Inrasara: Tại sao tôi không cãi lại với Anh Chi?

1. Cuộc thảo luận – trao đổi về thơ Việt đương đại trên báo Nhân dân cuối tuần, từ số 13-2013, đã khép lại ở số 23-2013. Tòa soạn khép lại, dù ở đó Anh Chi đã có những phát ngôn rất ư là sai trật về tôi. Tôi vẫn có thể “trao đổi” lại trên web cá nhân, hay đâu đó. Nhưng tôi đã không. Đơn giản, trao đổi đang bị chệch hướng. Từ “chuyên môn”, tôi bị kéo lôi sang lãnh địa “đạo đức”, và biết đâu – sẽ bị chuyển lên mảnh đất chánh trị – như nhiều nhà phê bình ta thời gian qua đã – nữa không chừng. Nên tôi đã ngưng.

Thêm lí do khác tôi tự ngưng là, ý chính ở ba bài trao đổi của tôi: Nhà phê bình dị ứng với/ không thấy cái hay của thơ thuộc hệ mĩ học mới, xuất phát từ 2 nguyên do. 1. Họ chưa được trang bị tri thức về hệ mĩ học mới đó, 2. Cạnh đó, trở ngại còn do gu thưởng thức của họ. Rất ư là rõ ràng. Do đó tôi đề nghị phương pháp “phê bình lập biên bản’. Phê bình lập biên bản là phê bình “đi vào trong” hệ mĩ học sáng tạo của tác giả để nhận định về tác phẩm của tác giả đó.

Trong 3 bài trao đổi, tôi đã đưa ra các minh chứng: Nhiều nhà phê bình không thấy cái hay của thơ hiện đại, do họ chưa được trang bị tri thức tối thiểu về hệ mĩ học hiện đại. Và ngay Anh Chi – dù có thể đã được trang bị, nhưng do anh chỉ dừng lại ở gu cổ điển, lãng mạn hậu thời hay cách tân từ thơ cũ các loại… nên anh đã không đọc được thơ Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều… Anh Chi đuối lí về mệnh đề chính, đã quay sang bắt bẻ tôi mấy tiểu tiết. Lại bắt bẻ sai.

Chính tại đây, lí do thứ ba khiến tôi ngưng trao đổi là, dường như Anh Chi và tôi đang dùng thứ tiếng Việt rất khác nhau.

*

Sự thể kết thúc đã qua ba tháng, lẽ ra nên cho chìm xuồng đi là vừa, thế nhưng vừa qua, do một bạn văn bức xúc, yêu cầu tôi minh giải. Thế kẹt – tôi xin minh định như sau.

Ngoài phần Anh Chi ưa đổ lỗi cho tôi, như “Inrasara viết lý luận phê bình theo cách rất hay kết luận mà không cần chứng minh gì cả, chẳng hạn: ‘Kinh nghiệm đọc của Nguyễn Hiến Lê với nhóm Sáng tạo là bài học nhỡn tiền’”.

[Có 2 lí do tôi không đưa chứng minh ở đây. 1. Báo Nhân dân cuối tuần không là báo chuyên, nên không yêu cầu cao về ‘văn hóa chú thích’, 2. Về sự đọc sai dẫn đến nhận định sai, Nguyễn Hiến Lê đọc Sáng Tạo là ví dụ rất điển hình: một học giả sáng giá vẫn có thể không tiếp nhận được sáng tác mới lạ. Đây là điều ai cũng biết, nếu không, cứ lên Google tìm là ra, cho nên tôi nghĩ chú thích là hơi thừa. Còn nếu Anh Chi muốn, tôi xin dẫn lại:

“Thời đó có một nhóm nhà văn trẻ ở Bắc di cư vào lập nhóm Sáng Tạo muốn làm một cuộc cải cách, nhưng họ không đủ kiến thức, tài năng… mà cũng không sâu sắc, vì họ ít đọc sách báo ngoại quốc; và đả đảo lối viết của nhóm Tự lực trước kia, mà người cầm đầu Sáng Tạo – Mai Thảo – lại có bút pháp cầu kì, “làm duyên làm dáng”, không hợp thời chút nào, chính bọn họ cũng không theo. Rốt cuộc chẳng gây được tiếng vang nào cả” (Nguyễn Hiến Lê, Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, chương XXVII, vnthuquan.net).]

 

2. Tạm dẫn 3 điểm để minh định.

+ Tôi viết: “Một nền văn học lành mạnh khi mọi trào lưu văn chương được đối xử công bằng. Thái độ công bằng cần thiết của độc giả chuyên nghiệp (nhà phê bình) là tránh đồng hóa mọi sáng tác dị hợm (không thuộc hệ mỹ học truyền thống) vào các loại thơ cách tân để chê trách nó. Họ cần từ bỏ chấp nê vào hàng đống bài thơ “cách tân” kém để quy trách trào lưu này “mang tính phá hoại”, phản (chuyển động)“.

Anh Chi bình luận: “văn lý luận phê bình của anh rất không bình thường. Anh muốn cả nền phê bình Việt Nam hiện nay phải lành mạnh và xử sự công bằng, như anh chăng?!

– Xin đơn cử trường hợp duy nhất là thơ hậu hiện đại. Thơ hậu hiện đại Việt đã qua 12 năm sóng gió, với hàng trăm tác giả cùng hàng vạn bài thơ ra đời. Chưa đề cập đến thái độ của các nhà phê bình chính thống với thơ hậu hiện đại, chưa đòi hỏi có bao nhiêu số chuyên đề về hậu hiện đại, chỉ xin hỏi: Suốt thập niên qua, có bao nhiêu bài thơ hậu hiện đại Việt được hân hạnh có mặt trên báo Văn nghệ hay tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam? Rồi cả thơ tân hình thức Việt… nữa?

Chúng ta đã xử sự “công bằng và lành mạnh” với sáng tác thuộc hệ mĩ học khác ta như thế đó!

Anh Chi xem như thế là lành mạnh và công bằng hay anh cố tình không nhận ra sự thực kia?

 

+ “Inrasara nhận xét về bạn đọc: “Trong khi học sinh trung học thời Tiền chiến đã [được chương trình Pháp chuẩn bị để] làm quen với thơ La-mác-tin (Lamartine), Muy-xê (Musset), Răm-bô (Rimbaud)…; còn ở ta 20-30 năm qua, ngay sinh viên Ðại học khoa Văn vẫn còn xa lạ với các trào lưu lớn đang xảy ra trên thế giới… “.

Anh Chi bình luận: “Thưa nhà thơ Inrasarra, cháu tôi cùng một số bạn của cháu, đang học lớp 11, đã rất thích đọc qua bản dịch hoặc qua Anh ngữ các tác phẩm của Ca-muy (A. Camus), Tô-mát Man (Thomas Mann), Xtăng-đan (Stendahl), Các-pen-ti-ê (A. Carpentier), Mác-két (G. Marquez), Ya-xu-na-ri (Kawabata Yasunari), A-bê ( Kobo Abe), Ô-e (Kenzaburo Oe), Mu-ra-ka-mi (Haruki Murakami)…, đó là những đại biểu lớn của những trào lưu văn chương lớn trên thế giới. Xin thật lòng nói với Inrasara rằng, cách phê bình của anh dễ khiến người đọc cảm thấy bị coi thường.”

– Tôi bảo Anh Chi và tôi đang nói thứ tiếng Việt rất khác nhau là vậy.

Tôi viết một đằng: học sinh trung học thời Tiền chiến đã [được chương trình Pháp chuẩn bị] làm quen với thơ lãng mạn, thế nên họ dễ dàng tiếp cận với sáng tác lãng mạn Việt, khi Thơ Mới xuất hiện. Còn Anh Chi nói một nẻo: “cháu tôi đang học lớp 11 đã rất thích đọc” các tác phẩm…

Hoàn toàn khác. Thứ nhất, chuẩn bị ở trường học có chương trình với sự hướng dẫn của thầy giáo thì khác cả trời vực với “rất thích đọc” một cách đơn lẻ. Cá nhân tôi đã đọc Gide, Sartre, Camus, Hemingway… ngay từ lớp 6, nhưng mãi tuổi 20 vào Sài Gòn, khi “tự đào tạo” về triết học và mĩ học hiện sinh, tôi mới yêu được Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền… Khác thứ hai là, thực tế học sinh Trung học Việt Nam hiện nay không biết tí ti về hậu hiện đại, thì chuyện họ không thể tiếp nhận sáng tác hậu hiện đại là điều không lạ.

Đó là lỗi của chương trình giáo dục, chứ đâu phải ở người đọc. Vậy mà Anh Chi bảo tôi “coi thường người đọc”! Hay Anh Chi muốn sinh viên Đại học ta muôn năm xa lạ với Thơ Ngôn ngữ Hoa Kì, Tân Hình thức, hay các trào lưu hậu hiện đại đang diễn ra trên khắp thế giới sao…?

 

+ Anh Chi nhận định: “để tỏ rõ tầm quan trọng của hệ mỹ học, anh viết: “Vào phòng tranh cổ điển, ta dễ dàng phân biệt đâu là bức đẹp/ xấu. Nhích chân bước sang phòng tranh lập thể bên cạnh thôi, nếu chưa được trang bị kiến thức căn bản về mỹ học lập thể, thì ta ỡm ờ là cái chắc”. Không biết Inrasara có giỏi về mỹ thuật không, nhưng điều tôi thấy qua văn lý luận của anh là, anh tỏ ra coi thường công chúng mỹ thuật ta!”.

– Lại “coi thường công chúng mĩ thuật ta”!!!

Đó là chuyện xảy ra với cả thế giới, đâu riêng gì ở “ta”? Công chúng nghệ thuật Nhật, NẾU chưa biết gì về mĩ học lập thể, thì chuyện họ không thể thưởng thức tranh lập thể, thì đâu có lạ??? Bản thân Anh Chi có khác đâu. Anh chưa trang bị tri thức mĩ học hậu hiện đại, anh dị ứng hay hoàn toàn mù trước “Tôi là cột điện” của Lê Anh Hoài là cái chắc; trong khi tôi coi đó là tác phẩm độc đáo nhất của năm. Cá nhân tôi cũng đâu khác gì anh, đọc các sáng tác của Nguyễn Hoàng Nam ở tạp chí Thơ (Mỹ) vào những năm cuối thế kỉ trước, tôi mù tịt; mãi khi “tự đào tạo” và nghiền ngẫm về mĩ học hậu hiện đại qua tác phẩm lí luận của Nguyễn Hưng Quốc, Derrida, Deleuze, Baudrillard… rồi đọc chúng lại, tôi mới thấy đó là những bài thơ rất xuất sắc.

Có ai hiểu đoạn văn trên là “coi thường công chúng mĩ thuật ta” như Anh Chi không?

 

Hai lần cáo giác tôi “coi thường người đọc”, “coi thường công chúng mĩ thuật ta”… hai lần Anh Chi đẩy tôi từ mảnh đất văn học sang lĩnh vực đạo đức. Nếu tôi còn trao đổi, anh sẽ đẩy tôi rớt vào miền đất nào nữa đây? Thái độ trao đổi học thuật như thế, hỏi có ai còn hơi sức đi cãi không?

 

Sài Gòn, 18-8-2013

 

 

8 thoughts on “Inrasara: Tại sao tôi không cãi lại với Anh Chi?

  1. Ông Anh Chi hỏi: “Không biết Inrasara có giỏi về mỹ thuật không“.
    Ông Anh Chi là nhà thơ, nên nghỉ ở đó thôi. Tôi ít biết về ông. Tôi chỉ muốn nhắc ông là, Hội thảo khoa học “20 năm đổi mới mỹ thuật Việt Nam”, nhà văn – nhà phê bình Inrasara là 1 trong 3 người được mời từ tp Hồ Chí Minh tham dự. Mà không phải mời để anh nói về mỹ thuật dân tộc thiểu số mà là về Cách mạng nghệ thuật thế giới liên quan với sự phát triển của thơ ca.
    Tôi cũng nhắc ông thêm, là các cuộc triển lãm hội họa hiện đại, mời được anh Inrasara tham dự là hân hạnh.
    Trao đổi của Anh Chi vừa yếu vừa suy diễn nguy hiểm…

  2. Đây là câu hỏi khá vui:
    Đó là lỗi của chương trình giáo dục, chứ đâu phải ở người đọc. Vậy mà Anh Chi bảo tôi “coi thường người đọc”! Hay Anh Chi muốn sinh viên Đại học ta muôn năm xa lạ với Thơ Ngôn ngữ Hoa Kì, Tân Hình thức, hay các trào lưu hậu hiện đại đang diễn ra trên khắp thế giới sao…?”

    Câu này càng vui hơn nữa:
    Suốt thập niên qua, có bao nhiêu bài thơ hậu hiện đại Việt được hân hạnh có mặt trên báo Văn nghệ hay tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam? Rồi cả thơ tân hình thức Việt… nữa?
    Chúng ta đã xử sự “công bằng và lành mạnh” với sáng tác thuộc hệ mĩ học khác ta như thế đó!
    Anh Chi xem như thế là lành mạnh và công bằng hay anh cố tình không nhận ra sự thực kia?

    Ông Inrasara đùa dai!!!

  3. Khi hết đường cãi, cái trò người ta ưa thích là lôi kéo “nhân dân”, “người đọc”, “công chúng” về phe mình. Trò này triết học gọi là ngụy biện biệt danh. Trò này xưa rồi nhưng vẫn có hiệu quả với nhiều người ít chịu suy nghĩ, do đó hay được tích cực xài lại.

  4. Duong Thang bình luận trên Fecebook:
    “ko phải hai thứ tiếng Việt khác nhau đâu , mà là “tiếng viêt của lớp 3” gân cổ dậy “tiếng Việt của đại học”

  5. Kính gởi nhà thơ Anh Chi. Tôi muốn hỏi ông 2 câu hỏi:
    1- Ông muốn chương trình giáo dục nước này mãi mãi lạc hậu, để tất cả lạc hậu, chỉ có cháu của ông và vài đứa học sinh trẻ khác được rất thích đọc tác phẩm cao cấp hay sao?
    2- báo Văn nghệ mỗi tuần đăng 10 bài thơ, mỗi năm đăng 520 bài, 10 năm là 5.200 bài thơ, tôi hỏi nhà thơ có bao nhiêu bài thơ hậu hiện đại được đăng? 1 phần ngàn hay không có. Ông không thấy đó là bất bình thường hay sao? Hay ông thấy đó là lành mạnh, cần kiên trì giữ???

  6. Để có sự bình luận công tâm các bác phải đọc hết tất cả những cuộc trao đổi của 2 bên bằng những bài viết cụ thể, hay chí ít Nhà thơ có thể dẫn link toàn bộ bài viết để người đọc có cái nhìn khái quát hơn, chỉ có trích dẫn vài câu mà các bạn làm như các bạn đọc hết nội dung của cuộc trao đổi giữa nhà thơ Inrasara và Anh Chi.

  7. Người Quê thân mến.
    Cần chi phải cho link, tôi đã đọc hết rồi. Vào mạng dễ ợt mà. Tôi xin đưa ra đoạn nguyên văn này, chỉ cần 1 thôi:
    Ô Chi viết: “để tỏ rõ tầm quan trọng của hệ mỹ học, anh viết: “Vào phòng tranh cổ điển, ta dễ dàng phân biệt đâu là bức đẹp/ xấu. Nhích chân bước sang phòng tranh lập thể bên cạnh thôi, nếu chưa được trang bị kiến thức căn bản về mỹ học lập thể, thì ta ỡm ờ là cái chắc”. Không biết Inrasara có giỏi về mỹ thuật không, nhưng điều tôi thấy qua văn lý luận của anh là, anh tỏ ra coi thường công chúng mỹ thuật ta!”.
    Chính đây điều mà ô Inrasara bảo ô Chi quy chụp đạo đức cho người đối thoại. Rõ như ban ngày.
    Tôi nhớ ý của đoạn trong ngoặc kép ông Inrasara phát biểu rất nhiều lần, chỉ để cảnh báo về không hiểu khi chưa được trang bị. Vụ này rất là tự nhiên. Ô Inrasara còn thêm: học toán Tiểu học không hiểu toán Đại học là điều bình thường. Do đó phải học. Đâu có gì gọi là khinh thường công chúng mỹ thuật ta!!!!!
    Ông còn nói công chúng Nhật hay nước nào khác cũng giống công chúng Việt Nam ta thôi.

  8. Ô Inrasara cho tôi nói rõ hơn.
    Ông Inrasara viết:
    “Vào phòng tranh cổ điển, ta dễ dàng phân biệt đâu là bức đẹp/ xấu. Nhích chân bước sang phòng tranh lập thể bên cạnh thôi, nếu chưa được trang bị kiến thức căn bản về mỹ học lập thể, thì ta ỡm ờ là cái chắc”.
    Nếu ô Inrasara nói sai, thì ô Chi hãy chỉ ra cho người đọc thấy cái sai đó. Sao lại đi truy ô Inrasara “có giỏi mỹ thuật không” (nên có bạn đã dẫn chuyện ô Inrasara là 1 trong 3 nhà phê bình ở TPHCM được mời tham luận 20 năm đổi mới mỹ thuật), sau đó ô Chi còn lại chụp mũ ô Inrasara “xem thường công chúng mỹ thuật ta”. Cả 2 đều lạc đề, và sai chủ đề bàn luận.
    (Tôi mang tiếng Anti-Inrasara, vậy mà hôm nay hứng sao lại đi bênh ô Inrasara)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *