Câu chuyện văn học Việt Nam 08. Hậu hiện đại, từ nhầm lẫn mang tính phạm trù đến “ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng”

Liên quan đến sự kiện HS-TS, bàn về thơ hậu hiện đại qua các đoạn thơ tôi trích dẫn, có bạn: “cho một số bài trong đó là ‘thơ tự do’”; bạn khác thì thấy “… có dấu hiệu của thơ tự do trong những bài đã dẫn”.

– Đây là một lẫn lộn tai hại. HHĐ không phải là một hình thức, một thể thơ… mà là một triết học, một chủ nghĩa, một trào lưu, một quan niệm và thái độ, là một cái gì lớn, khác hơn nhiều. Nhà thơ hậu hiện đại không đối xử phân biệt các thể thơ truyền thống, đây là điểm mà nhiều người ngộ nhận. Lí thuyết là vậy, cả thực tiễn sáng tác hậu hiện đại Việt, các nhà thơ vận dụng đủ thể thơ: từ lục bát cho đến tự do. Mang tâm phân biệt mới phản hậu hiện đại.

Liên quan đến vụ việc, đoạn văn đáng quan tâm nhất, thể hiện rõ nhất quan điểm về văn chương ở Việt Nam hiện nay là của Kim Liên Nguyễn Thị. Nguyên văn:

“Theo tôi, văn thơ được sáng tác ở hình thức nào “hiện đại”, “hậu hiện đại ” “lục bát”, “song thất lục bát”, “thất ngôn bát cú”, “tứ tuyệt”, “thủ vĩ ngâm”, “văn xuôi” hay là cái chi chi nữa thì cũng chỉ là một thuật ngữ, một tên gọi mà thôi.

Cái quan trọng nhất là bài văn, thơ ấy có cái giá trị dám trung thực mô tả thực trạng xã hội, đời sống, con người. Dám chỉ ra, phê phán cái xấu, dám tôn vinh cái tốt, cái đẹp… có dễ hiểu, dễ thấy và tác động tâm thức người đọc để cùng nhau hướng thiện với tinh thần xây dựng hay không mà thôi. Đạt được mục đích đó thì “người cầm bút” mới xứng đáng đứng vào hàng “SỸ”

– Ngoài nhầm lẫn mang tính phạm trù như hai bạn ở trên, phần “quan trọng nhất” của Kim Liên thì rất đúng – đúng của thời chủ nghĩa hiện thực phê phán: “mô tả trung thực hiện thực”, “phê phán cái xấu, tôn vinh cái đẹp”. Như vậy, theo Kim Liên, chỉ có tác phẩm [“hay”] thuộc trào lưu này mới giá trị. Và chỉ có nhà văn hiện thực phê phán mới đáng mặt văn, thi SỸ.

Ở đây tạm truy Kim Liên vài câu hỏi:

1. Thế nào là hiện thực như là hiện thực? Đây là câu hỏi mà triết học đã cố gắng gọi tên, nhưng vẫn bất khả.

2. Đâu là cách tiếp cận trung thực nhất, qua đó có thể coi là khả tín nhất? Tại sao ta cứ một mực tin chủ nghĩa hiện thực phê phán mới “mô tả trung thực hiện thực” mà không là gì khác? Thế thế giới đẻ ra các chủ nghĩa khác để làm gì?

3. Ở bình diện thấp hơn, nếu đòi hỏi văn chương “mô tả trung thực hiện thực” theo kiểu hiện thực phê phán, hỏi thứ văn chương ấy có làm thay nổi chức năng báo chí không?

4. Cuối cùng, nếu không thể “làm thay”, vậy văn chương để làm gì?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *