Văn chương & Tư tưởng III-36

Người ta vẫn thường cho rằng hư cấu là thuộc tính của văn chương. Chỉ có nhà văn, nhà thơ mới cần sử dụng đến hư cấu. Thực ra, theo tôi, hư cấu là thuộc tính của con người trong sự đối phó thường xuyên với ngoại giới, với cuộc sống. Nói cho rốt ráo, trước khi con người tác động một hành vi gì vào hiện thực, thì nó phải biết hư cấu, nghĩa là phải biết hình dung, tưởng tượng, bịa đặt.

Bằng màu sắc, con người đưa hư cấu vào hội họa. Bằng âm thanh, con người đưa hư cấu vào nhạc. Bằng ngôn ngữ, con người mang hư cấu vào văn chương nghệ thuật, triết lý. Bằng niềm tin, con người đưa hư cấu vào tôn giáo. Theo tôi, một trong những hư cấu vĩ đại nhất và cũng ngang trái nhất của con người là chân lý. Vì là hư cấu cho nên dù vẫn quan niệm chỉ có một, chân lý lại được hình dung ra thành nhiều khái niệm, tên gọi khác nhau tùy theo khung cảnh văn hóa, điều kiện môi trường, trình độ phát triển và… cũng tùy theo áp lực của tình thế và có khi do sự áp đặt của các thế lực độc đoán. Nghĩa là mỗi người hay mỗi nhóm người hay mỗi cộng đồng con người tự chọn lựa cho mình một khái niệm hay một hình ảnh gọi là chân lý. Và hầu như không “chân lý” nào chịu chấp nhận “chân lý” nào.

Vì cho chân lý của mình là duy nhất đúng, là tuyệt đối nên người ta có xu hướng biến chân lý của mình thành giáo điều, quy phạm bất biến, vĩnh cửu có thể áp dụng cho mọi hoàn cảnh, tình huống. Chẳng những thế, người ta còn đi xa hơn: biến chân lý của mình thành chân lý của mọi người. Và do thế mà có sự kiện: rao giảng chân lý của mình. Anh rao giảng chân lý của anh, tôi rao giảng chân lý của tôi nhằm mục đích giữ niềm tin và lôi cuốn người khác tin theo chân lý của mình. Rốt cuộc, chân lý đâm ra cũng tranh chấp lẫn nhau.

Để bảo đảm sự tồn tại của chân lý của mình, người ta hiện thực hóa nó qua hình thức trung gian: tổ chức. Một tổ chức thật chặt chẽ là một hiện thực, nhưng là một hiện thực đầy hư cấu. Sức mạnh của nó xuất phát từ một ý thức đã được “hư cấu” kỹ càng. Từ thứ ý thức đó người ta cột chặt vào nhau, ràng buộc vào nhau. Hiện thực được huy động toàn diện để phục vụ các mô hình hư cấu. Hiện thực bây giờ, lạ thay, bắt đầu trở thành vô thường, tạm bợ nghĩa là thành hư cấu. Còn hư cấu, theo lập luận ở trên thì mới là hiện thực và là hiện thực duy nhất. Chẳng những thế hiện thực bên ngoài còn được cắt xén, lắp ghép làm sao cho vừa với cái khuôn hư cấu. Từa tựa như các đạo diễn cắt bỏ, xén bớt những chi tiết không thích hợp trong văn bản trước khi đưa nó lên sân khấu hay đóng thành phim cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện trình diễn.

Nghĩ cho cùng, hư cấu văn chương có lẽ là thứ hư cấu “hiền lành” nhất. Nó không bạo động. Nó không nhằm thay đổi hiện thực theo ý riêng của mình. Khác với những giáo chủ và những lãnh tụ, nhà văn, nhà thơ không sáng tác ra chân lý và không áp đặt lên người khác bất cứ một thứ chân lý nào, nói gì tìm cách áp đặt chân lý của mình lên toàn nhân loại. Họ có thể kêu rêu, than thở, khóc thương, chưởi mắng… tùy thích. Nhưng khi nhất quyết rằng chỉ có mình là nhất, là đúng, là tuyệt đối thì họ đã không còn làm văn chương nữa. Bản thân văn chương, theo tôi, phải là một cái gì thiếu, hụt, khiếm khuyết, không toàn hảo. Nó luôn luôn là một cái gì dang dở. Nó luôn luôn ảo. Và có lẽ sẽ không bao giờ biến thành thực.
Trần Doãn Nho, “Từ ảo đến thật”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *