Lời tiên tri của giọt sương – Từ văn bản đến văn bản

Đọc Lời tiên tri của giọt sương, tập truyện của Nhật Chiêu, NXB Hội Nhà văn, 2011

Đã đăng báo Người Đại biểu nhân dân, 1-1-2012

*

+ Cùng Nhật Chiêu tại Đà Lạt, 2008.

Sáng tạo không là cái gì độc sáng, như chủ nghĩa hiện đại quan niệm. Văn học cũng không gánh chức năng phản ánh hiện thực cuộc sống, như chủ nghĩa hiện thực đủ loại cho là như thế và ước mơ làm được như thế. Ít ra là với Lời tiên tri của giọt sương của Nhật Chiêu.

 

Không khó nhận ra Nhật Chiêu ít sống đời sống “hiện thực”, nên – ở tập truyện này – khó tìm thấy vốn sống như ta thường đòi hỏi nhà văn phải thế để kiến tạo tác phẩm nghệ thuật ngồn ngộn hơi thở cuộc sống. Nhật Chiêu chìm ngập trong đống sánh vở và giữa ngổn ngang ngôn từ với bộn bề ý tưởng. Sách vở giải thích sự giải thích về thế giới còn nhiều gấp ngàn lần chính sách vở giải thích thế giới, – ai nói thế?

 

Câu chuyện Lời tiên tri của giọt sương khởi đầu từ văn bản, từ vô số văn bản có mặt trước đó từng trôi qua con mắt và bàn tay Nhật Chiêu để hình thành một văn bản mới, khác. Nó là một thứ liên văn bản intertext đúng nghĩa hậu hiện đại.

 

Xuất phát điểm của mọi câu chuyện, người đọc đều có thể tìm ra địa chỉ hay chứng từ. Có khi từ một chữ (như Đạo, Nhại, Tề Vật luận, Được…), một cuốn tiểu thuyết (Người lạ hay Kẻ xa lạ của Camus, Buồn nôn của Sartre, Cửa hẹp hay Khung cửa hẹp của Gide,…), một tập thơ hay một bài thơ (như Leaves of Grass của Whitman, bài thơ của thiền sư Ryôkan hay bài thơ “Con cóc” trong văn học dân gian Việt Nam) hoặc đơn thuần chỉ là một cái tên (Godot, Vua Lear, Tây Thi,…), để làm nên các truyện rất ngắn của Lời tiên tri của giọt sương. Ngắn như một bài thơ haicu, một truyện chớp, một ngụ ngôn hậu hiện đại, một câu đố, thậm chí có cái gì từa tựa một công án Thiền! Chúng mang ý nghĩa khác ý nghĩa của bản gốc, phản lại ý nghĩa có trước đó, trại hay sái ý nghĩa, hoặc mở ra một ý nghĩa mới lạ hơn. Không cần đến chú giải hay diễn giải dài dòng, để tùy kiến văn, phông văn hóa, sự trải nghiệm hay óc tưởng tượng, người đọc có thể thả sức liên tưởng, từ đó – diễn ngôn chúng.

 

Tất cả truyện trong Lời tiên tri của giọt sương đều thoát thai từ chữ và qua chữ.

Như vậy, sáng tạo không gì hơn là ăn theo, cưỡng bức hay tái tạo ngôn ngữ có sẵn để tạo ra thế giới ngôn ngữ khác. Không chút ảo tưởng về “độc sáng”, Nhật Chiêu ý thức sâu thẳm tình trạng đó, và đã làm được Lời tiên tri của giọt sương độc đáo.

[N]gôn ngữ tạo ra thế giới, các giới hạn ngôn ngữ của tôi là các giới hạn của thế giới tôi” – L. Wittgenstein nói thế. Nghĩa là, con người khi còn là con người thì bất khả thoát khỏi ngôn ngữ. Nhật Chiêu không thể thoát khỏi ngôn ngữ, hàng đống ngôn ngữ đi qua đời anh, ám ảnh và thao túng anh, làm nên con người anh – một văn bản.

 

Nhìn trăng hay đang đi dưới trăng, trăng kia hết còn là trăng đơn thuần tôi đang ngắm hay soi lối tôi đi. Sau “trăng”, cạnh “trăng” và qua “trăng”, tôi thấy thấp thoáng bóng Hàn Mặc Tử say trăng, ôm trăng ngủ. Xa hơn, tôi không thể không nhớ đến giai thoại Lý Bạch nhảy xuống sông ôm bóng trăng, tôi biết là Vũ Hoàng Chương đã viết câu thơ bi thiết “trăng của nhà ai trăng một phương“. Đi gữa mùa trăng hiện tại, tôi bị ám bởi mấy màu trăng tôi từng nhìn thấy qua bao nhiêu bức tranh của các họa sĩ trường Ấn tượng ở trời Tây, để rồi tôi cũng có thể than vãn theo kiểu Nguyễn Trọng Tạo: “Không còn ánh trẳng ngà cho thi sĩ làm thơ“.

Mênh mông tri kiến cùng bạt ngàn kỉ niệm về trăng khiến trăng hết còn là trăng “thực”, mà đã thành trăng của kí ức, trí tưởng và tri kiến của tôi về trăng. Tôi đánh mất khả năng nhìn trăng như là trăng.

 

Nhà văn ít vốn sống “thực”, cứ tạm cho là vậy. Nhưng không phải vì lí do đó mà hắn không thể lấy kinh nghiệm từ vốn sống dù hạn hẹp hay ít ỏi tới đâu, để sáng tác. Nhật Chiêu không làm thế, bởi anh hiểu, mỗi kinh nghiệm, mỗi tri kiến sở đắc dù từ chính “đời sống thực” hay từ lí giải về đời sống cũng chỉ là một thứ diễn ngôn. Diễn ngôn từ diễn ngôn qua diễn ngôn bằng diễn ngôn. Trùng trùng điệp điệp. Diễn ngôn đến mất hết hệ quy chiếu với hiện thực, với bản gốc của văn bản, cắt đứt mọi liên hệ giữa văn bản và hiện thực. Tác giả của Lời tiên tri của giọt sương sẵn sàng nhặt “hiện thực diễn ngôn” ấy bất kì đâu, để sáng tác. Và kêu đòi người đọc nhập cuộc đồng sáng tạo với tác giả. Sáng tạo mở rộng ý hướng của tác giả, hay chống lại ý nghĩa tác giả ý đồ gán cho mỗi truyện.

 

Thế giới hiện tại tràn ngập thông tin. Hiện thực hôm nay là thứ hiện thực ngụy tạo, vật thế vì giả tạo simulation. Mọi hình ảnh đều là thứ hình ảnh phi căn nguyên image-without-an-original. Phi căn nguyên đếnTòa Tháp Đôi chưa… sụp đổ, cuộc chiến Iraq không hề… xảy ra – theo cách nhìn của Baudrillard. Nhưng hiện thực đau khổ của con người là có thực.

Làm sao thoát khỏi sự triền phược của chằng chịt ngôn từ, để tiếp cận với cái “thực” kia? Nhưng nhà văn thì không thể không dùng đến ngôn từ. Nhật Chiêu đã từ ngôn từ và qua ngôn từ để làm nên văn bản nghệ thuật Lời tiên tri của giọt sương. Ngay cả ý hướng sử dụng thuần ẩn dụ hay kí hiệu, tác phẩm của nhà văn cũng phải thông qua xác ngôn từ. Khi ngôn từ được dùng với sự tinh tế đặc biệt, nó có thể đạt được hiệu quả nghệ thuật.

 

“Bức tranh”

Giữa sa mạc. Để làm dịu cơn khát của mình họa sĩ đã vẽ trên cát một con suối.

Khi chàng bỏ đi, một mạch nước ngầm đã tràn lên bức tranh khe suối ấy.

Đoàn lữ hành đã tìm thấy xác chàng họa sĩ cách đó không xa. Dẫu sao đi nữa, họ đã uống nước thỏa thuê.

 

Dẫu sao đi nữa, hiệu quả kia vẫn là hiệu quả nghệ thuật, đến từ ngôn từ và qua ngôn từ. Và người đọc thưởng ngoạn tác phẩm Lời tiên tri của giọt sương cũng không thể không thông qua sự có mặt của ngôn từ. Điều chắc chắn là những ngôn từ này đã dẫn người đọc tiếp cận được với hiện thực, một hiện thực khác với hiện thực ta từng quan niệm. Bởi dẫu sao đi nữa, hiện thực này cũng đã góp phần mình làm đa dạng nghệ thuật và làm phong phú đời sống tinh thần của con người.

 

Sài Gòn, 28-11-2011

 


3 thoughts on “Lời tiên tri của giọt sương – Từ văn bản đến văn bản

  1. Bài viết hay lắm! Nhật Chiêu là thầy xưa dạy em đó.
    Kính chúc thi sĩ năm mới nhiều sáng tạo!

  2. Em đã đọc truyện của Thầy Nhật Chiêu, khó hiểu và ám ảnh là những cảm nhận đầu tiên. Mỗi câu chuyện (có khi chỉ một câu) đều là những trải nghiệm, triết lý nhân sinh,… Cách anh Inrasara “cảm nhận” truyện của Thầy Nhật Chiêu thật độc đáo. Em rất thích cách viết gai góc sắc sảo của anh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *