Jashaklikei: Ghur

(Chuyên đề Ghur Cham Bini)

Ghur, trong nhận thức, tâm lý, tình cảm của chúng tôi (Cam Awal) là cái gì đó rất đỗi thiêng liêng. Ấy thế mà gần đây, người ta có hành động lấn chiếm nó, xâm phạm nó. Chúng tôi không thể hiểu nổi tại sao người ta lại có hành động tầm thường và vô văn hóa đến thế?

Kể từ khi mất nước, chúng tôi trở thành một nhóm thiểu số trong đất nước Việt Nam, co cụm lại trong những xóm làng tăm tối, nghèo nàn, nằm rải rác trên mảnh đất Bình Thuận, Ninh Thuận khô cằn, nắng gió, mảnh đất mà trước đây, tổ tiên chúng tôi là chủ nhân. Chúng tôi, khép lại quá khứ, yên phận làm ăn. Chúng tôi gắn bó cuộc đời với thôn xóm, ruộng đồng, cầu mong cuộc sống tươi đẹp cho mình và con cháu.

Tổ tiên trước đây và chúng tôi sau này, khi chết đi, chỉ cầu mong có một mảnh đất nhỏ để an nghỉ. Cái chết đối với chúng tôi quả thật rất là quan trọng, cuộc sống đối với chúng tôi chỉ như một chuyến đi buôn (như Inrasara đã nói). Thế mà hôm nay, người ta lại đang ngày ngày xâm hại đến Ghur của tổ tiên chúng tôi. Đối với chúng tôi đó là một sự xúc phạm hết sức chiu đựng, đó thật sự là một nỗi nhục của dân tộc.

Làm sao, chúng tôi có thể bỏ mặc, nhắm mắt, lờ đi khi hằng ngày, hằng giờ chúng tôi lại nhìn thấy những cảnh tượng đau lòng ấy, người ta chẳng phải đã dẹp những thứ mà họ xem chỉ là “cục đá” (cái cách mà họ gọi) của Ghur Chăm Awal. Đối với chúng tôi, những “cục đá” đó chính là biểu hiện cao nhất của tâm linh và tín ngưỡng, người ta xâm phạm đến nó chẳng phải là xâm phậm đến tâm linh và tín ngưỡng thiêng liêng của chúng tôi hay sao?

Làm sao chúng tôi có thể bình tâm, khi biết rằng những người thân đã quá cố của chúng tôi, vẫn không được yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng được chứ! Đêm đêm, trong giấc mơ của mình làm sao chúng tôi có thể làm ngơ trước những lời than khóc, trách móc của họ, những người quá cố, đối với chúng tôi những người đang sống. Câu chuyện này, tưởng chừng như rất là mê tín và hoang đường nhưng nó lại là chuyện thật đối với những Chăm chúng tôi các vị ạ! Có vẻ chúng tôi là những người “man dại” chăng? Còn các vị, những người “văn minh” sao lại có những hành động như thế nhỉ?

Đối với các vị, mồ mả chỉ là thứ để yên nghỉ, các vị chết đi có thể xây cất mộ phần ở bất cứ nơi đâu, miễn sao ở nơi đó các vị thấy hài lòng và ở thế giới bên kia, xem như các vị đã giải thoát và bước vào những chuỗi ngày rong chơi khắp thiên đường. Nhưng đối với chúng tôi, Ghur là ngôi nhà, một ngôi nhà thật sự, chết đi chúng tôi không có thể chọn nơi để chôn cất, mà bắt buộc phải ở ngay trong phần mộ của dòng tộc, nằm cạnh những người thân đã quá cố trước đó của chúng tôi.  Vậy, chẳng phải khi chết đi chúng tôi sẽ lại trở về sống chung với những người trong tộc họ nơi bên kia thế giới hay sao?  Do đó, Ghur không chỉ là nơi để chúng tôi yên nghỉ, mà nó còn là một ngôi nhà thứ hai của chúng tôi, đó là nơi chúng tôi sẽ trở về trong kiếp sống vĩnh hằng, nơi chúng tôi sống trong đại gia đình dòng họ. Quý vị, xâm phạm đến Ghur của chúng tôi, cũng chính là xâm phạm đến ngôi nhà thân yêu của chúng tôi vậy!

Đối với chúng tôi, Ghur là còn là nơi linh thiêng, nơi người Chăm không dám mạo phạm, nơi mà phải có trách nhiệm lưu giữ và bảo tồn. Các vị, trong suy nghĩ có thể đào mồ, cuốc mả người khác để di dời, hay khai thác thứ gì đó, có nhiều kẻ còn đào lấy vàng, lấy của… Nhưng chúng tôi thì không bao giờ dám làm điều đó, có thể chúng tôi có tâm lý là sợ người chết mà các vị gọi là mê tín, còn các vì có thể vì không sợ nên đã xem những chuyện trên là bình thường và bất cứ lúc nào cũng có thể xâm phạm đến Ghur chăng?

Chúng tôi, một tập thể thiểu số bé nhỏ, bất cứ lúc nào cũng có để đánh mất nền văn hóa, ngôn ngữ của mình trong một cộng đồng đa số. Chúng tôi, một tập thể bất hạnh, sống trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chúng tôi thiết tha và nỗ lực gìn giữ văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống của mình. Hiện trạng đang diễn ra khiến cho chúng tôi cảm thấy đau lòng và bức xúc.

Ngày nay, việc lấn chiếm Ghur là một việc làm thiếu suy nghĩ và vô văn hóa, chúng tôi chỉ còn biết liên kết nhau lại để cùng giải quyết vấn đề này, hơn lúc nào hết người Chăm phải đoàn kết lại để gìn giữ sự yên nghĩ vĩnh hằng cho tổ tiên, để gìn giữ ngôi nhà thân yếu, nơi rồi đây chúng ta cũng sẽ cùng nằm xuống, trở về trong những chuỗi ngày bên tổ tiên dòng họ nơi “thiên giới”.

Sài Gòn, tháng 4 năm 2014

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *