Tác phẩm văn chương như một thế giới mở tồn tại vô vàn khoảng trống và những điểm trơn trợt bất định, mời gọi bao nhiêu diễn ngôn khác nhau. Nếu thế giới là nơi diễn ra và dung chứa mọi hoàn cảnh, sự thể (The world is all that is the case – Wittgeinstein), thì tác phẩm văn chương cũng là nơi xảy ra và chấp nhận mọi khả thể của diễn ngôn. Vì tác phẩm văn chương là thế giới mở, người đọc có thể chấp nối đằng trước, đằng sau; bởi ở đó tồn tại khoảng vắng lẫn khoảng trống, người đọc có thể làm đầy nó từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Mạng internet dung chứa tất cả. Sự chấp nối và các điểm nhìn này được phát ra từ những kinh nghiệm, cảm xúc, tri thức rất khác nhau của nhiều thành phần độc giả khác nhau qua các lần đọc khác nhau. Của kẻ vô danh hay người nổi tiếng. Chúng chấp nối và làm đầy tác phẩm. Làm đầy tràn và tiếp tục mở ra hướng mới, khác nữa… cho đến khi tác phẩm kia chết hẳn.
Độc giả hôm nay – trình độ thẩm định văn chương đã được nâng cao – hết còn thưởng thức tác phẩm một cách thụ động. Bất kì lúc nào, họ cũng có thể nhảy vào, tham gia nhận định và tranh luận, nói lên cảm nghĩ và các phát hiện của riêng mình về tác phẩm. Họ hoàn toàn xa lạ nhau, cư trú nhiều vùng miền khác nhau, từ các truyền thống văn hóa khác nhau. Khen ngợi hay chê bai thậm chí miệt thị, đồng tình hay phản đổi – đủ cả. Hệt các người hâm mộ bóng đá tranh cãi về trận cầu đang diễn ra hay vừa kết thúc. Có kẻ đi đường tạt vào phát một câu rồi đi. Cả bà chủ quán không hiểu gì về bóng đá cũng xía vào. Theo đường link, các nhà kinh doanh hay chính trị gia ngẫu nhiên ghé mắt sang trang thơ của một tác giả lạ, cũng đưa lời bình. Trên diễn đàn này, không ai cầm cây gậy khuơ khoắng chỉ bảo, đe nạt; tất cả đều bình đẳng trong một không gian mở. Dân chủ và vô phân biệt. ý kiến nào gởi trước thì được đăng trước, xóa nhòa lằn ranh đại chúng với đặc tuyển, chuyên hay không chuyên. Đại bộ phận các nhận định không bị biên tập hay sửa chữa. Người nào thấy ý kiến mình quá tẻ hay nhảm thì có thể chuồn êm không để lại dấu vết. Hôm sau lại lập nickname khác tranh luận tiếp!
Inrasara, 2010