TAGALAU – 7 năm nhọc nhằn và kiêu hãnh

Inrasara đối thoại xung quanh dư luận về Tagalau

* Mục đích và tôn chỉ – Cách thức làm việc – Tagalau giới thiệu nét đẹp văn hóa Chăm – Các vấn đề xã hội nổi cộm – Khuôn mặt văn nghệ mới – Vấn đề tiền nong và phát hành – Tagalau không để tranh cãi – Niềm kiêu hãnh Tagalau – Vấn đề chuyển giao thế hệ Tagalau –

Vừa qua, nhân dịp về thăm quê, ghé thăm thi sĩ Huyền Hoa – cộng tác viên nhiệt tình của Tagalau –, chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn. Không biết anh nhận thông tin từ đâu, ý kiến anh đa phần xoay quanh sự tồn tại của Tagalau. – Liệu Tagalau có vượt qua con số 8 định mệnh, như Nội san Panrang đã gặp phải? Tôi nói: Chắc chắn phải đến con số 9! Sau đó anh chuyển sang vài dư luận nữa…
Vậy, tại sao là số 9 mà không là một con số khác? Sau đây là dư luận quanh Tagalau mà tôi nhận được; và với tư cách chủ biên, và dĩ nhiên, tôi cũng có lời đáp tương ứng.

1. Nhà thơ có thể lần nữa cho người đọc biết mục đích và tôn chỉ Tagalau? Xin được cụ thể hơn Lời mở trong Tagalau1.
Inrasara: Có 2 điểm chú ý:
Thứ nhất: Về tên gọi, Tagalau là cây bằng lăng, mọc nhiều ở miền núi Ninh Thuận và Bình Thuận. Chúng tôi chọn tên này bởi nó mang biểu trưng cho tính dân dã, sức chịu đựng, sự khiêm tốn, và nhất là tinh thần cống hiến: nỗ lực nở hoa dù phải mọc trên mảnh đất nghèo cằn. Tagalau là Tuyển tập chứ không phải là tạp chí, nên nó không ra định kì, mà chỉ được xuất bản khi tập hợp đủ bài vở. Số đầu tiên ra mắt vào Katê 2000.

Thứ hai: Tuyển tập gồm: sáng tác cả tiếng Việt lẫn tiếng Cham (thơ văn, nhạc, họa), sưu tầm vốn cổ, và nghiên cứu-nhận định các vấn đề văn hóa-xã hội hiện đại. Tagalau ra đời với 3 mục đích khiêm tốn:
– Giúp Chăm phần nào hiểu được văn hóa ngôn ngữ dân tộc mình, giới thiệu các nét đặc trưng văn hóa Chăm đến với các dân tộc anh em, từ đó các dân tộc hiểu và thông cảm nhau hơn.
– Tạo diễn đàn cho người viết Chăm có đất để in sáng tác còn khiêm tốn của mình.
– Người Chăm ở vùng sâu vùng xa hay Chăm hải ngoại nhận được các thông tin về sinh hoạt văn hóa xã hội của dân tộc mình.
Dự định Tagalau ra mỗi năm xuất bản từ 1-2 số, 1000 bản/kì, giới hạn 200-250 trang in.

2. Còn cách thức làm việc của Tagalau: việc thu gom bài vở, cộng tác viên, chủ biên, xin giấy phép,… nghĩa là mọi chuyện bếp núc mà một đặc san phải trải qua, độc giả hiểu rằng Ban nội dung gặp khó khăn không ít? Nhà thơ giải quyết nó bằng cách nào?
Inrasara: Tagalau ra đời được là do nỗ lực của một số anh em trí thức Chăm: Inrasara, Nguyễn Văn Tỷ, Thành Phú Bá, Lâm gia Tiến, Hứa Phăng, Phutra Noroya, Văn Món,…, từ nhu cầu thực tế của bà con. Hai số Tagalau đầu không ghi chủ biên, Hội Văn học-nghệ thuật các DTTS Việt Nam là cơ quan chủ trì, tất cả các người đóng góp bài vở là đồng tác giả. Sau Tagalau2, Hội không cấp giấy phép nữa, nên buộc nhà thơ Inrasara trách nhiệm chủ biên, Nhà xuất bản mới cấp giấy phép in. Đây là nguyên tắc xuất bản ở Việt Nam. Vì nhiều lí do, Tagalau3 ra trễ 1 năm.
Cộng tác viên chủ yếu là các tay viết Chăm ở tất cả khu vực, nhưng phần nhiều là ở Ninh Thuận. Để nâng cao chất lượng tuyển tập, mỗi số Tagalau đều có bài vở đóng góp của nhà văn, nhà nghiên cứu các dân tộc có uy tín trong nước (Inrasara trực tiếp mời, và các vị đều vui lòng nhận lời). Tuy vậy, vì đây là tuyển tập của một dân tộc mang tính chất địa phương, nên Tagalau vẫn dành một số trang ưu tiên cho cây bút mới dù nó chưa là các sáng tác thật sự giá trị.
Bài vở gởi về địa chỉ Tagalau, Inrasara đọc và biên tập một lần, đánh máy rồi gởi trở lại cho tác giả và Ban biên tập (không chính thức) đọc và sửa. Khi có đủ bài, chúng tôi mới đóng tập gởi tới Nhà xuất bản duyệt in. Mỗi tác giả chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình. Chủ biên ít khi “biên tập”, nếu có thì cũng phải được tác giả đồng thuận.

3. Nội dung: Nhà thơ có thể phác họa khái quát nội dung của Tagalau. Sau 7 kì nhìn lại, nhà thơ đánh giá cái được và chưa được của Tagalau như thế nào? Chúng có theo đúng mục tiêu ban đầu đề ra không?
Inrasara: Không giả vờ khiêm tốn đâu, dù là những bước chập chững, nhưng Tagalau được dư luận trong và ngoài Chăm đánh giá rất cao. Tại Trại sáng tác Đại Lải do Bộ VHTT tổ chức vào cuối năm 2005, Tagalau giành được sự cảm phục từ hầu hết nhà văn thuộc nhiều dân tộc khác nhau: sự ra đời và trụ vững của Tuyển tập là điều lạ, họ không ngờ trí thức Chăm đã làm được một việc [dù chưa là gì cả nhưng] mang nhiều ý nghĩa. Nhìn cách tổng thể, Tagalau đã theo sát mục tiêu đề ra ban đầu. Tagalau dành nửa phần cho sáng tác, nửa cho nghiên cứu – sưu tầm.
– Sáng tác: đây là khu vực ưu tiên. Trong đó 4/5 là các sáng tác bằng tiếng phổ thông, bởi đại đa số người đọc Tagalau đều tiếp nhận Tagalau qua tiếng Việt. Chúng tôi nói: ưu tiên cho sáng tác, bởi chỉ có sáng tác mới giúp được ngôn ngữ sống và phát triển.
– Sưu tầm: điểm nổi bật là mỗi số, Tagalau cố gắng giới thiệu tới người đọc một Ariya Chăm, hay chùm Ca dao: nguyên tác và bản Việt ngữ, bên cạnh là một bài nhận định.
– Nghiên cứu: một, hai bài về văn chương hay xã hội Cham. Từ Tagalau4, BBT có mở diễn đàn về các vấn đề xã hội Cham. Ngoài ra, Tagalau còn thêm mục: 100 từ Việt – Cham thông dụng mỗi kì.
– Thông tin: Tagalau2 có đưa khá nhiều thông tin về văn hóa-kinh tế-xã hội Cham, nhưng bởi BBT không có phóng viên chuyên nghiệp nên việc đưa thông tin không đầy đủ dễ gây hiểu lầm, do đó số 3 tạm đình lại, dù mọi người đều thấy nó rất cần thiết. Lưu ý: vì là Tuyển tập, nên Tagalau bao gồm cả một số bài đã đăng hay in ở sách báo khác.

4. Các thành tựu về giới thiệu văn hóa Chăm đến với người đọc Chăm cũng như ngoài Chăm, nhà thơ tự đánh giá như thế nào?
Inrasara: Các nét tiêu biểu của văn hóa dân tộc, cả truyền thống lẫn hiện đại, đều được giới thiệu. Xin lướt qua các đề mục và bài chính:
– Văn học viết và sáng tác dân gian Chăm: Tagalau đã giới thiệu được nguyên tác và bản Việt ngữ các tác phẩm: Ariya Bini-Cam, Ariya Xah Pakei, Ariya Nau Ikak, Ariya Muk Thruh Palei, Panwơc pađit, Panwơc yaw,…với các bài viết: “Để hiểu văn chương Chăm” (Inrasara), “Bài học đầu tiên – cảm nhận về Muk Thruh Palei” (Guga),…
– Triết học và tư tưởng Chăm: Guga đóng góp 2 bài sáng giá: “Nhập môn triết học Chăm”, “Dấu ấn thiền và sự khải ngộ trong thi ca Chăm”.
– Ngôn ngữ: ngoài mỗi kì Tagalau có 100 từ vựng đối chiếu Việt-Chăm, Inrasara còn có bài viết quan trọng, đặt ra vấn đề nóng hôm nay: “Làm thế nào nói tiếng Chăm?”
– Giáo dục, hoạt động của Ban biên soạn sách chữ Chăm: Nhà giáo Nguyễn Văn Tỷ có 2 bài: “Quá trình hoạt động của Bab biên soạn sách chữ Chăm” và nhất là bài nghiên cứu: “Giáo dục – đào tạo và sự phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội vùng dân tộc Chăm”.
– Đoàn Văn nghệ Chăm tại Ninh Thuận và Bình Thuận cũng được giới thiệu.
– Các lễ hội dân gian và sinh hoạt Chăm nói chung Chăm: gồm nhiều bài viết: về Katê, Ramưwan, Truyền thuyết về Ppo Nai, Kut, địa danh liên quan đến Chăm…của Sakaya, Đàng Năng Hòa, Sử Văn Ngọc, Não Cùi, Đạo Văn Chi,…
– Sinh hoạt xã hội và vấn đề kinh tế xã hội của Chăm hôm nay có: Chăm Panduranga ở Tp.Hồ Chí Minh (Inrasara), nhất là bài viết “Thực trạng xã hội Chăm – Một số giải pháp chính” của Nguyễn Văn Tỷ, đã tạo dư luận nhiều chiều.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu ngoài Chăm cũng đã đóng góp nhiều bài giá trị: Phan Đăng Nhật, Bùi Khánh Thế, Linh Nga Niê kdam,…

5. Có vài đề rất nổi cộm là những cách điệu về múa cổ truyền Chăm, hay việc nêu thói tật của Chăm, cả hai đều được Tagalau góp lời bàn luận. Nhà thơ cho biết suy nghĩ của nhà thơ với tư cách chủ biên đồng thời với tư cách một nhà nghiên cứu?
Inrasara: Đúng, đây có lẽ là câu hỏi làm phân hóa suy nghĩ của Chăm nhiều hơn cả.
– Về Múa Chăm: có 4 bài viết liên quan đến vấn đề này. Bút kí “Mĩ Sơn đường về” của Trà Vigia đăng ở Tagalau2, suýt nữa khiến cho Tagalau đình bản, vì nêu lên câu chuyện có liên quan đến vài cá nhân và tổ chức. Cũng ở Tagalau2, Văn Món với “Đôi điều trăn trở về nghệ thuật múa Chăm trên sân khấu hiện nay”, đã đặt vấn đề sâu sắc và rốt ráo. Cuối cùng, tác giả Chế Vỹ Tân qua bài viết: “Những suy nghĩ tản mạn về nếp sống văn hóa Chăm”, khuấy động lại vấn đề luôn là thời sự này.
Trong Văn hóa-xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, tôi đã một lần nêu ý kiến về điệu múa này: “Múa Khát vọng của Đặng Hùng chẳng hạn, có lẽ là điệu múa bị phản ứng quyết liệt nhất. Nhưng công bằng mà xét, đó là một sáng tạo độc đáo, hay, đẹp. Không hay, đẹp là lỗi ở kẻ tài hèn trí mọn học mót ông chưa đến nơi đến chốn. Từ đó làm bậy: đưa chính con em nhà quê ăn mặc “kiểu Apsara” lên múa, và múa ngay tại làng quê Chăm”. Nhưng 4 năm sau, sự thể buộc tôi phải suy nghĩ lại: Đây đã là chuyện thường ngày ở làng Chăm trong các dịp lễ hội, văn nghệ từ chục năm qua. Thế hệ trẻ Chăm hôm nay tự nguyện dựng tiết mục, trình diễn và không phải là không yêu thích nó! Ý kiến của Nguyễn Văn Tỷ trên Tagalau7 vừa qua nhận được vài phản hồi không đồng thuận từ giới trí thức (chúng tôi sẽ trích đăng trong Tagalau8 này): Nếu nó là tác phẩm nghệ thuật, tại sao bà con Chăm ở quê không được quyền thưởng thức? Tại sao thiếu nữ Chăm không được quyền thể hiện nó trên sân khấu quê nhà?
Riêng Múa trống Baranưng, tôi đồng ý với Văn Món (Sakaya): “Thầy Mưdwơn là một chức sắc cao quý của dân tộc Chăm (…). Thế mà trên sân khấu Chăm, tác giả Múa trống Baranưng lại cho 5 thầy Mưdwơn mặc áo lễ phục, quấn khăn trắng viền đỏ, cầm trống lễ Baranưng leo trèo trên đầu, mình, kẹp cổ nhau đu quay vòng như biểu diễn trò xiếc hiện đại. Như thế là vi phạm thuần phong mỹ tục, làm ô danh màu áo trắng của các tu sĩ Chăm và như vậy dĩ nhiên đã và đang xúc phạm đến vị tu sĩ Chăm và thần thánh, tổ tiên người Chăm.”

– Về việc nêu tật xấu của dân tộc bởi chính người đồng tộc. Đây là điều bình thường của mọi quốc gia: tỉnh táo nhìn lại mình, lật trái mình, cười mình (tự trào). Để sửa sai, hạn chế hay khắc phục thói hư tật xấu của cộng đồng. Chứ có ai “cưỡi ngựa đến” dạy mình sửa sai mình?! Dẫu biết vậy, nhưng đau cứ đau. Lại là tâm lí chung của nhân loại. Và dĩ nhiên: phản ứng hoặc thậm chí: phẫn nộ, là chuyện không thể tránh. Tàu, Tây, Kinh hay … Chăm cũng vậy. Vương Trí Nhàn vừa ra: “Một quyển sách cảnh tỉnh về thói hư tật xấu của người Việt” tập hợp từ nhiều trích đoạn nhận xét của tên tuổi lớn, uy tín về văn hóa Việt trước đó: Ngô Đức Kế, Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố, Đào Duy Anh, Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Hạo…Trung Quốc không thiếu tác phẩm loại này, trong đó nổi bật và gây phân hóa dư luận hơn cả là: Người Trung quốc xấu xí của Bá Dương.
Bài viết của Nguyễn Văn Tỷ, chịu dư luận hai chiều không là chuyện lạ. Lạ chăng là có vài tư tưởng quá khích với tư duy hạn hẹp cáo giác tác giả “chống dân tộc”! May, Tagalau5 cũng đã dàn hòa được hai luồng dư luận này, qua đối thoại sòng phẳng.

6. Nhưng dù sao đi nữa, sống là hướng đến tương lai, cả nghiên cứu lẫn sáng tạo, cả suy nghĩ lẫn hành động; nhiệm vụ hàng đầu của một tạp chí là tạo điều kiện cho thế hệ đi tới tiếp nhận truyền thống quá khứ để tạo lập tương lai. Vậy xin hỏi Tagalau đã phần nào làm được phận sự trên chưa? Hay cụ thể hơn: nó có giới thiệu được khuôn mặt mới nào không?
Inrasara: Được và chưa được.
Vài trăm bài thơ cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt, vài chục truyện ngắn, nghiên cứu-phê bình,…với một chương tiểu thuyết bằng tiếng mẹ đẻ của Phutra Noroya nữa! Không kể vài người đã được giới nghiên cứu biết đến như Văn Món-Sakaya chẳng hạn, khuôn mặt mới xuất hiện qua Tagalau như: Nguyễn Văn Tỷ, Trà Vigia, Jalau Anưk, Quang Cẩn, Thông Minh Diễm, Trầm Ngọc Lan, Đàng Năng Hòa, Jaya Hamu Tanran, Kay Amưh, Huy Tuấn, Sonputra, M’Halan, Chế Quốc Minh, Hồng Loan, Đổng Xuân Vinh, Đồng chuông tử, Lộ Trung Thiện, Phú Mân, Lưu Quang Bông, Quảng Đại Anh, Kahat, Hữu Thỉnh, Quỳnh Chi, Cahia Mưlơng, Đạy Chữ, Quảng Ngũ, Quảng Đại Hội, Racham, Thạch Giáng Hạ, Đạo Văn Chi, Báo Thị Thu Trâm, Minh Trí, Đặng Tịnh, Quảng Đại Anh, Bá Minh Trí,…
Hỏi có mấy ai sau đó khẳng định tên tuổi mình trên văn đàn cả nước? Câu trả lời thành thật nhất: rất ít! Ngoài Nguyễn văn Tỷ – qua sự nhiệt tình với cách đặt vấn đề quyết liệt về các điểm nóng của xã hội – ngày càng có uy tín trong cộng đồng, chúng ta có thêm Trà Vigia ngày càng tỏ ra xuất sắc trong truyện ngắn, dù sáng tác của anh còn xuất hiện quá thưa thớt trên báo chí. Jaya Hamu Tanran có nhiều hứng khởi trong các bài thơ tiếng Chăm hơn. Jalau Anưk hay Bá Minh Trí,… nữa! Nhưng lực sáng tạo của 2 bạn trẻ này vẫn chưa mạnh.
Đành hi vọng vậy thôi.

7. Vấn đề tiền nong và phát hành: Xin nhà thơ cho biết vấn đề tiền nong và việc phát hành Tagalau. Trong thời buổi văn chương chữ nghĩa ế ẩm này, xin hỏi Tagalau có thể vượt qua khó khăn để tồn tại không? Nhà thơ có nghĩ ra cách để khắc phục nó?
Inrasara: Tagalau không/chưa nhận tiền từ bất kì Cơ quan, tổ chức nào. May! cộng tác viên đã không đòi hỏi nhuận bút. Tagalau chỉ trả nhuận bút bằng sách và số tiền lấy lệ cho một ít vị có tuổi gặp khó khăn, như một món quà khích lệ trong dịp lễ dân tộc.
Để Tagalau1 ra đời, một vài trí thức Chăm, bạn bè [người Kinh] của tôi, và cả gia đình tôi nữa góp vào được một nửa số chi phí cần thiết. Tagalau2, cá nhân tôi bỏ tiền ra tất. Rồi bà con tự nguyện cho và mua giá ủng hộ Tagalau3. Sau đó, mỗi Tagalau cá nhân tôi bù lỗ từ 7-8triệu đồng (chúng tôi đều có bản quyết toán gửi đến các cộng tác viên Tagalau). Mãi đến Tagalau7, nhờ bạn thơ trẻ Chế Mỹ Lan ra tay giúp, Tuyển tập mới được xuất lò nhà in.
Phát hành Tagalau là điều khó khăn, bởi thiếu chuyên trách. Người Chăm sinh sống ở nhiều vùng khác nhau, cũng là một trở ngại nhất định. Dẫu sao đi nữa, Tagalau vẫn tìm cách đến với bà con Chăm tại các palei hẻo lánh nhất, dù chỉ bằng phương thức biếu tặng. Hỏi như vậy Tagalau sẽ sống thọ không? Tôi nói: có!
Cá nhân Sara có thu nhập rất thấp, chưa tới hai triệu đồng/tháng. Nên chỉ dành dụm bỏ vào heo đất. Hệt em học sinh tiểu học vậy! May, khi gặp hạn, Tagalau vẫn bất ngờ nhận được bàn tay thò ra tưới cho gàu nước! Gàu nước, có khi rất bé, cũng đủ! Như anh bạn ở Rơm (giấu tên), Ramưwan năm ngoái đã biếu 200.000đ, cũng là một cách tưới.
Đặc biệt, một chuyện bất ngờ. Katê vừa qua, đang ngoài sân xem bóng đá nhà quê, một bác nông dân xa lạ tuổi thất thập, đến trước Sara. Dáng vẻ e ngại, bác nói: nói cháu đừng cười chú nhé! Chú có giấu thím một ít để sắm karah mưta dành cho đường theo ông bà, nghe cháu làm Tagalau, chú xin góp tay vài đồng mọn, mong cháu đừng từ chối. Giọng bác thành khẩn, bác đếm cho tôi đủ 220.000đ. Thật lòng, chưa bao giờ tôi xúc động như thế suốt cuộc đời bọt bèo trên thế gian nhiều oan trái này: vẫn còn đó tình người vụt hiện và làm cháy lên nắng ấm giữa đêm đông.
Tôi nghĩ: chính ánh mắt của bác nhà quê kia đã nâng đỡ tài hèn sức mọn của anh em Tagalau và, làm cho cây Tagalau quê hương mãi sống.

8. Về đối thoại và Inrasara: Đã có bài viết phê bình một tác giả trong Tagalau, xin hỏi Tagalau có chủ trương đối thoại? Riêng cá nhân nhà thơ, liên tục được dành bao nhiêu lời phê phán vừa sai vừa bất công, xuyên tạc ngay nhân thân nhà thơ, nhà thơ không nghĩ mình sẽ trao đổi ư? Nhà thơ vẫn có quyền phản bác tự vệ, đăng lên Tagalau để rộng đường dư luận chứ, mình là chủ biên mà?!
Inrasara: Bởi tôi là chủ biên Tagalau, nên cũng cần thông tin sơ bộ về mình. Inrasara là một nhà văn độc lập, không nằm trong biên chế Nhà nước cũng không làm cho tổ chức tư nhân nào. Ủy viên Hội đồng Văn học Dân tộc trong Hội Nhà văn Việt Nam hay Ủy viên Ban thơ của Hội VHNT các DTTS, chỉ là danh nghĩa. Nó không phải là chức vụ ăn lương.
Một bài viết đăng trên Tagalau tạo được dư luận như của tác giả Nguyễn Văn Tỷ là điều đáng quý. Đáng quý hơn nữa là các dư luận đó. Về câu hỏi này, tôi xin trả lời dứt khoát một lần cho trót, và mong rằng sẽ không bao giờ trở lại với nó nữa. Nhớ rằng: Tagalau là Tuyển tập (hay đặc san), cách khoảng thời gian mỗi số khá xa, nên để tạo diễn đàn đúng nghĩa là điều bất khả. Do đó, nó không chủ trường “đối thoại” hiểu theo nghĩa tranh cãi: bởi một khi bắt đầu, thì vấn đề đã nguội rồi! Có vài lí do tôi từ chối “trao đổi”:
– Tagalau là sân chơi chung chứ không phải của chủ biên hay vài cá nhân nào, dù cá nhân đó đóng góp công sức cho Tagalau bao nhiêu chăng nữa.
– Thường thì khi không làm gì ra hồn người ta ưa phê phán kẻ khác, vạch lá tìm sâu hay gì gì nữa. Để tỏ ra ta đây cũng hiểu biết như ai.
– Riêng cá nhân Inrasara, với các phê bình thiện chí, tôi vận dụng ngay châm ngôn của Gide: “Hãy tin tưởng rằng lời khen tặng làm ta yên nghỉ…Cứ để tác phẩm bạn tự bảo vệ và hãy bỏ qua không đếm xỉa tới”.
– Về các bài viết bạn muốn nói đến, tôi thấy chúng còn ở một tầm khá thấp, trao đổi qua lại chẳng những mất công mà còn nguy cơ kéo dài đến vô cùng. Hành trình của Tagalau còn xa và dài. Hi vọng chúng ta không phải phí phạm thời gian quá ít ỏi của đời người vào các tranh cãi vụn vặt, vô ích.
Hãy làm đi, nếu anh/chị có khả năng. Vậy thôi. Chấm hết!
Tôi đã nói rồi: Thế hệ trẻ Chăm cần tôi luyện tầm nhìn vượt trên hàng rào “Chăm mình”, để thấy thế giới rộng lớn hơn ở ngoài kia. Đọ sức với số đông xa lạ. Chỉ có thế, chúng ta mới lớn.

9. Có một câu hỏi/trả lời nhà thơ vừa được đăng báo liên quan đến cá nhận nhà thơ, tôi muốn nhắc lại ở đây: “Pv: Anh trả lời rất nhiều bài phỏng vấn, điều gì anh muốn trả lời mà người ta lại không hỏi? Inrasara: Đây là câu hỏi độc đáo, câu hỏi cho câu hỏi. Nhưng nó chỉ có thể hỏi và trả lời duy chỉ một lần. Lạ nữa là hỏi về sự thể không bao giờ xảy ra! Tôi rất thèm được hỏi: “Nếu không là Chăm, Sara sẽ như thế nào”? – Chắc chắn tôi giải thoát khỏi mọi vướng bận sưu tầm-dịch thuật phần lớn văn bản văn học cổ điển Chăm mà tôi thật sự không yêu thích nhưng phải làm cho “trọn bộ” (rất mất thời gian, công sức); phải gánh trách nhiệm lớn/bé với cộng đồng, quá nhiêu khê và hạn chế tự do và khả năng tôi. Tôi như thể con ma thường trực bị ma sát giữa ước mơ và hiện thực. Trong lúc tôi luôn mơ mộng trở thành: thi sĩ hay triết gia thuần túy! Khi đó, chắc tôi sẽ vùng vẫy ghê gớm lắm, ảo tưởng vậy!” Nhà thơ đã trả lời nguyên văn như thế, riêng với bạn đọc Tagalau, nhà thơ có gì để nói thêm không?
Inrasara: Không thêm gì đâu, tôi vẫn là Chăm và, vẫn cứ trách nhiệm. Kiêu hãnh nữa! Tôi đã tìm thấy sự vui thích với gồng gánh lỉnh kỉnh đó. Tôi mong các bạn trẻ cũng có được sự vui thích như tôi từng có.

Con không thể chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay cháu đích tôn quốc vương Brunei
con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mỹ quốc
con là Chăm ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc
(còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)
khi con cắm rễ nơi đây
hay khi con lang bạt tận cùng trời
con cứ là Chăm cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời
.
(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư)

10. Nghe phong phanh nhà thơ sắp chuyển giao Tagalau cho thế hệ trẻ, xin hỏi vụ này có xuất phát từ các phê phán bất công nhắm vào nhà thơ không? Nhà thơ không chịu nổi sức ép? Nếu có sự chuyển giao thì bao giờ? và ai có khả năng giữ trọng trách này? Và nếu vậy, Tagalau có thay đổi tôn chỉ, mục đích không?
Inrasara: Sức ép ư? Làm thơ từ 15 tuổi, mãi tứ thập tôi mới in tập thơ đầu tay mà. Điều đó đủ thấy rằng tôi đã chiến đấu để vượt qua nỗi khao khát được nổi tiếng của tuổi trẻ thế nào! Nên có thể nói, đến lúc này tôi thừa tỉnh táo để không cho phép gánh nặng các giải thưởng hay danh vị hão như: “thiên tài”, “hiện tượng” và gì gì khác nữa đè lên mình. Với lời khen tặng đã thế, với tiếng chê cũng vậy. Không vấn đề gì cả đâu.
Nếu chuyển giao được sau 10 số thì tốt, nhưng tôi không thích con số tròn, số 9 hay hơn. Và, ai sẽ nhận lãnh gánh vác Tagalau? Tôi đã đánh tiếng hơn năm nay rồi, vẫn chưa có động tĩnh gì. Đó là chuyện đáng lo hơn cả.
Mỗi thế hệ đối mặt với vấn đề mới, riêng; và Tagalau sau sinh nhật lần thứ 10, đã đủ lớn khôn, nên chủ biên và BBT ngày mai sẽ có chương trình và mục đích mới, khác, thích ứng với đòi hỏi của bối cảnh xã hội mới. Và cũng cần phải tin tưởng vào thế hệ trẻ Chăm tương lai. Dĩ nhiên Tagalau sẽ không đi chệch mục đích ban đầu: tạo sân chơi cho các thế hệ và làm cầu nối vòng tay bè bạn bốn phương, giới thiệu sâu hơn văn hóa dân tộc đồng thời khám phá nhiều khuôn mặt mới của văn chương Chăm cho văn học Việt Nam tương lai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *