(Chuyện bếp núc nhà văn)
Bạn K và các bạn văn thân mến!
Đang hào hứng với Truyện Mini, có việc bên cộng đồng Cham, tưởng ghé qua xíu rồi trở lại, ai ngờ bị mắc kẹt. Và rồi cụt hứng luôn…
1. Tại sao Truyện Mini bị ngưng trệ, là vì thế. Bạn hỏi, nó có còn tiếp tục không, thì tôi không chắc được. Tôi có thói quen “làm” một tác phẩm.
“Làm” một tập thơ, chứ không tập hợp nhiều bài thơ lại thành tập. Đang ngon trớn, nếu vì lí do nào đó mà đứt mạch thì có thể bỏ luôn.
Năm 2002, dự Trại Sáng tác tại Vũng Tàu, tôi đóng cửa làm một hơi Lễ Tẩy trần tháng Tư trong 22 ngày. Đáng lẽ tập thơ in nguyên dạng, do nhà xuất bản duyệt bỏ vài “Những ngày rỗng”, tôi đã phải thêm “Ba khúc quê” vào làm đủ trang, cho nên Lễ Tẩy trần… mới lỏng bỏng thế.
Tập thơ Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức (2006) thì khác. Nó bị dang dở, nên đành lỡ bước sang ngang. Tôi thấy Cham có nhiều “câu chuyện” đáng kể với thế giới. Thế là tôi lập hồ sơ 40 “chuyện đời thường” trong xã hội Cham, những câu chuyện riêng và chung nặng ý nghĩa. Thơ tân hình thức là rất thích hợp. Tôi lánh về quê, và tính viết một hơi cho đến kết thúc. Dự trù đâu khoảng 20 ngày. Ai dè, được 18 bài, có chuyện kinh doanh, tôi lên xe đò vào Sài Gòn, rồi mất hứng luôn. Tôi không thể trở lại được nữa.
[18 chuyện đã in là: Chạy dịch – Ăn chữ – Chờ tàu – Sông Lu – Một ngày trong đời của Trần Wũ Khang – Trâu khóc – Ông Phok – Mộng độc – Sách hoang – Cây kuao – Glơng Anak – Apsara – Trẻ dại – Thằng hoang – Đầu gối – Sống lùi – Ma Hời.
22 chuyện chưa xong, có: Hàm Bộ, nhà Yogi cuối cùng – Anh Đạm – Mẹ bắt gà con của tôi cúng rồi – Pauh Catwai – Chuyện riêng của Mei – Út Lành – Cei T’maung – Sầu ca trên đồi Cát Nam Kương – Hầm Mỹ – Bà Kâu – Chuyện Trà Vigia kể lại – 25 năm làm nên một Quan họ – Pô Nai – Ông Ka-ing – Hắn đã nói giọng Quảng với tôi thế nào – Con Mực và Cái Kwang – Tiếng rao bán lu – Nạn dịch điên – Ngài Thứ trưởng đi lao động xã hội chủ nghĩa – Bà H’lêu – Việt cộng vào làng – Gió vẫn thổi qua đồi trọc.]
Tiểu thuyết Tcherfunith được viết liên tục trong 14 ngày tại Trại Sáng tác Tuy Hòa. Trong khi Palei có gì lạ không em? xong hai phần thì bị đứt. Phần còn lại bị hoãn vĩnh viễn, do tôi về palei, không có gì “lạ” để biết nữa. Truyện Mini có lẽ sẽ chung số phận, tôi e vậy.
2. Bạn hỏi, hàng loạt Truyện Mini kia có là chuỗi truyện để làm nên tiểu thuyết không?, là câu hỏi có lẽ ít nhà văn trả lời được. Chuyện đang diễn biến, nó sẽ bẻ nhà văn theo hướng nào đó, chính nhà văn cũng không biết trước. Mặc dù tôi làm việc có lập hồ sơ và bám sát chương trình, nhưng trong sáng tạo, khó ai đoán trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đó. Ấy mà hay. Vậy mới sáng tạo.
Chính tôi không ngờ Palei có gì lạ không em? lại nảy nòi ra hai truyện ngắn trong đó. Nhất là phần cuối bị bỏ dở. Nó sẽ thành tiểu thuyết mới ở những ngày sắp tới. Hoặc Tcherfunith, khi chương 5 xong, mạch tiểu thuyết mở ra ba hướng hoàn toàn khác lạ. Tựa như với một tứ thơ, nhà thơ triển khai bằng ba thể thơ để ra ba bài thơ khác nhau, tôi sẽ làm thêm hai tiểu thuyết nữa trong chính Tcherfunith, bắt đầu từ dòng cuối chương 5 kia. Tiểu thuyết trong tiểu thuyết là vậy, nhưng rất khác với cách làm của A. Gide.
3. Về mục “Mây đã vượt qua cạm bẫy đời sống mới ở thành phố”, bạn nêu thắc mắc về lời bình của tôi: [“người nữ Cham sẵn sàng rời bỏ đứa con rứt ruột đẻ ra, để bảo vệ danh dự của bản thân và dân tộc mình”].
Việc tiếp nhận tác phẩm văn chương của bạn đọc, tôi muốn dành cho họ sự tự do. Riêng khoản này, bởi có dính đến kĩ thuật, nên xin mách nhỏ bạn.
Về chi tiết nhân vật Mây “bỏ đứa con”, tôi đặt cô nàng vào hai tình huống khác nhau. Tình huống thứ nhất [qua lời đồn], Mây ôm con bỏ trốn, giữa đường bị sập bẫy của bà mẹ chồng: mất con vĩnh viễn. Tình huống thứ hai, tôi bố trí cho cô nàng [chính nhân vật kể] ôm con bỏ trốn vào thành phố, bị thằng em chồng có ý làm nhục, Mây phản kháng lại, và “mất con”. Đừng hỏi, tại sao Mây không kiện, để dành lại đứa con. Nếu thế nó thành tiểu thuyết trinh thám rồi còn gì. Và biết đâu, trong quá trình sửa chữa, tôi còn bày ra tình huống khác nữa.
4. Bạn hỏi Inrasara đặt tên nhân vật thế nào? Tại sao là tên này mà không là tên khác? Đây là câu hỏi đơn giản nhưng hơi bị… hay. Tôi vốn là kẻ làm thơ, mà thi sĩ thì luôn bị ngôn từ ám ảnh. Ám ảnh ngôn từ, qua đó làm nên ý tưởng.
Tên nhân vật nam, tôi thích nhất “Wũ”. Không hiểu sao! Mặc dù đánh telex chữ này phải qua hai thao tác, nhưng tôi thích nó. Tôi có bút danh “Lâm Wũ” cho vài bài trao đổi ngắn. Trong Chân dung Cát nhân vật này từng xuất hiện. Sắp tới “hắn” còn có mặt ở tiểu thuyết khác nữa. Rồi “Lê Kha”, một nhân vật khác cũng trong Chân dung Cát. “Khan” là biến thái từ Lê Kha. Tôi có tiểu thuyết đầu tay [chưa in] lấy tên Tiểu thuyết của Khan, mới đây là truyện ngắn “Gru Khan” đã đăng; từ đó chuyển sang nhân vật “Khang” chỉ qua một chữ G. Nhân vật “T’mong” trong tiểu thuyết Tcherfunith là từ “T’maung” trong tập thơ Chuyện 40 năm… mà ra. Truy nguyên, “T’mong” là tên bạn tôi. Anh tên “Tiến”, không hiểu sao dân làng tặng anh biệt hiệu “Tiến r’mong” (rimong tiếng Cham là: cọp). Anh có rất ít bạn, tôi là một. Anh mất khi chưa tới tuổi tứ thập.
Nhân vật nữ trong truyện ngắn thuở học sinh của tôi là “Vân”. Yến Vân là bạn học chung lớp thời Pô-Klong. Đẹp, múa hay. Chị hơn tôi 2 tuổi, tôi không để ý người, nhưng thích cái tên. Tôi cũng thích tên “Kamay” (tiếng Cham là: nữ). Nhân vật “Mây” trong Palei có gì lạ… là biến thái từ “Kamay”, chứ không liên can đến “vân” trong tiếng Hán, như có bạn mách tôi. “Kamay” còn nhiều lần xuất hiện trong thơ tôi.
Thi sĩ bị ám ảnh bởi tính cách con người nhiều hơn cái ngoài nó. Ngoài nó có thể là tài, tiền, tiếng hay gì gì đó của kẻ đó, là mấy thứ thi sĩ không quan tâm. Tôi thường bị ám ảnh bởi tính cách người nam hơn là nữ. Tính cách của Hàm Bộ, Trà Vigia, Ông Phok… nằm trong số đó.
Còn chữ cái, chữ “M” ám tôi lạ. Thử cây bút mới hay viết nghịch lên cát, ngay từ nhỏ, mấy chữ này cứ trở đi trở lại: mưa mùa hạ, mùa mưa… Không hiểu tại sao, từ thuở biết viết chữ cho tận bây giờ, cứ vậy.
5. Bạn hỏi năng lượng đâu Inrasara viết dữ vậy? Khó trả lời câu hỏi này. Ừ, thì cứ tạm …
Tôi mê chữ. Từ 12 tuổi, tôi đọc nhiều và đọc đủ thứ. Đọc, và ghi chép nhiều.
Tôi suy tư nhiều, từ tuổi 30, suy tư và ghi chú nhiều. Chằng chịt ghi chú trong các cuốn Agenda.
Mươi năm qua tôi không đọc nữa, mà viết (tôi đọc là để làm việc, để viết về).
Tôi là nhà văn tự do. Tôi không có việc làm.
Tôi có nhiều thời giờ. Tôi ngủ 9 giờ tối, thức 4 giờ sáng, và viết.
Tôi không bị chi phối bởi hội hè hay hội nghị, đám cưới với nhà mới, không bị thao túng bởi bạn nhậu, hay bởi mấy bài viết nhảm nhí… nên có rất nhiều thời giờ.
Tôi tập thể dục và võ thuật mỗi sáng, tập yoga mỗi tối. Đều đặn như thế, từ 18 tuổi. Ít bệnh vặt, qua đó tôi có sức ngồi để viết.
Tôi đi nhiều. Đi, tôi ghi chép nhiều. Từ đó, có tư liệu nhiều để viết.
Tôi thích cái mới lạ, tìm và thử nghiệm nhiều cái mới lạ: thủ pháp, ý tưởng, thể loại…
Tôi… Tôi…
Chà, tôi là quái gì nhỉ?!
Sài Gòn, 18-10-2013
Chúc anh nhiều cảm hứng cho sáng tạo!
Cảm ơn nhà thơ đã giải đáp những thắc mắc để bạn đọc hiểu rõ hơn công việc bếp núc của những người cầm bút. Chưa hẳn đã đồng tình hết với những giải đáp của nhà thơ.Nhưng hẹn 1 dịp khác có thời gian hơn, K sẽ lại gửi “phản biện”,…
Chúc nhà thơ được “Cô đơn cho sáng tạo”
Tôi có nhiều thời giờ. Tôi ngủ 9 giờ tối, thức 4 giờ sáng, và viết.
Tôi không bị chi phối bởi hội hè hay hội nghị, đám cưới với nhà mới, không bị thao túng bởi bạn nhậu, hay bởi mấy bài viết nhảm nhí… nên có rất nhiều thời giờ.
Tôi tập thể dục và võ thuật mỗi sáng, tập yoga mỗi tối. Đều đặn như thế, từ 18 tuổi. Ít bệnh vặt, qua đó tôi có sức ngồi để viết.
Rất thực tế, chứ không viễn vông như… nhà thơ.
kinh tho nha tho
tôi da thay rat nhieu van de nha tho dua y kien nhung bao nhieu thi tac gia se suy nghi ve tac pham cua minh!
Tôi đố ai hiểu nổi anh .daovan nói gì? Ai hiểu xin làm ơn giải thích cho tôi, cám ơn nhiều lắm.
ban gop y rat dung
toi cung chang hieu noi dung tren la gi? co the ai do( trong ban nhau) da su dung iphone cua toi com. lan toi toi se giu dt cua toi ky hon. theo toi co the chung ta hieu nhu the nay: nha tho dua rat nhieu y kien ve cac van de Cham nhung cach giai quyet van de nhu the nao thi chua thay giai phap
cam on ban Jabeh