Câu chuyện văn học Việt Nam 09. “Sáng tạo” chính là “bắt chước”

Nguyễn Thành Nhân thân mến!

Về 2 điểm bạn đặt ra trên FB:

1. Có điều cần nói rõ rồi thôi. Về chuyện NT, anh ấy chưa hề đọc tôi (thậm chí viết tên tôi sai), không biết tôi hoạt động chữ nghĩa và xã hội thế nào, vậy mà đã tố cáo tôi “núp váy phụ nữ”. Không biết, mà chỉ cần trích 1 đoạn thơ [trong một bài thơ triết lí] tôi làm từ năm 1997, rồi đối chiếu với hiện thực xã hội đương thời, để tố cáo tôi “ngoa ngôn”, “núp váy phụ nữ”… Bạn nghĩ sao?

Do đó tôi đã mạn phép khép lại vấn đề đó rồi, bàn ở đây là lạc đề.

2. Nguyễn Thành Nhân viết: “nhà văn, nhà thơ Việt, khi tự phong cho mình vai trò rực rỡ của người sáng tạo, thật ra chỉ là những con khỉ bắt chước làm trò… Sáng tạo thật sự là cần thiết. Nhưng vì cớ gì lại chạy theo những trào lưu nhất thời như Tân hình thức, hậu hiện đại là chuyện quá ư cổ lỗ của thiên hạ! Ở nước ngoài, những trào lưu đó đã lạc hậu, và là chỗ dựa cho những kẻ bất tài” (Inrasara in đậm). 

Đây là mệnh đề được lặp đi lặp lại rất nhiều lần từ nhà phê bình Việt Nam thời gian qua. Vụ này hỏi Mai Quốc Liên thì biết ngay, vị giáo sư này không ít lần nói hệt thế. Và tôi cũng đã minh định đây đó, có lẽ bạn chưa đọc. Mời xem: Inrasara, “Góp nhặt sỏi đá, hay Đối thoại về sai lầm lặp đi lặp lại về nhìn nhận thơ hôm nay”, Tienve.org, 2007 (in trong Song thoại với cái Mới, 2008).

Sáng tạo không phải làm mới hoàn toàn, mà là “bắt chước”, bởi không có gì mới dưới ánh mặt trời. Hậu hiện đại cũng đã ý thức hơn ai hết chuyện đó. Người ta chỉ có thể tiếp nhận và “sáng tạo”, chứ không ai từ hư vô mà ra cả. Thuyết lí thì dài, đưa vài ví dụ cụ thể sẽ thuyết phục hơn. Bạn có dám bảo Picasso không “sáng tạo” không? Ông này “bắt chước” ai chắc bạn không thể không biết. Câu nói nổi tiếng được cho là của Picasso: Tài năng thì sáng tạo, còn thiên tài thì ăn cắp, là một cách nói khác của sự vay mượn, ảnh hưởng từ người đi trước. (các chữ trong ngoặc kép in nghiêng là của NTN).

Liên hệ chuyện ngoài kia e xa vời quá, xin nói chuyện ta.

– Việt Nam từng có truyền thống tiểu thuyết như ta biết bây giờ không? Vậy ta “bắt chước” ai? Bạn dám cho những Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng rồi sau này: Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu không là nhà văn, không “sáng tạo”?

– Còn đây là chuyện thơ. Thơ Mới được cho là cuộc cách mạng thơ lớn nhất của Việt Nam thế kỉ XX, là điều ít tai chối cãi. Thế những vị Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… đã “bắt chước” những ai? Các tài năng này chịu ảnh hưởng thơ Tây phương – trực tiếp là chủ nghĩa lãng mạn và hiện thực, [một ít] tượng trưng của Pháp. Bạn có dám cho họ không “sáng tạo”? Trong lúc đó ở Tây phương, các chủ nghĩa kia đã “lạc hậu” (có vị còn nói to: bị phương Tây vứt vào sọt rác) 70-80 năm rồi, vậy mà các bác Việt Nam “chạy theo” để làm nên cuộc cách mạng lớn nhất trong thơ ca Việt, bạn nghĩ sao?

– Đó là chuyện của một thời chưa xa. Còn hôm nay, hậu hiện đại mới “lạc hậu” 15 năm thôi (ra đời thập niên 80; giữa thập niên 90, Việt Nam đã có sáng tác hậu hiện đại); tân hình thức “lạc hậu” còn ngắn hơn nữa: dăm năm là cùng!

Mươi năm qua, không dưới 200 nhà thơ, nhà văn Việt có sáng tác thơ tân hình thức, và vận dụng nhiều thủ pháp hậu hiện đại, trong đó có tác giả thành công có tác giả không; ở tác giả thành công cũng không có nhiều tác phẩm đáng giá, bạn kêu họ “bất tài” hết sao? Lưu ý thêm: hậu hiện đại không phải đã lưu kho như bạn tưởng tượng đâu, rất nhiều nhà văn lớn trên thế giới vẫn còn đang sáng tác theo hậu hiện đại. Bạn dám cho họ “bất tài” không?

Tóm lại, Việt Nam [và nhiều nước] không có truyền thống triết học, không có truyền thống sản sinh các “chủ nghĩa”, trào lưu văn chương, cho nên học của thiên hạ không có gì phải xấu hổ cả. Hơn thế kỉ qua các nhà văn ta đã học [“bắt chước”, “chạy theo”] và làm nên chuyện. Hôm nay [toàn cầu hóa] ta càng phải học bạo hơn nữa. Nếu không học (tiếp thu và sáng tạo), ta sẽ không biết mình đứng ở đâu, rồi rớt lại lúc nào, nơi nào không biết nữa.

Kết: “Sáng tạo” chính là “bắt chước”, vấn đề là bạn “bắt chước” tới đâu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *