Chủ đề: Thơ tân hình thức Việt, nhìn từ tiến trình văn học đương đại Việt Nam
Diễn giả: Nhà thơ Inrasara
Chủ trì: TSVH Nguyễn Thị Từ Huy
*
CÀ PHÊ THỨ BẢY – THƯ MỜI: CÀ PHÊ VĂN HỌC
Các anh chị và các bạn thân mến.
Vào 9h sáng thứ Bảy,28-9-2013, tại SALON VĂN HÓA CÀ PHÊ THỨ BẢY, lầu 1, Trung Nguyên Coffee, 19B Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, sẽ diễn ra buổi CÀ PHÊ VĂN HỌC.
Chủ đề: Thơ tân hình thức Việt, nhìn từ tiến trình văn học đương đại Việt Nam.
Diễn giả: Nhà thơ Inrasara – Chủ trì: TSVH Nguyễn Thị Từ Huy
Rất mong anh chị và các bạn đến tham dự.
Hân hạnh được đón tiếp.
GĐ CPTB – Dương Thụ
________________________________________________________________
TIỂU SỬ DIỄN GIẢ
Inrasara sinh 1957 tại làng Chăm Chakleng. Học Trường Trung học Pô-Klong – Ninh Thuận. Vào Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nửa chừng – bỏ học. Làm việc ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận, sau đó là Trung tâm Nghiên cứu VN-ĐNÁ, Đại học KHXH và NV – TP Hồ Chí Minh. Từ 1998, sống và viết tự do tại Sài Gòn.
Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT các DTTS Việt Nam.
Tác phẩm chính:
Nghiên cứu: Văn học Chăm, khái luận – văn tuyển (3 tập),Văn hóa – Xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, Từ điển Chăm – Việt, Việt – Chăm (soạn chung). Thơ: Tháp nắng,Lễ Tẩy trần tháng Tư, The Purification Festival in April. Tiểu thuyết: Chân dung Cát, Hàng mã kí ức. Lí luận – phê bình: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, Song thoại với cái mới, Thơ như là con đường.
Chủ biên đặc san Tagalau, sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm (12 tập, 2000-10).
Giải thưởng chính: CHCPI – Sorbonne, Pháp (1995), Hội Nhà văn Việt Nam (1997 & 2003), Hội VHNT các DTTS Việt Nam (1998, 2003 & 2006), Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (2005), Giải thưởng Sách Việt Nam (2006), Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (2006); Giải thưởng Phân Châu Trinh (lĩnh vực nghiên cứu, 2009).
Nhân vật Văn hóa năm 2005 (VTV3).
NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH
1. Lịch sử xuất hiện của thơ tân hình thức Việt;
2. Vấn đề tiếp nhận và sáng tác tại Việt Nam;
3. Nhìn từ tiến trình văn học đương đại Việt Nam, có ý nghĩa gì;
4. Những thành tựu và hạn chế bước đầu.
LỜI DẪN
Thơ tân hình thức (new formalism poetry) xuất hiện tại Mỹ vào giữa thập niên 1980, thành tựu vào giữa thập niên 1990, như là cách để làm mới lại tính cổ điển trong thơ, nhằm kéo thơ đương đại lại gần với độc giả hiện thời hơn.
Ngay cuối thập niên 1990, qua tạp chí Thơ tại Mỹ, các nhà thơ Việt (đến nay có khoảng 150 người) đã “nghinh đón” phong trào này một cách nhanh chóng, nhiệt thành. Và từ năm 2000 đến nay đã có khoảng 15 tập thơ tân hình thức Việt (và cả song ngữ Việt-Anh) và lý thuyết được xuất bản trên khắp thế giới.
Đầu năm 2010, Thơ kể (Poetry Narrates, NXB Lao động, 2010) ấn hành là tuyển thơ tân hình thức Việt đầu tiên được xuất bản chính quy tại Việt Nam. Sách in song ngữ Anh – Việt, dày 280 trang, gồm 22 tác giả, trong đó những người gắn bó và thành công với thể loại này như Khế Iêm, Inrasara, Nguyễn Thị Khánh Minh, Đỗ Vinh, Đỗ Quyên, Phan Tấn Hải, Đoàn Minh Hải, Trầm Phục Khắc, Thiền Đăng, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Tất Độ, Bỉm…
Tháng 11-2011, tập nghiên cứu – phê bình Vũ điệu không vần – Tứ khúc và những tiểu luận khác (về thơ tân hình thức) được NXB Văn Học, 10-2011
Và giữa tháng 11-2013, tạp chí Sông Hương (Huế) chính thức tổ chức hội thảo lớn về thơ Tân hình thức Việt Nam, với khoảng 50 tham luận khen chê của VN và Mỹ. Hội thảo có tên: Thơ Tân hình thức Việt, tiếp nhận và sáng tạo. Hội thảo cũng sẽ đề cập về: nguồn gốc thể loại, kỹ thuật viết, đóng góp vào lịch sử văn học; và những hạn chế của nó.
Đầu năm 2014, tạp chí Sông Hương (Huế) sẽ tổ chức cuộc thi thơ tân hình thức dành cho người Việt khắp thế giới.
Ví dụ một bài thơ tân hình thức:
Cái khôn thừa
Mặt đất có lắm người khôn tôi gặp
thuở con nít thời trai trẻ, gặp nhiều
hơn khi lớn, họ khôn nhiều rất nhiều.
Cái khôn như không thể đếm nhưng vẫn
có thể như bọn trẻ đếm viên bi,
nhiều muốn tràn khỏi túi đã ních chật
phồng căng tiền, người tình, chiếc xe hơi,
bài thơ, sự nghiệp rách. Khôn giành hết
về phần mình để làm gì không hiểu.
Tôi thấy họ giấu kĩ, đôi lúc cũng
xòe ra sẵn sàng đối phó hay ra
tay với ai không biết. Thỉnh thoảng tôi
cũng thèm khôn như họ, khôn để viết
lách hay bon chen nhưng khi ngồi trước
giấy trắng tôi quên khôn. Ồ khôn nhiều
mà làm gì, ôi cuộc đời để làm
gì chứ họ?
(Thơ tân hình thức của Inrasara)