Hội hè, cái tôi hãi không gì cả mà là nỗi… họp hành. Họp hành thì phải có kính thưa.
Năm 2009, Công ty sách Bách Việt nhã ý mời tôi điều hành Giải thưởng Thơ tại Sài Gòn. Qua phone, tôi nhận tức thì, chả ngán. Nhưng sau khi đọc văn bản, hiểu rằng ở trỏng tồn tại ít nhất năm bận kính thưa, thế là tôi… xin lỗi! Bởi lỡ hứa, tôi chuyền bóng ngay cho bạn thơ khá nổi tiếng đất Sài Gòn. May, anh hồ hởi nhận. Chiều hôm đó, ngồi dưới hội trường ngó lên, tôi không tưởng tượng nổi sắc mặt mình sẽ ra sao nữa, khi lên sân khấu diễn mấy vở kia.
Kính thưa thì cần xài đến giọng long trọng.
Dự Rija Nưgar Sài Gòn năm 2008, tôi đếm anh TP gióng lên xém chục lần cái kính thưa. Tôi đã phải bấm bụng để khỏi bật cười. Một bận ở Hà Nội, chuẩn bị cho buổi nói chuyện văn chương, tôi dặn tới dặn lui vị phó Giáo sư rằng khoản kính thưa xin miễn cho nhé. Vậy mà vào cuộc, ông bèn “kính thưa nhà thơ Inrasara”, với hai bận lặp lại. Ngồi hàng ghế danh dự, không nhịn được, tôi vỡ cười thành tiếng. Dưới phòng cả chục giọng rúc ríịch cười theo. Dù sau đó tôi có tìm xin lỗi, ngài phó Giáo sư kia vẫn giận tôi đến bốn năm sau không chịu dòm mặt.
Ngoảnh lại phê và tự phê, tôi thấy mình cũng hơi… bậy. Dẫu sao họ cũng đáng thương. Đời nên nói lời cám ơn họ. Vì đời cần có họ ở vị trí đó để phát âm mấy từ, làm bao nhiêu cử chỉ và điệu bộ cần thiết. Như thế thì đời mới đa dạng, phong phú. Và vui.