Hành trình 10 năm Tagalau

TƯỜNG TRÌNH…
Kỉ niệm Hành trình 10 năm Tagalau. Chương trình là…
Từ 15:00 giờ: Đón khách; 16:00 giờ: Khai mạc.
+ Giới thiệu khách mời và anh chị em Tagalau + Inrasara khái quát Hành trình 10 năm Tagalau + Ý kiến trao đổi.
18:00 giờ: Cơm chiều và văn nghệ.
Hiện thực bám khá sát với chương trình dự kiến. “Kỉ niệm Hành trình 10 năm Tagalau” diễn ra tại tư gia Inrasara (chủ biên), Caklaing – Mỹ Nghiệp, Thị trấn Phước Dân, Huyện Ninh Phước – Ninh Thuận đúng 4: 30 giờ, chiều 16-10-2009.

Phú Năng Lành (MC) nói lí do buổi họp mặt, sau đó chủ biên giới thiệu đại biểu tham dự. Khách mời gồm ông Trần Thanh Sơn, phó chủ tịch Thị trấn – thay mặt chính quyền địa phương; ông Đỗ Ngọc Toán và anh Triều – ban An ninh văn hóa cấp Trung ương; ông Nghiêm – công an Tỉnh Ninh Thuận; tiến sĩ Trần Văn Luyến – Trưởng Văn phòng đại diện Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và phu nhân; nhà thơ Lê Hưng Tiến và thạc sĩ Cao Việt Dũng ở Trường Cao đẳng Sư phạm Tỉnh Ninh Thuận; sau đó anh Cao Nguyên Lợi cùng 9 anh em từ Sài Gòn vượt mưa gió ra kịp để tham dự buổi Kỉ niệm. Chỉ tiếc là, “Kỉ niệm Hành trình” trùng thời gian diễn ra cuộc lễ lớn ở TP Phan Rang – Tháp Chàm, nên đại diện Sở VHTT, nhạc sĩ Phan Quốc Anh, Trung tâm văn hóa Chăm,… và cả anh Lộ Minh Trại (Kay Amưh), Kinh Duy Trịnh, Lâm Tấn Bình… đã vắng mặt.
Còn lại là anh chị em Tagalau. Tất cả 56 người ngồi vừa đủ trong gian phòng của Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani.

I. Diễn biến
1. Inrahani, thay mặt chủ nhà được dành 5 phút nói về Nhà Trưng bày, nơi hân hạnh đón các vị khách quý đầu tiên trong ngày khởi động Katê 2009.
“Dù có phiêu giạt tìm sinh nhai tại thành phố hay ở bất kì đâu chăng nữa, tôi chỉ xem đó là những chuyến buôn. Buôn thì phải đến ngày về. Ngày trở về hôm nay tôi đã cố gắng với sức lực của mình để có phần riêng góp vào làm đẹp bộ mặt quê nhà. Đó là nỗ lực giúp lưu giữ vài mảnh nhỏ sót lại từ trong di sản quý báu và khổng lồ của tổ tiên, cho con cháu Chăm đời nay biết đến. Nhà Trưng bày này là một thành quả khiêm tốn nhưng cần thiết”.

– Như là chất phụ gia làm nóng cuộc chính, Jaka trình bày qua về Dự án Tủ sách cho thiếu niên Chăm.
“Thuở bé, mở mắt ra thấy quanh mình toàn là sách. Cháu chỉ biết chơi nghịch vẽ bậy. Sau này lớn lên mới hiểu giá trị của sách. Rồi khi sang Thái Lan, Ấn Độ,… tìm học, cháu càng hiểu hơn tri thức trong sách giá trị thế nào để làm cơ sở tiếp cận hiện thực của thế giới. Nên cháu có ước mơ là tạo cho trẻ em Chăm sớm tiếp xúc với sách ngay từ tuổi thiếu nhi. Cháu đã xin được ở vài cơ quan thành phố ngàn cuốn sách phù hợp với lứa tuổi các em. Nói lên ý tưởng này, cháu rất mong cô chú cũng như chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ…”.
4 phút qua nhanh.

2. Vào cuộc chính.
Inrasara – chủ biên không khái quát Hành trinh 10 năm Tagalau như dự kiến mà…
“Cách đây hơn 7 thập niên, một cậu thiếu niên đã viết ra câu thơ thiên tài:

Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ
Quay về xem non nước giống dân Chàm

Với xứ nắng Panduranga, Katê được xem như là ngày biếc, ngày giao mùa mưa nắng, mùa lúa đang kì làm đòng chuẩn bị cho sinh nở. Khởi động cho ngày này, Tagalau hân hạnh mở vòng tay đón du khách thập phương. Nhưng chỉ khi nào du khách rời bỏ thị thành thực sự để “về như là trở về” giữa lòng cuộc sống Chăm, – như vị thiền sư kia cởi bỏ cô gái bên bờ sông để dấn bước tinh tấn trên con đường tu hành -, thì du khách mới có cơ may khám phá bí ẩn Chăm như là bí ẩn”.
Tôi nhấn vào từ “bí ẩn”.
Trong khi nhà thơ họ Chế muốn người đọc rời bỏ thị thành để làm cuộc phiêu lưu vào thế giới bí ẩn của Chăm ở quá khứ, thì ngược lại, hôm nay tôi rất mong các vị đi vào bí ẩn Chăm hiện đại. Chăm của hôm nay. Ở đó ẩn chứa vô vàn cái bí ẩn cần khám phá, tìm hiểu, chia sẻ và cảm thông. Trong đó có bí ẩn mang tên Tagalau.
Tagalau là tập san duy nhất mà trí thức dân tộc thiểu số sống trên đất nước Việt Nam đa dân tộc này làm được cho dân tộc mình, riêng sự thể đó thôi đã không là một bí ẩn sao? Nó ra đời chỉ bởi sự rủ rê của ba anh em Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan Inrasara với sự đồng tình của vài trí thức Chăm; rồi trải qua bao gập ghềnh, sóng gió để tồn tại lay lắt suốt 10 năm lại là một bí ẩn khác nữa.
Thế nhưng để làm nên bí ẩn trên, Tagalau cần đến bốn trụ cột. Thứ nhất, Chăm có người viết (sống giữa lòng đời Chăm, tôi ít nhiều hiểu được khả năng anh chị em). Thứ hai, Chăm có độc giả; có thể nói tiền thân của Tagalau chính là phụ san Văn nghệ dân tộc & miền núi của Hội Nhà văn Việt Nam số Katê 1996 chủ yếu do các tác giả Chăm viết; ngàn tờ bán hết veo trong một buổi lễ trên tháp! Thứ ba là Chăm có mạnh thường quân; dù 50.000 đồng hay 500 USD, vẫn là mạnh thường quân; những con người này luôn xuất hiện đúng lúc để động viên chủ biên và anh chị em trong gia đình Tagalau không ngã lòng trước biến thiên cuộc thế, thay đổi lòng người. Và cuối cùng, một yếu tố không thể thiếu là các cơ quan ban ngành liên quan sẵn sàng ủng hộ Tagalau, từ cấp giấy phép cho đến khâu phát hành.
[Tôi còn chưa đề cập đến yếu tố người chủ biên, như có một vị nhắc khéo sau đó].
Chính bởi các yếu tố trên mà Tagalau đã cuốn hút gần 170 cây viết chuyên và không chuyên gồm nhiều dân tộc, thành phần, thế hệ tham gia mà tồn tại và lớn dậy suốt 10 năm. Để hôm nay trong buổi chiều đẹp trời này, chúng ta ngồi đây làm lễ sinh nhật 10 năm Tagalau.
Thay mặt Tagalau, tôi xin nói lời cảm tạ và tri ân đến tất cả!”

3. Ý kiến trao đổi:
Tuần tự là ông Trần Thanh Sơn, thay mặt chính quyền địa phương, ông Đỗ Ngọc Toán, ông Trần Văn Luyến, Trà Vigia – đồng sáng lập và thành viên BBT Tagalau, (đến đây, Trà Vigia chuyển micrô sang ông Đạt Chữ), Hồng Loan (sau phát biểu ngắn, hát phụ diễn bài dân ca với giọng hát cực kì), ông Dương Tấn Thi – Chăm kiều ở Pháp về dự Katê, rồi Jalau Anưk đại diện cho thế hệ trẻ nói ý hướng của mình, sau đó anh Cao Nguyên Lợi và anh em Kinh ở Sài Gòn tặng hoa và sách cùng lời cảm tưởng rất chân tình. Màn cuối là nghệ sĩ múa Hani tamia on múa mừng 10 năm Tagalau.
Nghĩa là khá đầy đủ và trọn vẹn, không thừa không thiếu – theo nhận định chung.
9 ý kiến trao đổi chiếm trọn một tiếng đồng hồ, nghĩa là đã quá 18 giờ.

Các ý kiến xoay quanh vấn đề: 1. Cần có cuộc thăm dò ý kiến độc giả cho Tagalau cơ hội nhìn lại mình để phục vụ tốt hơn, tránh các bài viết hơi tối gây khó hiểu, giúp Tagalau ngày càng vào sâu trong quần chúng 2. Dĩ nhiên chất lượng nhiều bài viết vẫn chưa làm hài lòng ngay chính chủ biên, bởi đây đó vẫn xuất hiện vài sáng tác mang tính phong trào; nhưng dù gì thì gì BBT cũng cố nâng Tagalau từng bước lên thành tập san có tính chuyên nghiệp cao hơn 3. Không ít ý kiến mong muốn Tagalau tập trung vào cuộc sống Chăm hiện tại, nên việc mở chuyên mục mới để nói về các sự việc mới là rất cấp thiết 4. Cuối cùng rồi đến lúc nào đó người viết cho Tagalau cũng phải biết đến chế độ nhuận bút, nên việc xúc tiến quảng cáo cần đặt ra,…
Chỉ như thế chúng ta mới hi vọng Tuyển tập sống đời được.

4. Inrasara dành một phút nói lời cám ơn đến mọi người, mời các vị khách và anh chị em dự buổi cơm thân mật và nhận phần quà tặng của Tagalau.

II. Chuyện bên lề
1. Ý kiến sau buổi Họp mặt
Tagalau đi qua 10 năm trọn vẹn là thành công ngoài sức tưởng tượng, có thể nói đó là kì tích. Tagalau trở thành niềm hãnh diện chung của Chăm, – ý kiến chung là thế. Cần giữ sức sống và tạo hơi thở mới cho Tagalau, là ưu tư không riêng gì chủ biên hay các tác giả. Nhưng một tố chức nào bất kì khó làm thỏa mãn tất cả mọi người. Nên ý kiến phản biện là khó tránh. Kỉ niệm 10 năm Tagalau cũng không là ngoại lệ. Có 3 phản ánh chúng tôi nhận được:

– Tại sao không để cho các ý kiến tự phát mà phải sắp đặt, vừa thiếu tự nhiên vừa không thoải mái? Vì đây không phải là hội nghị mà là họp mặt kỉ niệm. Câu trả lời đầu tiên là: chúng ta không đủ thời giờ cho sự thoải mái. Chủ trì Bàn tròn văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi tối kị chuyện chỉ định ý kiến. Nhớ ngày gặp mặt nhân Tagalau 1 ra mắt vào Katê 2000, 17 anh em chú bác đã có những phát biếu rất tự nhiên, không ai sắp đặt ai cả. Cả lúc nửa chừng khi có hai vị bên an ninh Trung ương ghé qua tham dự cũng thế, anh em cứ thoải mái nói, và họ im lặng nghe. Nhưng hôm nay thì khác: nhiều thành phần, các thành phần này cần có tiếng nói đại diện cho thành phần, thế hệ mình.
Tôi biết rất nhiều người đã chuẩn bị sẵn ý kiến (bạn Quảng Thành Khỏe còn mang theo cả “diễn văn” nguyên trang A4 đánh máy nữa!), nhưng nếu vậy thì nó kéo dài ra. Hơn nữa, tác giả thì đã nói qua tác phẩm rồi, còn thì người viết nên lắng nghe tiếng nói từ các đại diện của độc giả là hơn.
Theo tôi, có vài vắng mặt đáng tiếc, đó là nhạc sĩ Phan Quốc Anh hay giám đốc Sở VHTT Phạm Văn Muộn. Riêng anh Nghiêm đại diện cho bên an ninh Tỉnh nhà, và một độc giả yêu Tagalau thuần túy (anh Qua Đình Lan chẳng hạn), Tagalau rất cần nghe tiếng nói của các vị này. Thôi thì đành hẹn kì sau vậy.

– Có những ý kiến “trái tai” khá khó nghe khiến vài tác giả hay người yêu Tagalau không bằng lòng lắm. Đúng, nhưng đó lại là ý kiến chúng ta cần nghe hơn cả. Để biết người khác nghĩ và nhìn mình thế nào. Nếu chúng ta chỉ nói với nhau, nói cho nhau nghe mà bỏ ngoài tai lời phản biện, những lời phản biện xuất phát từ tinh thần xây dựng, thì chúng ta khó có cơ hội tiến bộ. Chúng ta nghe, tiếp nhận và nếu có thể thì – điều chỉnh. Làm sao các điều chỉnh đó không đi ngược lại tôn chỉ của Tagalau là được. Theo tôi, kẻ viết văn ta cần tập nghe lời lẽ trái tai, nhiều càng tốt.

– Có một, hai người bảo buổi Kỉ niệm có hơi hướng gia đình. Xin cho vài lời giải minh như sau: Tổ chức tại nhà chủ biên là đề xuất chung của anh chị em. Khi “mượn” một cơ sở nào bất kì (ở đó chủ gia còn chu toàn các thứ linh tinh khác), việc Ban tổ chức dành cho “chủ cơ sở” dăm ba phút phát biểu là điều rất bình thường, nếu họ có quảng cáo cho cơ sở mình cũng bình thường nữa. Nhưng ở đây Hani không một lời nhắc đến Công ty mà chỉ nói về ý nghĩa của Nhà trưng bày đối với Chăm. Đây là việc làm phi lợi nhuận và có ích cho cộng đồng. Cả Jaka khi làm việc với Tủ sách dành cho thanh thiếu niên cũng vậy. Cả hai hướng về xã hội là chính.
Trong buổi Kỉ niệm tôi còn chưa một lần nhắc đến Công ty TNHH thổ cẩm INRAHANI, bên cạnh bạn thơ Chế Mỹ Lan, là nhà tài trợ chính và thường xuyên cho Tagalau nữa là! Ý kiến “có hơi hướng gia đình” nên xem lại.

– Vấn đề khách mời. Đây là chuyện nhiêu khê. Tổ chức thì phải chịu mếch lòng rồi. Khách ngoài thì không nói, riêng anh em đã từng viết cho Tagalau, tôi mời chung qua địa chỉ email và qua trang web inrasara.com. Chỉ trường hợp đặc biệt (tuổi tác, không dùng máy vi tính, sống xa trung tâm thông tin…) mới có Thư mời. Mọi người đã đến rất thoải mái, và ban tổ chức cũng vui vẻ tiếp đón.

2. Quà tặng Tagalau và Lời tạ ơn
Ban Tổ chức nhận được từ các vị khách và anh chị em 3 bó hoa, 8 thùng bia 333, 1,7 triệu tiền mặt. Và Tagalau cũng đã gởi ít quà tặng của mình: 38 cuốn Tagalau 10, 31 cuốn Tagalau 9, 7 cuốn Tagalau 8, 22 cuốn Văn học Chăm hiện đại – Thơ, 27 cuốn Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường, 5 cuốn Ariya Trường ca Chăm, 4 cuốn Như màu mây qua tháp – thơ Chế Mỹ Lan (tùy vào nhu cầu của khách).

Như vậy, “Kỉ niệm Hành trình 10 năm Tagalau” đã thành công mĩ mãn.
Ngày xưa, ông cha ta đã để lại di sản quý giá. Hôm nay chúng ta cũng cần có những đóng góp của chính mình. 10 năm qua, Tagalau đã làm nên một trong những bí ẩn sáng giá. Đó là công sức chung.

Thay mặt anh chị em và người yêu Tagalau, tôi xin chân thành cám ơn:
– ông Trần Thanh Sơn, đã tạo điều kiện cho Tagalau trở về quê nhà hành lễ,
– bà Hani đã cho mượn cơ sở Nhà trưng bày được tổ chức khá chu đáo,
– cháu Diễn (vợ Đàng Xuân Chiến, giám đốc Công ty điện Bách Khoa) đã đạo diễn bữa tiệc giản dị nhưng ngon miệng và ấm cúng,
– cám ơn thi sĩ Chế Mỹ Lan, người chịu chơi bao xâu khoản chi tiêu cho buổi Kỉ niệm,
– cảm ơn bạn thơ Diễm Sơn ở Pajai hay bạn Naphi tân Tây NInh đi xe đò về dự, ông Dương Tấn Thi đến với Tagalau bằng tinh thần xây dựng hiếm có, bạn Caramai người mới nhập cuộc Tagalau nhưng rất nhiệt tình có mặt dù chỉ biết thông tin qua web; nhiều và nhiều người nữa,
– cảm ơn những người vắng mặt đã điện, thư, gởi lời chúc mừng Hành trình 10 năm Tagalau; hoặc như trường hợp Quảng Ngũ cây bút đã vài lần nhập cuộc Tagalau dù ở ngay đất Caklaing vẫn không nhận được thông tin, nhưng khi biết buổi Kỉ niệm thành công, đã đến chia sẻ niềm vui chung,
– và cuối cùng xin cảm tạ tất cả mọi người có mặt ở Kỉ niệm Hành trình 10 năm Tagalau.

Tinh thần và tình cảm quý hiếm ấy – như thể một gàu nước thêm vào cho loài cây hãy còn khá còi cọc trụ vững qua mùa khô hạn khắc nghiệt – đã thúc đẩy tác giả, người yêu cũng như mạnh thường quân Tagalau cùng dấn tới, để tạo nên kì tích mới.
Ở tương lai.

Tadhuw kajap karo thuk siam
Inrasara.

9 thoughts on “Hành trình 10 năm Tagalau

  1. Hoan hô TAGALAU!
    Hoan hô trí thức và bà con Chăm, ồ! và cả nhà thơ Inra nữa chớ!
    Hãnh diện lắm bà con à. Quang tui nghe tin không dám đi dự nhưng thấy Hanh trình 10 năm Tagalau thành công thì rất khoái. Vỗ đùi cái đánh đét rồi tu một hơi chung rượu. Phải vậy chứ. Phải đi tìm vài tay lai rai để tán thêm. Còn mấy ý kiến phản biện thì giúp Tagalau vui lên thôi. Như vậy là còn ít lắm, theo tôi.
    Lần nữa hoan hô Tagalau.
    QT

  2. Trình Em
    Kỉ niệm 10 năm Tagalau là số dzách rồi. Đâu ra đấy ngon lành. Muốn bắt lỗi thì tôi thấy chỉ có 2 lỗi nhỏ thôi. Là khai mạc muộn nửa giờ đồng hồ. Nếu nửa giờ này không bị mất thì có lẽ gần mười người nữa được nói. Khoái! Rồi sau đó, nếu từ 8,30 giờ trở đi sau khi khách về, anh chị em cứ ngồi lại lai rai nữa thì … hết lỗi. Chủ nhà sướng, chủ biên sướng, và người yêu Tagalau cũng sướng nốt.
    Hết ạ.

  3. Thui pà con ta ơi! Bắt lỗi nhau thì có cả khối đó. Nội tui thấy ông nhà thơ chủ biên mặc áo tới đầu gối với bà Trụ nghệ sĩ múa siêu hạng múa băng rè làm pể dĩa thì cũng đủ cho tui thương mà bỏ qua tất cả rồi. Mà có lỗi phải gì đâu chớ.
    Tổ chức buổi như dầy là oách rùi. Vỗ tay….
    HOA

  4. Cac bac noi nhiu wa. Chau thay TAGALAO hay khoi che.
    Cac bac phe binh nhiu wa nha tho Inra bun nha tho bo thi hong co ai lam TAGALAO thi Kate lay dau tap chi nay ma doc.
    Cho Cobewe nay xin di. Cac bac viet nhiu vao va noi it lai.
    Cobewe iu TAGALAO

  5. Tôi không về tham dự lễ kỉ niệm được. Tôi cũng đồng ý với ý kiến là vài bài trong Tagalau đọc không hiểu. Viết mà đông đảo bà con đọc không hiểu chẳng uổng phí lắm sao? Có bài viết có lối so sánh mù mịt, đọc hơi phản cảm. Đồng ý là sáng tác thì phải khác lạ, nhưng đôi bài viết quá xa lạ. Tôi xin miễn nêu tên bài hay tác giả. Nhà thơ Inrasara nên xem lại, kĩ lưỡng hơn nữa khi duyệt đăng.
    Sara là nhà văn nổi tiếng viết cũng cao đấy chớ, nhưng không có gì khó hiểu cả.
    Đây không chỉ là ý kiến của riêng tôi. Độc giả chúng ta đâu phải ai cũng cao siêu đâu.
    Ý kiến nếu có trái tai xin bỏ qua nhé.
    Kính

  6. Rất vui khi chính Tagalau đã biết lắng nghe những lời “khó nghe”. Chắc tôi cũng là một người nói hơi “khó nghe”. Nhưng tôi hiểu các anh các chị đã vui lòng lắng nghe những ý kiến ấy, có thể nó chưa thật sự bám sát với thực tế cuộc sống, nhất là trong tình hình Tagalau mỗi năm chỉ có một tuyển tập. Nhưng những lời phản biện ấy cũng mong giúp cho Tagalau ngày càng tốt hơn, có chỗ đứng trong văn đàn các dân tộc anh em nói riêng và có tiếng nói chung trong văn học Việt. Và để được như vậy thì nâng cao chất lượng, nội dung các bài viết là việc cần thiết, tôi cảm thấy không vừa lòng với nhiều bạn comment ở trên khi sợ phê bình và vừa lòng với cái hiện có.
    Là một người yêu văn học Chăm, đang tìm hiểu sâu về vắn hoá Chăm có vài lời mạo muội như thr61, chúc Tagalau 11 sắp tới thành công hơn.

  7. Ban Tran Thanh Son noi chi phai. Khong co gi e ngai ca. Y kien cua anh cung het nhu cua Phutra Noroya, nhung anh Son con luu y den chat luong that su cua bai viet. Chu khong co viet chieu long doc gia. Toi hoan toan dong y voi anh.
    QT

  8. Phú Xã
    Cảm nhận Tagalau
    (nhân nhận được Tagalau 10)

    Tôi đã đọc bao nhiêu tuyển tập Tagalau. Đến nay Tagalau 10 ra đời. Mười tuyển tập đi qua với biết bao sự thăng trầm của nó, bao vật đổi sao dời, nhưng Tagalau vẫn sống, vẫn tồn tại. Có ai biết bao điều ẩn khuất mà có lẽ chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết.
    Xin cảm ơn nhà thơ Inrasara (Phú Trạm). Tôi là một người đồng môn, đồng hương palei Cakleng, cùng tắm sông Lu thời niên thiếu; tôi là độc giả, một người Chăm đã nuối ước mơ có một cái gì đó để đóng góp phần nhỏ bé của mình cho Tagalau. Nhưng lực bất tòng tâm. Xin nói lên một điều cảm nghĩ chân thành và xin gởi một bài thơ thay lời tâm sự với Tagalau.

  9. Bài thơ Phú Xã gởi cho Tagalau khá đặc sắc. BBT sẽ chọn đăng ở Tagalau 11. Xin cám ơn tác giả.
    Thân mến
    SARA.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *