng truyền đạt.

Ngày mai, người viết văn, làm thơ sẽ còn nghĩ ra nhiều cách làm khác nữa, chắc chắn thế.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *