Ta ưa nói văn học găn liền với hiện thực đời sống. Nói, ta còn mở hội thảo bàn về nhà văn với hiện thực, vân vân… Thử xem nhé.
“Suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho đến cùng, cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa…” – Dostoievski nói thế. Và ông đã đẩy suy tư tới cùng, phân tích tới cùng tâm lí chiều sâu của nhân vật đủ dạng, qua đó cho ra đời hàng loạt kiệt tác mang tính khai phá lớn, tạo ảnh hưởng sâu rộng đến văn học và tư tưởng thế giới. Còn ở ta, muôn năm nửa vời. Tiếp nhận trào lưu lãng mạn, nửa đường đứt gánh, thì đã rồi. Sáng tác hiện thực, Balzac đẩy ý tưởng đến cùng để dựng nên Tấn trò đời khổng lồ, ta thì nửa vời để rồi chẳng tới đâu. Chủ nghĩa hiện đại, ở ngoài kia thiên hạ làm nên bao nhiêu tác phẩm sáng giá, ta thì nhập nhằng hiện đại với lãng mạn hậu thời. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nửa vời – ta thành “hiện thực phải đạo” cho ra lò bao nhiêu thứ phẩm, để chính người đẻ ra chúng cũng phủi tay chối bỏ chúng. Đọc qua các trang văn cuối đời của Nguyễn Khải, để hiểu rằng sau bao trì hoãn và né tránh, rốt cùng đời tài hoa cũng là đời bỏ đi.
“Ngoảnh lại” cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, các nhà văn Trung Quốc cho ra đời hàng trăm tác phẩm “ngang tầm thời đại”; còn ta sau Cải cách Ruộng đất, mãi thế kỉ XXI ta mới được lèo tèo vài cuốn. Chiến tranh biên giới phía Bắc hay biên giới Tây Nam cũng chịu chung cảnh ngộ. Ngay cả viết về sex thôi, Việt Nam vẫn không thể sở hữu khuôn mặt mạnh bạo, sâu thẳm và cao vời như Henri Miller.
Bởi ở đó ta nửa vời… Chưa được trang bị tri thức triết học, ta không học cách truy vấn tận cùng sự thể. Ta nhìn hiện thực theo cảm tính, quán tính. Tất cả đều diễn ra trên lối mòn quen thuộc. Triết học được biết tới trong nhà trường hiện tại là triết học dạy nói theo, làm theo để tạo sinh hàng loạt thứ theo-ists, chứ không phải huấn luyện thế hệ tương lai tinh thần độc lập để có thể suy tư độc lập, khám phá hiện thực khác với thói thường. Ta không dám thử đi những bước mới, lạ. Cuối cùng, ta nhìn hiện thực một chiều, phiến diện, hời hợt, méo mó…