Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Thuận, 10:30g, 25-9-2013
Thực hiện: La Văn Tuân
Inrasara: Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Lý luận – phê bình Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, chủ biên Tagalau – Tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Cham, nhân dịp Tagalau ra mắt số 14, chào mừng Katê 2013.
Ra đời từ năm 2000, đến nay Tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu Văn hóa Cham Tagalau đã xuất bản số 14. Cứ sắp vào mùa lễ hội Katê, những người thực hiện là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Cham lại bước vào làm tuyển tập mới với mong muốn giới thiệu nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học nghệ thuật và những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Cham đến với mọi người. Ngày chủ nhật 29-9 tới đây tại thành phố Phan Thiết, Ban biên tập sẽ có buổi ra mắt Tagalau số 14 – chào mừng lễ hội Katê năm 2013. Để quý vị và các bạn hiểu thêm về tuyển tập đặc sắc này cũng như nội dung tập san số mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Inrasara – Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Lý luận – phê bình Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, chủ biên Tuyển tập Tagalau.
1- Thưa nhà thơ Inrasara! Một sự khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, ông và những người tâm huyết đã cho ra đời Tagalau số đầu tiên như thế nào ạ?
– Lường trước mọi khó khăn, có nghĩa là đã vượt được một nửa cái khó khăn kia rồi. Để làm Tagalau, chúng tôi đã phải qua ba năm thử nghiệm. Đầu tiên, vào mùa hè 1996, sau Trại Sáng tác tại Đải Lải, tôi có đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam cho làm số chuyên đề về Cham do các cây bút Cham viết, trên đặc san Văn nghệ Dân tộc và Miền núi. Ấn phẩm ra đời tạo tiếng vang đáng kể. Năm tiếp theo chúng tôi kết hợp với tạp chí Văn nghệ Bình Thuận làm số Kate 1997. Rồi Katê 1998, tạp chí Văn hóa Dân tộc có số đặc biệt về Cham, đa phần tác giả là người Cham. Thành công bước đầu đã cho chúng tôi sự tự tin. Dĩ nhiên, những khó khăn và trở ngại khác, như về tài chính, về phát hành… tôi không lo lắm.
2- Vì sao Tagalau chỉ làm mỗi năm một số vào đúng dịp lễ hội Katê, thưa ông?
– Lễ lớn của dân tộc là đúng, nhưng không chỉ riêng Katê đâu. Tagalau một lần có mặt vào Rija Nưgar, lần nữa vào Ramưvan. Tagalau là tuyển tập chứ không phải đặc san, cho nên khi đủ bài mới xin phép in. Vài chục năm qua, thanh niên Cham rời làng đi làm ăn hay học hành xa, chỉ những ngày lễ, tết, họ mới trở về quê hương, bản quán. Thế nên chỉ vào dịp như thế, khi những đứa con của Đất trở về palei, mới là dịp tốt cho họ tiếp cận Tagalau.
3- Xin nhà thơ cho biết cơ cấu của tuyển tập được được sắp xếp như thế nào và nội dung chủ yếu của Tagalau những số vừa qua đưa đến độc giả là gì?
Tagalau hình thành từ nỗ lực của vài trí thức Cham, như tôi, Trà Vigia, Nguyễn Văn Tỷ và Trầm Ngọc Lan. Ở đó tôi đứng tên chủ biên. Và có thể nói, làm từ A đến Z. Từ gom bài đến biên tập, từ xin giấy phép cho đến in ấn và phát hành… Như tên tuyển tập cho biết: Tagalau – Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Cham, cho nên ưu tiên đầu tiên của Tagalau vẫn là sáng tác: thơ, văn – cả tiếng Cham lẫn tiếng Việt. Tiếp đến là mục sưu tầm và nghiên cứu. Trước đó, chúng tôi có trang thông tin tình hình kinh tế – xã hội Cham, nhưng do khoảng cách giữa hai kì quá dài, cho nên các thông tin luôn bị tụt hậu. Do đó Ban Biên tập quyết cắt bỏ phần này, chỉ giữ lại thông tin về sách, về tin lớn liên quan đến văn hóa cộng đồng.
4- Qua 14 số đã phát hành, điều gì khiến ông hài lòng nhất và đâu là những băn khoăn, trăn trở?
– Có 4 trụ cột làm nên thành công của Tagalau – đó là, 1. Người Cham có gì để nói với thế giới bên ngoài không? Câu trả lời là có. Dân tộc Cham có bề dày truyền thống văn hóa, lẫn sáng tạo văn học, đó là kho báu vô giá cho thế hệ đi sau tắm mình vào và sáng tạo. 2. Người Cham có tác giả đủ khả năng nói lên điều đó không? – Có, bởi sau 14 kì, Tagalau đã thu hút hơn hai trăm tác giả cộng tác, trong đó đặc san đã giới thiệu được mươi khuôn mặt sáng giá. 3. Người Cham có độc giả không? – Có. Đặc san Văn nghệ Dân tộc & Miền núi số đặc biệt năm 1996 nội ngày, chúng tôi phát hành gần ngàn bản, đủ đảm bảo về khẳng định đó. 4. Cuối cùng, người Cham có Mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ, khi Tagalau gặp khó. Đó là thành công của Tagalau.
Còn băn khoăn? Điều tôi không lường được là, thế kỉ mới, văn hóa internet phát triển lấn át văn hóa giấy. Nguy cơ Tagalau lỗi thời là thật. Dẫu sao tôi vẫn tin thế hệ trẻ Cham vượt qua được ải này.
5- Thưa nhà thơ Inrasara! Trong số Tagalau 14 này, độc giả sẽ nhận được những điều khác hơn so với những số trước?
– Không đề cập đến hình thức: khổ đặc san đã thay đổi, in đẹp hơn… Chỉ xin nhấn mạnh rằng: Ở Tagalau 14 các cây bút trẻ xuất hiện nhiều hơn, nhất là ở mục nghiên cứu. Bá Minh Truyền, Đàng Quảng Hưng Thiện. Về sáng tác, nhiều tên tuổi mới lần đầu xuất hiện, nhưng đã rất đĩnh đạc, như Jaya K, Kiều Maily, Lưu Anh Tặng, Haniim Par… Kiều Dung, tác giả chuyên trị thơ tiếng Cham ngày càng viết lên tay.
Xin cám ơn nhà thơ Inrasara – Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Lý luận – phê bình Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, chủ biên Tuyển tập Tagalau về cuộc trao đổi này!
Đó mừng Tagalau 14( coi như là số mới) – Xin chia sẻ thành công chuyển giao từ Inra !