Tại sao nhà văn nên học toán?

Alexander Nazaryan

Trà Kha dịch

đã đăng báo Đại biểu nhân dân, 17-1-2013
Năm 1988, báo New York Times có một bài viết về màn trình diễn của đội múa ba-lê Fort Worth. Họ đặc biệt lưu ý đến một vũ công nam với “sức mạnh thể chất đáng kinh ngạc” trong khi lại than phiền sự thiếu sót những “cú nhảy lên không trung” và “tư thế xoay tròn sống động” của anh trong một buổi tập đầy thách thức, bao gồm vở Firebird của Balanchine. Đó không là lời khen lấy lệ, bởi biết rằng, người vũ công đó chính là Herschel Walker, cầu thủ ghi điểm của đội bóng bầu dục Dallas Cowboys. Walker từng học ba-lê tại Đại Học Georgia, và dù những gì anh từng học không có nghĩa lý gì với khoảng 8225 yard bước chạy trong sự nghiệp, nhưng chúng hầu như giúp anh dễ dàng lừa qua một, hai hậu vệ. Walker không phải là cầu thủ duy nhất từng nghiêm túc học ba-lê: cầu thủ Lynn Swann được lưu danh trong Tòa đại sảnh Danh vọng cũng từng là đề tài cho một phim tài liệu của NFL mang tựa đề “Baryshnikov của Cleats”.

Ba lê đối với cầu thủ bóng bầu dục, toán học đối với nhà thơ, cũng giống như một sự rèn luyện đầy lôi cuốn và lạ lẫm, gần giống một điều cấm kỵ, vốn lôi cuốn tâm hồn gan dạ bởi những ưu điểm trong tính vững chắc của nó. Có vài nhà văn mạo hiểm lao đầu vô môn toán học cao cấp. Lewis Carroll, Thomas Pynchon, David Foster Wallace nằm trong số nhà văn sáng tạo nhất với câu cú cũng như câu chuyện họ tạo dựng nên.

Ai từng trải nghiệm bài kiểm tra tiêu chuẩn vào nửa thế kỷ trước đều biết rằng, toán học và “nghệ thuật ngôn ngữ” cùng tồn tại song song trong sự học của mỗi người. Chúng đều nhấn mạnh sự học vẹt những điều cơ bản như: các cấu trúc câu, các bảng tính nhân. Sau đó, cả hai môn học đều trở nên nặng hơn: Lớp học Anh văn loại bỏ ngữ pháp để ưu tiên cho ý tưởng nằm giấu dưới bề mặt trang sách, trong khi toán học lại rời bỏ môn đại số học thực dụng dưới mặt đất, mà cứ bay vút lên cao suốt chiều dài của tính toán.

Đến lúc bạn đủ lớn để lái xe, bạn hầu như có thể quyết định phần não bộ nào bạn dự định dùng cho cuộc sống trưởng thành của bạn, và phần nào bạn không muốn làm gì vượt trên những yêu cầu tối thiểu được áp đặt bởi xã hội hiện đại. Những ngày của các học giả công giáo  – những người có thể trích cả định luật Pindar và Newton một cách dễ dàng – đã trở nên xa vời. Và với điều mà nhà toán học Cambridge G.H.Hardy đã ghi lại trong cuốn Lời tạ lỗi của một nhà toán học vào năm 1940, có lẽ cách thức tự vệ hùng hồn nhất của môn học là dựa vào những giá trị mỹ học của nó, “phần lớn người ta vì quá sợ hãi với tên gọi của môn toán học mà sẵn sàng, hoàn toàn một cách thản nhiên, cường điệu hóa cái sự dốt nát toán học của chính mình”.

Các nhà thơ thì quen thuộc với toán học hơn là các nhà văn giả tưởng, có thể vì họ phải chú ý nhiều hơn về các tiêu chuẩn số chữ khi sáng tác có tính toán, bị bắt buộc phải cân nhắc đến cấu trúc và cả hình dạng vật lý của những gì họ viết, chứ không chỉ ý nghĩa của nó. Ngài Wordsworth đã ngợi ca “thơ và sự thật mang tính hình học” với “ân huệ cao quý của cuộc sống vĩnh hằng”, trong khi Edna St.Vincent Millay lại nhận xét rằng “nhà toán học Euclid đã một mình đứng nhìn vẻ đẹp trần trụi.”

Các nhà văn giả tưởng it khi thể hiện những sự cảm kích thành thật như vậy cho thẩm mỹ toán học. Thật đáng tiếc, vì sự chính xác toán học và trí tưởng tượng có thể trở thành cứu cánh cho một nền văn học đang chìm đắm trong sự mơ hồ của ngôn ngữ và đề tài. “Quy tắc viết văn xuôi cũng bất biến như những chiếc máy bay, hay toán học, vật lý vậy,” Ernest Hemingway viết cho Maxwell Perkins vào năm 1945. Cho dù Ông già chưa từng được học nhiều về toán, nhưng ông nhìn nhận nó như một lĩnh vực mà ở đó các vấn đề được giải quyết bằng một chuỗi các hành động tỉ mẩn khéo léo. Những câu văn xuất sắc nhất của Hemingway đều có sự phức tap mang tính toán học của một hệ “chiết học”: một công thức có vẻ đơn giản, trong phép truy toán của nó, tạo ra những thay đổi nhỏ nhưng mang tính quyết định cuối cùng. Hãy lấy ví dụ sau, về một cuộc rút chạy nổi tiếng của Caporetto trong Giã từ vũ khí.

Khi ánh sáng xuất hiện, cơn bão vẫn hoàn hành nhưng tuyết thì đã ngừng rơi. Chúng tan chảy như trượt ngã trên mặt đất ướt, và bây giờ trời lại trở mưa lần nữa. Đã có thêm một đợt tấn công sau bình minh nhưng rồi thất bại. Chúng tôi đã trông đợi một cuộc tấn công cả ngày nhưng nó vẫn không xảy ra cho đến khi mặt trời lặn. Trận oanh tạc bắt đầu nhắm vào phía nam cây cầu gỗ dài, nơi các tay súng Áo đang tập trung. Chúng tôi đã trông đợi một trận oanh tạc nhưng nó đã không đến. Các tay súng bắn tới tấp từ cánh đồng phía sau ngôi làng và những viên đạn, bay đi, với một âm thanh dễ chịu.

Đoạn vừa trích có hẳn một sự tính toán đại số hẳn hoi, thế nhưng, sự đơn giản ấy lại nhường chỗ cho tính phức tạp của ngữ nghĩa. Hemingway bắt đầu với chất liệu (tuyết, ẩm ướt, ánh sáng, mặt trời) chỉ để kết thúc với “một âm thanh dễ chịu” đầy bất ngờ và kín đáo của những tay súng Áo đang rút chạy – một chút mặc khải ngây thơ trong đoạn của nhân vật Frederic Henry. Tất cả mọi thứ trong đoạn này đều là cố ý, từ những hình ảnh giản dị đến cao trào của sự khẩn trương được tường thuật với sự lặp đi lặp lại của “chúng tôi đã trông đợi”.

Hardy cũng có gợi ý thế này: “Một nhà toán học, cũng giống như một họa sĩ hay một nhà thơ, là người tạo ra các họa tiết… Các họa tiết của nhà toán học, cũng như của họa sĩ hay nhà thơ đều phải đẹp; những ý tưởng như màu sắc hay từ ngữ, đều phải gắn kết nhau một cách hài hòa. Vẻ đẹp là bài kiểm tra đầu tiên. “Nhưng tiểu thuyết mà chỉ tuân thủ các luật lệ không thôi thì cũng giống như môn số học nhạt nhẽo, dù cho nó có đẹp thế nào chăng nữa. Và thực sự, ngày nay vẫn đang tồn tại rất nhiều “thợ thủ công” viết nên những tác phẩm mà các nhà phê bình gọi là thứ văn xuôi chạm trổ, những người thậm chí còn chưa đạt đến mức dám vung rìu chém vỡ những dòng sông băng trong lòng chúng ta. Đoạn văn ấy của Hemingway sẽ là một thủ pháp chậm rãi nếu như không vì “âm thanh dễ chịu” – thứ đã bao trùm những mơ ước vô khả thi của các chiến sĩ về nguyện vọng được điều đi đánh giết hay về một cuộc rút lui lúc chiều tà. Sự quan sát khách quan vào đầu đoạn văn đã tô điểm cho sự châm biếm lên án chiến tranh.

Nhà toán học Terence Tao đã viết rằng, học toán cần ba bước: “tiền nghiêm túc,” tức là lúc học những quy tắc cơ bản, rồi đến giai đoạn lý thuyết “nghiêm túc”, và, sau chót và hấp dẫn nhất, là “hậu nghiêm túc”, khi mà trực giác đột nghiên bắt đầu tham gia đóng một vai trò. Ông đã ghi lại rằng: “Chỉ có sự kết hợp giữa chủ nghĩa hình thức nghiêm túc với một khả năng trực quan tốt mới có thể giải quyết những vấn đề toán học phức tạp; chúng ta cần bước đầu tiên để có thể xử lí chính xác những chi tiết hay, và bước sau để xử lí bức tranh toàn cảnh. Nếu thiếu dù chỉ một bước, bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian loay hoay mò mẫm trong bóng tối.”

Trong văn học, bức tranh toàn cảnh là nơi bạn phải ngoại suy những nhân vật mà không phải là chính bản thân bạn, điều này thậm chí có thể nguy hiểm như một phần thưởng tiềm tàng. Ví dụ như, William Styron phát hiện ra rằng khi cố gắng viết từ tiếng nói của người nô lệ nổi loạn Nat Turner, cùng lúc ông nhận ra rằng mình đang lộ mặt thành một kẻ phân biệt chủng tộc. Chủ nghĩa hậu hiện đại vào cuối thế kỷ 20, với tất cả giới hạn của nó, cuối cùng cũng nhận ra rằng thế giới ngày nay đã đi quá xa cùng chúng ta, và tiểu thuyết cũng phải thay đổi cùng những biến chuyển của thời đại. David Foster Wallace, cũng như bất cứ ai trong nửa cuối thế kỷ, gần như tìm thấy sự biến chuyển toàn cầu đó. Có thể Wallace đã sống phần lớn cuộc đời khép kín, và tiểu thuyết của ông không như những câu chuyện giật gân ăn khách, mà chúng đã đề cập một cách ám ảnh về hố ngăn cách giữa cái tôi nhỏ bé và rời rạc của chúng ta với thế giới rộng lớn.

Một học sinh say mê môn toán trong suốt thời trẻ của mình, đã chuyển sang triết học khi lên trung học bởi vì toán học cao cấp không đem đến “cú chạm” cho sự khai sáng, như D. T. Max mô tả trong tiểu sử về Wallace của ông: “Mọi câu chuyện tình đều là chuyện ma cả.” Tuy Wallace đã từ bỏ toán học, nhưng ông chẳng bao giờ bỏ đi tinh thần rộng mở của môn học này. Nếu văn phong của Hemingway là toán học trong sự chính xác của nó, thì của Wallace là tính toán lượng tử, một phép toán đòi hỏi trí tưởng tượng bằng cách đòi hỏi khái niệm hóa những thứ ta không thấy, giống cách thức mà một hàm số cho thấy sự thay đổi xuyên không gian và thời gian. Chúng ta phải sử dụng trí tuệ cá nhân mình để hình thành các hình thái mà, giống như Plato đã có thể, mang tính trường tồn và phổ biến. Quả là  không tồi nếu bạn có thể đạt được điều đó.

Trong bài đánh giá về hai tác phẩm văn học trong tạp chí Khoa học vào năm 2000, Wallace đã viết về “sự pha trộn đặc biệt của lý trí với khả năng sáng tạo làm mê đắm tiêu biểu cho điều gì là tốt nhất về tâm hồn của con người: “Chỉ một số ít người đã học toán học cao cấp mới đủ may mắn để có thể hiểu được sự đáng tiếc khi hầu hết học sinh theo đuổi môn học chẳng bao giờ vượt qua khỏi các trình độ sơ cấp của nó, và do vậy chỉ biết đến việc giải quyết những Phép tính và Sơ đồ ở trình độ sơ cấp… đầy khô khan và khắc nghiệt. Chỉ những ai có quyền lợi (hoặc bị bắt buộc) học môn học đó mới có thể hiểu được sự luyện tập toán học cao cấp thật sự chính là một “môn nghệ thuật” và nó mang tính lệ thuộc không ít hơn so với các môn nghệ thuật khác về cảm hứng, lòng dũng cảm, sự chăm chỉ,….”

Tôi không muốn dùng từ “lòng dũng cảm” để mô tả phần lớn tiểu thuyết ngày nay. Các học sinh M. F. A thường xuyên được dạy bảo rằng viết văn là một cách khám phá bản thân đầy rối rắm. Kết quả có thể dẫn đến hội chứng tự yêu bản thân quá mức đầy ngột ngạt, sự khiếm khuyết lòng yêu thích đối với thể loại ngoại suy và khám phá vốn rất cần đối với cả toán học và văn học. Trong bài tiểu luận nổi bật năm 1921 mang tên “Truyền thống và tài năng cá nhân,’” T. S. Eliot viết, “Những gì xảy ra là sự đầu hàng kéo dài vì hiện tại ông đang hướng tới một thứ gì đó giá trị hơn. Sự tiến bộ của người nghệ sĩ nằm ở sự hy sinh kéo dài, một sự tự hủy hoại cá tính kéo dài… Chỉ trong sự đánh mất nhân cách thì nghệ thuật mới tiếp cận được với điều kiện của khoa học.” Ông ấy so sánh tư duy của một người nghệ sĩ với một cái nồi nấu kim loại – nơi những phản ứng hóa học diễn ra.

Lúc này, chúng tôi trở nên rất say mê với ý niệm về văn học trong các bức tranh hành động của Jackson Pollock, sự xung động bản năng ném lên tấm vải đầy bạo động. Tác phẩm hư cấu cuối cùng của ông bao gồm cả màu sắc riêng vô cùng cân bằng của Rothko và sự hùng vĩ trong các chủ đề ông chọn. Tất cả điều này trông có vẻ giống như tôi đang cổ vũ cho một thứ văn học lạnh lùng và khoa học vậy, tự đưa bản thân nó hướng tới thứ kỷ luật khắc nghiệt xa lạ. Không phải. Thay vào đó tôi vẫn đang cầu xin, rằng tiểu thuyết suy tư sâu hơn và thành khẩn hơn về cách thức nó sẽ được viết và những gì nó sẽ nói – đó chính là món quà to lớn nhất mà toán học có thể tặng cho chúng ta.

“Tôi ưa thích toán học chỉ với tư cách là một môn nghệ thuật sáng tạo,” Hardy, nhà toán học ở Cambridge viết. Ý ông là sự sáng tạo trong cách thức nghĩa đen nhất, tương phản với thứ cờ vua mang tính truy vấn toán học đầy nghiêm túc. Phần sau cũng cần rất nhiều trí tuệ, nhưng nó chẳng giải quyết được vấn đề nào của con người cả. Sự khác biệt tương tự tồn tại trong tiểu thuyết, nằm giữa cái giải trí và cái nghiêm túc, giữa cái tầm thường và cái phổ quát. Trong cả hai trường hợp, các công thức chẳng là gì ngoại trừ bảng hướng dẫn các loại sẽ rời bỏ bạn khi bạn càng lúc càng leo cao hơn. Cuối cùng, bạn chỉ còn cô độc với các biến số của chính bạn, các phương trình của cá nhân bạn.

Theo New Yorker, 2-11-2012

One thought on “Tại sao nhà văn nên học toán?

  1. người chăm có lẽ là tộc người rất giỏi về toán học. nhìn những ngọn tháp đồ sộ mang tầm vóc nghệ thuật vượt trội so với kiến trúc thế giới. trong đó đã nói hết những gì như bài viết trên. thời nay nhà văn việt có cần giỏ toán không? câu trả lời là không cần, bởi chẳng để làm gì cả. độ chính xác của văn chương bút nô chỉ dừng lại ở chỗ tụng ca, mà tụng ca chỉ cần khoác lên mình nhà văn bộ lông cừu ấm áp là tốt nhất. thời của văn chương việt đã qua rồi. vũ trọng phụng, nam cao chết rồi. giờ chỉ còn một nguyễn trọng tạo và một inrasara mà thôi. còn chăng phải tính đến một nhà văn nữ bất khuất võ thị hảo. xem ra những vần thơ tiên đoán của người chăm viết trên lá muông có lẽ đúng…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *